Jan 6, 2013

PHƯƠNG NGỮ - Anh Quân


http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=14789

Hàng tuần Quân đi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tại miền đông London , công việc tưởng là dể nhưng không phải vậy đây là một công việc vô cùng khó khăn, vì các em Việt Nam bên đây đều sanh ra tại đây , nên có thể xem các em là một người ngoại quốc học tiếng Việt. Trong khi đó các tài liệu phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hầu như k...hông có. Nếu có là chỉ có một bộ sách của Giáo Sư Phạm Văn Giưỡng bên Úc Đại Lợi biên soạn các bài dạy học. Trong năm 2012, Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc tại Úc vừa cho phát hành quyển “Phương Pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai”. Có thể nói đây là nghiên cứu duy nhất hiện thời về cách dạy tiếng Việt cho những ai không sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ.

Quân thấy đây là một quyển sách giá trị trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Nhân đây xin trích một bài nói về Phương Ngữ , nhờ đó Quân hiểu được thêm tiếng Việt


PHƯƠNG NGỮ

Theo cách phân chia thong thường . ở Việt Nam có ba phương ngữ chính: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Cái gọi phương ngữ miền Bắc lại được chia thành ba nhóm nhỏ hơn: phương ngữ ở vùng biên giới gần Trung Quốc, phương ngữ ở Hà Nội và một số vùng lân cận (như Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hải Phòng), và phương ngữ ở hạ lưu song Hồng và ven biển (Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh).
Phương ngữ miền Trung cũng chia thành bốn nhóm nhỏ: phương ngữ Thanh Hóa, phương ngữ Nghệ Tĩnh, phương ngữ Bình Trị Thiên và phương ngữ Quảng Nam – Quảng Ngãi.

Phương ngữ miền Nam chia thành hai nhóm: một nhóm từ Qui Nhơn vào Sài Gòn, và một nhóm bao gồm các tỉnh thường gọi là miền Tây hoặc Nam Bộ.
Như vậy, tiếng Việt gồm nhiều phương ngữ. Trong mỗi phương ngữ lại có nhóm phương ngữ khác nhò hơn với những biến thể nhất định. Nhưng chưa hết. Ở một số nhóm phương ngữ nhỏ ấy lại có nhiều biến thể khác nữa thường được gọi là thổ ngữ. Trong cuốn Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân trang nhận xét :
Bình Trị Thiên là một trong những vùng có nhiều thổ ngữ. Sự khác nhau về thổ ngữ ở Bình Trị Thiên không chỉ tìm thấy giữa xã này và xã khác mà có khi tìm thấy giữa làng này và làng khácngay trong cùng một xã. Hiện tượng một xã có nhiều thổ ngữ không phải hiện tượng hiếm ở Bình Trị Thiên. Trong dân gian ở đây đã có nhiều câu đúc kết khác nhau giữa thổ ngữ của các làng. Chẳng hạn, ba làng Trung Thuần, Tố Xá, Đồng Dương ở sát nhau thuộc các xã Quảng Lưu, Quảng Phương huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình được nhân dân quanh vùng phân biệt tiếng nói của ba làng như sau: “Trung Thuần nói kha khá; Tố Xá nói dễ nghe, Đồng Dương nói trẹt bè như cái dĩa”.

Xin lưu ý là giữa các phương ngữ hay thổ ngữ, không phải chỉ có những khác biệt về ngữ âm mà còn cả về từ vựng.

Về ngữ âm, sự khác biệt xuất hiện hầu như ở mọi gốc độ, từ thanh điệu, đến phụ âm đầu, nguyên âm và phụ âm cuối. Thậm chí, khác cả cách lên giọng xuống giọng trong câu nói.
Về phương diện từ vựng, sự khá biệt cũng rất nhiều. Nhiều đến độ, nói chuyện với nhau, chính người Việt cũng có lúc ngơ ngác. Ví dụ, trong cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân trang đã dành 55 trang để liệt kê gần 1.500 từ địa phương đặc biệt ở vùng Bình Trị Thiên. Qua đó, chúng ta bết, cái sân, ở Bình Trị Thiên gọi là cái cươi; cái nón gọi là cái lịp; ăn nhờ ở đâu được gọi là ăn khín; ăn vả, tức ăn thức ăn không chứ không kèm theo cơm được gọi là ăn nể; ăn vụng được gọi là ăn phúng. Trẻ ăn bị nôn mửa, ở Bình Trị Thiên gọi là ẩu, như trong câu: “ăn vô ẩu ra hết”. Bãm, ở Bình Trị Thiên có nghĩa là ăn nhiều: bãm ăn là phàm ăn, là ăn nhiều một cách thô tục.... Ở những nơi khác người ta gọi là hoa; ở Bình Trị Thiên người ta gọi là ba, nhưng trong câu ca dao:
Tau đi đường ni có bong có ba
Mi đi đường nớ có ma chận đường.
Trong bài “thổ ngữ của tiếng Huế” đăng trên tạp chí Làng Văn tại Canada vào tháng 6 năm 1999, Phan Thịnh có dẫn ra cả một câu dài đặc giọng Huế như sau:
“Thưa cụ mự, bọ tui vô rút rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nó biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mòng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui”
(nghĩa là: “Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan nia, bố con thấy con cọp, vậy chẳng biết sao, con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui.)
Và đây là lời tâm tình của một cô gái với bạn mình:
“Tau noái với mi ni rì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kêu tau vô, bồn tau lên chờn. Mi quai chướng khôn?”.
(Nghĩa là: tao nói với mày như vầy, ảnh ấy còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ành kêu tao vào, bồng tao lên giường. Mày coi có kỳ không?).

Trong cuốn Tự điển đối chiếu từ địa phương xuất bản năm 1999, Nguyễn Như Ý và một số cộng tác viên sưu tập được khoảng 15.000 từ địa phương khác nhau. Đọc quyển từ điển ấy, tôi thấy khá nhiều từ, thú thực, chưa từng nghe hay thấy ở đâu bao giờ. Là người Việt nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ nhất mà còn như vậy, huống gì những người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.
Tất cả những cái khó kể trên đều trở thành gánh nặng đối với những người đi dạy tiếng Việt.
Bởi vậy, không thể nói dạy tiếng Việt như một ngô ngữ thứ hai là dễ.
Nó không dễ chút nào cả...

ANH QUÂN 

(trích từ quyển Phương Pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai – Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc).

No comments: