Khu vực Quận Cam Nam Cali là nơi tập họp nhiều hội đòan của người Việt ly hương nhất. Nếu tình cờ lật cuốn niên giám đến phần Organisation (Hội Đòan), ta sẽ thấy liệt kê một dọc các Hội Đồng Hương như: Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Quảng Nam Đà Nẵng… Điều này cũng dễ hiểu, bởi người Việt mình rất coi trọng tình làng xóm. Người dân thôn quê Việt Nam đi đâu xa cũng mong về để nhìn thấy lại cây đa, miếu thờ đầu làng của mình. Sang đến Mỹ, đâu có mấy người nghĩ đến chuyện về sống lại nơi chôn nhau cắt rún. Quê hương đành giữ ở trong tim. Cách hay nhất để nhớ về quê cũ là gặp lại những người đồng hương, để gặp nhau chia xẻ lại những kỷ niệm về chốn cũ. Hội Đồng Hương ra đời chắc cũng vì lý do này.
Người Hoa ly xứ thì thành lập những Bang Hội. Xem phim ảnh, truyện Tàu, ta thấy rằng đây là những tổ chức có thế lực ngầm mạnh ở trong xã hội Mỹ. Họ được tổ chức chặt chẽ, giúp đỡ những người từ ở Tàu mới sang lập nghiệp theo kiểu “ơn đền óan trả”. Hình ảnh mấy ông lớn của Bang Hội Tàu thường được dựng trên phim ảnh như những ông trùm đầy quyền lực, các hội viên chịu ơn phải kính sợ. Tôi tự hỏi các Hội Đồng Hương của người Việt mình có như vậy không? Anh Nguyễn Văn Mỹ - Chủ Tịch Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng- đã giúp tôi trả lời câu hỏi này…
Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng (HDHQNDN) Nam Cali là một trong những hội đồng hương có số hội viên sinh họat đông nhất, trên 500 người. Hội được thành lập ở vùng Nam Cali từ năm 1994 như một tổ chức phi lợi nhuận, có Ban Chấp Hành, Nội Qui, Bản Điều Lệ hẳn hòi. Thật ra, từ trước đó, những người đồng hương Xứ Quảng cũng đã thường xuyên gặp gỡ theo tính cách cá nhân. Đến năm 94, những gia đình Việt di dân theo diện HO sang rất đông, nhiều người mới đặt chân đến Mỹ còn bỡ ngỡ, cần sự giúp đỡ của người đi trước. Các bậc trưởng thượng người Xứ Quảng lúc đó mới quyết định chính thức thành lập hội để giúp đỡ đồng hương mới qua một cách có hệ thống hơn. Hội họat động không thu hội phí, nên không có một nguồn tài chính thường xuyên nào. Tất cả mọi người trong Ban Chấp Hành đều làm việc tự nguyện. Bản thân anh Mỹ- Chủ Tịch Hội- làm việc trong ngành địa ốc (Skyline Escrow & Mortage). Anh lấy luôn văn phòng làm việc của mình làm văn phòng của hội.
Theo anh Mỹ, họat động của HDHQNDN trước tiên là theo tinh thần chia vui xẻ buồn, tương trợ lẫn nhau khi có người gặp khó khăn, và cùng lo cho tương lai thế hệ con cháu. Một trong những sinh họat thường niên quan trọng của hội là ngày Tân Xuân Hội Ngộ, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây là dịp để những người đồng hương Xứ Quảng có dịp gặp nhau trong ngày đầu xuân nâng chén và ôn cố tri tân. Ở xứ Mỹ bận rộn, có những người chỉ gặp nhau mỗi năm một lần vào dịp này. Những ngày Tân Xuân Hội Ngộ của hội qui tụ cả trên 500 người.
Một họat động rất có ý nghĩa của hội đó là tổ chức Bữa Cơm Gây Quĩ Giúp Đỡ Thương Phế Binh VNCH tại QNĐN. Họat động này có từ năm 2001, năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 28/11tại nhà hàng Emeral Bay. Những người cựu quân nhân QNĐN đi theo diện HO đã cố gắng thu thập thông tin về những đồng đội thương phế binh còn ở lại quê hương, lập nên một danh sách cần được trợ giúp. Có những người phải sống vất vưởng kiếp hành khất tại các chợ, bến xe. Tòan bộ số tiền thâu được trong bữa cơm gây quĩ sẽ được chuyển về Việt Nam, chia đều cho các gia đình thương phế binh có trong danh sách. Anh Mỹ cho biết con số gia đình nhận được trợ giúp tăng lên hàng năm. Năm đầu tiên là 100, năm kế tiếp 140, rồi 200… Năm vừa rồi con số đã là 300. Anh Mỹ kể rằng trong những năm đầu tiên, có nguời thương binh ở Quảng Nam được trao tay $50 vào dịp trước Tết đã bật khóc. Một phần vì số tiền nhỏ này ở Mỹ là một thu nhập lớn không bao giờ mơ thấy nổi của anh ở quê nhà. Nó sẽ giúp cho gia đình anh có một cái Tết sung túc hơn. Một phần vì anh không ngờ là mình vẫn còn nhận được tình thương, sự quan tâm từ những người đồng hương không biết mặt ở Mỹ. Thế là mỗi khi năm hết Tết đến, gia đình anh lại có ý ngóng chờ. Nghe kể những hòan cảnh như vậy, ban tổ chức không thể gián đọan họat động này, mà còn gắng sức đẩy mạnh thêm.
Ngày Quảng Nam Đà Nẵng là một họat động không thường xuyên của hội, với mục đích giới thiệu đặc trưng địa dư, văn hóa, con người Xứ Quảng đến cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhất là giới trẻ. Người Quảng Nam có gì đặc trưng? Thí dụ như tại sao tục ngữ Việt Nam lại nói rằng: “Quảng Nam hay cãi…”? Nhiều người có cùng quan điểm rằng người dân ở đây có tính tình rất bộc trực, có gì không thích, có gì thắc mắc là nói thẳng ra liền. Không quanh co, không văn hóa dài dòng. Khi việc đã qua rồi thì lại quên ngay, không để bụng. Như vậy chữ “cãi” ở đây mang ý nghĩa tốt, như một tinh thần dân chủ, công khai tranh luận của người dân Quảng. Đến với Ngày Quảng Nam Đà Nẵng, ta sẽ hiểu vì sao nhiều người sành đi du lịch khắp Việt Nam lại thích dừng chân ở đây. Có lẽ vì cả con người lẫn thiên nhiên. Đến đây trong một tuần, chúng ta có thể tận hưởng những nét đặc trưng nhất của ngành du lịch Việt Nam. Muốn tắm biển? Biển Non Nước là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam. Cát trắng, nước trong xanh. Trong những ngày hè lặng sóng, ta có thể vừa tắm biển vừa nhìn thấy những đàn cá nhỏ bơi lội chung quanh ta. Muốn có một chút không khí núi rừng? Bà Nà, phố núi du lịch mới được xây dựng, chỉ cách Đà Nẵng có khỏang hơn 30 km. Không khí lạnh, có những buổi sáng sương mù dầy đặc giống như Pleiku vậy. Muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử? Có Thánh Địa Mỹ Sơn, một di sản văn hóa thế giới, sẽ giúp ta tìm về quá khứ liệt oanh của dân tộc Chàm. Có Phố Cổ Hội An, một di sản văn hóa thế giới khác, một trong những phố thị giao thương với thế giới đầu tiên của Việt Nam. Chỉ cách Đà Nẵng chừng 100 km về hướng Bắc (2 giờ lái xe) là thành phố Huế với biết bao di tích lịch sử của Cố Đô Việt Nam. Còn văn hóa ẩm thực? Mì Quảng, Cao Lầu, Cơm Gà Tam Kỳ… là một trong những món ăn nổi tiếng của Xứ Quảng. Xin đừng quên rằng hải sản của những bãi biển Bắc Mỹ An, Mỹ Khê… cũng nổi tiếng là tươi, ngon, rẻ, làm hài lòng những du khách sành ăn.
Về danh nhân lịch sử, HDHQNDN muốn nhắc nhở cho thế hệ sau về tấm gương yêu nước thương nòi của những con người Xứ Quảng như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp, và nhất là Phan Châu Trinh, nhà cách mạng bất bạo động nổi tiếng nhất của lịch sử cận đại Việt Nam. Vào năm 2006, hội đã long trọng tổ chức kỷ niệm ngày giỗ thứ 80 của cụ. Đường lối đấu tranh dành độc lập cho dân tộc Việt Nam của cụ dựa trên việc nâng cao dân trí, đòi nhân quyền, không dùng bạo lực… Cách đây đã một thế kỷ, thế hệ trẻ nên nhận thấy rằng phương thức này vẫn hòan tòan phù hợp với con đường dẫn đến dân chủ cho một nước Việt tương lai.
Với thực tế của những người ly hương, anh Mỹ cũng nhận ra cái khó “một cảnh, hai quê” của thế hệ chúng ta. Những thế hệ sau ít có những vướng bận về quá khứ, sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn xây dựng tương lai của mình trên một quê hương mới. Vai trò của hội hôm nay có khi đơn giản chỉ là khuyến khích việc học hành cho thế hệ trẻ, tạo cho chúng một môi trường sống vui khỏe, lành mạnh, tránh sa ngã. Còn trong tương lai, việc thế hệ sau có còn duy trì sinh họat hội đồng hương hay không vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Trở lại với sự so sánh với các Bang Hội của người Hoa, thông qua HDHQNDN, tôi nhận thấy những hội đồng hương của người Việt mình hình thành theo kiểu vòng tay thân ái hơn là xây dựng một thế lực lâu dài trên đất Mỹ. Tuy nhiên, những đóng góp của hội cho cộng đồng & quê hương cũng rất đáng trân trọng. Ít ra là cho đến ngày nào vẫn còn người dân Xứ Quảng từ trong nước sang đây định cư, HDHQNDN sẽ vẫn còn là một chỗ dựa tinh thần cho họ trên vùng đất mới…
Đòan Hưng
Caption: Tân Xuân Hội Ngộ, một trong những sinh họat thường niên của Hội Đồng Hương QNDN, qui tụ trên 500 người (hình cung cấp bởi hội)
No comments:
Post a Comment