Nov 29, 2008

LÀM PHỤ HUYNH HƯỚNG ĐẠO: MỘT HƯỚNG ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI


Một buổi họp của hội phụ huynh Liên Đòan Trường Sơn
ngòai công viên vào sáng Thứ Bảy

Hồi trước 1975, tôi có đi hướng đạo ở Sài Gòn. Cứ mỗi Chủ Nhật, bố tôi lại chở tôi ra nhà thờ Đồng Tiến, thả tôi ở đó đến trưa thì đón về. Cả một buổi sáng, bầy sói con họp đàn sinh họat với các trưởng cuả mình. Tôi vẫn còn nhớ mình cảm thấy rất tự lập trong hướng đạo.

Sang đến Mỹ, nhìn những đoàn hướng đạo Việt Nam sinh họat ở các công viên, tôi nhận thấy rằng có rất đông phụ huynh cũng có mặt ở đó. Hỏi ra mới biết hướng đạo ở Mỹ yêu cầu phụ huynh cùng tham gia với trưởng trong việc chăm sóc các em con em của mình. Làm phụ huynh hướng đạo mất nhiều thì giờ vô cùng. Nhiều người nghĩ rằng: hướng đạo sinh mà còn có bố mẹ bên cạnh thì đâu có còn tinh thần tự lập nữa. Sự thực có đúng vậy không? Để biết rõ việc làm phụ huynh hướng đạo khó dễ ra sao, có lợi lộc gì, ta hãy nghe chị Cindy Trần- Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Liên Đòan Hướng Đạo Trường Sơn- kể chuyện về sinh họat của phụ huynh hướng đạo ở Mỹ.

Liên đòan Trường Sơn là một trong những Liên Đòan Hướng Đạo lâu đời nhất ở vùng Nam Cali. Đây cũng là một trong những liên đòan tham gia các công tác cộng đồng tích cực nhất. Chị Cindy đã làm hội trưởng hội phụ huynh của Liên Đòan Trường Sơn từ 2 năm qua.

Theo chị Cindy, phụ huynh là một phần không thể thiếu của hướng đạo ở Mỹ. Một liên đòan hướng đạo giống như một tam giác đều, hình thành bởi ba đỉnh cân bằng: đòan sinh- trưởng-phụ huynh. Thiếu một trong ba yếu tố này, tam giác sẽ không tồn tại. Ở Mỹ, muốn con mình đi hướng đạo, phụ huynh không thể “đem con bỏ chợ ”, giao phó hòan tòan cho các trưởng được, vì những lý do như:

- Ở Mỹ, trẻ em được bảo vệ chặt chẽ bởi pháp luật. Phụ huynh tham gia còn để biết con em làm những gì trong đòan thể, hỗ trợ các trưởng chăm lo cho việc sinh họat của con em mình đúng theo qui định của Boy Scout Of America.
- Các trưởng, cũng như mọi người khác ở Mỹ, đều bận rộn với công ăn việc làm, gia đình riêng của mình. Nếu chỉ giao phó cho các trưởng trong ngày sinh họat cuối tuần, sinh họat của các em đòan sinh sẽ không có chất lượng. Các em sẽ không thấy có tiến bộ và niềm vui trong đời sống hướng đạo, từ đó sẽ nản chí, không muốn sinh họat nữa.

Hãy xem lịch sinh họat của các em hướng đạo của Liên Đòan Trường Sơn. Các em gặp nhau hàng tuần tại công viên vào mỗi sáng Thứ Bẩy. Một năm, các em tham gia vào khỏang gần 10 kỳ cắm trại qua đêm. Các em phải hòan tất các yêu cầu về kỹ năng hướng đạo để hướng đến danh hiệu cao quí nhất là Eagle Scout (cho nam) và Gold Award (cho nữ). Các em tham gia tổ chức các sinh họat của cộng đồng như Hội Chợ Tết, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trung Thu, Niềm Mơ Ước Giáng Sinh… Phụ huynh phải chia xẻ trách nhiệm với các trưởng trong công tác tổ chức tất cả các sinh họat kể trên. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hội phụ huynh tỏ ra chuyên nghiệp, có khả năng tổ chức cao khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Hội phụ huynh có một thủ quỹ, giữ sổ sách, theo dõi chi tiêu. Có một ban gây quĩ cho liên đòan bằng nhiều họat động như bán coupon cho các chợ, tổ chức tiệc gây quĩ…Mỗi lần các em đi cắm trại, sẽ có một phụ huynh làm điều phối viên để phân công, sắp xếp người đưa đón các em sao cho tiết kiệm xăng & công sức. Tôi đã chứng kiến chị Cindy cùng các phụ huynh sắp xếp ẩm thực cho một kỳ trại của liên đòan có khoảng gần 200 người tham dự. Đầu tiên là budget. Sau đó là tính các món ăn cho thực đơn. Kế tiếp là phân bổ budget cho từng món ăn. Sau cùng là phân công trách nhiệm nấu nướng, đi chợ cho từng người. Mọi thứ được sắp xếp xong xuôi trong 15 phút, với bảng phân công trách nhiệm rõ ràng cho gần một chục người. Good management skill!

Phụ huynh và hướng đạo sinh Trường Sơn
cùng thi nấu ăn trong một kỳ cắm trại

Làm phụ huynh hướng đạo Trường Sơn thì mất đứt sáng Thứ Bảy hằng tuần rồi. Ờ nhà phải thường xuyên phụ giúp các em hòan tất các yêu cầu về kỹ năng hướng đạo. Khi các em không thích đi thì phải tìm cách giải thích, khuyến khích chúng đừng bỏ cuộc. Khi các em đi rửa xe gây quĩ thì phụ huynh cũng đi tham gia cầm banner, xịt nước, lau khô… Khi các em thuộc ấu đòan đi trại, phụ huynh đi theo, cũng dựng lều, ngủ và nấu ăn ngòai trời. Có thể nói rằng phụ huynh phải gắn mình với sinh họat hướng đạo của các em. Nếu không tìm được niềm vui trong những sinh họat này thì chính phụ huynh sẽ thấy khó khăn. Nhưng may thay, làm phụ huynh hướng đạo cũng có nhiều niềm vui lắm. Đầu tiên là có thêm nhiều người bạn. Trong hội phụ huynh Trường Sơn, có một nhóm hơn một chục người thường xuyên có mặt. Họ trở thành bạn bè vì có cùng một mối quan tâm về con cái, dễ dàng chia xẻ. Họ bàn công việc của liên đòan như là việc của gia đình mình. Trong những kỳ cắm trại, có khi phụ huynh cùng các em thi nấu ăn. Những món ăn ngày thường ở nhà nấu đàng hòang bị các em chê, nay nấu dã chiến ngòai trời lại được chúng lại ăn sạch sẽ! Đêm lửa trại là những giây phút thư giãn tuyệt vời. Bên ánh lửa bập bùng, họ ngồi quây quần ca hát, chuyện trò đến quá nửa đêm mới chịu trở về lều ngủ. Vì phải lo tổ chức văn nghệ cho ngày Trường Sơn Hội Ngộ vào tháng 12 tới, chị Anh Đào- được phụ huynh gọi vui là “bà bầu sô”- hiện đang bận tíu tít. Với nguồn nhân sự amateur chỉ gồm các phụ huynh, các trưởng, các em đòan sinh, vậy mà chị cũng lên được một chương trình gần 20 tiết mục, có hợp ca, đơn ca, họat cảnh… hẳn hoi. Chất lượng ra sao không biết, nhưng phụ huynh lại có những dịp gặp gỡ tập dợt chung kéo dài từ trưa đến tối, rất vui vẻ. Những mối dây liên lạc thân tình như vậy ở xứ Mỹ này không phải dễ kiếm.

Phần thưởng cho phụ huynh hướng đạo? Điều quan trọng nhất là con em của họ có một môi trường vừa chơi vừa học lành mạnh. Một phụ huynh bảo rằng khi con mình xin đến chơi nhà một đứa bạn trong hướng đạo, anh đồng ý ngay vì biết rằng gia đình đó cũng quan tâm đến con cái. Những phụ huynh tích cực như chị Cindy thì phần thưởng còn lớn hơn. Con gái của chị Cindy đã đạt danh hiệu Gold Award. Con trai chị Vân thủ quĩ mới lấy danh hiệu Eagle Scout hè năm rồi. Những đứa trẻ này đã có một hành trang khá vững vàng trước khi bước vào đại học. Khả năng thích nghi, tự xoay sở sẽ giúp các em nhiều khi vào đời. Đúng như một phụ huynh đã nói, hôm nay mình bỏ thời giờ cùng các em đi hướng đạo thì sẽ đỡ mất thời giờ để lo lắng cho chúng trong tương lai.

Để kết thúc, chị Cindy thuật lại cho tôi nghe câu chuyên của một trưởng trong liên đòan Trường Sơn. Nhân ngày chào cờ đầu năm của các Liên Đòan Hướng Đạo Nam Cali, anh gặp lại một người bạn, vốn là một doanh nhân, suốt ngày chỉ bận bịu với công chuyện, lo đâù tư làm ăn. Anh suýt nhận không ra vì anh bạn mình trước đây lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao, nay lại xuất hiện trong đồng phục hướng đạo. Hóa ra là anh này cũng đã trở thành trưởng của một liên đòan bạn, vì muốn hai đứa con mình đi sinh họat hướng đạo. Vốn là dân làm ăn, anh ta giải thích: “Đây cũng là một hướng đầu tư tốt cho tương lai của con mình đó!”. À, hóa ra là thế! Làm một phụ huynh hướng đạo cũng là một nhà đầu tư cho tương lai…

Đòan Hưng

Nov 28, 2008

THOÁT HÌNH - Vũ Hoàng Chương



Dào dạt trong cây nhựa trắng ngần,
Đã nghe dồn cả tới đài xuân,
Đã nghe dào dạt từng cơn gió,
Về mách tin hương với cõi trần,

Vườn đây, rừng đấy, cùng xao xuyến,
Kìa phút hồn hoa sắp hiện thân,
Nụ đã trên cành đau đón cựa,
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.

Muôn vàn tế bào đang hủy thể,
Vâng theo Ý lớn nhịp xoay vần,
Phá cho thành đấy, sinh là diệt,
Đời, quả lên từ mỗi xác nhân.

Kià mảnh da ngà đang nứt rạn,
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân,
Lòng cây mấy thủa ai người biết,
Tùng khóc từng reo đã mấy lần.

Nhựa ứ càng cao lòng gịục dã,
Đất trời mong mỏi nức hương lân,
Cánh hoa đã hé phô kiều diễm,
Nụ thoát hình trong phút nhập thần.

Ôi, đã then sương cài lỏng lẻo,
Buồng thơm rạo rực ý thanh tân,
Có ai tha thiết ngoài mây nước,
Chờ lối Đào Nguyên tự mở dần.

Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi,
Chưa từng hoen ố vết trầm luân,
Đêm nay xuống một bài thơ trắng,
Cầu nguyện cho đời, nợ ái ân.

Nov 27, 2008

BÁC TRAI BÁC GÁI - trích chương 1



SỐNG TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU

Khoảng 10 giờ sáng từ lúc nhìn đám mây xám ùn ùn từ phía đông toả rộng ra phủ kín dần bầu trời, bác gái đã ra ra vô vô, nhìn về phía cửa ngõ. Con trưởng nữ biết ý mẹ, lên tiếng:
- Mẹ đừng lo, bố con sắp về rồi.
Bác gái vẫn ra ra vô vô thấp thỏm. Đúng lúc ngoài trời bắt đầu đổ mưa thì cánh cửa mở tung …

Bác trai bước vô chưa kịp nói gì, bác gái đã lớn tiếng vui mừng:
- Ông về thế này là may quá đó, trời bên ngoài mưa rồi.

Bác trai tủm tỉm cười, trả lời ngay:
- Đúng vậy, đợi tôi về đến nhà, Ngài mới mưa đấy. Tôi là con cưng của Ngài mà.

Bác gái lườm một cái, nhưng không nói nữa vì biết là mình nói thêm chỉ cung cấp chất liệu cho bác trai trêu mình.

Hai giờ chiều hôm đó, vừa chợp giấc ngủ trưa thì có một nhóm bạn của bác trai tới. Cả nhóm người đàn ông nói cười vui vẻ. Dĩ nhiên có bạn tới, bác gái không còn bị bác trai trêu chọc và bao giờ cũng vậy, sau khi bầy trà nước – đôi khi thêm bánh kẹo nữa – bác gái thường quanh quẩn gần đấy để được nghe câu chuyện của quí vị nam giới, ngõ hầu mở rộng thêm tầm hiểu biết của mình, kể cả những hiểu biết phổ thông.

Sau khi các bạn của bác trai đã an vị trong phòng khách ấm cúng, bác gái cất tiếng cười và rất tự nhiên nêu lên câu hỏi chung với các bạn hiện diện:
- Như vậy thưa các anh, hiện tượng tiếng sét ái tình hẳn cũng có thể giải thích được bằng tiền kiếp?

Một người bạn của bác trai trả lời ngay:
- Đúng lắm, chị ạ! Tỉ như nàng Matanga thuộc đẳng cấp hạ tiện đang kéo nước giếng thì gặp ngài Anan – thị giả của Đức Phật – đi qua xin nước uống. Nàng Matanga thưa: “Ngài không biết em thuộc đẳng cấp Thủ Đà La hay sao mà xin nước uống?!” . Anan trả lời: “Tôi xin nước chứ có xin đẳng cấp đâu!”. Nàng Matanga đem lòng yêu thương Anan và cứ đi theo sát hoài. Đức Phật giải thích là Anan và Matanga kiếp trước đã từng là vợ chồng đấy chị ạ! Mantanga lại có duyên với Phật pháp cho nên mới xảy ra câu chuyện tình yêu như trên, không có gì là lạ.


[...]

Và bác thoáng thấy là mình phải tận dụng cơ hội này để giải quyết mấy điều bác vẫn tha thiết mong được thấu triệt.
- Thưa anh tôi muốn được hiểu rõ hơn về Thân Trung Ấm của người mới chết.

Ông bạn cười:
- Aáy ấy, vấn đề đó tôi mù tịt!

Và ông bạn lớn tiếng hỏi ngay các anh em hiện diện:
- Này các ông ơi, bà chị chúng mình đây muốn biết về Thân Trung Ấm của người mới chết. Có ông nào rõ về vấn đề này không?

Anh bạn đang ngồi ngay góc đối diện với bác gái cất giọng vui vẻ:
- Thưa chị, mới gần đây thôi, tôi đã có dịp đọc những sách biên khảo về Sống từ đâu đến và chết đi về đâu.

Bác gái hỏi ngay:
- Vậy con người có thể nhớ lại Thân Trung Ấm của mình lúc mình mới chết không anh?
- Thưa chị, trong cuốn sách tôi mới vừa đọc xong, học giả Francis Story có kể lại chuyện một người Thái Lan tên là Kwan chết vì bệnh thương hàn, thấy các vị sư cầu nguyện bên cạnh giường nằm của mình. Anh thấy mọi vật xung quanh không có gì thay đổi. Anh đi qua nhiều người khác như là đi vào chỗ không người. Và khi anh nghĩ tới bất cứ một nơi nào, lập tức anh thấy mình xuất hiện ở nơi ấy.

Anh bạn ngưng một chút rồi nói tiếp:
- Thân Trung Ấm thường theo dự tang lễ của chính mình và quan sát bà con thân thích mà mình vốn yêu quý. Thân Trung Ấm không cảm thấy đói và mệt, nhưng phạm vi hoạt động và giao tế bị hạn chế, không còn chịu cái khổ của cuộc sống thế gian với những đau đớn vật chất. Thân Trung Ấm mất ý thức về thời gian. Vài chục năm trời qua như trong nháy mắt. Chị biết không, Francis Story qua thu thập và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến Thân Trung Ấm, đã tổng kết như thế này: điểm đầu tiên là người mới chết thấy mình như vẫn sống; điểm kế tiếp là Thân Trung Ấm thấy một người khác hướng dẫn mình; và điểm cuối cùng là Thân Trung Ấm thấy di chuyển không bị trở ngại bởi bất cứ một vật cản nào.

Một ông bạn khác của bác trai muốn tham gia vào đề tài này, hào hứng giơ tay lên xin nói:
- Thưa quý vị, tôi có đọc về Thuyết Tái Sinh, cho biết con người hiện tại từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu. Thuyết Tái Sinh cũng cho biết ý nghĩa nhân sinh chỉ là như bọt nước bèo trôi, giống như câu thơ của vua Trần Nhân Tông:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn
Niệm chạy theo chuyện thị phi như hoa rụng,
Tâm chạy theo danh lợi như mưa lạnh hoàng hôn.

Ông nói tiếp:

- Theo tôi, trên bình diện lý luận, Thuyết Tái Sinh và Nghiệp của Đạo Phật là một liều thuốc cảnh tỉnh tốt cho con người hiện đại.

Bác gái thiết tha cất lời:
- Bây giờ xin quý anh đề cập tới nội dung của cơ chế Tái sinh và Thân Trung Ấm được không ạ?

Bác trai đợi đến câu hỏi này của bác gái mới tham gia vào đề tài. Bác nói:
- Bà nó có nhớ tháng trước anh bạn rủ tôi đi nghe thuyết pháp ở chùa Giác Minh không? Hôm ấy tôi được nghe Sư giảng rằng Phật giải thích trong bài Đại Ái Tân Kinh thuộc Trung Bộ Kinh là sự hiện hữu của tái sinh lệ thuộc vào ba điều: thứ nhất là cha mẹ giao hợp; thứ hai là mẹ ở đúng thời kỳ sinh nở; thứ ba là sự có mặt của hương ấm – tiếng Phạn là grandhaba.

Bác gái giật mình, phục bác trai chuyện gì cũng biết mà ít nói cho bác hay. Bác gái hỏi:
- Hương ấm là gì vậy ông?

Bác trai nói tiếp:
- Hương ấm là tâm thức mang theo nghiệp của người được tái sinh. Đó là nghiệp thức. Nghiệp thức cũng được gọi là kết sinh thức, vì rằng nghiệp thức sẽ kết hợp với tinh trùng của cha và trứng của mẹ để sinh ra bào thai. Trước khi tái sinh, người chết mang một thân đặc biệt gọi là Thân Trung Ấm được nuôi dưỡng bằng mùi hương, nghĩa là chỉ hưởng mùi vị mà thôi. Vì vậy sách Phật gọi Thân Trung Ấm là Hương Ấm . Thời gian tối đa của Thân Trung Ấm là bảy tuần. Cứ sau mỗi tuần là Thân Trung Ấm lại có biến đổi.

Một người bạn khác lên tiếng hỏi:
- Vậy thuyết nghiệp báo – tái sinh của nhà Phật tất nhiên đề cao trách nhiệm con người đối với đời sống của mình?

Bác trai trả lời:
- Không những đời sống kiếp này của mình mà còn cả kiếp sau nữa. Do đó con người phải thường xuyên cảnh giác, ý thức trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi, lời nói của mình hằng ngày, hằng giờ, thậm chí từng phút từng giây của cuộc sống. Bởi vậy tôi thường xuyên căn dặn đám con cháu hãy luôn luôn làm thiện tránh ác!

Bác gái gật đầu thoả mãn:
- Như vậy, cái chết là biểu lộ của một chu kỳ! Cái chết không hề là chung cuộc vĩnh viễn mà chỉ là một biến chuyển!
- Đúng vậy, bà nó ạ. Và hiểu sâu hơn nữa, tương quan giữa nguyên lý sinh và tử chính là hoạt động căn bản cho sáng tạo. Cái chết không hề là chung cuộc mà chỉ là mục đích của linh hồn, chủ yếu muốn trang trải nhân quả và học hỏi điều cần phải học.

Anh bạn ngồi đối diện với bác trai góp lời:
- Tôi xin được góp ý với điều anh vừa nói: chính vì mình đặt nặng vào hình hài vật chất mà ta sợ chết!

Bác trai gật gật đầu:
- Dạ thưa đúng vậy! Một khi ta biết linh hồn có thể chuyển di tâm thức vào một hình hài khác theo ý mình, chừng đó không còn cái chết! Nghĩ cho cùng, cái sinh đáng sợ hơn cái tử vì cái sinh giam hãm linh hồn vào hình hài vật chất. Chết là do ý muốn rút lui của linh hồn khi đã đạt được mục tiêu trong kiếp này để mở rộng cửa bước sang một kiếp mới.

Bác gái cất tiếng nói khẽ nhưng vẫn đủ để cho vài người bạn đứng ngay gần đấy nghe rõ:
- Việc hình hài bị phá huỷ không phải là chết mà chỉ đơn giản là tiến trình của sự giải thoát. Đó chính là niềm an lạc không gì tả được!

Anh bạn ngồi đối diện với bác gái khoan thai nối tiếp câu chuyện:
- Như vậy giấc ngủ hàng ngày và sự chết giống hệt nhau, chỉ dài ngắn khác nhau mà thôi! Quý vị có công nhận với tôi rằng sau khi chết, cá tính vẫn không mất? Cái biến mất chỉ là hình hài vật chất. Thể xác chỉ như con ngựa cho linh hồn cưỡi. Con người thật vẫn tồn tại vĩnh hằng!

Tựa như sợ bác gái quá chấp vào những gì vừa nói, người bạn với một giọng ân cần nói thêm đôi điều cuối cùng về vô thường, trước khi chấm dứt hẳn câu chuyện:
- Xin chị luôn luôn ghi nhớ cho: quá khứ đã qua, tương lai chưa tới và ngay cả cái ý nghĩ hiện tại mình chỉ vừa cảm nhận đã thành dĩ vãng rồi! Hiểu vô thường như vậy để đánh thức lòng bi mẫn nơi mình mà đối xử với chúng sinh, quan tâm tới việc giúp đỡ người khác, yêu thương người khác, tin tưởng vào chiều hướng tâm linh, mở rộng niềm tin vào đời sau!

Người bạn dừng một chút rồi nói thêm đôi lời kết thúc, nhưng thật ra để mở một hướng mới cũng trùng trùng điệp điệp không kém:
- Thưa chị, hiểu sâu vào nguyên lý trùng trùng duyên khởi, vạn hữu tương quan tương duyên của nhà Phật, chúng ta thấy chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều mình làm, mình nghĩ, mình nói! Nhưng thôi, để lần sau xin được cùng chị thảo luận về đề tài này.


Doãn Quốc Sỹ

Nov 23, 2008

TRÙNG TRÙNG DUYÊN KHỞI - TT Nhất Hạnh














Đời Đường, có thầy Pháp Tạng, được mời vào cung giảng kinh cho hoàng hậu. Để giúp bà hoàng hậu tiếp xúc được với thế giới hoa tạng, thầy đã cho xây một cái tháp hình bát giác bằng kính.

Xây xong, thầy đưa bà vào đứng ở giữa tháp, mời bà thắp lên một cây nến. Bấy giờ, thầy chỉ cho bà thấy trong mỗi tấm kính đều có lớp lớp hình ảnh của trăm ngàn cây nến, trăm ngàn tấm kính khác. Đó gọi là duyên khởi lớp lớp (trùng trùng duyên khởi).

Một tấm kính chứa đựng tất cả hình ảnh của các tấm kính khác, và tất cả các tấm kính khác chứa đựng hình ảnh của tấm kính này và những tấm kính khác. Đó gọi hình ảnh của pháp giới trùng trùng duyên khởi.

Trích "Người Vô Sự" - TT Nhất Hạnh


Nov 22, 2008

HỘI PHẬT HỌC ĐUỐC TUỆ VÀ BUỔI NÓI CHUYỆN DÀNH CHO GIỚI TRẺ: BÌNH AN TRONG CƠN BÃO



Huntington Beach-AN- Cơn bão tài chính của nước Mỹ vẫn còn đang hòanh hành, gây hoang mang, sợ hãi cho biết bao người . Thật là hữu ích cho cộng đồng chúng ta trong lúc này mà có được người mách nước cách sống bình an trong cơn bão. Vào 2:00 pm ngày Chủ Nhật 9/11/08 vừa qua, nhóm Phật Học Đuốc Tuệ đã mời 4 vị thầy và sư cô trẻ của Tu Viện Lộc Uyển đến Sangha Center để nói chuyện với giới trẻ về đề tài Bình An Trong Cơn Bão (Peace Wihin The Storm). Buổi pháp thọai sử dụng cả 2 ngôn ngữ Anh & Việt, vì có rất nhiều người lớn tuổi cũng đi dự.

Nếu bạn nghĩ rằng: “giới tu sĩ đâu có bị ảnh hưởng bởi khủng hỏang, thì làm sao có kinh nghiệm để chỉ cho người khác vượt qua?”, thì bạn lầm. Hai diễn giả chính của buổi nói chuyện này là Sư Cô Đẳng Nghiêm, đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại đại học USCF, đã từng hành nghề bác sĩ trước khi đi tu; cùng thầy Pháp Uyển, đã từng đi lính marine và tham chiến tại Koweit. Những vị này cũng đã trải qua đời thường như chúng ta, nên hiểu được những khó khăn trong cuộc sống. Khi diễn đạt các vấn đề, hai vị có cách lập luận khoa học, lôgic, rất thuyết phục. Nếu không nhìn vào bộ áo nâu sòng, bạn không nghĩ là mình đang nghe tu sĩ thuyết pháp đâu.

Lấy ví dụ về chuyện làm sao sống bình yên trong thời khủng hỏang, sư cô Đẳng Nghiêm sử dụng luôn hình ảnh một cơn bão trong thiên nhiên. Đâu là nơi bình yên nhất trong vùng bão tố? Đó chính là khu vực TÂM BÃO. Mặc cho vùng bên ngoài mưa lớn, gió xóay mãnh liệt, vùng ngay giữa tâm bão lại có ánh nắng, có bầu trời xanh, thật thanh bình. Trong đời sống con người cũng thế. Cho dù khủng hỏang kinh tế, xã hội bất ổn, gia đình gặp khó khăn… các tìm sự bình yên nhanh nhất, hiệu quả nhất là đi tìm sự bình yên trong TÂM MÌNH. Bởi vì cuộc khủng hỏang nào rồi cũng sẽ đi qua. Nếu ta không giữ được tâm mình yên ổn , những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, làm hủy họai cuộc đời của ta trước khi giai đọan khó khăn đi khỏi. Nghe đã có người tự tử. Đã có người thối chí, trở nên rượu chè hư hỏng vì tuyệt vọng.


Làm sao tìm được tìm được sự bình yên trong tâm mình? Khoa học kỹ thuật đã giúp ta khám phá thế giới vũ trụ cách trái đất cả triệu năm ánh sáng. Vậy mà khoa học lại khám phá rất ít về chính cái tâm của con người. Đến độ mỗi khi nghe tới ngành phân tâm học của Freud, nhiều người nghĩ nó quá khó, quá siêu hình để có thể hiểu được. Sư cô Đẳng Nghiêm đã chỉ ra một phương pháp làm cho tâm mình bình an hết sức đơn giản: theo dõi hơi thở. Dưới con mắt của một bác sĩ y khoa, sư cô đã chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này. Tâm ta ra sao thì hơi thở ta y vậy, do sự vận hành của não bộ cùng hệ thống kích thích tố. Khi buồn, ta thở ra dài sườn sượt. Khi giận dữ, hơi thở ta rất mạnh, người ngoài còn cảm nhận được. Khi bị xúc động, hơi thở ta ngắn và dồn dập. Chỉ khi ta bình thản, hơi thở của ta mới nhẹ nhàng, điều hòa như khi đang ngủ yên. Như vậy để ĐIỀU TÂM, ta chỉ việc trở về với HƠI THỞ. Mặc cho ngọai cảnh bên ngoài ra sao, ta sẽ mau chóng tìm được một chỗ trú bình an cho tâm mình. Thực ra, phương pháp này đã có sẵn trong kinh sách Phật, nhưng chỉ mới đây được giới thiệu một cách có khoa học hơn.

Trong suốt buổi nói chuyện, sư cô Đẳng Nghiêm và thầy Giác Uyển thay phiên hỏi đáp lẫn nhau, làm cho buổi nói chuyện sinh động hơn. Bằng chính kinh nghiệm sống của mình, thầy Giác Uyển đã cho biết phương pháp theo dõi hơi thở đã giúp cho thầy trở về đời sống bình thường như thế nào, sau khi trở về từ chiến trường Koweit. Còn có môi trường nào khốc liệt hơn chiến trường? Đã có bao nhiêu lính Mỹ bị khủng hỏang tâm lý sau khi giải ngũ? Nhìn thái độ khoan thai của vị thầy trẻ, chúng ta có thể tin được tính xác thực của liệu pháp này.

Buổi nói chuyện mở rộng sang nhiều đề tài khác đều liên quan đến cách thực tập để có một cái tâm bình yên trong đời sống hằng ngày. Các thính giả trẻ được mời lên đặt câu hỏi về những vấn đề của thế hệ mình: quan hệ với cha mẹ, chuyện tình yêu và sex, cách hành xử trong công việc hàng ngày. Những câu trả lời cũng xuất phát từ những kinh nghiệm sống cuả các tu sĩ trẻ tuổi này, nên khá thuyết phục đối với các em.

Thiết nghĩ những buổi nói chuyện như thế này nên được nhân rộng thêm trong cộng đồng chúng ta. Cũng cần có những buổi nói chuyện riêng chỉ dành cho giới trẻ bằng tiếng Anh, để trang bị thêm cho các em hành trang vào đời. Điều này rất cần thiết cho các em trong một xã hội luôn luôn biến động như xã hội Mỹ.

An Nhiên


Caption 1: Các tu sĩ trẻ của Tu Viện Lộc Uyển. Sư Cô Đẳng Nghiêm
và Thầy Giác Uyển ngồi giữ

Caption 2: Các thính giả trẻ trong buổi nói chuyện


LIVING BY BEING HERE NOW

Step 1


LIVING BY BEING HERE NOW


“ A journey of a thousand miles begins with a single step” is the most famous line of the entire Tao Te Ching. It’s quoted so often because it encourages us to avoid procrastination and just begin from where we are, right here, right now. A tiny seed planted an nurtured grows into a forest; a marathon begins by taking that first stride.

Forget about the end result: When you arrive where you thought you wanted to be, you’ll just begin a new journey. So enjoy each step along the way and keep in mind that every goal is possible from here. Just do one thing, one day at a time.

"Change your thougths - change your life"
- Dr. Wayne W. Dyer









Step 2









Step 3

Nov 21, 2008

On the path of becoming an eagle scout - AN NHIEN


On the path of becoming an eagle scout, I have to take a lot of tests and hardships just to get to it. The first thing I have to do is get twenty-one merit badges. I can still remember the first time I went to a merit badge camp. It was really fun.

I had to wake up really early in that day. I was very excited; I was going to get my first merit badges. I ate a little bit of breakfast and headed of to the meeting area. My dad and I were there first, we waited a little while for everyone to come and we were on our way. We stopped at a supper market to buy lunches; My dad and I bought a drink and everyone else had a little time refreshing themselves. I slept through the whole journey so I didn’t know how everything was like on the way. When we arrived, I woke up. That place is huge. There are trees everywhere. And all the cabins and houses are pretty far from each other. I started my tent right when we got off to our campsite. It was easier than I thought I would be. We went out for the grand tour the late afternoon to see how the camp looks like. I took swimming, first aid, leather work and rifle so I had to remember all of those locations. The schedule started at 8:00 am but I woke up really early because I slept really early in those days.



We had breakfast at 7:00 am and after lunch, I went off to rifle. It was an easy trail, just a really long, down hill path. I like rifle the most because I got to handle a real gun. I was pretty good at it, and I would finish earlier in that week if my gun hasn’t screwed up. After rifle is first aid, now this is a long way. I had to run uphill for over one and a half miles. This class is really easy because I have already learned everything at home; this class is an easy shot. Next was swimming. This class is the most easiest because they just taught you basis techniques and how to survive; everything else was a piece a cake. After lunch was rank studying. This is not a merit badge class, but they helped you to improve your rank. I nearly finished of tenderfoot rank thanks to this class. The last was leather work. This is the class that I despised the most, because it needed good hand skill, and I am most certainly not one. But I manage to pull myself through this class. And there is something that is really weird: every teenagers that taught me were all younger or as old as me. In the end, it was a success, I got all four merit badge. I made some new friend in my troops when I was on camp, too. I turned out that everything worked out nicely.


I learned a lot from this camp. I really want to go back next year to earn more badges and to learn more cool new stuffs.


An Nhiên - tức Ti Nô

Tuổi Thơ KHÔNG dữ dội - Liên Chi


















Tối nay đi sinh nhật của Bơ Anh (tên gọi ở nhà rất thân mật của một đứa em trai) trong nhóm bạn gọi là “nhóm đi đội”. Từ lúc đó đến giờ chắc cũng đã gần mười năm trời, ai cũng đã lớn, mỗi người một ngả, một công việc… nhưng mỗi khi có dịp ngồi tụ tập lại với nhau, lại chẳng khác thời đó chút nào, vẫn vui, vẫn nhảm, vẫn khùng, vẫn cười nghiêng ngả với nhau. Trong câu chuyện lúc nào cũng nhắc đến những kỉ niệm của tuổi thơ “rất không dữ dội”…

Bố mẹ của cả nhóm đều là bạn bè thân của nhau từ nhỏ ở Ban Mê Thuột, hồi đó hình như mọi người đều đi hướng đạo, nên khi có con thì cũng muốn con mình có được nhưng kinh nghiệm đó, nên tập hợp các con lại, lập thành 1 nhóm hướng đạo cây nhà lá vườn. Không nhớ tại sao nhưng mọi người đều gọi nhóm này là “nhóm đi đội”.

Chắc là các ba các má sợ các con mình tiểu thư công chúa, hoàng tử quá nên phải cho đi bụi đời, đi cắm trại… cho nếm mùi đời. Nói là cây nhà lá vườn chứ cũng chuyên nghiệp lắm nhé, có thầy dạy hàng dàng hoàng. Hàng tuần cả đãm, lúc ấy khoảng 20 đứa, chủ nhật hàng tuần lại tụ tập ở sở thú để học những kĩ năng hướng đạo. Tiểu thư, hoàng tử thế mà cũng biết thắt dây, biết đánh morse, biết dựng lều, biết giải mật thư nhé, chơi trò chơi lớn. Đến hè là mùa đi cắm trại xa, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Thác Mai, Rừng Nam Cúc Phương, Long Hải, Mũi Né là đội đã ra trận hết. Mỗi lần đi cắm trại là một xe bus to tướng chở các em nhỏ cộng các bậc phụ huynh đi theo để phục vụ các con :) Cũng dầm sương, dãi nắng, bụi đời không thua gì những đội khác, mà còn cộng thêm khoản ăn chơi lại càng hơn người ta. Đám lớn trong đội từ thời ấy đã thích chơi bời, đi nhảy (đấy, sở thích đi nhảy của mình hình thành từ lúc này đấy), nhậu nhẹt ... làm đám nhỏ lúc ấy cứ ganh tị sao không được chơi chung với các anh chị... Sáng chơi trò chơi lớn, tối đánh bài, nhảy nhót, vui kinh khủng!

Nghĩ lại sao mà nhiều kỉ niệm ghê, thấy tự hào và sung sướng vì mình may mắn quá, có được những kỉ niệm mà không phải ai cũng có được. Học được nhiều thứ, lại có thêm không biết bao nhiêu là bạn tốt. Bây giờ có anh chị lớn đã có gia đình, có con (hệ F1 của nhóm đội), người thì ở Mỹ, ở Việt Nam, ở Sin, người thì phát tướng, đứa thì lớn nhổng

... Nhiều khi lâu lắm lắm mới có dịp gặp lại nhau, nhưng những khoảng thời gian dài đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì khi chị em, bạn bè lại có dịp ngồi với nhau. Lúc đó vẫn chỉ là "nhóm đi đội" của mình ngày nào. Lần tiếp theo là khi nào nhỉ?

For my beloved "nhóm đi đội"
Liên Chi













Nov 20, 2008

NGƯỜI VIỆT Ở MỸ SỐNG CHUNG VỚI CUỘC KHỦNG HỎANG KINH TẾ

Caption : Trong thời khủng hỏang,
các bãi đậu xe của khu vực Little Sài Gòn vắng vẻ đi thấy rõ


Rất nhiều người Việt ở Mỹ có cùng nhận xét rằng cuộc khủng hỏang kinh tế những năm vừa qua là cuộc khủng hỏang tồi tệ nhất mà mình đã từng trải qua. Nó ảnh hưởng lên mọi cá nhân, gia đình. Ai cũng cảm nhận được, có khác chăng chỉ là ở mức độ. Ai cũng mong đến ngày nó đi qua. Còn trước mắt thì làm sao tồn tại được cái đã. Tôi đã đi một vòng hỏi thăm người Việt ở khu vực Nam Cali - đang họat động trong các ngành nghề khác nhau- xem cơn bão kinh tế đã ảnh hưởng đến cộng đồng mình như thế nào…

Muốn thấy khủng hỏang kinh tế? Cách dễ nhất là cứ ra các bãi đậu xe của các khu shopping trong khu vực Little Sài Gòn. Trước đây kiếm chỗ đậu xe ăn trưa rất khó, còn bây giờ thì thỏai mái! Nhìn lượng xe chạy trên đường phố cũng thấy sự khác biệt. Lượng xe có ít đi. Còn chủng loại xe thì thấy các xe nhỏ, ít hao xăng của Nhật nhiều hơn. Các hiệu xe Mỹ, xe truck vắng xuất hiện hơn xưa.

Giới làm ăn trong ngành địa ốc- nguyên nhân chính của cuộc khủng hỏang- thì khỏi phải nói rồi. Đây là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. Một người đã có 20 năm họat động thành công trong ngành địa ốc cho biết việc kinh doanh giảm 70%. Ai mà mới bắt đầu vào nghề vài năm nay thì chỉ có nước đóng cửa. Có người nghĩ đến chuyện chuyển ngành kinh doanh mới vì không biết bao lâu thị trường mới ngóc đầu lên nổi. Tôi có nói chuyện với chị H., trước đây làm underwriter, xét duyệt cho mượn loan để mua nhà . Năm ngoái thất nghiệp 6 tháng, nay chị chuyển sang làm trustee sell officer, chuyên đòi nợ và thu hồi nhà. Công việc thay đổi 180 độ! Thiệt là buồn! Chị cho biết làm cái nghề này không vui tí nào, nhưng cũng đành chịu.
Ngành địa ốc xuống kéo theo hai ngành có liên quan trực tiếp là thầu xây cất và buôn bán furniture. Một chủ tiệm furniture ở LA cho biết doanh thu trong ngành nói chung xuống từ 40-60%. 10 tiệm thì đóng cửa hết 6. Những tiệm còn lại phải cắt giảm chi phí để cầm cự. Có những chủ tiệm bây giờ giống như đi làm không có lương!

Giới kinh doanh nhà hàng cũng bị ảnh hưởng nặng. Bà con hạn chế đi ăn ngòai. Một chủ tiệm phở cho tôi biết rằng những khách hàng quen thuộc của anh tuy vẫn đến ăn, nhưng lại không thường mời thêm bạn bè như trước, cho nên lượng khách có giảm. Nếu bạn tự suy ra rằng các chợ sẽ phát đạt hơn vì ai cũng ăn ở nhà, thì coi chừng lầm! Có những chợ doanh thu xuống đến 30%! Lý do: các bà nội trợ cũng cắt giảm chi tiêu luôn. Chỉ mua những thứ cần thiết, và giảm số lượng mua. Trước đây thấy rau tươi, ngon cứ mua 03 bó, ăn không hết thì bỏ. Còn bây giờ thì mua 01 bó đủ xài thôi!


Các công ty travel, bán vé máy bay, tour du lịch cũng đi xuống thấy rõ. Thí dụ như vé máy bay cho kỳ nghỉ Thanks Giving sắp tới. Mọi năm, đầu tháng 11 mới đặt chỗ để bay về thăm nhà thì thường không có chỗ, hoặc giá ở trên trời. Chị K. cho biết cũng vì sợ tình hình này mà chị đã lấy vé bay từ Cali sang Houston vào dịp Lễ Tạ Ơn từ đầu tháng 10, với giá khứ hồi là $370. Vậy mà hồi đầu tháng 11, chị check giá lại thì giá lại rớt xuống chỉ còn $280. Hình như chỉ có các chuyến về Việt Nam là không giảm. Giá vé bay vào dịp Noel, Tết Ta tới vẫn cao và ít chỗ còn trống như thường lệ.

Người đi làm công theo kiểu “8 to 5” bị ảnh hưởng ra sao? Thiệt thòi nhất là những ai đang đến tuổi về hưu. 401 K của nhiều người chỉ còn 50%. Về hưu vào thời điểm này thì không thể vui thú điền viên được rồi! Những người còn trẻ hơn thì hy vọng vài năm tới tình hình thay đổi, tiền hưu trí của mình sẽ theo stock lên trở lại. Còn trước mắt, tâm lý cảm thấy như mình mới mất tiền, nên đành thắt lưng buộc bụng.

Các công ty bán bảo hiểm, tài chính cá nhân cũng phải sắp xếp lại công việc kinh doanh . Bảo hiểm nhà, xe không bị ảnh hưởng nhiều, nên trở thành chủ lực. Nhưng các hình thức đầu tư tài chính cá nhân, gia đình thì thay đổi nhiều. Thân chủ của họ do bị tác động tâm lý nên rút tiền ra, ngưng đầu tư, hoặc chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực có lãi suất cố định. Các hình thức bảo hiểm nhân thọ cũng chậm lại hẳn.
Y tế có lẽ là một trong những ngành ít bị ảnh hưởng. Một bác sĩ nhãn khoa cho biết tiệm của chị không hề giảm doanh số. Một bác sĩ gia đình còn nói rằng bệnh nhân của anh ta còn có phần đông thêm nữa! Chắc tại khủng hỏang, bà con bị stress, cho nên sinh bệnh tật nhiều. Tuy nhiên, anh cho biết trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, vì ngân sách tiểu bang bị thâm thủng sẽ cắt nhiều chi phí cho phúc lợi y tế như Medical.

Nhân viên chính phủ cũng là một công việc ít sợ thất nghiệp do khủng hỏang. Một nhân viên Caltrans cho biết công việc của anh vẫn ổn định. Chỉ bị cắt giảm lặt vặt. Thí dụ bị cắt bớt giờ làm việc để giảm lương, hoặc cắt ngày nghỉ. Một nhân viên làm trong SSA thì nhận thấy rằng công việc của mình còn nhiều hơn một chút. Có lẽ tại người ta thất nghiệp nhiều, nên số người xin trợ cấp nhiều hơn.


Sau cùng là ngành báo chí. Cũng như báo Mỹ, các tờ báo tiếng Việt gặp khó khăn vì quảng cáo ít đi do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Nhưng có một điều thú vị là hình như số người đọc báo lại nhiều hơn! Điển hình là sạp báo Zippost thường xuyên hết báo trước buổi chiều, điều hiếm khi xảy ra trước đây. Chắc tạo vì thời khủng hỏang, người ta đọc tin tức nhiều hơn, để theo dõi tình hình. Hoặc ráng tìm ra được chút tin vui về kinh tế để còn hy vọng chứ. Cứ ra các quán cà phê xem, sẽ thấy thiên hạ ngồi đó đọc báo, luận bàn kinh tế đại sự dài dài.

Mọi người đều mong khủng hỏang sẽ chóng đi qua. Vấn đề là chừng nào đây? Những người được hỏi đa phần khá dè dặt, không dám tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi ngay trong năm tới. Thường thì sau bầu cử tổng thống thì mọi chuyện sẽ khởi sắc. Nhất là năm nay nước Mỹ lại có một tổng thống da màu đầu tiên, đang hứa hẹn một cuộc thay đổi lớn để vực dậy nước Mỹ. Nhưng thời điểm hiện nay đã khác xưa. Nền kinh tế Mỹ hiện nay đã tòan cầu hóa quá nhiều. Ông Obama có thể sẽ sắp xếp lại nước Mỹ tốt hơn, nhưng vẫn còn phải đợi tác động phục hồi từ các quốc gia khác nữa. Ôngta không có phép màu nào để giải quyết mọi thứ trong một sớm một chiều được. Như vậy, có thể người Mỹ phải tự cứu mình bằng cách giảm bớt tiêu xài phung phí đi. Mỹ là một xã hội vật chất, vẫn nổi tiếng là hoang phí tài nguyên thiên nhiên của nước khác, là con nợ lớn nhất của thế giới cho dù kiếm tiền cũng nhiều nhất thế giới. Mang một bộ mặt mới cần kiệm hơn, nhiều khi lại tốt cho nước Mỹ, đỡ bị các nước nghèo hơn ganh ghét như hiện nay. Có một điều ai cũng đồng ý là hầu hết các quốc gia đều mong muốn nền kinh tế Mỹ phục hồi. Vì nếu không, nhiều nền kinh tế khác sẽ chết trước! Đó là một điều mà chúng ta có thể lạc quan, chứ không phải là “lạc quan tếu” trong thời buổi khủng hỏang này…

Đòan Hưng

Nov 17, 2008

Viết về exhibition LÁ RỤNG VỀ CỘI - NgyThanh

Tản mạn cuối tuần
Hình và bài: NgyThanh

Cuối tuần nầy thời tiết Houston bỗng… “con gái” ra, dễ thương lạ kỳ. Từ cái nóng hừng hực làm các dàn máy lạnh làm việc toát mồ hôi, cái lạnh se da của Hà Nội nhè nhẹ lướt về làm lá đổi màu bỗng rùng mình chuyển qua cái lạnh tê cóng hai vành tai. Thiên hạ nữ bèn lục tung các tủ áo quần mùa lạnh ra, võ trang đầy người, diện vào đi sắm sửa cho thiên hạ nam biết tay. Nằm tuột xuống tới bắc vĩ tuyến 29 độ 45 phút sát với Mễ Tây Cơ, một năm có được mấy ngày như thế nầy…

Ngày thứ Bảy 15-11-2008 có một người từ Huntington Beach bên Cali lặn lội qua Houston mở phòng triển lãm tranh. Từ Việt Nam chân ướt chân ráo qua Mỹ chưa đầy một năm, Doãn Quốc Vinh đã uống thuốc liều, làm quả triển lãm thứ nhất. Và đã thành công. Điếc không sợ súng, một năm sau, Vinh chở các tác phẩm đa chiều của mình qua Houston trình làng tại Việt Art Gallery, làm tuần lễ triển lãm “Lá Rụng Về Cội” của mình, chỉ sau đợt triển lãm của họa sĩ Dương Phước Luyến không mấy tuần, và chỉ vài ngày sau cuộc triển lãm của đàn anh ViVi Võ Hùng kiệt.

Mấy tuần nầy xăng tuột dốc, từ cái đỉnh điểm trong bão Ike xuống còn chưa tới phân nửa. Nhưng thật kỳ. Xăng mới nhích lên, tất cả các mặt hàng không chờ lâu, nhảy theo ngay, như nước lụt. Bây giờ xăng xuống còn chưa tới nửa giá, vật giá đứng ì. Kiện ai bấy giờ? Nhưng người gặp hên là Doãn Quốc Vinh. Hên không phải vì Vinh không hay, nhưng được ông trời chiếu cố. Tôi không biết thưởng thức tranh. Tôi chờ phòng tranh mở cửa, để tới nói chuyện vớ vẩn. Nói và nghe chuyện vớ vẩn, tôi mới biết là chàng họa sĩ được nha sĩ Hồ Phan Hà chiếu cố, không bắt mướn phòng cũng chẳng túm áo đòi chia, mở cửa đón Doãn Quốc Vinh, để Doãn Quốc Vinh có cơ hội… mở cửa đón cụ thân sinh và khách mộ điệu Houston.

Tới phòng tranh trước 20 phút theo nguyên tắc và kỹ luật tự giác, tôi chờ mãi, vẫn không thấy cắt băng khánh thành. Khách đến lai rai, chẳng mấy chốc, phòng triển lãm đã chật, luồn lui lọt tới để rình chụp ảnh nhà văn Doãn Quốc Sỹ thưởng thức tranh của con trai mình, tôi muốn bở cả hơi tai. Thấy tôi lăng xăng mãi, ông cụ biết bị tôi phục kích. Mặc dù ông đang chuẩn bị cho bài ứng khẩu “khai mạc”, ông vẫn bắt tay chào tôi. Rõ ràng ông không nhớ người mang máy ảnh là ai. Khi tôi hỏi ông có còn giữ mấy tấm phóng ảnh tôi chụp và biếu ông trong “ngày vinh danh” ông hôm 6-4 tại Phố Xưa, ông không nhớ người trước mặt nói… chuyện gì. Thế mà lúc giới thiệu tranh và “nghề” làm tranh của con trai, ông nói rành rọt như chuyện mới xảy ra hồi hôm qua. Ông “than” khi nghe Vinh làm thơ, ông mừng trong lòng, tưởng có người “nối dõi văn chương của bố”. Ai ngờ thằng con xoay cái đùng qua hội họa. Ông cụ không tiết lộ là ông còn ân hận thằng con thích cầm cọ hơn cầm bút không. Nhưng rõ ràng là ông hớn hở, khi thấy người đến thăm Vinh, xem tranh, và mua tranh đông đến như thế.

Tôi và các bạn tôi cũng hân hoan lây theo Vinh. Trong những giờ đầu, chúng tôi chứng kiến sự quan tâm hiện diện của những người kín đáo ít chịu xuất hiện như ca sĩ Duy Trác, anh Phạm Thông báo Con Ong Texas, Sông Văn báo Việt Báo Houston, phóng viên đài truyền hình SBTN, và vợ chồng ái nữ nhà văn Phan Nhật Nam. Khi tôi sắp biến, tôi còn thấy anh Võ Thạnh, chủ tịch Hội Ảnh Việt Nam thành phố Houston, lững thững bước vào. Tôi hỏi “anh cũng đi xem tranh vẽ sao?”, để bị sửa lưng, “Bộ ông không thấy cái liên quan mật thiết giữa hai bộ môn nhiếp ảnh và hội họa? Nhà họa sĩ khi nào cũng có bức ảnh mà anh ta chụp để trước trong đầu, trước khi chấm đầu cọ vào sơn hay bột vẽ. Họ giỏi hơn chúng ta, chúng ta chỉ là người thợ sử dụng máy ảnh”. Cái nầy thì hết chỗ để tôi cãi với nhiếp ảnh gia cây cỗ thụ của Houston. Chúng tôi cũng chứng kiến những tấm tranh lần lượt được “ủng hộ”. Cảm động nhất và giá trị nhất là một khán giả mang ba lô, khoáo áo lạnh, chống gậy cẩn thận đặt từng bước chân quanh khắp phòng tranh, xem không sót một bức nào. Trước khi ra về, ông nầy còn thân tình nán lại nói những nhận xét của mình với tác giả nữa. Về tài năng của Vinh, tôi không biết gì về hội họa để xía vào trường phái “nghệ thuật hội họa đa chiều” (mixed media) nên xin miễn bàn. Nhưng được cả người không lành lặn thân thể chiếu cố lại thăm không phải là Doãn Quốc Vinh gặp hên và là danh dự cho người nghệ sĩ sao?

Mãi tới chiều chủ nhật, tôi mới tranh thủ được để trở lại phòng tranh, để chính thức phỏng vấn Vinh, chỉ hai câu rất ngắn.

Cảm tưởng của nhà họa sĩ về ngày triễn lãm đầu tiên ở Houston? Anh chàng khai thật, “Các cô gái Việt ở Houston rất đáng sợ. Trẻ, mà họ cũng chịu đi xem tranh, xoi mói, phê bình, chê khen, hỏi han về các công đoạn sáng tác rất cẩn thận.”

Tôi trở lại để hỏi nhỏ xem số tranh bán được có khả quan không? — “Dạ được anh ạ. Nhờ hên, em đã bán được 70 phần trăm trên tổng số 80 tác phẩm triển lãm.”

À. Cái nầy thì không phải là hên rồi. Bộ giới mộ điệu Houston và vùng phụ cận không có con mắt sao? Họ khó lắm chớ bộ, nhất là thời buổi “đường xăng đại huynh” nầy. Hơn năm chục bức tranh được khán giả thương mến quyết định mang về làm của riêng chỉ sau 12 tiếng đồng hồ, là dấu hiệu của tài năng cọng chung với may mắn. Vừa hay và vừa hên. Tài nghệ và thủ pháp của Doãn Quốc Vinh tới mức nào, tôi phải hỏi lại độc giả Thời Báo, là những người có trình độ thưởng ngoạn và phán xét, sau khi có dịp nhìn tận mắt tác phẩm của con nhà nòi. Điều này tôi đã thưa rồi, trong bài đăng ở Thời Báo trước đây 2 tuần: thân phụ anh là nhà văn Doãn Quốc Sĩ, chú là nhạc sĩ Doãn Nho, ông nội là thi sĩ Doãn Hưu, và ông ngoại là nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu. Nhờ Vinh làm việc cật lực và “tới”, Thời Báo được hưởng lây cái hên: điều mà chúng tôi in trong bài trước có vẻ trở thành sự thực, “Bên cạnh những chất riêng tư trong lãnh vực chuyên môn của mình, Vinh biết chọn mặt gởi vàng. Chúng tôi nghĩ là Vinh sẽ được tiếp đón bằng cả vòng tay lẫn tâm hồn mở rộng.”

NgyThanh
Thời Bao Ngày Nay
Houston 16-11-2008







Nov 16, 2008

Exhibition LÁ RỤNG VỀ CỘI - Khai mạc









Bố Sỹ xem giờ, chuẩn bị đọc diễn văn khai mạc
cho cuộc triển lãm của thằng "Sáu Vều" :)



Diễn văn khai mạc phòng tranh Doãn Quốc Vinh

Doãn Quốc Vinh vào dịp thằng em Doãn Quốc Hiển về thăm quê nhà sau gần 20 năm xa cách ! Ngày Hiển trở lại Úc, bắt gặp ánh mắt em một nỗi buồn vô hạn, Doãn Quốc Vinh đã viết tặng em 2 câu lục bát:

Mùi hương rau cỏ chiều qua,
Thót mình chợt hỏi quê nhà ở đâu.










Sau đó Vinh làm một bài thơ tặng mẹ - vào dịp sinh nhật thì phải:

Dăm ba câu hát ngọt ngào,
Đôi dòng lục bát lao xao ru hời.
Mà sao đến tận cuối đời,
Con đi chẳng hết những lời mẹ ru.


Đọc những vần thơ trên, tôi thầm nghĩ: “có thể sau này Doãn Quốc Vinh đi vào nghiệp viết văn của bố chăng ?”

Nhưng sau đó Vinh đã đi vào con đường hội họa ! Tháng 11 năm ngoái (2007) cuộc triễn lãm Lung Linh Ao Nhà của Vinh tại tòa báo Người Việt khu Little Sài Gòn, Nam Cali, đã được bằng hữu nức nở khen ngợi:
“Thực là thành công ngoài sức tưởng tượng !”

Nhớ lại hôm đó đi dạo một vòng ngắm những họa phẩm, tôi thấy Vinh vẫn còn giữ được niềm yêu thơ qua những đường nét màu sắc trong từng bức họa ! Và tôi liên tưởng đến người xưa nói về Vương Duy đời Đường vừa làm thơ vừa vẽ tranh:
“Xem thơ Vương Duy thấy có màu sắc của họa; xem họa Vương Duy thấy có ý tình của thơ !”



Nhưng thôi, xin quý vị cho phép tôi được ngừng lại nơi đây để tránh lỗi người xưa đã từng cảnh giác: “con hát mẹ khen hay !” và với tôi thì: “con vẽ bố khen đẹp !”

Vâng, xin quý vị cho phép tôi được ngưng lại nơi đây !
Thành thật cám ơn quý vị đã theo dõi khai mạc phòng tranh Doãn Quốc Vinh của tôi !

Doãn Quốc Sỹ

Nov 15, 2008

Viết về exhibition LÁ RỤNG VỀ CỘI - Trần Quân


Anh Vinh nỗ lực làm việc, tạo ra những nghệ thuật hòa hợp các nét đẹp của phương đông và tây. Nhìn bước chân đi của anh thấy được con đường nghệ thuật của anh chưa dừng bước được, sẽ còn đi nữa , có lẽ là sẽ đi đến một điểm là không còn ranh giới giữa đông và tây.


Mọi người khắp nơi nhìn vào hiểu được, đọc được một cách đơn giản từ ở nơi anh một điều. Đó là nghệ thuật sáng tác hội họa không thuộc vào bất cứ ai cả mà mọi người sẽ thuộc vào hội họa.

Bởi thế lá rụng về cội, cái cội này chỉ có một. Có thể hiểu anh Vinh đã để tâm tư của anh vào nghệ thuật trước khi anh đi đến sáng tác, cảm thấy bước đi của anh không dễ dàng để người người khắp nơi đến với anh…

Trần Quân

BỎ ĐẦU TÌM ĐẦU - TT Nhất Hạnh

Ảnh - Bồ Hùng Dũng

[…]

Này các bạn tu, ngày nay muốn làm một kẻ đại trượng phu thì phải tỏ ngộ được sự thật bản lai vô sự. Chỉ vì đức tin của quý vị chưa chín cho nên quý vị còn tiếp tục tìm cầu trong mỗi giây phút, bỏ đầu tìm đầu, không tự mình dừng lại được.

[…]

Bỏ đầu tìm đầu là lấy tích chàng Diễn-nhã-đạt-ma. Kinh Thủ Lăng Nghiêm có kể chuyện chàng Diễn-nhã-đạt-ma có bệnh tâm thần. Diễn-nhã-đạt-ma thường ưa nhìn nét mặt mình trong gương. Một hôm, trong khi Diễn-nhã-đạt-ma đang đứng soi mình trong gương, bỗng hoảng hốt la lên mình mất đầu, rồi vừa chạy đi tìm đầu vừa la: “Cái đầu của tôi ở đâu rồi?”. Tìm Đông, Tây, Nam, Bắc, Diễn-nhã-đạt-ma vẫn không tìm ra cái đầu của mình. Nghe vậy, thiên hạ liền cười chê, nói: “Cái đầu còn trên cổ của anh, làm gì mà hoảng hốt đi tìm như vậy?”. Khi được chỉ cho sự thật là cái đầu vẫn nằm trên cổ mình, lúc đó Diễn-nhã-đạt-ma mới ngưng lại sự tìm kiếm. Điều làm cho Diễn-nhã-đạt-ma vất vả tìm kiếm là cái vọng tưởng điên đảo.

Chúng ta cũng như chàng Diễn-nhã-đạt-ma có đầu nhưng vẫn chạy tìm thêm một cái đầu khác nữa. Bỏ đầu tìm đầu, không tự mình dừng lại được. Đó là hình ảnh Bụt đưa ra để dạy chúng ta, những người đang còn xôn xao tìm kiếm: Bụt, Thượng đế, hạnh phúc, hoà bình …

Trích "Người Vô Sự" - TT Nhất Hạnh

Nov 14, 2008

Exhibition LÁ RỤNG VỀ CỘI - sẵn sàng





Dear all,

Như vậy là sáng mai, thứ Bẩy 15/11/2008, "Lá Rụng Về Cội" sẽ chính thức ra mắt cộng đồng người Việt tại Houston-TX . Everything's so far so good...

- Phần âm thanh, ánh sáng, trình bầy, trang trí cho khu vực triển lãm vừa dứt điểm xong vào buổi trưa hôm nay. 3 chàng ngự lâm : Long, Tuấn, 6 Vinh đã phải làm việc cật lực trong suốt cả tuần lễ qua để chuẩn bị cho nhan sắc của "Lá Rụng Về Cội"...

- Phần làm việc với giới media tại địa phương ( talk-show, phỏng vấn, quảng cáo...) cũng vừa kịp hoàn tất vào ngày hôm qua . Việc chuẩn bị dư luận trong gia đoạn pre-exhibit lần này cũng thật tuyệt vời như là "Ao Nhà Lung Linh" tại California vào năm 2007.

- Phần ẩm thực cho buổi reception ngày khai mạc... done . Ðây là món quà tặng của 4 Liên, Thái Hằng cho "Lá Rụng Về Cội" ....

- Tin vui : dù chưa chính thức khai mạc nhưng "Lá Rụng Về Cội" đã nhận được rất lới khen ngợi của mọi người bên đây và trong mấy ngày qua cũng đã lai rai bán được khá nhiều rồi...Longman (Long - phụ trách về sale) đang lo lắng sẽ thiếu hàng trong tuần lễ triển lãm sắp tới .

- Tinh không vui : mợ hai Minh Yên không thể bay qua tham dự được và như thế là 6 Vinh không biết phải đứng khép nép bên ai để mà đọc diễn văn khai mạc đây ?

Xin gởi trước một ít hình để mọi người xem chơi cho vui ...
(see files attached)
6 Vinh

Doan Vinh
DVGALLERY





Chiều nay đã tạm ổn. Các nhân sự được Vinh giao việc tiếp khách và bán hàng đã có chiến lược chiến thuật sao cho phòng tranh sạch trơn.

Bố mẹ đến xem phòng triển lãm.
Mẹ khen tranh đẹp,rủ bố đứng cạnh chụp hình
.











Đợt triển lãm lần này chú Long và chú Tuấn có công rất nhiều. Cây lá khô được Long chặt ngoài đường mang vào phòng tranh cho thêm phần "Mùa thu, lá rụng về cội".


Cuộc triển lãm đã sẵn sàng , đang chờ giờ khai mạc ....

RÌ-POỌC-TƯA: Doãn Cẩm Liên

4 chàng ngự lâm pháo thủ: Tuấn, Vinh, Long, Thái
lực lượng chính chuẩn bị phòng triển lãm