Từ trước đến nay, chuyên mục này là do một người Việt ở Mỹ viết về “những người Việt ở Mỹ”.
Nay để thay đổi không khí, ta hãy thử xem người Việt ở quê nhà hay ở những xứ sở khác nhìn về người Việt ở Mỹ ra sao?
Bài viết dưới đây là của một người sống ở Sài Gòn, đã từng sang Mỹ chơi một vài lần, nhận xét về nếp sống được xem là “thiếu tình cảm” ở Mỹ.
Mời các bạn cùng suy gẫm. Đúng sai không quan trọng, ít ra “mua vui cũng được một vài trống canh…”
Tôi có một bà cô ở Hà Nội, có vào chơi Sài Gòn đôi lần, nhưng không bao giờ chịu vào trong Nam sống hẳn. Lý do: theo cô thì người ngòai Bắc sống "có tình" hơn. Tôi hơi bị "tự ái", vì tôi tin rằng người Nam "sống cũng có tình". Tôi hỏi "sống có tình là sao hở cô?". Cô tôi giải thích: "ngòai Bắc, hàng xóm, họ hàng sống gần gũi với nhau, thăm hỏi nhau thường xuyên hơn. Ma chay, giỗ tết, hay mỗi khi nhà ai có việc, bà con xúm lại, mỗi người một tay".
Mấy năm qua, nhiều bạn bè Việt Kiều của tôi ở Mỹ về chơi lại tâm sự rằng "...sống ở bên Mỹ sướng, nhưng mà buồn, vì sống không có tình...". Tôi lại thắc mắc: "sống không có tình ở Mỹ nghĩa là sao?". Tôi được giải thích rằng ở Mỹ, cuộc sống bận túi bụi. Làm việc cả ngày xong, tối về nhà chỉ có vợ chồng, con cái. Weekend thì phải đi shopping, sửa chữa một vài thứ trong nhà là hết ngày nghỉ. Hàng xóm thường buổi sáng gặp chào "good morning" là hết chuyện. Bạn bè nhiều khi cả năm không gặp nhau một lần. Tôi có hai thằng bạn đều sống ở bắc Cali, cách nhau chừng 30 phút lái xe. Một năm, chúng nó chỉ gặp nhau một lần, mà đó là khi chúng cùng về Việt Nam! Tôi còn một thằng bạn khác nữa sống ở Houston. Ngòai chuyện về thăm gia đình, niềm vui lớn nhất của hắn khi về Việt Nam là việc ra ngồi la cà ngòai các quán cà phê tán dóc với bạn bè. Để ngắm nhìn người ta đi qua đi lại. Hoặc đơn thuần chỉ để chọc ghẹo một cách vô thưởng vô phạt mấy cô phục vụ, để nhận lại những câu trả lời vui vẻ nhưng cũng... vô thưởng vô phạt nốt! Bạn tôi tìm được nhiều niềm vui qua những tiếp xúc tưởng như vô bổ này.
Đúc kết qua hai câu chuyện vừa kể, tôi có một kết luận vui: người miền Bắc thì sống có tình hơn người Miền Nam, còn người miền Nam thì sống có tình hơn... người Việt ở Mỹ. Qui luật ở đây có vẻ như là xã hội kinh tế càng phát triển, con người lại càng sống ít tình cảm hơn. Sự thực có phũ phàng như vậy không?
Tôi bắt đầu đi tìm nguyên nhân của "lối sống có tình" theo định nghĩa của bà cô tôi. Thực ra, đó là lối sống của người Việt nói chung, chứ không riêng gì người miền Bắc. Trong lối sống đó, con người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, dành nhiều thì giờ cho nhau hơn. Một vài lý do dễ thấy như phố phường Việt Nam nhỏ, cho nên việc đi lại gặp nhau rất dễ dàng; hoặc người Việt Nam có nhiều thì giờ rảnh , cho nên không tiếc "thì giờ vàng bạc" cho nhau. Cả hai lý do trên đều đúng, nhưng chưa đủ. Chúng không giải thích được động cơ của những quan hệ ấy. Hãy tìm hiểu kỹ hơn một chút các mối quan hệ này: ai gặp ai? Tại sao phải gặp? Tôi liệt kê ra một vài ví dụ thường chỉ hay xảy ra ở Việt Nam:
- Ngày Tết Thầy Cô 20/11, các học trò rủ nhau về thăm thầy cô cũ.
- Ông xếp cũ của mình nằm nhà thương. Trước đây, ổng là người thường nâng đỡ mình trong văn phòng. Nay ổng bệnh họan thì phải thăm nom để tỏ lòng tri ân.
- Ông hàng xóm mỗi lần nhà mình có việc, lúc nào hắn cũng xăng tay áo vào đỡ đần bao nhiêu việc. Nay đến phiên hắn gả con gái, đến lượt mình cũng ra phụ một tay.
Các bạn có thể nhận ra một đặc điểm chung: đây là những mối quan hệ không quan trọng ở Mỹ, không phải là trực hệ như cha mẹ, vợ chồng, con cái. Nó có nguồn gốc từ sự hàm ơn, hay tình cảm với một ai đó trong quá khứ, dẫn đến việc mình phải xem trọng họ trong đời. Tôi nghĩ định nghĩa chính xác nhất cho những mối quan hệ này là quan hệ vì TÌNH NGHĨA & ƠN NGHĨA. Ở các quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam, NGHĨA là một khái niệm hết sức phổ biến, quan trọng. Đôi khi chữ NGHĨA nặng hơn cả chữ TÌNH trong cách cư xử. Trước đây ta đã chịu ơn dạy dỗ thầy, thì bây giờ ta phải sống sao cho có nghĩa với thầy mình. Trước đây, ta đã từng có tình cảm sâu đậm với một người, thì bây giờ dù tình đã hết, ta cũng phải sử xự sao cho không bạc nghĩa đối với người đó, cho dù không hề có một ràng buộc pháp lý nào. Xem phim kiếm hiệp Tàu, bạn sẽ thấy rất nhiều thí dụ tương tự.
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc quan hệ ơn nghĩa vẫn còn phổ biến ở xã hội nghèo như Việt Nam? Đó là do trong cuộc sống con người sống phải nương tựa vào nhau nhiều, khi mà con người chưa thể trông cậy vào hệ thống an sinh xã hội đựơc. Ở Việt Nam, khi muốn mua đất, xây nhà, người đầu tiên mà ta hỏi mượn tiền là anh chị em trong nhà, những thằng bạn chí cốt. Đa phần những người thân này đều cho vay không lấy lãi, xem đó là một hình thức giúp đỡ. Như vậy, khi đã an cư, lạc nghiệp rồi, làm sao ta quên họ được? Khi phải đưa người thân vào nằm nhà thương, việc đầu tiên là phải kiếm bác sỹ quen để gởi. Hệ thống y tế công cộng còn kém phát triển, cho nên nếu không có tiền hoặc quen biết thì phải chờ lâu, chăm sóc không tốt... Xong chuyện rồi, ta phải tính đến chuyện đáp trả ông bác sỹ đó. Cứ thế mà người này cảm thấy "mang ơn" người kia. Rồi người chịu ơn khi đền ơn đáp nghĩa có khi lại hơi quá chu đáo, nên người nhận cảm thấy "mắc nợ" trở lại. Quan hệ ơn nghĩa cứ thế mà đi qua đi lại, không biết chừng nào mới dứt được.
Như vậy, sống theo kiểu đó gọi là cách "sống có nghĩa " đúng hơn là "sống có tình". Suy ngược lại, ta cũng sẽ giải thích được tại sao xã hội Mỹ hay bị hiểu là "sống không có tình". Tôi cũng thử đi tìm một từ tương đương với chử "Nghĩa" ở tiếng Anh như: duty, tie, attachment... nhưng thấy không hòan tòan giống. Chữ "nghĩa" của Việt Nam có bao hàm nhiều "tình" ở bên trong hơn. Ở Mỹ, xã hội phát triển, mọi thứ đã có... tư bản lo. Muốn mua nhà? Đã có nhà băng cho mượn. Bệnh tật ư? Cứ vào nhà thương. Dịch vụ hiện đại nhất thế giới, đã có bảo hiểm ý tế trả. Muốn đi học? Nền giáo dục Mỹ cũng thuộc lọai nhất thế giới, sinh viên được quyền mượn "loan" để học. Con người được giải phóng khỏi những mối ràng buộc cá nhân theo kiểu Việt Nam, không còn phải nhờ cậy ai nữa.
Theo tôi, đó là một trong những ưu điểm của một xã hội phát triển. Nó giúp con người tự do hơn. Ở xã hội Việt Nam, cái kiểu quan hệ ơn nghĩa có khi trở thành một gánh nặng cho những gia đình nghèo trong dịp lễ tết. Nhưng xã hội Mỹ, ngược lại, ít "human contact" quá. Từ chỗ được quyền lựa chọn, người ta trở nên làm biếng khi phải tiếp xúc với người khác. Các quan hệ ruột thịt hơn như với cha mẹ, anh em cũng nhạt nhòa đi. Khi cần giải thích, người ta chỉ cần nói: "Mỹ mà!". Thiếu thì giờ luôn luôn là nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất. Nhưng vẫn nhiều người ở Mỹ có thì giờ online trên internet, chat với những người không thấy mặt cả mấy giờ đồng hồ mà. Nguyên nhân kế tiếp là do quá mệt mỏi sau một ngày làm việc. Người Mỹ căng thẳng với job hơn dân xứ khác. Do phải dành nhiều thì giờ đối phó với sức ép từ công việc, dần dần con người mất nhu cầu giao tiếp giữa người với người. Tệ hơn nữa, người ngại phải giao tiếp với người vì sợ phiền toái. Tại sao ở Mỹ người ta dành nhiều thì giờ, tiền bạc để chăm sóc chó mèo? Chắc tại không có thì giờ thăm hỏi nhau, nên cần chó mèo như những người bạn trung thành. Và chắc cũng tại chó mèo không biết biết cãi, không biết "sue"!
Nói đến chữ "sue", tôi đã được nghe nhiều người Việt ở Mỹ nhắc đến này từ lâu rồi. Một người Việt ở Úc còn than phiền là căn bệnh này đã bắt đầu lan truyền qua xứ sở hiền hòa của họ. Một thằng bạn học cũ ở Cali có nói với tôi rằng: ở Mỹ, thấy cô em bạn học cùng trường đi bộ về, chớ có ca bài "em tan trường về, anh theo Ngọ về" rồi đi theo, coi chừng bị sue vì tội quấy rối đó! Tôi rất thú vị với câu nói đùa này. Nhưng rồi những mẫu chuyện về văn hóa "sue" ngày một nhiều và phiền tóai hơn. Đi vào một cao ốc bị té ở sảnh, ta phải tìm cách "sue" thằng chủ. Đi ăn ở tiệm về nhà bị đau bụng là ta phải nghĩ ngay đến chuyện "sue" nhà hàng. Cách đây vài năm, khi tôi sang Mỹ chơi, một người bạn đã cản khi thấy tôi có ý định đỡ một đứa bé chạy bị ngã ngoài siêu thị: đừng có đụng vào, coi chừng bị "sue" đó ! Quả là đáng buồn thật sự! Từ mục tiêu ban đầu hết sức tốt đẹp là bảo vệ con người, "sue" đã đẩy con người ra xa nhau hơn, biến con người thành những mối tai họa cho nhau! Nó làm phai mờ lòng nhân ái trong một xã hội phát triển như Mỹ. Human contact là một trong những đặc điểm đẹp nhất của xã hội con người. Nó là niềm vui, là văn hóa, là nguồn cảm hứng nghệ thuật của nhân lọai. Vậy mà con người trong một xã hội văn minh lại phải bỏ dần đi nhưng thói quen biểu lộ sự quan tâm của mình đối với người khác. Một điều mỉa mai là người Mỹ rất giỏi trong vấn đề giao tiếp thương mại. Presentation skill, communication skill... được giảng dạy hết sức khoa học trong trường học. Nhưng chúng chỉ được áp dụng trong business, để kiếm tiền. Nó không thể áp dụng để đem lại sự cảm thông, để giúp ta có thêm một người bạn thân.
Những người bạn Việt Kiều của tôi có lẽ đã cảm thấy cô đơn, thiếu tình người trên đất Mỹ vì những nguyên nhân kể trên. Như vậy người Việt ở Mỹ có cách nào để kết hợp hài hòa giữa nền văn minh vật chất phương Tây và truyền thống "trọng nghĩa tình" của truyền thống Á Đông? Tôi tin rằng vẫn có cách để sống hài hòa giữa cái tốt đẹp của hai nền văn hóa. Ngày nay, người Âu Mỹ cũng đang đi tìm kiếm lời giải cho sự thiếu tình cảm của xã hội mình từ nền văn hóa phương Đông mà.
Người Việt ở Mỹ nên sống sao cho có tình? Như đã phân tích ở trên, Ở Mỹ con người không cần lệ thuộc vào quá nhiều người khác, nên "human contact" là quyền được lựa chọn của ta. Nếu con người ý thức được rằng sự giao tiếp giữa người với người là một niềm vui, một quyền lợi, thì xã hội Mỹ có khi còn dễ “có tình” hơn xã hội Việt Nam nữa! Vì khi vật chất đầy đủ, người ta dễ chia xẻ hơn.
Điều quan trọng nhất là HÃY BẮT ĐẦU MỞ LÒNG MÌNH RA. Hãy thực tập với một nhóm nhỏ những người mà mình thương yêu nhất trước: cha mẹ, một người anh em ruột hợp với mình, hay một người bạn thân... Chọn và tìm ra những người cũng có nhu cầu giao tiếp, có nhu cầu quan tâm đến người khác như mình. Hãy chủ động tìm đến với nhau. Hãy ra qui ước là mình có nhu cầu gặp nhau. Nhờ vậy, mình sẽ đỡ thấy "ngại" khi gọi cho nhau để hẹn gặp. Không ai sợ làm phiền ai cả.
Hãy xem việc gặp gỡ người thân như một niềm vui hơn là bổn phận. Thí dụ như hãy xếp việc đi thăm cha mẹ mình như là một ưu tiên trong lịch cuối tuần, vì cha mẹ chẳng biết còn thọ bao lâu nữa để mà báo hiếu. Tại sao ta có thể chịu đựng được tính hà khắc của tay xếp mình năm ngày trong tuần, mà không thể chịu được sự lẩm cẩm do tuổi già của cha mẹ mình chỉ vài giờ trong một ngày cuối tuần? Có cách nào để biến sự lẩm cẩm đó thành một niềm vui không? Ví dụ như người Việt mình hay quan niệm vui là cha mẹ già lẫn thì con cái mới làm ăn được.
Khi bạn đã có được một cộng đồng nhỏ thân thiết, bạn sẽ nhận ra mình có được rất nhiều thứ. Có nhiều thứ mình không thể chia xẻ với vợ con được. Có nhiều vấn đề gia đình mà ý kiến của người thân bên ngòai thường sáng suốt hơn người trong cuộc. Đơn giản là với nhiều cái đầu, nhiều trái tim hơn, thì ta giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống hơn. Ta cùng chia xẻ được những ưu tư , cùng nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống hằng ngày .Ta không chỉ có được tình, mà cuộc sống của ta cũng sẽ dễ dàng hơn những quan hệ thân ái này. Cộng đồng người Việt mình ở hải ngọai nhờ đó có thể sẽ có nhiều đơn vị gia đình hạnh phúc, vững chãi hơn.
Thực tập “sống cho có tình” theo kiểu Việt Nam trên đất Mỹ chắc cũng không khó lắm…
Q.H
1 comment:
Anh Hung oi bai viet hay qua. Em rat dong tinh voi anh Hung. "Song co tinh" o Bac My kho ma de, de ma kho...Thuc ra chi co muon hay khong muon thoi.
O Toronto nay em dang lam nhu vay hay dung hon dang tap "Song co Tinh" (lay chu cua anh Hung) cho mot nhom nho ...nguoi gia - nhung nguoi khong duoc may man theo nghia : khong co duoc mot tinh than gia dinh hanh phuc dung nghia.
Post a Comment