Sep 6, 2008

JENNY PHẠM & JENNY N FASHION: CÔ GÁI VIỆT LÀM THỜI TRANG CHO NGƯỜI MỸ

Jenny Pham trong chương trình Thời Trang
do Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali tổ chức
(hình này do Jenny N Fashion cung cấp)


Bình luận về thời trang? Có lẽ đây là một trong những đề tài khó viết nhất đối với một người chỉ khoái mặc quần jean, áo thun như tôi. Từ hồi còn ở Việt Nam, mỗi khi nghĩ về thời trang, tôi thường liên tưởng đến các bà đầm thiết kế thời trang người Pháp hay người Ý gì đó, với những trang phục hết sức khác thường, cùng những cô người mẫu đi catwalk với những bộ thời trang… không ai dám mặc trong đời thường! Sang đến Cali, tôi có dịp tình cờ gặp Jenny Phạm ở khu Bolsa, rồi sau đó mới được anh bạn bảo rằng “…cô đó là nhà thiết kế thời trang đó!”. Thấy cô gái trẻ đẹp này cũng không đến nỗi …khác thường như những nhà thời trang Pháp-Ý xuất trên tivi, tôi bèn làm quen để hỏi cô về chuyện thời trang Việt trên đất Mỹ. Thật là ngạc nhiên khi tôi biết ra rằng Jenny thiết kế thời trang không nhắm vào thị trường người Việt, mà là cho người Mỹ…

Jenny đi bảo lãnh sang Cali, hòan thành chương trình đại học ở Golden West College. Công việc đầu tiên mà cô làm để kiếm tiền là nghề dental technician trong một phòng lab nha khoa. Nhưng đó chỉ là bước đệm trong việc thực hiện một ước mơ đã có từ lâu của cô: làm thời trang. Bởi vì Jenny đã say mê hành nghề này từ năm cô… 9 tuổi. Jenny kể lại rằng hồi
đó cô có con búp bê mà cái cái áo đầm không ưng ý mình lắm. Jenny bèn đi lang thang ra các tiệm may gần nhà ở Bình Thạnh-Sài Gòn, nhặt mấy mảnh vải thừa, rồi tự nghĩ ra kiểu và tự may áo cho búp bê. Không ngờ lũ bạn hàng xóm mê mẫu áo của Jenny quá, nên đặt cô may áo cho búp bê của mình, có trả tiền đàng hòang! Thế là nhà thời trang tí hon Nguyên (tên Việt Nam của Jenny) đã kiếm được khá tiền từ công việc vẽ và may áo búp bê. Chiếc xe đạp đầu tiên trong đời của cô mua được cũng từ món tiền này.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Còn việc kinh doanh thời trang ở Mỹ trong thế kỷ 21 thì không dễ như vậy. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ hơn, cho dù bạn có khả năng thiên phú. Jenny hiểu rõ điều này. Trước tiên là phải có vốn. Năm năm làm dental technician giúp cô dành giụm một số tiền. Kế đến là phải tích lũy kinh nghiệm. Jenny quan sát thị hiếu ăn mặc của người Mỹ trong nhiều năm liền. Cô cũng ghi danh đi học ngành FIDM (Fashion International Design Merchandise) ở Irvine, nhưng chỉ lấy một vài lớp. Cô thử trắc nghiệm gout thời trang của mình bằng chính những trang phục cô tự chọn cho mình. Khi thấy bạn bè và người chung quanh thích kiểu cách ăn mặc của mình, cô tự tin hơn. Vào năm 2003, Jenny quyết định thử thời vận bằng cách mở fashion shop đầu tiên của mình tại ngã tư Brookhurst-Ellis, lấy tên là The Girls Closet. The Girls Closet chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường phát triển kinh doanh dài. Tiệm lúc đó chỉ bán lẻ là chính, doanh thu chỉ tạm đủ bù cho chi phí. Để tồn tại và phát triển, Jenny cần có thêm cái đầu của một nữ doanh nhân, biết điều chỉnh kế họach kinh doanh hợp thờivà hợp lý. Đầu tiên là Jenny quyết định không nhắm vào thị trường người Việt vì quá nhỏ. Cô tìm cách đi vào main stream, dù biết là đường đi sẽ khó khăn hơn. Năm 2005, Jenny mở tiệm Jenny N Fashion tại đại lộ Melrose ở Los Angeles, một trong những con đường thời trang lớn của Cali. Khách hàng của Jenny lúc đó đã có những ngôi sao điện ảnh, những nhân vật nổi tiếng. Nhưng bán lẻ vẫn không phải là hướng kinh doanh chính. Jenny cho rằng phải tìm cách bán sỉ thông qua các wholesaler lớn của Mỹ thì mới có thể phát triển được. Jenny đặt mục tiêu cho mình là phải vào được California Mart, trung tâm bán sỉ quần áo thời trang cao cấp lớn nhất ở LA. Thông qua những cuốn buyer books, Jenny chọn ra một số nhà bán sỉ đã có cửa hàng trong California Mart, gởi hồ sơ giới thiệu collection của mình đến giới thiệu với cả chục công ty khác nhau. Đây là cửa ải khó nhất, vì những nhà bán sỉ ở đây rất kén suppliers, họ sàn lọc rất kỹ. Thời cơ đã đến khi Bernadette Mopera & Co, một wholesaler lớn đề nghị gặp Jenny. Sau khi xem xét kinh nghiệm cùng những mẫu thời trang Jenny thực hiện, công ty này đã quyết định cho cô thử thời vận, đồng ý cho Jenny trưng bày hàng hóa trong showroom của mình. Cánh cửa quan trọng nhất đã mở ra trong sự nghiệp kinh doanh thời trang của Jenny, thời điểm đó là vào năm 2006.


Cùng với Bernadette Mopera, công việc bán sỉ của Jenny N Fashion phát triển nhanh chóng. Showroom của công ty, nằm ở ngã tư Brookhurst-Bolsa, hiện nay đựơc dùng để làm văn phòng giao dịch nhiều hơn là để kinh doanh. Jenny đang cung cấp quần áo cho gần 200 cửa tiệm thời trang khác nhau ở Mỹ, Canada, Nhật. Không cần quá lộng lẫy, cầu kỳ, mẫu thời trang của Jenny vẫn có chỗ đứng vững chắc trong thị trường. Đó là sự phối hợp giữa thiên khiếu thẩm mỹ và sự nhạy bén trong kinh doanh. Sản phẩm chính của Jenny N là tops & dresses, vốn không đòi hỏi nhiều sự chính xác khi may đo, nên rất phù hợp với thời trang may sẵn. Còn về phong cách, Jenny tự đánh giá thời trang của mình là trẻ, quyến rũ, dễ thương. Chỉ cần chọn chất liệu vải phù hợp, màu sắc hài hòa, phối hợp thêm với một vài chi tiết trang trí làm điểm nhấn là ta đã có một kiểu áo đẹp. Nói thì dễ, nhưng làm thì …không dễ chút nào! Jenny phải luôn theo sát thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh mẫu thời trang cho phù hợp. Cô cho biết một năm cô chỉ có 4 kỳ ra mẫu mã mới theo 4 mùa. Mỗi lần như vậy, cô phải bay sang Trung Quốc và Việt Nam là hai nơi gia công các mẫu áo của mình. Cô phải làm việc rất kỹ lưỡng với các nhà sản xuất, từ khâu chọn vật liệu cho đến từng chi tiết nhỏ của mẫu. Chỉ đến khi mẫu thiết kế mới hòan thiện đúng với ý của mình, Jenny mới yên tâm trở về Mỹ tung ra thị trường.

Thiết kế-kiểm tra sản xuất- tiếp thị-bán hàng. Jenny phải tham gia vào tất cả các khâu này trong qui trình kinh doanh. Làm chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ là phải đa đoan vậy đó. Lòng đam mê giúp nhà doanh nghiệp trẻ tuổi này vượt qua mọi gian nan trong nghề nghiệp. Dù rất bận rộn, trong 03 năm qua, Jenny vẫn dành cho Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali một chương trình thời trang hằng năm của mình để gây quĩ trong dịp đầu năm. Trong tháng 7 vừa rồi, cô về Việt Nam thực hiện một chương trình thời trang ở Sài Gòn mang tên Phong Cách & Đam Mê, với mục đích giao lưu, giới thiệu những thiết kế của cô đến với giới trẻ tại quê hương. Kế hoạch trong tương lai của Jenny là sẽ tiếp tục mở rộng công việc bán sỉ của mình thông qua các nhà bán sỉ khác. Jenny đã và đang tham dự nhiều Magic Show tổ chức ở Las Vegas là để thực hiện mục đích này.

Còn hiện tại? Jenny vẫn enjoy những ngày nghỉ cuối tuần với bè bạn tại các nhà hàng outdoor gần biển mà cô yêu thích, vẫn dành thì giờ cho cây đàn keyboard, vẫn đi bơi đều đặn. Những giây phút thoải mái như vậy giữ cho tâm hồn của cô luôn tươi trẻ, như thời cô bé Nguyên ngày xưa làm thời trang búp bê ở Sài Gòn. Có như vậy, niềm đam mê sáng tác trong Jenny lúc nào cũng tràn đầy trí tưởng tượng, sự sáng tạo, điều rất cần đối với những nhà thiết kế thời trang trẻ như cô…

Đòan Hưng


Chân dung "Doan Gia's Fashion designor Ti Na" - bố Hiếu vẽ
bên cạnh các kiểu áo do Ti Na sáng tác hồi nhỏ xíu


No comments: