9:30PM ngày 20 tháng 5, 2021 xe chạy vào hẻm nhà 8525 Lampson Ave, thắng két lại. Thằng em chở hai bố con từ nhà thương về. Cả bố lẫn con đều thở phào nhẹ nhõm “Home sweet home!” Thật đúng là cảm giác “êm ái, khỏe khoắn, nhẹ bẫng như sợi bông” khi được về nhà. Trước đó vài tiếng cả hai bố con bị chìm trong hố stress, bố khùng lên theo kiểu bố, con ngầu theo kiểu con. Những người ở nhà thì lửa đốt và sốt ruột tâm gan, tại sao giờ này ông già chưa được phép về.
Bố nổi sùng vì chỉ mong muốn được tháo bỏ dây dợ cắm vào người ra, để được đứng lên vào nhà vệ sinh để đi tè mình ên và được về nhà. Cơn sùng ngày càng gia tăng và đỉnh điểm là ba tiếng trước khi được ra khỏi nhà thương lúc 9pm ngày 20 tháng 5.
Ngay từ phòng tiền phẫu, nằm chờ hai tiếng đồng hồ bố có đã dấu hiệu mất kiên nhẫn của ông “Thôi, bố về nhà thôi.” Rồi giờ mổ cũng phải đến 1:30PM ngày 19 tháng 5, thuốc mê và thuốc tê đã giúp ông quên niềm mong muốn về nhà. Ra phòng hậu phẫu, vẫn còn ảnh hưởng thuốc mê nên vẫn êm ả. Về phòng vẫn còn mê mê tỉnh tỉnh, nhưng đến khoảng 9 giờ đêm, ông nhận ra dây dợ lòng thòng trên người. Khó chịu bắt đầu. Ông rập rình muốn tháo chúng từ nửa đêm về sáng lúc 2 giờ, y tá phải cho một viên thuốc ngủ. Tạm êm, ông ngủ được hơn một tiếng đồng hồ. 4 giờ sáng, ông thành công việc dứt dây truyền nước biển, máu chảy tùm lum. Máy truyền nước kêu ré đánh thức con dậy.
Y tá bệnh viện chắc là quen cảnh mấy ông bà cụ bứt rứt, bất an với đống dây nhợ này nên họ rất bình tĩnh. Lấy dụng cụ ra, tìm lại veine gắn iv và cho dịch truyền trở lại. Lần này cô y tá đã cẩn thận quấn thêm một lớp gạc bảo vệ cây kim. Ống thông tiểu cũng được bảo vệ bằng tã giấy có băng keo dán chặt. Một điều không thể chấp nhận đối với bố. Con xót xa vì bố đau và khó chịu vì lắm thứ gắn vào người. Nhưng có vậy thì mới an toàn, bố ạ.
Phần con, con đã chuẩn bị một tâm thế thật bình lặng để cùng bố đi mổ. Con hiểu sự yên hoặc an của mình có thể giúp bố lúc này. Chuyện này mới tức cười chứ, ông là thiền sư thứ thiệt dư chất thiền để phò trợ con chứ? Con vẫn thấy bình an từ phút bắt đầu chở bố đi nhà thương, vào phòng tiền phẫu, ra phòng riêng, qua một đêm đối phó với tâm tính bố xáo trộn sau thuốc mê của bố. Con nghĩ mình đạt được chút gì trong việc thực tập tâm “Tâm an thế giới an”. Nhưng không vậy. Con không có hoặc chưa đủ nội công ở ba giờ sau cùng của ngày thứ hai. Con cũng mong ngóng như bố có được giấy xuất viện. Con chờ bác sĩ mổ khám bố lần cuối để ký giấy cho về. Sốt ruột, mong ngóng đã dần trổi dậy từng đợt sóng trong tâm con.
Cái sự trông mong, sắp đặt trước trong đầu là được ra khỏi nhà thương kể từ sau 3Pm. Mà phải chờ đến khuya mới thực hiện được, con đã mất cái tâm an kia rồi.
Còn lại thêm nữa, lúc 5 giờ chiều khi bố được tháo dây thông tiểu, vẫn chưa tháo iv nước biển, thì ông đòi được đứng dậy để vào restroom tự tè. Con không thể làm được hai chuyện một lần là vừa đỡ bố vừa đẩy máy truyền nước biển. Kết quả là bố vùng lên, còn đè xuống. Bố gào to “Lấy áo quần trong tủ quần áo của bố đưa đây để bố mặc”, bố cứ thế mà gào và con cứ thế mà canh chừng. Có giải thích lý do iv còn tòng teng trên tay thì không đi vào restroom được là chuyện vô ích!
Phải ở trong sự việc thì mới thấy ra nhiều cảnh thật khổ. Y tá giao ca lúc 7 giờ chiều. Trước đó một tiếng hay hơn, y tá ca trước không muốn hành động gì cho bệnh nhân, càng delay nhiều càng tốt để đẩy việc cho y tá ca sau. Do vậy, iv tòng teng trên tay bố mà con chẳng làm được gì. Không làm được gì thì bố cứ phải nằm trên giường. Bố càng nằm trên giường càng bứt rứt, càng cáu gắt bực bội. Và kết quả con bị bố la là bất hiếu vì không cho bố ngồi dậy đi restroom, để cho bố tè lên giường. Y tá không thấy một ai. Bố con “oánh nhau” người đòi ngồi dậy và gào, người đè xuống. Bố con ngược nghịch như thế đó.
Stress là phải. Con thấy ba đường stress xâm nhập vào mình. Chính con tạo ra cho mình, bố gây ra, và những cuộc điện thoại gọi tới. Toàn gia đình trông mong được đón bố về nhà mà chưa thấy nên gọi hỏi lý do. Con biết đó là sự chăm sóc thăm nom nhưng sao trong con lại tăng căng thẳng. Chắc do vì thời gian. Thời gian chờ đợi mà không thấy đáp ứng mà còn trời tối sụp xuống.
Sự căng thẳng ùa vào trong con, cho dù đã dùng phương pháp thay chốt. Vặn nhạc violon cho cả bố lẫn con cùng nghe. Bố không nghe vì bố điếc. Con nghe, cảm thấy êm êm xuống, nhưng bố lại đến cơn đòi vào restroom, con lại phải giữ bố nằm yên, cơn căng thẳng lại trỗi lên.
Và rồi chẳng mấy chốc 8:30pm, y tá xuất hiện. Một cô y tá rút iv, một cô mang hồ sơ giấy tờ để con ký tên. Tâm đã bắt đầu nhẹ nhõm. Khi bố được thay quần áo, thu xếp hành trang để lên xe đẩy ra khỏi phòng, cả Bố và con cùng êm ả. Thằng em trai đang trên đường lái xe đến nhà thương. Một bầu không khí hay một tâm trạng được tháo gỡ hết những căng thẳng bực dọc. Nhẹ!
Về đến nhà, bố nói huyên thuyên câu chuyện mà tưởng chừng bố đã quên. Có phải không là thuốc mê vẫn còn trong tế bào não và cảm giác nhẹ nhõm. Con được vào nhà tắm, xối nước nóng cho tỉnh người, ăn chút gì rồi đi ngủ lấy lại sức.
Kết luận: Vậy là Bố con mình luôn có nhau, lúc vui, lúc buồn, lúc giận bực tức đều có nhau hết. Bố và con còn đồng hành với nhau nhiều năm nữa, để cho cả nhà chúng ta cùng tán thưởng câu bố thường nói: “Thượng Đế ngài đã bỏ quên tôi!”
Bố và Con cùng kiên quyết giữ lời nói đó nha bố.
California, ngày 23 tháng 5, 2021
Doãn Liên
No comments:
Post a Comment