TRUYỆN CHIẾC ÁO DÀI CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM
HỒI MỘT
TRẬN THỦY
CHIẾN – CHIẾC ÁO CHÓT VÓT TRÊN ĐỈNH SÓNG TRÙNG DƯƠNG
Một đàn cá mập đông vô kể đã xâm nhập hải phận Việt Nam rồi
tự ý chiếm cứ nhiều năm ròng. Và cũng suốt thời gian chiếm đóng đó đội thủy
binh của hải phận Việt Nam, gọi là đội thủy
binh Nam Hải, gồm đủ mặt cá voi, cá thu, cái đuối, cá song, cá trích, hải
trư… luôn luôn khuấy động không để lũ cá mập một phút nào ngơi. Sau cùng nhờ sự
phù trì của chư vị sơn thần, hải thần, đoàn thủy binh đã gần như quét sách được
lũ cá mập ra khỏi hải phận. Nhưng ai nấy chưa kịp ăn mừng thì lũ cá mập bỗng ùn
ùn kéo lại hung hãn không kể sao cho xiết được, tựa như chúng biết rằng nếu lần
này không tái chiếm hải phận Việt Nam thì muôn vạn kiếp về sau đừng hòng tái
chiếm được nữa. Các thần nhân cũng linh cảm thấy cuộc sống mái cuối cùng này sẽ
muôn phần khốc liệt. Sơn Tinh bèn đặt thiếp mời Thủy tinh tới đỉnh Tản Viên họp
gấp. Tuy hai vị thần nhân này xưa kia có mối hiềm khích hôn nhân về công chúa Mỵ
Nương, nhưng với thời gian nỗi thất tình của Thủy Tinh cũng nguôi nguôi dần. Và
từ khi người dân Việt biết đào sông dẫn thủy nhập điền và đắp đê ngăn nước lũ,
thì Thủy Tinh càng cảm thấy việc hàng năm dân nước báo thù Sơn Tinh làm hại lây
dân chúng là một việc lỗi thời. Chẳng bao lâu hai vị trở lại giao thiệp lịch sự
với nhau như cũ. “Chăn voi ăn mày voi”, các vị bảo với nhau vậy, “trông nom phù
trì non sông Việt Nam để ăn lộc Việt Nam.”
Trở lại truyện Sơn Tinh thấy đoàn cá mập quyết sống mái một
lần cuối cùng với đoàn thủy binh tại hải phận Việt Nam bèn lập tức đặt thiếp mời
Thủy Tinh tới sơn thất tại đỉnh Tản Viên để cùng bàn kế hoạch âm phù dương trợ
trong việc bài binh bố trận. Hai vị bàn với nhau khá lâu, đồng ý về mọi điểm.
Trong khi đó ngoài khơi Nam Hải sóng đã cuồn cuộn nổi lên chập chùng nối liền với
đại dương. Đoàn cá mập cơ nào đội ấy, con nào con nấy máu hùng hổ dồn lên mặt đỏ
bừng bừng, chúng chỉ còn chờ hiệu lệnh là lăn xả vào để ăn tươi nuốt sống đối
phương. Đối diện với đoàn cá mập, đoàn thủy binh Nam Hải cũng cơ nào đội ấy,
nhưng trầm tĩnh hơn, và cũng biết trước chuyến này sẽ phải hy sinh nhiều, ai nấy
cắn chặt hàm răng, đôi mắt gờm gờm, tinh thần chấp nhận.
Thủy tinh đã cùng theo Sơn Tinh tới núi rồi đi gặp Bà Mẹ Việt
Nam. Sơn tinh trình với Bà rằng đặc biệt trong lần chiến đấu khốc liệt cuối
cùng này thần xin Bà một chiếc áo dài, chiếc áo của con Bà do chính Bà khâu để
làm một trung điểm hấp dẫn lực điều khiển toàn cục chiến đấu. Bà đã trao cho
Sơn Tinh chiếc áo dài the của thằng con trai. Chiếc áo bèn được Thủy Tinh mang
theo xuống biển như một thứ cờ lệnh. Chiếc Áo luôn luôn được đặt trên một ngọn
sóng cao nhất để toàn thể các cơ ngũ thủy binh tiền quân, hậu quân, trung quân,
tả quân, hữu quân, hết thẩy đều trông thấy. Chiếc Áo bỗng thành một thứ tối cao
tư lệnh. Đoàn cá mập lập tức lăn xả tới. Không một phút do dự, đoàn thủy binh
Nam Hải cũng nhất tề xong lên nghênh chiến. Sau hiệu lệnh quật đuôi táp sóng của
các tướng quân cá voi, lập tức cả Nam Hải sóng cồn lên thành núi chập chùng từ
phía hải phận rầm rộ đổ ra đại dương, chặn bước tiến của đoàn cá mập. Chiếc Áo
luôn luôn ở trên đỉnh một ngọn sóng cao nhất. Đoàn cá mập đâu chịu chùn bước,
trái lại sức sóng cồn đổ ập ra đại dương càng kích thích lòng hung hãn của
chúng, chúng cũng quật đuôi lấy đà lao tới xé sóng, và đây đó đã có những vệt
máu ùn lên nhuộm đỏ từng khoảng bọt sóng. Chiếc Áo thoạt lao đao với sóng biển.
Song nó làm quen ngay với hoàn cảnh nhờ sự phù trì của chư vị thần nhân, chẳng
bao lâu nó đã biết cách đứng cực kỳ hiên ngang trên một ngọn sóng chót vót nhất.
“Các anh em hãy theo hiệu lệnh của tôi!” Vì được tiếp nhận linh ý của chư vị
sơn thần, hải thần, Chiếc Áo đã thể nhập đúng vai trò của mình: “Hãy theo hiệu
lệnh tôi tiến, lui cho đúng phép, ngõ hầu sớm chiến thắng quân xâm lăng đem lại
thanh bình cho hải phận quê nhà!” Lời nói đó của chiếc áo chẳng hề là sáo ngữ,
trái lại lời lời như nhập vào những vết máu loang trên mặt biển mà trở thành
linh thiêng với sức truyền cảm mãnh liệt. Chiếc Áo quan sát đúng lúc đoàn cá mập
hung hăng nhất tề lao đầu vào trận tuyến bèn hô: “Anh em lui!” Tiếng các cơ ngũ
tiền tuyến cùng hô: “Anh em, lui!” Và các chiến binh cùng lui vừa lanh lẹ vừa
nhịp nhàng. Đàn cá mập húc hẫng vào quãng trống, hoang mang quẫy đuôi lùi vội lại,
thì Chiếc Áo đã hô: “Anh em, tiến!” Và các chiến sĩ lao đầu tiến lên. Đoàn cá mập
tuy bối rối nhưng cũng biết lập tức há ngoác miệng, đập mạnh đuôi lung tung để
đối phó, và máu lại ùn lên mặt biển nhuộm đỏ từng vùng rộng lớn bọt biển: máu của
cả hai bên. Chiếc Áo đã quen với vị trí chỉ huy của nó lắm rồi, nó đứng trên
sóng như rỡn, nó nhào lộn trên sóng như làm trò xiếc rất nhịp nhàng với lệnh hô
tiến, lui vô cùng chính xác. Càng về sau máu của cả hai bên càng đổ nhiều, lời hô
nhập vào các vùng máu loang thẫm càng trở thành đau đáu thiết tha, nhất là ngay
sau đó lại có tiếng hô đáp lại của ngàn vạn chiến sĩ tiền tuyến. Một tiếng hô
đơn độc, uy nghi, tha thiết vừa tung lên, lập tức được bao quanh hùng dũng đấy
mà trìu mến đấy bởi tiếng vang đền đáp của muôn vạn tâm hồn đồng tình thừa
hành. Cả vùng Nam Hải tràn ngập một âm hưởng gắn bó vừa hào hùng vừa ấm cúng
không bút nào tả xiết. Cứ chiến thuật đó kéo dài trong nhiều ngày qua, đoàn cá
mập biết mà không làm cách nào phá cho được. Đôi khi chúng cũng biết húc dứ rồi
dừng lại có ý đợi, nếu đoàn thủy binh Nam Hải mà xông lại đuổi theo thì cả hàng
răng cá mập như một vạn lý trường thành kia sẽ cho đoàn quan Nam Hải nếm một thất
bại chua cay kinh khủng. Nhưng phương thức chỉ huy của Chiếc Áo đã nhập điệu rồi,
trong trường hợp đó Chiếc Áo không hô lui cũng không hô tiến mà cất tiếng cười
vang. Và tiếng cười của Chiếc Áo cũng lập tức nhận được âm vang cộng hưởng của
không riêng gì hàng ngàn vạn chiến sĩ tại tiền tuyến mà của cả hàng triệu chiến
sĩ tại các cơ sở hậu cần. Điều này càng làm cho đoàn cá mập tức điên ruột, rồi
từ từ sự mất bình tĩnh đó chúng lại húc vào những đường mòn sơ hở. Máu không
còn ùn lên thành từng khoang lớn nữa, mà nhiều chỗ đã biến thành cả một khúc
sông máu chan hòa biết rẽ sóng trùng dương. Cuộc chiến tiếp tục ngày một ác liệt
hơn. Cuộc chiến chỉ tương đối lắng dịu chút ít về đêm.
Trong đoàn tâm lý chiến kia của thủy binh Nam Hải có một chú
hải trư thuộc nòi thi sĩ. Vào một đêm trăng, chú hải trư thi sĩ quan sát bóng
chiếc áo dài của bà mẹ Việt Nam nhảy múa thức tỉnh trên đỉnh chót vót một ngọn
sóng trùng dương, chiếc áo linh thiêng không hề chợp mắt, không hề nghỉ ngơi
chiếc áo nhất định sẽ đem lại vinh quang chiến thắng cho hải phận, không còn ai
nghi ngờ điều này nữa. Nhìn chiếc áo linh thiêng nặng lòng với nước non, thức tỉnh
trên đỉnh sóng chót vót trùng dương giữa màu trăng huyền ảo, chú hải trư cảm thấy
hồn thơ lai láng, chú lập tức sáng tác một khúc trường thi ca ngợi “chiếc áo nước non của mẹ hiền trao tặng.”
Chú biết loại tơ dệt chiếc áo đó mua tự một tỉnh kỹ nghệ lớn tại trung tâm nước
Anh Cát Lợi. Tơ đó được chính Bà Mẹ Việt Nam dệt thành tấm, rồi lại chính Bà
may thành áo. Trong bài trường thi chú bèn ca ngợi tinh thần khôn ngoan và ý thức
thấu triệt hòa đồng Đông Tây thể hiện ở ngay chiếc áo. Chú lại thêu dệt tả cả cảnh
chiếc tầu chở tơ từ Anh Cát Lợi vào kênh đào Ai Cập ra sao, tới Ấn Độ dương gặp
những trận bão nào, một trận bão cực lớn đã thổi dạt chiếc tầu chở tơ vào đảo
Tích Lan ra sao, và sau cùng tầu chở tơ cập bến thanh bình Việt Nam vào ngày
nào. Tất nhiên những trận bão tả rất linh động, cũng như ngày cập bến Việt Nam
ghi rất chính xác đều hoàn toàn do trí tưởng tượng thêu dệt của chú hải trư thi
sĩ, nhưng điều đó có hề gì. Tơ kia, tầu kia, bão kia, hải cảng kia chỉ là những
cớ để hải trư thi sĩ sử dụng mà ca ngợi chiếc áo linh thiêng, trung tâm điểm
thu hút mọi luồng linh ý của chư thần, mọi ngưỡng vọng của trăm họ thủy tộc Nam
Hải. Khúc trường thi được sáng tác trọn vẹn trong có một đêm, sáng tác đến đâu
hải trư ngâm vang đến đấy, và tất cả các loài thủy tộc ở tiền tuyến cũng như ở
hậu tuyến đều học thuộc truyền khẩu và ngâm ngay dưới ánh trăng. Chiếc Áo nghe
khúc trường thi ca ngợi tiểu sử mình ra chiều cũng hởi lòng hởi dạ lắm. Nghe
nói Hải Trư thi sĩ qua một đêm hoàn tất khúc trường thi, sớm hôm sau toàn thân
chuyển thành màu trắng như ngà, danh tính nhà thơ vì thế càng nổi lên như cồn,
mà Chiếc Áo thì kể từ đó tựa hồ như có lấp lánh ánh hào quang. Và cũng kể từ đấy
đoàn thủy binh Nam Hải vừa đánh giặc vừa ngâm thơ. Đêm đến lời thơ như biến
thành kinh cầu nguyện hòa với vùng hào quang của Chiếc Áo luôn luôn thức tỉnh
trên đỉnh chót vót một ngọn sóng trùng dương. Có thể nói cả trăm họ thủy tộc khắp
vùng Nam Hải đều thuộc nằm lòng khúc trường thi đó. Đúng ra thì các vị tướng
quân cá voi vì quá bận rộn về điều binh khiển tướng nên chỉ loáng thoáng thuộc
những đoạn hay nhất; cỡ cá thu, cá đuối trở xuống thì quả là thuộc lòng từ đầu
đến cuối, đến như các loại cá nục, cá mòi, cá trích, cá cơm thì chúng đồng ca
suốt ngày và thuộc lầu như cháo.
Kể từ ngày có thêm khúc trường thi “tham chiến”, đoàn thủy
binh Nam Hải chiến đấu dai dẳng bất chấp thời gian, kể cả toán quân khi tới
phiên được lui về hậu tuyến nghỉ ngơi dưỡng sức cũng thấy là mình đương gối đầu
đu đưa trên thời gian để trở thành bền bỉ như thời gian vậy. Và sóng tự hải phận
Việt Nam càng ùn lên ngất trời cao, ngoài sức mong đợi của đoàn thủy binh, đổ
ra trùng dương làm lao đao đoàn cá mập và hoàn toàn ngăn chặn mọi tấn công của
chúng. Cứ thế núi sóng vòi vọi, ngày đêm điệp điệp trùng trùng rầm rộ tiến lấn
ra đại dương xô lùi đàn cá mập. Đoàn thủy binh đạt tới ranh giới Hòn Hèo, một
hòn đảo cuối cùng ngoài khơi Nam Hải, còn thuộc hải phận Việt Nam. Lũ cá mập tiếp
tục lùi, một lần chúng ngập ngừng muốn tiến nhưng lại lùi ngay. Tới suốt một
đêm kia khi sóng tấn công của lũ chúng tự ngoài trùng dương đổ vào chỉ còn thảng
thốt, lời đồng ca kể tiểu sử chiếc áo dài tổng tư lệnh dưới ánh sao bỗng đượm vẻ
êm ả thanh bình. Rồi bình minh ló rạng, rồi vừng ô xua tan sương sớm. Không một
gợn sóng thù nghịch. Đàn cá mập đã bỏ cuộc. Chúng cam chịu bỏ cuộc! Biển xa nối
với trời cao.
“Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” Chiếc Áo thét lớn khẩu hiệu
toàn thắng. Tức thì hàng ngàn rồi hàng muôn, rồi hàng triệu tiếng hô đáp ứng:
“Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” “Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” “Chiến thắng
Hòn Hèo muôn năm!”
Tất nhiên sóng tự hải phận đổ ra cũng hạ dần, hạ dần… Chiếc
Áo tự một đỉnh chót vót nhất cũng từ từ xuống thấp. Lời đồng ca chan hòa với nắng
thủy tinh, với gió lồng lộng biến thành khúc khải hoàn bát ngát.
Doãn Quốc Sỹ