Chị Liên- Một nhà
nghệ sĩ nhượng bộ.
Thuở còn con gái,
chị xinh đáo để và có lẽ cũng tinh nghịch đáo để.
Chỉ cần nhìn bức ảnh
chị mặc áo dài, cắt tóc à la garconne mà lại trèo lên cây ngồi vắt vẻo trong
khi bạn mình ngồi ở dưới là đủ đoán ra rồi.
Xinh và tinh nghịch thì hay đi đôi với thông minh. Lúc chưa lấy chồng, chị cũng yêu văn nghệ lắm
chứ. Chị đã từng học violin mấy năm, và
đến giờ vẫn còn khả năng solfège chính xác.
Chị cũng có một cái jeu cắm hoa là lạ với những chùm quả kết tròn có gai
nâu nâu cắm um tùm trong chậu điểm thêm hoa bất tử vàng óng ánh. Và chị cũng biết hát nữa, ca sĩ hội B của HCC
chứ bộ giỡn sao.
Có lẽ chị sẽ đi
xa hơn nữa nếu trên con đường ngao du chị không vấp phải một chướng ngại: một đức ông chồng. Cái sự tích lấy chồng của chị Liên cũng thật
ly kỳ. Một ngày xấu trời kia có một anh
chàng nhỏ thó, mặt mũi lầm lì, xanh xao gầy ốm... xuất hiện trong phòng khách nhà
chị. Anh chàng này đến đây chơi vì ai rốt
cục không ai biết. Cuối cùng anh ta chơi thân với bé Hương, lúc đó độ mười hai
tuổi. Nhưng rõ ràng cả nhà đều thấy điểm
đến của anh ta là chị Liên. Chị Liên, một
cô gái nhí nhảnh, ít nói hơn chim chút đỉnh, tính hồn nhiên, ít khi bận tâm suy
tư về cuộc đời, đời ra sao là do ta. Còn
anh chàng kia, Nguyễn Đình Hiếu, sinh viên kiến trúc, mặt mũi y như vừa mới giận
ai, tính tình khép kín như cánh cửa nhà mồ.
Chẳng có gì liên lạc với nhau cả.
Sợi dây duy nhất nối kết anh ta với gia đình là những bài du ca và những
sáng tác của anh ta. Cả nét nhạc của anh
cũng là một cái gì huyền bí y như sự có mặt của anh ta. Người ta nghe thấy tiếng búa đóng hòm. Nghe tiếng trăn trối hổn hển của một gã si
tình dặn người yêu trồng cây cà phê và cây thuốc lá bên mồ cho gã mỗi sáng điểm
tâm (Tôi thấy bất tiện quá, giá mà mỗi ngày cứ bưn ra bên một một phin đen và nửa
gói capstan cho nó dễ hơn). Những lời tỏ
tình của anh ta dường như cũng không có đối tượng rõ ràng: nó chơi vơi, lơ lửng
trong không trung; nó bay bổng, xô giạt trong những giấc mơ, bên hàng rào mồng
tơi, trong trời mưa lâm râm. Và nhạc triết
lý (tôi tạm gọi là vậy vì không biết phân loại bằng cách nào) của anh ta thì
khúc mắc, khổ đau, khắc khoải ... để cuối cùng cũng lại lên chơi vơi, lơ lửng. Ở nhà vẫn gọi bằng cái tên bôi bác: nhạc táo
bón. Cái tên khôi hài nhưng mà đúng. Nghe ra tiếng lòng bế tắc, chưa tìm được lối
thoát, mà chỉ thoát ra bằng giấc mộng chơi vơi lơ lửng.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment