Lấy ra từ chiếc phong bì thật to, bạn tôi trịnh trọng khoe tấm hình ngôi sao điện ảnh Audrey Hepburn mà anh mới vừa được tặng.
Đó là bức ảnh trích từ phim Breakfast at Tiffany’s (Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany) mà cô là nhân vật chính.
Dù đã thấy bức ảnh này trước đây không biết bao lần, vậy mà lần này tôi vẫn chiêm ngưỡng nó với đầy vẻ say mê.
Từ chiếc áo dài đen cho đến chuỗi ngọc trai trắng, đôi cánh tay mang găng cao gần đến tận vai, nâng điếu thuốc lá được cắm trên chiếc tẩu thật dài một cách điệu nghệ, từ mái tóc bới cao làm tôn khuôn mặt thanh tú đến tư thế sang cả và nụ cười tinh anh, không chỉ trên môi mà còn bằng đôi mắt, “Quý Bà Audrey” đài các hơn cả một công nương thực thụ !
Chỉ là tấm ảnh trắng đen, vậy tại sao Audrey Hepburn lại chói lòa đến thế ?
Vì bức hình này, tôi đã phải tò mò kiếm xem bằng được bộ phim Breakfast at Tiffany’s.
Với nhịp sống và những vấn đề đương đại, một số bộ phim xưa, dù là kinh điển, đôi khi vẫn không tránh khỏi sự rề rà và vô lý. “Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany” cũng vậy. Tình tiết cũng như sự phát triển trong tâm lý nhân vật có phần áp đặt, vài chỗ khó tin, thậm chí hơi bị gượng ép, mặc dù các diễn viên đóng rất hết mình trên nền bài nhạc vô cùng lãng mạn: “Moon River” (Dòng Trăng).
Với tôi, phim đã bị “đề”* nhưng các tấm ảnh của Audrey trích từ bộ phim này thì lại bất tử !
Người chụp đã ghi lại được khoảnh khắc thanh xuân hoàn hảo của cô, đến nỗi dù sau hơn nửa thế kỷ (mãi tận ngày nay và có lẽ nhiều năm sau nữa) vẻ đẹp rạng ngời này vẫn còn tinh khôi, không hề suy suyển.
Dư hứng trước món quà quý giá, bạn tôi ước gì có thêm một tấm hình nữa của Thanh Nga để anh có thể kết hợp chung với bức ảnh này thành một trang trí độc đáo cho căn phòng của mình.
Giá như có thêm tấm ảnh của Thanh Nga !
... Anh làm tôi nhớ tới một tiệm chụp hình ngày xưa ở gần chợ Vườn Chuối
... Chẳng biết “Ảnh Viện Viễn Kính” này có tự bao giờ, chỉ biết là hồi tôi học lớp nhì, lớp nhất (bây giờ là lớp 4, lớp 5), nó đã có rồi.
Mỗi ngày, khi về ngang đó, tôi thường đứng lại thật lâu trước tiệm, ngắm hết tất cả những thứ được trưng – đó là các bức trắng đen chân dung nghệ sĩ được phóng thật lớn (so với thời đó !)
Bài vở nhiều khi không thuộc, nhưng tên của tất cả nghệ sĩ trong ảnh viện này thì tôi thuộc làu.
Đây là Kỳ Nữ Kim Cương, kia là Bạch Tuyết – Cải Lương Chi Bảo, Thẩm Thúy Hằng – Người Đẹp Bình Dương..., phía bên là Mộng Tuyền, Phượng Liên, Thanh Lan, Bạch Lê... còn trên cao gồm những người ít nỗi tiếng hơn như Phương Hoài Tâm, Giao Linh, Phương Hồng Ngọc.... . Riêng nghệ sĩ Thanh Nga – người duy nhất được trưng hai hình thật lớn, đặt ở vị trí hết sức quan trọng : một ở tủ kính bên ngoài, tấm kia trên vách, nơi rất dễ nhìn nhất.
Tôi nhớ như in tấm đặt ngoài mặt tiền ảnh viện.
Với mái tóc suông dài, chẻ ngôi giữa, gọn gàng búi kẹp đằng sau; với đôi mắt vô ưu cộng thêm nụ cười sắp nở đã làm cho khuôn mặt đôn hậu của cô bỗng nhiên tỏa sáng, thứ ánh sáng kỳ diệu, hết sức trong trẻo và tràn đầy nhân thiện. (... Nếu tôi nhớ không lầm thì bàn tay phải của cô chạm nhẹ lên cành hoa lay-ơn đặt bên cạnh...)
Đến tận bây giờ, trong tâm thức của tôi, bức ảnh Thanh Nga ấy vẫn mãi không cũ, nó chẳng già đi, cũng chẳng lỗi thời, nó nguyên vẹn và bất tử !
Ừ, nếu có được và đặt tấm ảnh này bên cạnh tấm Audrey, chắc hẳn bạn tôi sẽ có một “tác phẩm” độc đáo !
Nhân nhắc đến Thanh Nga, anh T. – kiến trúc sư - sống nhiều năm trên đất Pháp, hào hứng kể cho tôi nghe mẩu chuyện thú vị về một ảnh viện hết sức kiêu kỳ nằm trên đại lộ đẹp nhất nước Pháp: Champs Élysées.
Harcourt - ảnh viện, đồng thời là một galerie - trưng bày toàn hình trắng đen của các nghệ sỹ nỗi tiếng mà mỗi bức chân dung được xem như một tác phẩm nghệ thuật.
Người ta hay kháo với nhau rằng :
- Muốn trở thành ngôi sao thì phải có ảnh tại Harcourt !
Nhưng khổ thay, muốn được Harcourt chụp thì phải là “ngôi sao” !!!
Thế mà Harcourt đã trưng hình nghệ sỹ Thanh Nga trong khoảng thời gian những năm 70 !
Anh T. sung sướng vì nỗi lòng người xa xứ bất ngờ thấy được hình ảnh của người trong nước được đặt một nơi trang trọng, còn tôi hãnh diện vì nhan sắc mà dân mình cho là ĐẸP thì cũng được công nhận bởi góc nhìn của người phương Tây (đặc biệt là một nơi “chãnh chẹ” như Harcourt).
... Trở lại “Ảnh viện Viễn Kính”, chắc hẳn nó không thể so sánh với Harcourt hoặc bất kỳ tiệm ảnh nào đó trên đời, thế nhưng với tôi, đây là nơi chất chứa biết bao bí ẩn về những con người đặc biệt chẳng bao giờ thấy họ ngoài đời, chỉ thấy họ xuất hiện trong ti-vi, trên màn ảnh hoặc trong sách báo.
Biết đâu chừng tiệm chụp hình này là khởi nguồn đầu tiên kích thích sự tò mò về thế giới sân khấu và nó đã khơi gợi trong tôi những giấc mơ tuyệt đẹp về nghề nghiệp mà mình sẽ theo sau này.
Vào những năm 90, “Ảnh Viện Viễn Kính” không còn nữa. Người ta cho thuê hoặc sang nhượng lại thành một hiệu may bình thường.
Thế là mỗi lần đi ngang qua, đôi mắt của tôi mất đi một điểm dừng, một chốn “hẹn hò” với ai đó thân quen, mất đi thói quen lướt mắt thật nhanh trên từng vị trí để kiểm tra xem ảnh thần tượng của mình có bị thay thế bởi nghệ sỹ nào khác mới nổi lên hay không. Tôi bị mất đi kỷ niệm cả một quảng đời thơ ấu !
...Thời đại mới với cách chụp hiện đại, người ta thay ảnh viện bằng những “xì-tu-đi-ô”** tân kỳ, hào nhoáng mà từ xa ta đã nhận ra ngay nhờ khuôn mặt to đùng của người mẫu nào đó được trang điểm một cách diêm dúa bằng đủ loại màu sắc, trùm kín cả toà nhà.
Người ta cũng nhanh chóng phát minh và cải tiến máy chụp kỹ thuật số với dáng bề ngoài y hệt máy ảnh ngày xưa và chất lượng bên trong thì khá tương đồng với thời phim nhựa.
Nhờ không tốn phim, ta tha hồ “bấm” với châm ngôn:
-Thế nào cũng “tóm” được ảnh đẹp !
Sau khi đã đời bởi những “ma thuật” từ phần mềm photoshop với đủ kiểu xử lý từ đơn giản đến siêu thực, thỉnh thoảng người ta muốn quay lại cảm giác hoài cổ bằng cách chuyển hình nay thành ảnh xưa khi cho thêm chút đen gắt gỏng, “ét”*** chút hạt hình giống như loại phim nhạy sáng vỡ hạt, nhuộm tí sắc vàng giả màu thời gian, thậm chí cào trầy chút xíu cho ảnh có vẻ thật chứ không qua “tút-sửa”
... Sau khi in ra, những tấm ảnh này khá đẹp và giống xưa, thế nhưng như đồ giả cổ, chúng vẫn “mới” và bèn bẹt thế nào ?
Chúng thiếu nước huyền sâu thẳm, hơi ánh ánh một chút của nitrat bạc trên mặt tờ giấy ảnh ?
Thiếu độ nhám hoặc độ mờ cần thiết ?
Thiếu chiều sâu của không gian ?
Thiếu vầng ửng sáng trên mặt hay vùng ẩn tối sau lưng ?
Có lẽ chúng thiếu nhịp tim đếm chùm sáng của máy rọi xuyên qua tấm phim, thiếu hơi nén thở đợi chờ hình ảnh từ từ hiện ra trong thau nước rửa, thiếu độ non già của từng loại giấy ảnh... nhất là thiếu luôn sợi dây ràng buộc vô hình giữa người mẫu với nhiếp ảnh gia và phải chăng chúng thiếu cả một quá khứ ?
Đó là thế giới bí ẩn mà người ta không thể đo bằng mắt mà phải cảm bằng tim!
...Trở lại bức ảnh Thanh Nga và Audrey, tôi nghĩ bụng tác giả của các tuyệt phẩm trên phải hết sức thận trọng khi thực hiện những tác phẩm này.
Ngoài tài năng, họ đã tính toán chi li mọi thứ từ phương pháp đặt đèn cho tới cách tạo không khí, từ mối quan hệ cho tới cách khơi gợi sao cho giữa họ và người mẫu có thể giao thoa, đồng điệu và nhất là họ đủ kiên nhẫn chờ đợi đúng khoảnh khắc hoàn hảo mà người diễn viên chỉ có thể biểu lộ một lần duy nhất trong đời.
Họ đã làm nên sự bất tử cho các minh tinh bằng cách giữ lại thời thanh xuân của họ. ...
Có lẽ ý thức được bí mật này, một loại kiều nữ mới nổi của điện ảnh Pháp, sau khi chán chê những kiểu hình bốc lửa, nổi loạn và hoang dại, các nàng rủ nhau bước vào Harcourt, mong tạo lại một hình ảnh “mới” từ cách chụp cổ điển ! ...
Nhân sự ra đi vĩnh viễn của nhà nhiếp ảnh đại tài Richard Avedon, người tạo những cuộc “cách mạng” lớn trong nghệ thuật nhiếp ảnh và trong cách chụp thời trang, bạn tôi gửi tặng cuốn sách về “Ông Hoàng nhiếp ảnh” này.
Trong số những kiệt tác của ông được giới thiệu lại, tôi sung sướng khi tìm thấy ảnh của một siêu sao mà tôi hằng ngưỡng mộ : Isabelle Adjani.
Tấm ảnh này của Adjani đã được đăng trên khá nhiều tạp chí. Nếu tôi nhớ không lầm, lần đầu tiên xuất hiện trên tờ PHOTO của Pháp, người ta ghi dưới đó một tựa đề hết sức ấn tượng: “Khi Hoàng Hậu gặp Vua...”
Thật “ngoạn mục” khi hai con người “kinh khủng” gặp nhau !
Avedon đã ghi lại được hình ảnh Adjani với đôi tay ôm lấy ngực trần, mái tóc dài bay rợp, khuôn mặt trắng bệch với đôi mắt mở to thảng thốt ngước lên .
Cô đang ở giữa ranh giới mong manh: bên đây là niềm hạnh phúc mênh mông, bên kia là nỗi đau bất tận.
Qua bức ảnh, hình như tôi thoáng nghe cô nói một câu của Racine - nhà thơ cũng là nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại người Pháp:
“...Và ánh sáng ban ngày cũng không trong bằng đáy tim em ...”
Đoàn Khoa - tháng 11-2008
Photos - Đinh Tiến Mậu
*“đề” – démodé: lỗi thời
**Studio: phim trường, xưởng chụp ảnh
***“ét” – add: thêm vào
Đó là bức ảnh trích từ phim Breakfast at Tiffany’s (Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany) mà cô là nhân vật chính.
Dù đã thấy bức ảnh này trước đây không biết bao lần, vậy mà lần này tôi vẫn chiêm ngưỡng nó với đầy vẻ say mê.
Từ chiếc áo dài đen cho đến chuỗi ngọc trai trắng, đôi cánh tay mang găng cao gần đến tận vai, nâng điếu thuốc lá được cắm trên chiếc tẩu thật dài một cách điệu nghệ, từ mái tóc bới cao làm tôn khuôn mặt thanh tú đến tư thế sang cả và nụ cười tinh anh, không chỉ trên môi mà còn bằng đôi mắt, “Quý Bà Audrey” đài các hơn cả một công nương thực thụ !
Chỉ là tấm ảnh trắng đen, vậy tại sao Audrey Hepburn lại chói lòa đến thế ?
Vì bức hình này, tôi đã phải tò mò kiếm xem bằng được bộ phim Breakfast at Tiffany’s.
Với nhịp sống và những vấn đề đương đại, một số bộ phim xưa, dù là kinh điển, đôi khi vẫn không tránh khỏi sự rề rà và vô lý. “Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany” cũng vậy. Tình tiết cũng như sự phát triển trong tâm lý nhân vật có phần áp đặt, vài chỗ khó tin, thậm chí hơi bị gượng ép, mặc dù các diễn viên đóng rất hết mình trên nền bài nhạc vô cùng lãng mạn: “Moon River” (Dòng Trăng).
Với tôi, phim đã bị “đề”* nhưng các tấm ảnh của Audrey trích từ bộ phim này thì lại bất tử !
Người chụp đã ghi lại được khoảnh khắc thanh xuân hoàn hảo của cô, đến nỗi dù sau hơn nửa thế kỷ (mãi tận ngày nay và có lẽ nhiều năm sau nữa) vẻ đẹp rạng ngời này vẫn còn tinh khôi, không hề suy suyển.
Dư hứng trước món quà quý giá, bạn tôi ước gì có thêm một tấm hình nữa của Thanh Nga để anh có thể kết hợp chung với bức ảnh này thành một trang trí độc đáo cho căn phòng của mình.
Giá như có thêm tấm ảnh của Thanh Nga !
... Anh làm tôi nhớ tới một tiệm chụp hình ngày xưa ở gần chợ Vườn Chuối
... Chẳng biết “Ảnh Viện Viễn Kính” này có tự bao giờ, chỉ biết là hồi tôi học lớp nhì, lớp nhất (bây giờ là lớp 4, lớp 5), nó đã có rồi.
Mỗi ngày, khi về ngang đó, tôi thường đứng lại thật lâu trước tiệm, ngắm hết tất cả những thứ được trưng – đó là các bức trắng đen chân dung nghệ sĩ được phóng thật lớn (so với thời đó !)
Bài vở nhiều khi không thuộc, nhưng tên của tất cả nghệ sĩ trong ảnh viện này thì tôi thuộc làu.
Đây là Kỳ Nữ Kim Cương, kia là Bạch Tuyết – Cải Lương Chi Bảo, Thẩm Thúy Hằng – Người Đẹp Bình Dương..., phía bên là Mộng Tuyền, Phượng Liên, Thanh Lan, Bạch Lê... còn trên cao gồm những người ít nỗi tiếng hơn như Phương Hoài Tâm, Giao Linh, Phương Hồng Ngọc.... . Riêng nghệ sĩ Thanh Nga – người duy nhất được trưng hai hình thật lớn, đặt ở vị trí hết sức quan trọng : một ở tủ kính bên ngoài, tấm kia trên vách, nơi rất dễ nhìn nhất.
Tôi nhớ như in tấm đặt ngoài mặt tiền ảnh viện.
Với mái tóc suông dài, chẻ ngôi giữa, gọn gàng búi kẹp đằng sau; với đôi mắt vô ưu cộng thêm nụ cười sắp nở đã làm cho khuôn mặt đôn hậu của cô bỗng nhiên tỏa sáng, thứ ánh sáng kỳ diệu, hết sức trong trẻo và tràn đầy nhân thiện. (... Nếu tôi nhớ không lầm thì bàn tay phải của cô chạm nhẹ lên cành hoa lay-ơn đặt bên cạnh...)
Đến tận bây giờ, trong tâm thức của tôi, bức ảnh Thanh Nga ấy vẫn mãi không cũ, nó chẳng già đi, cũng chẳng lỗi thời, nó nguyên vẹn và bất tử !
Ừ, nếu có được và đặt tấm ảnh này bên cạnh tấm Audrey, chắc hẳn bạn tôi sẽ có một “tác phẩm” độc đáo !
Nhân nhắc đến Thanh Nga, anh T. – kiến trúc sư - sống nhiều năm trên đất Pháp, hào hứng kể cho tôi nghe mẩu chuyện thú vị về một ảnh viện hết sức kiêu kỳ nằm trên đại lộ đẹp nhất nước Pháp: Champs Élysées.
Harcourt - ảnh viện, đồng thời là một galerie - trưng bày toàn hình trắng đen của các nghệ sỹ nỗi tiếng mà mỗi bức chân dung được xem như một tác phẩm nghệ thuật.
Người ta hay kháo với nhau rằng :
- Muốn trở thành ngôi sao thì phải có ảnh tại Harcourt !
Nhưng khổ thay, muốn được Harcourt chụp thì phải là “ngôi sao” !!!
Thế mà Harcourt đã trưng hình nghệ sỹ Thanh Nga trong khoảng thời gian những năm 70 !
Anh T. sung sướng vì nỗi lòng người xa xứ bất ngờ thấy được hình ảnh của người trong nước được đặt một nơi trang trọng, còn tôi hãnh diện vì nhan sắc mà dân mình cho là ĐẸP thì cũng được công nhận bởi góc nhìn của người phương Tây (đặc biệt là một nơi “chãnh chẹ” như Harcourt).
... Trở lại “Ảnh viện Viễn Kính”, chắc hẳn nó không thể so sánh với Harcourt hoặc bất kỳ tiệm ảnh nào đó trên đời, thế nhưng với tôi, đây là nơi chất chứa biết bao bí ẩn về những con người đặc biệt chẳng bao giờ thấy họ ngoài đời, chỉ thấy họ xuất hiện trong ti-vi, trên màn ảnh hoặc trong sách báo.
Biết đâu chừng tiệm chụp hình này là khởi nguồn đầu tiên kích thích sự tò mò về thế giới sân khấu và nó đã khơi gợi trong tôi những giấc mơ tuyệt đẹp về nghề nghiệp mà mình sẽ theo sau này.
Vào những năm 90, “Ảnh Viện Viễn Kính” không còn nữa. Người ta cho thuê hoặc sang nhượng lại thành một hiệu may bình thường.
Thế là mỗi lần đi ngang qua, đôi mắt của tôi mất đi một điểm dừng, một chốn “hẹn hò” với ai đó thân quen, mất đi thói quen lướt mắt thật nhanh trên từng vị trí để kiểm tra xem ảnh thần tượng của mình có bị thay thế bởi nghệ sỹ nào khác mới nổi lên hay không. Tôi bị mất đi kỷ niệm cả một quảng đời thơ ấu !
...Thời đại mới với cách chụp hiện đại, người ta thay ảnh viện bằng những “xì-tu-đi-ô”** tân kỳ, hào nhoáng mà từ xa ta đã nhận ra ngay nhờ khuôn mặt to đùng của người mẫu nào đó được trang điểm một cách diêm dúa bằng đủ loại màu sắc, trùm kín cả toà nhà.
Người ta cũng nhanh chóng phát minh và cải tiến máy chụp kỹ thuật số với dáng bề ngoài y hệt máy ảnh ngày xưa và chất lượng bên trong thì khá tương đồng với thời phim nhựa.
Nhờ không tốn phim, ta tha hồ “bấm” với châm ngôn:
-Thế nào cũng “tóm” được ảnh đẹp !
Sau khi đã đời bởi những “ma thuật” từ phần mềm photoshop với đủ kiểu xử lý từ đơn giản đến siêu thực, thỉnh thoảng người ta muốn quay lại cảm giác hoài cổ bằng cách chuyển hình nay thành ảnh xưa khi cho thêm chút đen gắt gỏng, “ét”*** chút hạt hình giống như loại phim nhạy sáng vỡ hạt, nhuộm tí sắc vàng giả màu thời gian, thậm chí cào trầy chút xíu cho ảnh có vẻ thật chứ không qua “tút-sửa”
... Sau khi in ra, những tấm ảnh này khá đẹp và giống xưa, thế nhưng như đồ giả cổ, chúng vẫn “mới” và bèn bẹt thế nào ?
Chúng thiếu nước huyền sâu thẳm, hơi ánh ánh một chút của nitrat bạc trên mặt tờ giấy ảnh ?
Thiếu độ nhám hoặc độ mờ cần thiết ?
Thiếu chiều sâu của không gian ?
Thiếu vầng ửng sáng trên mặt hay vùng ẩn tối sau lưng ?
Có lẽ chúng thiếu nhịp tim đếm chùm sáng của máy rọi xuyên qua tấm phim, thiếu hơi nén thở đợi chờ hình ảnh từ từ hiện ra trong thau nước rửa, thiếu độ non già của từng loại giấy ảnh... nhất là thiếu luôn sợi dây ràng buộc vô hình giữa người mẫu với nhiếp ảnh gia và phải chăng chúng thiếu cả một quá khứ ?
Đó là thế giới bí ẩn mà người ta không thể đo bằng mắt mà phải cảm bằng tim!
...Trở lại bức ảnh Thanh Nga và Audrey, tôi nghĩ bụng tác giả của các tuyệt phẩm trên phải hết sức thận trọng khi thực hiện những tác phẩm này.
Ngoài tài năng, họ đã tính toán chi li mọi thứ từ phương pháp đặt đèn cho tới cách tạo không khí, từ mối quan hệ cho tới cách khơi gợi sao cho giữa họ và người mẫu có thể giao thoa, đồng điệu và nhất là họ đủ kiên nhẫn chờ đợi đúng khoảnh khắc hoàn hảo mà người diễn viên chỉ có thể biểu lộ một lần duy nhất trong đời.
Họ đã làm nên sự bất tử cho các minh tinh bằng cách giữ lại thời thanh xuân của họ. ...
Có lẽ ý thức được bí mật này, một loại kiều nữ mới nổi của điện ảnh Pháp, sau khi chán chê những kiểu hình bốc lửa, nổi loạn và hoang dại, các nàng rủ nhau bước vào Harcourt, mong tạo lại một hình ảnh “mới” từ cách chụp cổ điển ! ...
Nhân sự ra đi vĩnh viễn của nhà nhiếp ảnh đại tài Richard Avedon, người tạo những cuộc “cách mạng” lớn trong nghệ thuật nhiếp ảnh và trong cách chụp thời trang, bạn tôi gửi tặng cuốn sách về “Ông Hoàng nhiếp ảnh” này.
Trong số những kiệt tác của ông được giới thiệu lại, tôi sung sướng khi tìm thấy ảnh của một siêu sao mà tôi hằng ngưỡng mộ : Isabelle Adjani.
Tấm ảnh này của Adjani đã được đăng trên khá nhiều tạp chí. Nếu tôi nhớ không lầm, lần đầu tiên xuất hiện trên tờ PHOTO của Pháp, người ta ghi dưới đó một tựa đề hết sức ấn tượng: “Khi Hoàng Hậu gặp Vua...”
Thật “ngoạn mục” khi hai con người “kinh khủng” gặp nhau !
Avedon đã ghi lại được hình ảnh Adjani với đôi tay ôm lấy ngực trần, mái tóc dài bay rợp, khuôn mặt trắng bệch với đôi mắt mở to thảng thốt ngước lên .
Cô đang ở giữa ranh giới mong manh: bên đây là niềm hạnh phúc mênh mông, bên kia là nỗi đau bất tận.
Qua bức ảnh, hình như tôi thoáng nghe cô nói một câu của Racine - nhà thơ cũng là nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại người Pháp:
“...Và ánh sáng ban ngày cũng không trong bằng đáy tim em ...”
Đoàn Khoa - tháng 11-2008
Photos - Đinh Tiến Mậu
*“đề” – démodé: lỗi thời
**Studio: phim trường, xưởng chụp ảnh
***“ét” – add: thêm vào
1 comment:
Bai nay cua Doan Khoa vua\ co’ ho\n, vua\ co con mat cua mot nha\ nhie’p anh thu thiet. Qua hay
Hung Doan
Post a Comment