Mar 28, 2009

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NẰM Ở ĐÂU?- BHD

Tiếp tục loạt bài “người Việt ở quê nhà viết về người Việt ở Mỹ”, chúng tôi mời các bạn xem lá thư sau đây của một người bạn ở Sài Gòn, nhận xét về một quan niệm sống truyền thống của người Việt mình…

Tôi hiện làm việc trong ngành xuất nhập khẩu, nên thường tiếp xúc với nhiều người ngoại quốc. Tôi nhận thấy rằng có nhiều người Mỹ, Úc… thích xứ sở Việt Nam. Một số doanh nhân nước ngoài bảo với tôi rằng họ muốn mở business với Việt Nam chỉ để có dịp được được sang Việt Nam thường xuyên. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi có gì thú vị ở cái xứ sở vừa thóat qua giai đọan xóa đói giảm nghèo này, nơi mà ngành du lịch báo động là lượng khách du lịch quay trở lại chiếm một tỉ lệ khiêm tốn? Họ trả lời là họ yêu nụ cười Việt Nam. Cho dù còn muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, người Việt Nam trên đường phố rất hay cười, đặc biệt là người miền Nam. Cho dù đó là một bác xích lô, hay một người bán hàng rong trên hè phố, hay một cô sinh viên mới tan trường. Họ thường xuyên bắt gặp được những nụ cười, những gương mặt vô tư lự. Những con người này hình như có được sự thư giãn, có được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Họ cảm thấy họ được thư giãn theo trong tinh thần lạc quan yêu đời đó, cái mà họ ít tìm thấy ở xứ sở mình. Họ gọi đó là “quality of life” của người Việt, cho dù “living standard” của nước Việt Nam còn rất thấp.

Một vài người bạn Việt Kiều Mỹ của tôi cũng có nhận xét tương tự khi về thăm quê nhà… Bạn tôi nói rằng: “Ở Việt Nam tụi bây sướng lắm, có biết không?”, mặc dù so ra về tiền bạc, nhà cửa… thì chúng tôi kém xa những người bạn xa xứ. Tôi bắt đầu thắc mắc “quality of life”, hay “chất lượng cuộc sống” của người Việt nằm ở đâu? So với người Việt ở Mỹ, chắc chắn là người trong nước phải nghèo hơn nhiều, vậy thì “sướng” ở chỗ nào?

Câu trả lời có vẻ hợp lý nhất: ở xã hội Việt Nam nhịp sống chậm hơn ở Mỹ. Con người không chịu nhiều áp lực bởi công việc, không có nhiều lo toan trong cuộc sống, cho nên sống vô tư hơn. Điều này chỉ đúng một phần. Thực ra trong những năm gần đây, những người đi làm cho công ty nước ngoài, những người trong giới kinh doanh tư nhân cũng bận rộn, căng thẳng không kém Việt Kiều. Còn người nghèo Việt Nam thì chắc chắn có nhiều nỗi lo hơn người nghèo ở Mỹ. Khác với ở Mỹ, khủng hỏang kinh tế ở Việt Nam ảnh hưởng đầu tiên đến người nghèo chứ không phải giới trung lưu, làm cho nhiều người nghèo mất việc và có nguy cơ đói.
Còn ở Mỹ, có mấy ai chết vì đói đâu?

Như vậy điều làm cho người Việt sống hạnh phúc không phải là do sự nhàn hạ, hay không có mối lo. Có vẻ như người Việt biết cách “quẳng gánh lo đi mà vui sống” hơn là đồng bào của ông Dale Canergie bên Mỹ (tác giả của cuốn sách nổi tiếng cùng tên). Tôi thấy hình như nó có liên quan đến một khái niệm tương đối: SỰ THỎA MÃN NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI. Khi những ham muốn, nhu cầu đã được thỏa mãn, chúng ta vui vẻ, hạnh phúc, ta có nụ cười.

Nhu cầu của một con người có thể là nhu cầu vật chất: ăn ngon, mặc đẹp, ở tiện nghi; hoặc nhu cầu tinh thần, ví dụ như nhu cầu được tôn trọng, được thương yêu. Nhu cầu của con người thì rất đa dạng, khó đo lường. Trừ những nhu cầu ở mức độ cơ bản như cơm no áo ấm, mỗi người trong một hòan cảnh khác nhau lại có những nhu cầu khác nhau. Thí dụ như một ly nước ở sa mạc có giá trị cao hơn một viên kim cương. Một chai nước hoa có giá bán rất đắt vì nó đánh đúng vào nhu cầu của giới khách hàng giàu có. Một bác nông dân ở Việt Nam sẽ không bao giờ hình dung nổi tại sao người ta phải mua và xức lên mình thứ nước có giá trị bằng vài chục kí lô gạo này!

Ta dễ dàng thấy rằng thỏa mãn nhu cầu của con người là một khái niệm hết sức tương đối. Điều quan trọng là nó mang tính chất cảm tính, phụ thuộc nhiều vào cảm nhận con của người. Bản thân tôi vẫn cảm nhận những thứ đồ chơi thời thơ ấu, nghèo khó như bắn bi, tạt lon, đánh bông vụ... có vẻ lý thú hơn nhiều so với việc bấm game điện tử bây giờ, nhưng con tôi thì không đồng ý vậy! Hoặc khi nhớ lại ly rượu đế, dĩa mồi khô cá rẻ tiền trong những buổi nhậu với bạn bè thưở mới đi làm, tôi thấy hình như có vẻ "ngon lành" hơn nhiều so với ly rượu tây uống với khách hàng trong các nhà hàng sang trọng ngày hôm nay ! Hoặc nghĩ rộng hơn nữa, ai có thể chứng minh được rằng giữa một ông vua nằm cáng đi kiệu ngày xưa, với một vị thổng thống đi xe sáu cửa, có kính chống đạn ngày nay, ai sẽ có cảm giác "được thỏa mãn nhu cầu" hơn ai? Các bạn thấy không, khi đã dùng đến cảm giác để đánh giá, thì chính mình là người có kết luận đúng nhất về sự thỏa mãn của bản thân mình. KHI NÀO MÌNH BIẾT ĐỦ, CẢM NHẬN LÀ ĐỦ THÌ NÓ ĐỦ. Hãy vui với cái mình đang có. Đó là nguyên lý của lối sống TRI TÚC.

Theo tôi, tri túc là bí quyết của cái gọi là "quality of life" của người dân Việt. Tri túc là chìa khóa để dẫn đến sự an lạc, tự tại trong cuộc sống. Đó là cách đơn giản nhất để tìm được hạnh phúc, để có được nụ cười trong cuộc sống. Các người bạn Âu- Mỹ- Úc của tôi sống trong một xã hội phát triển, đời sống vật chất cao, cho nên đôi khi quên mất điều này. Người Việt Nam thì vừa mới thóat ra khỏi giai đoạn nghèo đói, cho nên dễ bằng lòng với cái mà mình đang có, cho nên họ dễ trở nên lạc quan, yêu đời hơn.

Tri túc cũng chính là chìa khóa để bắt đầu nếp sống vị tha, chia xẻ với người khác . Làm sao ta có thể chia xẻ tiền bạc, thời gian cho người khác khi mà ta đang nghĩ rằng bản thân ta và gia đình còn chưa có đủ? Vì tri túc, mà một bác xích lô vẫn có thể nhường cơm xẻ áo cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung. "Mình nghèo, nhưng cũng đã tạm đủ ăn, đủ mặc rồi. Người ta còn không có chỗ ở, không có cái ăn kìa...", chắc bác đã nghĩ vậy. Tương tự, một đứa bé vẫn có thể sẵn sàng nhường cho các trẻ trong trại mồ côi tiền lì xì, đồ chơi của mình nếu nó ý thức nó đã may mắn hơn hơn người khác. Ngược lại, vì chưa thấy đủ, cho nên các quan tham ở Việt Nam vẫn tiếp tục bòn rút tiền viện trợ, từ mô hôi công sức của dân Việt mình để làm của riêng, mặc dù tài sản của họ đến đời con phá không cũng chưa hết! Những hình ảnh trên làm tôi nhớ đến một câu lời dạy tôi được nghe ở đâu đó từ thuở bé: Lạy chúa, xin chúa đừng để con nghèo để con phải nguyền rủa chúa, nhưng Chúa đừng để con giàu để con quên Chúa.

Tôi nghĩ đến cộng đồng người Việt mình ở xã hội Mỹ. Tôi tin chắc rằng, nếu còn giữ được tinh thần tri túc, người Việt mình trên đất Mỹ sẽ dễ dàng tìm được sự an lạc hơn với đồng bào mình đang ở quê nhà. Bởi vì ở Mỹ, nhu cầu cơm no áo ấm không còn là vấn đề lớn của xã hội.

Những nhu cầu cao cấp hơn như giải trí, văn hóa, du lịch… cũng đa dạng, phù hợp các mức thu nhập khác nhau. Nếu biết dừng đúng lúc sự thỏa mãn nhu cầu vật chất, người Việt ở Mỹ sẽ có "quality of life" cao hơn tại Việt Nam nhiều lần. Những nụ cười "tri túc" sẽ dễ dàng tìm thấy hơn ở Việt Nam.

Thực tế lại không phải thế! Đa phần bạn tôi ở Mỹ về trông già hơn những đứa còn ở Việt Nam nhiều. Bạn tôi bảo phải lo nhiều thứ lắm. Hỏi ra thì đứa nào cũng là “middle class”, thu nhập cỡ một trăm ngàn Đô một năm. Đứa nào cũng có nhà riêng, thậm chí có hai căn lận! Bạn tôi ở Mỹ giải thích rằng mình phải lo đầu tư, dành dụm thêm để con lên đại học, để sau này về già có tiền sinh sống. Nhưng tôi biết một số mắc nợ, lo toan nhiều là vì chạy theo tiện nghi vật chất gần như vô tận ở Mỹ. Người ta chạy theo cách sống của người khác, cho dù mình không có đủ khả năng tài chính. Ở Mỹ mượn “loan” dễ quá mà. Cuối cùng chính mình tự làm khó mình, phải cày trả nợ. Mình tự đánh mất cơ hội để có một cuộc sống an lạc hơn với tinh thần tri túc.


Tôi không có ý khẳng định rằng chỉ có sống tri túc mới có hạnh phúc. Nhiều người thành công trong xã hội, họ có đủ điều kiện tài chính để thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất. Những người này sẽ không cần đến "tri túc". Tôi thành thực chúc mừng bạn nếu bạn là một trong những người thành đạt này. Có điều là số người như vậy không nhiều trong xã hội chúng ta. Do đó, "tri túc" vẫn là một cách sống hữu ích cho nhiều người.

Tôi cũng muốn nhắc đến một khuyết điểm của quan niệm sống tri túc: nó làm chậm đi phần nào sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của xã hội. Vì tri túc, ít có tham vọng, nên ta ít thấy những chính trị gia, nhà quân sự thành công ở Việt Nam là người Miền Nam. Vì thiên nhiên ưu đãi, người miền Nam đâm ra… lè phè! Tôi cho rằng, ở một quốc gia còn đang phát triển để thóat nghèo như Việt Nam, tinh thần cầu tiến đôi khi phải lấn át tinh thần tri túc để nước nhà mau bắt kịp đà tiến của nhân loại.

Thực ra "cầu tiến" và "tri túc" không hòan toàn trái ngược nhau. Ta vẫn có thể làm hết sức mình, rồi mới vui với cái mình đang có. Vấn đề là ý thức được đâu là lúc mình "đã làm hết sức mình" rồi. Mỗi cá nhân chúng ta sẽ tự tìm được sự cân bằng cho chính mình, tương tự như người đi thăng bằng trên dây vậy.

Bàn tới rồi bàn lui, tôi kết luận vui rằng: cần phải điều chỉnh một chút để lấy lại cân bằng. người Việt ở Việt Nam bây giờ phải bớt “tri túc” đi một chút, vì còn quá nhiều việc phải làm để làm cho nước nhà trở nên giàu mạnh hơn, dân chủ hơn. Còn người Việt ở Mỹ thì cần “tri túc” nhiều hơn, vì quí vị đang sống ở trong một xã hội văn minh nhất thế giới. Như những người bạn Việt Kiểu của tôi, đã qua giai đọan đầu khó khăn ở xứ lạ, nay đã an cư lạc nghiệp rồi, đâu cần phải lo lắng nhiều như vậy. Hãy dành cho mình nhiều thời gian thư giãn hơn, để nụ cười “tri túc” trở lại trên khuôn mặt của người Việt ở Mỹ…

BHD

Caption (chung cho cả 03 hình): ở Việt Nam, người dân dù nghèo vẫn tìm được cho mình những giây phút thư giãn với nụ cười “tri túc”

Photo 1: Bồ Hùng Dũng
Photo 2: Doãn Quốc Hưng

2 comments:

Anonymous said...

Nhất trí nhất trí với Tía Dũng nó phương châm “tri túc” để có nụ cười và hạnh phúc.
Bây giờ đến phần thực hành nhé.

Hot... said...

Nguoi Viet (duoi mat cua nguoi nuoc ngoai), luon cuoi... boi ho khong co cach lam dieu khac.
Muon hay khong thi cuoc song da qua ngộp thở, nguoi ta chang biet trốn o dau cho het, thoi thi ho quyet dinh phai quen và lờ đi mọi thứ.
Người ta thảnh nhiên với cảnh kẹt xe hàng giờ, những lô cốt chiếm hết con đường, cát bụi mù trời, mưa ngập cả phố... nhưng cơn chấn động của người Việt lại nổ ra ở những chổ khác, đôi khi rất bình thường, nghĩa là tất cả cái mà họ đã "ne...pas" thì luôn tồn tại... cả trong tiềm thức.
Đó là sự phi lý lớn nhất của đời sống Việt.

DK