Jan 16, 2013

Doãn Quốc Sỹ Tâm - HƯNG DOÃN



Viết cho Ti-Oui, Doãn Quốc Sỹ Tâm

Bố đặt tên con là Doãn Quốc Sỹ Tâm, tức là tâm của ông nội. Tại sao vậy ? Vì bố muốn nhắc con về một truyền thống trọng chữ tâm của gia tộc nhà mình. Nó khởi đầu từ bao lâu rồi không rõ, nhưng ông nội trở thành một biểu tượng mạnh mẽ. Khi con lớn lên, con sẽ được đọc tác phẩm của ông nội. Con sẽ có dịp đọc những bài viết về ông nội của những nhà phê bình văn học. Con sẽ thấy một ông nội trong xã hội, trong cộng đồng người Việt Nam. Trong bài viết này, bố kể cho con nghe chuyện về một ông nội khác, ông Doãn Quốc Sỹ của gia đình.

Hồi tôi còn nhỏ (thời gian trước 1975), ký ức về một ông bố văn nghệ sỹ không nhiều lắm. Tôi nhớ rằng bạn bè của bố tôi đến chơi nhà đa phần là giới văn nghệ sỹ. Thỉnh thoảng, tôi thấy bố mẹ tôi chuẩn bị cơm chiều ngoài phòng khách (vì cơm gia đình thì ăn trong bếp). Tôi đứng thập thò từ phòng trong nhìn ra, nghe loáng thoáng nhớ đến mấy cái tên như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền... Có hôm, tôi nghe mẹ nói có bác nhạc sỹ Phạm Đình Chương là bài Ly Rượu Mừng tới ăn cơm. Rồi có một lần, cô nhà thơ nhà báo Minh Đức Hoài Trinh đến không ăn cơm trên phòng khách mà xuống nhà bếp cùng ăn với cả nhà. Đối với tôi hồi ấy, cô thật đẹp, sang trọng, quí phái. Ngồi nghe cô nói chuyện với người lớn về những chuyến đi viết bài ở nước ngoài, quả thật là giấc mơ đối với một cậu bé ham viễn du như tôi.

Hoạ sĩ có bác Duy Thanh, Ngọc Dũng. Vào khoảng đầu thập niên 70, bác hoạ sĩ Võ Đình từ Mỹ về, ở lại chơi với gia đình tôi khá lâu. Có buổi trưa, bác mua sơn đỏ đen về để sơn lại cái tủ thờ nhà tôi, sau đó dùng tuộc-nô-vít vẽ ngay trên mặt sơn ướt thành 16 hoạ phẩm, có chữ ký của bác đàng hoàng. Bác bảo với chúng tôi rằng sau này, nếu túng tiền thì cứ cậy từng tấm ra mà bán như là một bức tranh, tính ra thì nhiều Đô La lắm !

Những kỷ niệm liên quan đến sự nghiệp văn chương sau 1975 của tôi dĩ nhiên không được êm đềm như thế. Vì nghiệp cầm bút lúc này đi liền với chuyện vào tù ra khám. Hãy nghe mẹ tôi kể về việc bố tôi sáng tác thời gian sau khi bố đi cải tạo lần đầu trở về: bố tôi thai nghén một tác phẩm y như một phụ nữ mang nặng đẻ đau, nên rất dễ biết. Ông vốn ăn đã ít, lúc ấy lại càng biếng ăn thêm. Suốt ngày ông chỉ tư lự, suy nghĩ đến một điều gì đó trong đầu. Thỉnh thoảng lại lấy giấy ra ghi ghi chép chép. Kế tiếp là giai đoạn viết liền tù tì ngày và đêm. Sau đó, bố tôi bắt đầu đọc lại cho chị tôi đánh máy. Mẹ tôi lo lắm. Nghe tiếng máy đánh chữ gõ lạch cạch ban đêm, bà cứ cằn nhằn bố, rồi lại kể lể với con cái. Lúc đó là đầu năm 1984, giấy tờ bão lãnh bố mẹ tôi đi Úc đã xong xuôi, chỉ còn chờ ngày lên chuyến bay là thoát nạn, thế mà bố vẫn làm những chuyện dại dột ấy ! Đợi sang kia rồi thì tha hồ viết lách ! Mẹ tôi lo không xa tí nào. Chị hàng xóm tốt bụng, là tổ phó an ninh ở đối diện nhau đã lén sang nhà tôi mách rằng hơn một tuần qua, công an chìm đã được cử xuống nằm ở nhà chị để theo dõi nhà tôi. Vào rạng sáng ngày 2 – 5 năm ấy, công an vào lục tung nhà tôi lần thứ hai, rồi bắt bố tôi đi vào khoảng 6 giờ sáng. Tôi nhớ cái cảnh buổi sáng, cả xóm trong hẻm ra đứng chứng kiến cảnh độ một chục ông công an đưa bố tôi ra xe. Trong một cái hẻm lao động vào những năm ấy, mấy chiếc xe con vào đậu trong hẻm cùng một lúc là một điều bất thường. Nhà tôi ở gần cuối hẻm, Bố tôi bước đi lần thứ hai dưới sự chứng kiến của cả xóm. Những cặp mắt tò mò, thông cảm. Mẹ tôi đã phải vất vả thêm 8 năm nữa cho việc đi thăm nuôi ông chồng, vì đã không thể thuyết phục nổi bố tôi chọn cuộc sống an toàn. Người mẹ nào cũng thế, thường phải lo cho gia đình trước đã. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế. Một số bạn bè văn nghệ của bố đang ở nước ngoài thời ấy, khi biết tin bố tôi sắp đi Úc, có viết thư bóng gió khuyên rằng bố tôi không nên đi. Biết ở lại là nguy hiểm, nhưng ai cũng đi hết thì còn ai là cầu nối nhịp giữa trong và ngoài nước nữa. Thời đó Việt Nam còn đóng kín cửa, tâm tư của người trong nước đâu có mấy ai dám bày tỏ. Nếu câu “miếng khi đói bằng gói khi no” đúng với nghĩa đen, nó còn có nghĩa hơn với các món ăn tinh thần. Bố tôi cũng đồng quan điểm này. Đã hơn một lần, bố tôi nói văn là nghiệp chứ không phải là nghề, mà bỏ nghiệp thì khó lắm ! Sang bên kia rồi, xem chừng khó mà viết lại được những trăn trở của người ở lại, những chứng nhân của một cuộc bể dâu của dân tộc Việt. Có lẽ cả lương tri lẫn đam mê của người cầm bút đều không thể làm ngơ được. Thôi thì, trót mang lấy nghiệp vào thân...

Trở lại với ông Doãn Quốc Sỹ của gia đình, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc là thì giờ đâu để một nhà giáo, một nhà văn như bố tôi chăm sóc cho một gia đình 8 con. Đó cũng là một câu hỏi thường xuyên của thế hệ chúng tôi về thế hệ trước. Tôi cũng đã là bó của gia đình hai con. Chỉ mới có hai đứa thôi, vợ chồng tôi đã cảm thấy quá vất vả rồi. Thì giờ đâu mà bố tôi vừa sáng tác, vừa soạn giáo án, vừa chăm sóc, dạy dỗ cho con cái nên người ? Có một phương pháp, nguyên tắc giáo dục nào chăng, thí dụ như phương pháp “tự giác” chẳng hạn ? Hay chỉ là đơn giản vì “trời sinh voi, trời sinh cỏ ?” Vẫn biết là mẹ tôi mới là người quá xuyến gia đình. Nhưng trong việc định hình, phát triển nhân cách của các con, bố tôi mới có dấu ấn rõ rệt.

Nhìn lại những chuyện ngày xưa trong gia đình để tìm ra và học tập “phương pháp” đó, tôi nhận ra những điều ngộ nghĩnh. Tô có một ông chú thương gia giàu nhất trong họ. Chú Kiệm là “cố vấn” của bố, tham gia rất nhiều vào các quyết định của gia đình tôi. Hầu hết tên của bọn tôi, con nhà văn DQS, là do chú đặt ! Đã hơn một lần bọn tôi bị phê bình là tên con của nhà văn mà không được hay lắm ! Chú là người tư vấn nhà tôi nên xây sửa theo kiểu nào. Bọn tôi đứa nào học giỏi, thi đỗ đều do chú thưởng. Tôi còn nhớ, cuối tháng nào có bảng danh dự, tôi cũng mong chú mau lên nhà để trình, để có tiền thưởng mua xá xị Phương Toàn uống. Lễ khui champagne cho chị tôi đỗ tú tài làm tại nhà chú. Ấy thế, nhà tôi mới là “trung tâm giáo dục” của họ hàng. Con chú lại được gởi xuống nhà tôi “du học”, tức là ở lại nhà học hành chung với bọn tôi để có không khí, đến cuối tuần mới được về. Sau 1975, cây đàn piano đầu tiên của gia đình tôi và cô Quý ký cóp gom lại mua được đặt tại nhà tôi. Ngọc, con gái của cô ở nhà tôi gần như cả ngày để vừa học chữ vừa học đàn. Có lẽ vì không có gia đình nào đủ can đảm để mua đàn piano, chưng nó tại nhà vào cái thời ấy, khi mà người ta còn phải bán và dấu bớt đi tài sản của mình vì lý do an ninh.

Nhắc tới đây, tôi muốn nói thêm về một gia đình lớn hơn, gia đình thứ hai của bố tôi. Gia đình ông nội có hai thành viên, bố tôi và cô Quý, di cư vào Nam năm 1954. Ông Tư, em của ông ngoại cũng vào trong đợt này, nhà ở Gò Vấp. Chú Kiệm thì đã lập nghiệp tại Sài Gòn từ năm 1942 ở bên Khánh Hội. Đại gia đình của chúng tôi gồm những thành viên như thế. Hầu như quyết định quan trọng nào của gia đình tôi đều có cô Quý, chú Kiệm, hoặc ông Tư tham gia và ngược lại. Cuối tuần, chúng tôi cũng mong có tiểu gia đình nào sang chơi, hoặc được bố đưa đi thăm nhà ông, cô, chú... Bọn tôi hư hay ngoan như thế nào, đều được “báo cáo” lại cho đại gia đình. Có lẽ trách nhiệm chăm sóc giáo dục con cái của bố mẹ tôi cũng được san sẻ bớt nhờ vậy. Cứ vào ngày mồng Một Tết, gia đình cô Quý – chú Phong sang nhà tôi trước. Sau đó cả hai gia đình cùng lên nhà chú Kiệm. Từ nhà chú Kiệm, cả ba gia đình lên chúc Tết ông bà Tư. Xe chú Kiệm là sang nhất, chiếc xe Hoa Kỳ Chrevolet dài sượt. Cô Quý lái chiếc bốn chỗ gọn gàng hơn, đủ chỗ cho một gia đình 4 con. Bọn tôi 8 đứa thì được chất đằng sau chiếc xe thùng Daihatsu của bố tôi. Nó vừa là xe chở sách đi giao, vừa là xe chở thực phẩm cho cả nhà. Người lớn thì áo cest, áo dài. Con nít diện quần áo mới. Gia đình đông con như nhà tôi, có đôi khi bốn anh em trai mặc cùng một kiểu đồng phục “Tứ Quái Dalton”. Đi đến gia đình nào, gia đình đó náo nhiệt, ồn ào, ấm cúng thêm. Hình ảnh cả đại gia đình rồng rắn nối đuôi nhau đi chúc Tết trong những buổi chiều xuân như vậy mãi mãi không bao giờ phai trong ký ức của tôi. Nó là một biểu tượng rất đẹp của tinh thần tương thân tương ái trong đại gia đình của người Việt. Có lẽ một phần vì hoàn cảnh. Việc bỏ quê hương, dắt díu nhau đi lập nghiệp trong Nam thời ấy đã khiến chúng tôi phải nương tựa vào nhau. Thế nhưng, so với đợt di cư lần hai của dân Việt – đợt ly quốc trong những thập niên 70, 80 mặc dù hoàn cảnh có vẻ khó khăn hơn, hình ảnh đại gia đình Việt Nam ấm áp như vậy ở hải ngoại hình như nhạt nhoà hơn rất nhiều.

Cách thức chia thời gian cho gia đình, cho nghiệp văn nghề giáo của bố tôi cũng có gì là bí mật, đôi khi lại còn không khoa học nữa. Thí dụ có những buổi chiều mùa nghỉ hè, bố tôi bảo mấy anh em tôi có thích đi chơi không ? Dĩ nhiên là có rồi ! Bố tôi bèn chở cả đám ra công viên, thả cho chạy chơi đến tối mịt. Bố tôi ngồi hí hoáy ghi chép trong xe, phải đợi bọn tôi nhắc mới chịu về. Sau này, tôi đoán rằng lúc đó bố tôi đang viết văn. Cũng theo cái cách kết hợp như vậy, năm chừng 10 tuổi tôi đã từng theo bố đến ngồi cuối lớp của Đại Học Vạn Hạnh, để nghe bố tôi giang bài cho sinh viên. Trong những đợt giao sách, bố tôi chở bọn tôi cùng hàng trăm cây sác đi lanh quanh khoảng năm sáu cửa hàng sách ở Sài Gòn. Mỗi nơi có khi phải đợi tới nửa giờ để bố mẹ tôi giao nhận, tính toán sổ. Mới đầu, bọn tôi cứ thấy được leo lên xe đi ra khỏi nhà là khoái rồi. Sau này phải ngồi chờ trên xe lâu quá, nên bắt đầu chán. Có mấy lần ra xe thấy bọn tôi mặt ỉu xìu, bố tôi phải dỗ dành, “bù lỗ” bằng nhiều cách. Biết làm sao được, nhà đông con mà. Được như vậy đã là một nỗ lực rồi. Tôi vẫn còn nhớ hồi học lớp 2, mỗi học sinh trong lớp phải làm một bộ bảng số có hai ngăn bằng bìa cứng, có các chữ số rời kèm theo. Khi cô giáo ra phép toán trên bảng, học sinh sẽ trả lời đáp số trên bảng này thay vì viết phấn lên bảng con. Tôi vốn rất vụng về nên đâu có thể tự làm được. Đến buổi chiều trước hôm phải có một ngày, tôi lo quá nên khóc lóc cầu cứu bố, mặc dù thực ra bố tôi cũng không hề khéo tay tí nào. Tôi không hiểu bố tôi đã xoay sở như thế nào, mà trong suốt một buổi tối ông loay hoay cắt, dán hoàn thành xong bộ bảng số này. Hôm sau đem nó vào lớp, tôi có thể nhận thấy rằng tấm bảng của tôi thuộc loại “xấu” nhất. Không hề gì, tôi vẫn trân trọng nó lắm. Có cái để học là quá tốt rồi. Bây giờ, khi mình cũng làm bố, tôi mới biết không phải bậc cha mẹ nào cũng sẵn lòng dành thời gian cho con trong những công việc “lặt vặt” như vậy. Những ông bố thì hay có chuyện đại sự để lo. Nếu không thật sự thấy trong những việc chăm sóc cỏn con ấy là niềm vui, hẳn các ông bố sẽ có rất nhiều cớ để từ chối làm !

Bọn tôi được bố dạy dỗ, giáo dục ra sao ? Tôi không nhớ bố tôi có ràng buộc một quy tắc, kỷ luật rõ rệt nào cho các con. Tôi có một thằng bạn bố là sỹ qua quân đội. Ở nhà đó, không có chuyện con cái trong nhà kén ăn chọn uống. Đến giờ cơm, khẩu phần dọn lên là phải ăn cho bằng hết. Tôi còn biết một ông bố là giáo học, các con đứa nào hàng tháng dưới hạng năm thì tự biết sẽ có đòn. Nhà tôi không có những ràng buộc như thế, nên 8 đứa bọn tôi lớn lên hầu như phát triển mỗi người một kiểu, không ai giống ai. Bà chị của tôi học hành rất giỏi ở đại học, nhưng hồi tiểu học từng ở lại lớp. Ông anh tôi từng bị chú Kiệm cảnh cáo vì hồi trung học để tóc dài, hay đua đòi với bè bạn: “Nó mà là con tôi thì đã nát đòn rồi...” Ấy vậy chứ ngày nay, cả 8 đứa bọn tôi dù không thành công nhưng ít ra cũng thành nhân cả. Bố mẹ tôi hay bảo đó là do phúc đức ông bà để lại. Tôi tin vào điều này. Nhưng nó không thể giải thích bọn tôi tuy tâm tính, nhân sinh quan rất khác nhau nhưng đều có rất nhiều điểm chung về việc coi trọng chữ tâm. Ai cũng biết đó là ảnh hưởng của bố, nhưng bằng cách nào và tự lúc nào vậy ?

Những bài học đạo đức, nhân bản, thiền học... mà chúng tôi nhận được từ bố một cách “có hệ thống” chỉ bắt đầu từ sau khi bố tôi đi cải tạo lần một về vào năm 1980. Đó là các buổi nói chuyện của bố tôi với bọn tôi và một nhóm bạn bè, bọn tôi gọi đó là “đại học bỏ túi”. Đó cũng là cột mốc của một “gia đình” thứ ba của bố tôi. Trong gia đình đó, chúng tôi mới thực sự được nghe bố tôi nói nhiều hơn về điều ông đã viết trong tác phẩm, đã làm trong cuộc sống. Đại gia đình lúc đó của chúng tôi có tên là Hội Ca Cầm. Các thành viên lúc ấy không chỉ gồm gia đình tôi và họ hàng nữa. Anh Hai Lộc, chị Ba Huê, anh chị Châu...đều biết và thâu nhau sau 1975. Chúng tôi đều có một cái tâm trọng nhận nghĩa không muốn bị thời cuộc cướp mất. Thực ra gia đình này được thai nghén hình thành từ năm 1978, người khởi xướng là anh Lộc. Nhưng mãi đến khi bố tôi về, chữ “gia đình” mới trở nên đúng nghĩa hơn vì “có một chỗ dựa tinh thần vững chãi” như chính anh Lộc đã nói. Chúng tôi đã có những ngày tháng không bao giờ quên với đủ mọi hình thức sinh hoạt “không thức thời”, “không giống ai” vào thời điểm đó: học Phật, học nhạc, học cắm hoa, hội họp ca hát văn nghệ, tập và diễn kịch... Gia đình HCC “thế hệ thứ nhất” của chúng tôi chỉ xum họp trong khoảng năm năm, để rồi lại ly tán dần sau năm 1984, khi bố tôi vào tù lần hai. Vào năm 1988, trong bảng cáo trạng đọc tại toà để kết án bố tôi 9 năm tù giam có tội danh ghi rằng: tổi chức “cái gọi là HCC”, hội họp bất hợp pháp để phổ biến nhạc đồi truỵ, phản động...

Sau này, tôi biết được điều mà gia đình HCC đã gieo và gặt được chỉ trong khoảng năm năm ấy lớn hơn tôi nghĩ. Nhiều hơn là một nơi chúng tôi và bạn bè chỉ để xả hơi, giết thời giờ nhàn rỗi. Nhiều người trong đại gia đình này đã xem nó như là một điểm tựa tinh thần để nuôi dưỡng hạnh phúc của gia đình riêng mình. Bản thân tôi đã hình thành nhân sinh quan của mình qua những điều học được từ những người lớn của HCC như bố, anh Lộc. Từ việc xử thế cho đến cả ý nghĩa của cuộc đời này. Những điều ấy đã là hành trang của tôi từ ngày lập thân, theo tôi trưởng thành và sẽ vẫn là kim chỉ nam của tôi đến cuối đời. Bọn tôi có một người bạn, đã từng đến sinh hoạt văn nghệ với HCC trong khoảng một hai năm. Anh T. là chủ tịch HĐQT của một công ty trang trí nội thất thành công của Sài Gòn hiện nay. Anh là một trong ít doanh nhân làm nên sự nghiệp cỡ triệu USD chỉ bằng công sức, tài năng của chính mình chứ không phải do sự ưu đãi của chế độ. Anh T. cũng thuộc dạng gia đình “không cách mạng” như bọn tôi. Thật ngạc nhiên, khi anh nhắc đến HCC ngày nào như một trong những cột mốc của cuộc đời của anh, đã góp phần tác động để anh là anh T. của ngày hôm nay chứ không phải ai khác. Ngạc nhiên bởi vì chúng tôi vẫn nghĩ rằng HCC chỉ là một trong những nơi giải trí của anh T., và những thành công của anh chẳng có liên hiệ chi đến chúng tôi cả. Một người bạn khác là Kh., hiện là một trong những đạo diễn sân khấu nổi tiếng của Sài Gòn, có tài mà không giàu vì thích nghệ thuật vị nghệ thuật, không thương mại hoá tài năng của mình. Kh. đến dự một buổi dạy cắm hoa và hát hò của bọn tôi vào khoảng trung thu 1981. Sau này, khi đã thành danh, Kh. kể lại mình đã bị “khớp” trong không khí “văn nghệ nghiệp dư” như vậy dù Kh. lúc ấy đang học ở trường sân khấu chuyên nghiệp. Kh. không ngờ rằng trong cái thời buổi khốn khó, miếng ăn che lấp hết các như cầu về tinh thần. Nếu chỉ gặp nhau chỉ để giải trí, giết thời giờ, gia đình HCC của chúng tôi đã không được đánh giá một cách trân trọng như vậy. Càng không phải là do “chơi ngông”, vì ai cũng biết rằng thời đó những sinh hoạt như vậy rất dễ bị chụp mũ cho đủ tội danh, tù tội như chơi ! Hiểu theo nghĩa thụ động, đó là một hình thức phản vệ để chống lại khuynh hướng văn hoá độc đoán, khô cằn, duy chủ nghĩa của cả xã hội thời đó. Nhưng cũng có thể xem đó như một cách đối kháng mang tính bất bạo động và có tri thức trước sự áp đặt về tinh thần, theo cách của những “kẻ sĩ” như anh Lộc, như bố tôi.

Nhắc tới chống đối, có một thứ mà rất nhiều người khuyên rằng chúng tôi “phải noi gương bố”, đó là “tinh thần bất khuất trước quyền lực”, hoặc “một trong những biểu tượng của tinh thần chống cộng của Miền Nam Tự Do”. Các nhà “phê bình văn học” của Việt Cộng đã “tấn phong” cho bố tôi là đầu xỏ của “những tên biệt kích cầm bút”, mô tả ông như một “kẻ căm thù cộng sản đến tận xương tuỷ”. Tôi cũng đã được nghe kể lại nhiều lần từ bạn bè trong tù của bố về giai thoại về một ông DQS “hiên ngang đối khác với cán bộ CS trong trại giam”, những câu tuyên bố mang tính “hào hùng, nghĩa khí” của ông trước “kẻ thù”. Thực hư ra sao cũng chẳng rõ, chỉ có điều chắc chắn là chưa bao giờ tôi được nghe chính bố tôi kể lại những giai thoại ấy. Tôi đã được nghe chú Duy Trác kể hồi trong tù, chú xách động cả trại chống đối, yêu sách trong một đêm Giáng Sinh. Sau đó bị biệt giam, chú đã đối đáp với cán bộ ra sao để vẫn giữ được khí phách mà không bị “bắn bỏ”. Những câu chuyện của chú Phan Nhật Nam kể về những ngày tháng biệt giam miệt mài của mình còn kinh khủng hơn nhiều. Tôi không thể nào nhớ hết những “cuộc chiến cân não” của chú và cán bộ quản giáo. Có lẽ nó sẽ được ghi lại đầy đủ trong hồi ký của ông. Chú Nam bảo rằng những chuyện kể trong mấy cuốn sách giật giải Nobel văn chương của Nga như Quần Đảo Ngục Tù vẫn còn kém xa so với ở Việt Nam về mức độ khốc liệt !

Kể chuyện trong tù của bố, một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tôi là vào năm 1978, tôi vượt gần 1000 km để lên trại Gia Lai thăm nuôi bố tôi lần đầu tiên. Ai cũng nhớ đó là giai đoạn khốn khó nhất của Việt Nam kể từ sau 1975. Người ở “nhà tù ngoài” còn không đủ ăn, phải ăn độn đủ thứ thay gạo mà vẫn đói, thì ở “tù trong” làm sao mà no cho được. Đến giờ này, tôi không thể nhớ mẹ tôi đã chuẩn bị những thứ gì cho bố tôi trong cái giỏ cói thăm nuôi ngày ấy (mà nhớ để làm gì những chuyện như vậy...). Chỉ biết là không nhiều. Một lon guigoz đựng thịt chưng mắm ruốc, vài gói bột ngữ cốc, đại loại là như thế. Một hành trình 7 ngày gian khổ, để hai bố con chỉ gặp nhau khoảng 15 phút. Tôi đến trại vào buổi trưa ngày thứ hai của chuyến đi. Tôi phải ở lại trại tối hôm đó, vì giờ thăm nuôi là đầu giờ sáng mỗi ngày. Sáng hôm sau, tôi cùng những người đi thăm đứng sẵn trong nhà thăm nuôi để nhìn người thân của mình từ trong trại sắp hàng bước ra. Khó mà tả lại được cái cảm giác lúc ấy. Buổi gặp quá ngắn ngủi, chỉ đủ để hai bố con trao đổi những thông tin quan trọng: tình hình những người ở nhà, sức khoẻ của bố trong trại... Sau đó là thủ tục nhận quà thăm nuôi. Anh cán bộ đứng ra kiểm tra từng món trong giỏ cói của bố tôi. Anh ta quyết định bỏ bớt lại một món. Tôi cũng không thể nhớ được lý do tại sao anh ta ra quyết định này, vì đồ thăm nuôi cho bố tôi vốn đã rất ít. Có lẽ quy luật là bất cứ ai cũng phải bị bỏ lại một cái gì đó, dù đem lên ít hay nhiều ! Tôi còn nhớ, phản ứng của tôi lúc bấy giờ là không xin xỏ tay cán bộ ấy cho dù cảm thấy vô lý. Tôi nghĩ rằng đó cũng là thái độ mà bố tôi cũng sẽ làm, thái độ “ắt có” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ “chống cộng hàng đầu”. Thật ngạc nhiên, bằng một thái độ nhã nhặn, bố tôi đã giải thích là tôi đã đi rất xa, rất vất vả để lên thăm, số lượng quà đem lên kỳ này cũng ít, thương lượng đó thất bại. Tôi vẫn phải đem thứ đó về lại Sài Gòn, nặng trĩu trong lòng nhiều hơn là trên tay. Trên suốt quãng đường về, tôi cứ băn khoăn mãi, cứ tự hỏi bố làm như vậy có phải không ! Ở tuổi mười sáu của lý tưởng, chưa bao giờ phải đối diện với cái đói thực sự, chưa có bao nhiêu kinh nghiệm trên trường đời, tôi đã chờ đợi bố tôi trong tù với một hình ảnh “bất khuất kinh điển” thường thấy qua sách vở !

Trở lại với cái ngày xét xử bố tôi vào năm 1988 cùng với các cô chú văn nghệ sỹ khác: Hoàng Hải Thuỷ, Duy Trác, Lý Thuỵ Ý,... phiên toà “DQS và đồng bọn, với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, chống phá nhà nước XHCN”. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên toà chuyên chính vô sản của nhà nước Việt Nam. Phiên toà xét xử theo quan điểm của giai cấp chứ không bằng lý lẽ. Ấy vậy mà bà thẩm phán kiêm công tố viên, với “vũ khí giai cấp” trong tay đã phải hết sức vất vả mới chứng tỏ được quyền lực của mình, và đưa phiên toà đến gần tới cái đích mà nó đã được định trước. Theo tôi, bà đã không lường trước được hết tình huống có thể xảy ra, vì bà đã không ngờ là phiên toà “một chiều” này có thể có phản ứng theo chiều ngược lại. Trong lượt phát biểu ý kiến của mình, bác Thuỷ đầu tiên khẳng định ngay rằng bố tôi không phải là “lãnh đạo”, và những người khác không là “đồng bọn”. Văn nghệ sỹ trong Nam tự do về nhận thức, không ai lãnh đạo được tư tưởng của ai, xúi bẩy ai viết theo ý mình cả. Rồi bác giải thích rằng những gì mà bác đã viết và gửi ra nước ngoài đều là sự thực. Vào thời điểm mà phiên toà đang diễn ra, những điểu đó đang được các văn nghệ sĩ của nhà nước viết và phát hành rộng rãi trong nước. Khi bác dứt lời phát  biểu bằng câu nói: “chúng tôi chỉ có một tội duy nhất là viết sớm”, cử toạ của buổi xét xử (đa phần là thân nhân của các bị cáo) đã không thể kềm chế được nữa, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô ! Bà thẩm phán khốn khổ đã phải đập búa, yêu cầu công an bảo vệ với súng ống trong tay lập lại trật tự. Chú Duy Trác, vốn là một luật sư, đã trình bày hết sức có hệ thống, hợp lý, thuyết phục dựa trên công pháp quốc tế, dựa trên chính những điều mà luật của chính quyền XHCN Việt Nam công nhận để bào chữa cho mình và cả nhóm. Bà thẩm phán đã không thể bác bỏ được những lý luận ấy. Bà chỉ cố bám lấy những dữ kiện mà trong bản cáo trạng, và lái mọi câu trả lời vào những tội danh đã được chỉ ra. Điều mà tôi muốn nói ở đây là phần phát biểu của bố tôi kém “hùng hồn” nhất, và cũng không chặt chẽ về mặt luật pháp. Bác Thuỷ rất có lý khi đã khẳng định rằng bố tôi không thể là lãnh đạo của nhóm được. Những ai chờ đợi hình ảnh một ông DQS hào hùng, bất khuất có lẽ sẽ thất vọng trong phiên toà này.

Những điều mà chính tôi được chứng kiến như đã kể trên đã giúp tôi điều chỉnh lại chính xác hơn những “truyền thuyết, anh hùng ca” về bố mình. Bố tôi không kể cho chúng tôi nghe những chuyện đối kháng với kẻ thù, có lẽ vì ông không phải là con người của tranh đấu, đối đầu. Cũng có thể là vì ông không có một “kẻ thù cá nhân” nào rõ rệt. Trong một truyện viết về những ngày tháng trong tù, bố tôi nhắc đến anh cán bộ quản giáo với một hình ảnh con người đáng tội nghiệp. Anh ta cũng đang xa gia đình. Anh ta cũng mong ngày về như những tù nhân của mình mỗi độ xuân về... Bố tôi căm thù cái phi nhân của một chủ nghĩa, sự ngu dốt và độc đoán của một tầng lớp lãnh đạo. Bố tôi không nhắm vào những cá nhân thừa hành bên dưới, vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự bưng bít, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn. Điều đó thể hiện trong nếp sống thường ngày. Tôi không nhớ được bố tôi ghét ai đó theo kiểu “xúc đất bỏ đi” cả. Cho dù ở hoàn cảnh nào, ông đều tìm ra được một nguyên nhân để cảm thông với người mình không thích. Có lẽ vì thế mà bố tôi trông “giống” với một nhà giáo hơn là một văn nghệ sĩ. Trong cuộc sống gia đình, trong giao tiếp xã hội, hình ảnh đậm nét nhất của bố vẫn là một ông giáo sư, một cư sĩ Phật Giáo. Điều này càng thấy rõ hơn trong những năm tháng sau này, khi bố tôi bắt đầu buông xả chuyện thế sự, quên bớt những biến cố trong đời để sống thảnh thơi với gia đình con cháu. Bố tôi quên nhiều thứ, khá im lặng trong giao tiếp hàng ngày. Nhưng ông lại thật sự linh hoạt, dí dỏm khi gặp cá đồng nghiệp, học trò của mình trong nghiệp giáo. Những lúc ấy, tôi thấy bố tôi như trẻ lại. Bên cạnh gia đình tôi, có lẽ đó là gia đình gần gũi nhất của bố tôi về mặt tinh thần: gia đình Sư Phạm. Ở “gia đình” thứ tư này của bố, tôi học được rất nhiều về hai chữ lễ nghĩa, cho dù tôi không phải là học trò của bác Linh, bác Bửu - những đồng nghiệp của bố - hoặc của anh Tín, anh Khuê – thế hệ học trò của bố tôi như dịp lễ tết, các bác và các anh lại đến. Họ đến thăm hỏi tình hình sức khoẻ của bố tôi trong tù, sau đó lại gởi ít quà, hoặc tiền để phụ giúp gia đình trong công việc chăm số bố tôi. Nhà tôi nhận được rất nhiều sự trợ giúp tương tự như vậy, nhưng chính cái “cách cho” của gia đình sư phạm là điều mà tôi nhớ mãi. Dù người nhận quà là mẹ hay chị tôi, các bác và các anh chị đều đứng lên, trịnh trọng trao qua kèm với lời chúc bố tôi khoẻ mạnh, mau về... Cả thầy lẫn trò lúc ấy tóc đều đã bạc. Nhiều người cũng chẳng còn cầm phấn từ lâu... Ở cái thời buổi mà lễ nghĩa liêm sỉ mai một, không còn tôn sư trọng đạo, sở giáo dục dự định cho phép học sinh phê bình góp ý với thầy cô của mình, tôi không cầm được nước mắt khi nhớ về những hình ảnh đó. Nó là mẫu mực của tôi về một thế hệ giáo dục của Việt Nam trước 1975, giống như hình ảnh ông đồ già đại diện cho một thế hệ Nho học trước đó. Tôi nhớ những lúc bác Linh rủ bố tôi ngồi uống cà phê cóc ở lề đường trường Cao Đẳng Sư Phạm, tôi nhìn hai ông già ấy và tin là mình vẫn nhận ra họ như những nhà giáo thực sự giữa muôn vạn con người trong xã hội. Phong thái mới là cái làm cho họ “giống như nhà giáo”, chẳng cần phải cầm phấn đứng trên bục giảng. Những anh chị trong thế hệ học trò cũng vậy. Tôi cũng từng tham dự những buổi nhậu nhẹt với các anh. Những câu chuyện tầm phào trên bàn nhậu của các anh cũng khác. Có một chút hoài niệm, một chút sĩ khí. Một chút chua chát của những kẻ sĩ không gặp thời. Một chút khôi hài dí dỏm nhiều ẩn dụ... những thứ như vậy tôi rất ít tìm thấy ở thế hệ sau này. Tôi thông cảm được những nỗi niềm ấy, nên tự cho rằng mình cũng thuộc thế hệ của quá khứ...

Chuyển cách nhìn bố tôi hiền hoà, an nhiên hơn như một nhà giáo, một cư sĩ Phật giáo thay vì là một nhà văn, một biểu tượng chống cộng... giúp tôi giải thích được cách mà bố tôi giáo dục chúng tôi, hay cảm hoá người khác trong cuộc đời. Cách mà bố tôi đã trở thành ông Doãn Quốc Sỹ của “một cộng đồng người Việt” ngày hôm nay. Bố tôi là một ông giáo hiền lành, một con người nhân hậu vì bản chất của ông là như vậy. Nhưng sức mạnh của ông bắt nguồn từ chữ TÂM. Khi cái tâm đã toả sáng vì nó đã biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nó bắt đầu thoát ra khỏi sự sợ hãi. Đó là điều kiện kiên quyết để có một cái tâm tự do. Sức mạnh tâm linh của một cá nhân sẽ nhờ sự tự do mà tự toả sáng, không cần ngôn từ, không cần chứng tỏ. Bố tôi đã dạy cho tất cả chúng tôi ngồi thiền để tốt cho sức khoẻ, để luyện tâm thanh tịnh. Bố tôi ngồi thiền rất đều. Có một điều tôi biết là bố tôi ban đầu không đặt quá nhiều mục tiêu trong thiền tập, ví dụ như: “bản lai diện mục”, hay “giải thoát” chẳng hạn. Bố tôi rất thích phương pháp bắt đầu thiền tập của Thầy Nhất Hạnh trong cuốn sách “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”. Hãy khởi đầu với mục đ1ch đơn giản là tìm lại hạnh phúc của chính mình, qua sự ý thức rõ rệt về sự hiện diện của mình. Tuy nhiên, khi mà tâm đã an tịnh rồi, cái thấy của tuệ giác sẽ tới mà không cần vọng động. Buông xả là cái mà bố tôi nhắc nhở rất nhiều trong đời. Có lẽ chính nó lại là nguồn gốc của những cái “có được” của bố tôi, vì nó cho cái tâm sức mạnh của sự tự do. Chữ “NHÂN” của bố tôi từ đó mà toả sáng, giản dị, không ồn ào. Không thấy cái “tôi” của bố trong chữ nhân đó, nhưng ai cũng nhìn thấy nó qua cuộc đời của ông. Mọi người thân hay cho thí dụ về bố tôi đã từng sống “nhân ái” ra sao, chứ không trích dẫn trong tác phẩm của ông đã luận về chữ NHÂN như thế nào. Chú Nguyễn Đình Toàn đã từng nói với bọn tôi rằng: “trong giới văn nghệ sĩ, không ai phục ai về tài viết văn cả. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ trong Nam quí mến bố cháu ở cái đời sống đạo đức của ông.” Đối với con cái cũng vậy chúng tôi được dạy dỗ bằng chính cách sống của bố, chứ không bằng những “phương pháp giáo dục”. Theo cái cách mà Thầy Nhất Hạnh ví von: khi có một vị Phật ra đời, thì cỏ cây xanh hơn, nước sông trong hơn. Bố tôi tuy chưa là Phật, nhưng cái nhân của ông cũng đã “cảm hoá” chúng tôi phần nào.

Khi cái tâm ấy phải đối chọi với nghịch cảnh, những quyền lực phi nhân muốn chế ngự nó, nó sẽ không tìm cách đối chọi để chiến thắng. Cái tâm của bố tôi vẫn chỉ là chữ nhân hiền hoà đó. Người ta không thắng được nó bởi vì nó tự do. Nó vượt qua, không đầu hàng cái xấu vì nó không sợ hãi phải mất đi một cái gì nếu mình không khác đi. Không có đối kháng. Nhưng mạnh mẽ và tự tin. Hồi bố tôi chuẩn bị xét xử lần thứ hai vào năm 1988, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã vận động mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Việt Nam phải hoãn xét xử vào giờ cuối để tìm cách giảm nhẹ tình hình. Để tránh mất mặt khi phải đổi giọng. Đảng và Nhà Nước đã phải cử ông chú tôi làm trung gian vào tù thương lượng, đề nghị bố tôi nhượng bộ bằng cách tỏ vẻ “ăn năn” để được “khoan hồng”. Tất nhiên là cuộc thương lượng đó bất thành, họ đánh giá bố tôi quá thấp ! Điều đáng kể ở đây là thái độ của bố tôi trước biến cố này. Lọt vào tay “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, đây ắt hẳn sẽ trở thành một câu chuyện li kì về “tấm gương đấu tranh bất khuất, một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai anh em hai chiến tuyến...” Lần duy nhất bố tôi nói về nó là do tôi hỏi và bắt bố tôi kể lại. “Có gì đâu, chú đề nghị bố xin lỗi. Giống như sau khi mình tát ai một cái thì mình cũng phải tỏ vẻ ân hận một chút. Nhưng đời nào bố lại làm vậy...” Bố tôi chỉ vắn tắt có bấy nhiêu ! Điều đó làm tôi nhớ đến một hình ảnh trong thiền mà bố tôi hay sử dụng: hồ nước trong như một tấm gương. Một cánh chim bay ngang qua, hồ nước in hình nó. Chim bay đi rồi, thì hồ nước lại trong vắt như tự bao giờ...

Cái tâm buông xả ấy đã giúp bố tôi vượt qua bao nhiêu chướng ngại của cả một đời sóng gió. Bây giờ nó lại đưa ông ra khỏi những ưu tư, phiền muộn của một kiếp người trong những năm tháng cuối đời. Bây giờ đã tám mươi, bố tôi quên hết bao nhiêu chuyện thăng trầm, chuyện tù tội, chuyện quốc gia đại sự, chuyện thù ghét... Bố tôi bây giờ là ông nội mỗi khi bé Vịt, bé Đan ở bên cạnh ông tại ngôi nhà Houston. Bố tôi là độc giả của chính những tác phẩm ngày xưa do mình viết ra, ông đọc lại mà vẫn thích thú theo dõi diễn tiến câu chuyện như chưa từng viết nó. Ông cũng sẽ là thành ông nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngày nào, mỗi khi có nhóm cộng đồng người Việt mời đi tham gia một hoạt động văn hoá. Nhưng sau đó, thì “mặt hồ nước lại trong vắt như tự bao giờ, khi cánh chim đã bay qua...”. Tôi rất thích câu hát trong đoạn cuối của bài Rong Khúc của nhạc sĩ Phạm Duy:
“...Ta vứt sau ta những nẻo đường trần,
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên,
Nhưng nếu mai sau ai gọi người tình,
Anh sẽ quay lưng bước vào nẻo xanh”...

Phạm Duy cũng như bố tôi là một trong số những người đã trở thành chứng nhân lịch sử của toàn bộ cuộc biển dâu của dân tộc Việt trong 60 năm qua: cuộc kháng chiến chống Pháp. Những năm đất nước chia đôi, người Việt ly hương lần đầu. Chiến tranh Nam Bắc. Những ngày đất nước tang thương trong sự cai trị của chính quyền CSVN sau 1975. Người Việt rời bỏ quê hương ra đi, tạo nên một cộng đồng người Việt tha hương khắp nơi, như một bộ phận không thể tách rời của mảnh đất hình cong chữ S này và những người ở lại... Ôi, thế hệ đã khóc cười theo vận nước nổi trôi ấy sau cùng cũng đã sẵn sàng vứt bỏ chuyện đời phù du để thảnh thơi đi vào cõi chung. Có điều Phạm Duy là nghệ sĩ thực sự. Tình yêu con người và cuộc sống của ông nồng nàn đến độ ta nhận thấy rằng nhạc sĩ vẫn còn lưu luyến nhìn lại.

Còn bố tôi...
Dòng sông định mệnh của bố đã ra đến biển khơi rồi, có còn khúc quành nào nữa đâu mà lưu luyến, phải không bố ơi...

Sỹ Tâm con ơi, bố chỉ định viết về ông nội của gia đình. Thế mà con thấy đó, ông nội có ít nhất những bốn “gia đình” để thương yêu, chia xẻ. Khi mình đã xoá bớt những rào cản giữa cái tôi của mình và thế giới còn lại, thì cái tâm của mình sẽ rộng mở. Tình yêu trong ta cũng sẽ bao dung hơn. Dù muốn hay không, ông nội không còn là của riêng của gia đình mình nữa rồi. Ông nội là người của cả một cộng đồng người Việt. Cũng vì chữ tâm mà thôi. Chữ tâm là cái quan trọng nhất khi mà con muốn tóm tắt về cuộc đời của ông nội mình.

Con có biết không, viết về cái tâm là cái khó nhất, vì bố cũng chỉ là người đang đi tìm. Viết về cái tâm của một người khác, nhất là của một người nổi tiếng như ông nội, lại còn khó hơn nữa. Có điều bố vẫn viết được, vì cái tâm của ông nội không năng cái “tôi” riêng. Đó là chữ tâm của chung cho cả nhân loại, của những ai biết buông xả để đi tìm gặp. Chữ tâm ấy nằm sẵn trong bố, nằm sẵn trong con tự lúc mới ra đời rồi. Bố viết về tâm của ông nội cũng như đang đi tìm tự tâm của mình vậy.
Bố viết cho con những dòng này, để sau này khi con lớn lên, con nhận thức được rằng mình đã được thừa kế một gia sản rất lớn về chữ tâm đó. Nó sẽ là hành trang, nhưng cũng chính là đích đến của cuộc đời con...

Tháng 4 – 2002
Bố Hưng
Doãn Quốc Hưng
Saigon, 2005

2 comments:

Markland House said...

Em thích bài viết này của anh...Đọc tha thiết và cảm động (hehheeh lâu lâu em sến một chút)-

Cũng như cái tên Minh Trang của em. Nghe mẹ em kể hồi đó khi có bầu em, mẹ nói nếu có con gái sẽ không bao giờ đặt tên con là Minh Trang vì mẹ (và hình như cả bố nữa) không chuộng ca sĩ Minh Trang vợ ông Dương Thiệu Tước lắm...Trớ trêu thay, bà nội viết thư ra miền trung (vì lúc đó bố mẹ ra miền trung đi làm) bảo đặt tên con là MT nếu là con gái! Lúc đó em là cháu nội đầu của bà mà :):) hết chuyện về cái tên của em :)

Peter said...

Cho tôi kính lời thăm và chúc sức khoẻ đến thầy Doãn Quôc Sỹ, tôi là sv của thầy từ 71-75 ở VH, và xin ace Doan gia cho tôi xin bài thơ (khóc người vợ hiền ) của thi sỹ Tú Mỡ, vì các bài trên net không đầy đủ như bài tôi đả đọc trên blog này, hoặc chỉ cho tôi cách tìm bài thơ đó ngay trên trang này cũng được.
Chân thành cám ơn.
Phuong Le