Jan 13, 2009

BÁC TRAI BÁC GÁI - trích chương III

Chương III
Mối tình già bác trai bác gái

Bác trai đi đâu từ sáng chưa về. Bác gái gọi điện thoại đến nhà ông bạn thân nhất của bác trai – lần đó là lần thứ ba:
- Anh đã biết ông xã nhà tôi hiện ở đâu chưa ạ?

Ông bạn chưa kịp trả lời thì nghe tiếng bác gái bên kia đầu dây la lên:
- Ông đi đâu giờ mới về?

Người bạn tủm tỉm cười, đặt máy điện thoại xuống, biết là niềm vui sống của bác gái đã hiện diện.

Đúng vậy! Bác gái vừa đặt máy điện thoại xuống, bác trai đã vội đọc ngay mấy câu thơ để đánh lạc hướng khiến bác gái quên chuyện la mình:

Tôi chỉ có hai bàn tay,
Một tay hái lá trên trời,
Một tay tôi níu áo người tôi thương!

Bác trai thay từ anh trong nguyên bản thành từ tôi để câu thơ không quá đằm thắm, trẻ trung khiến bác gái phải la thêm lần nữa.

Quả nhiên bác gái chỉ nguýt nhẹ rồi mới nói:
- Tôi biết – ông giỏi đọc thơ trêu chọc tôi mà!

Bác trai thừa thắng xông lên, ngâm tiếp:

Lòng luôn vướng mắc niềm nhung nhớ,
Nhung nhớ thương yêu khỏi phải chê!
Cúi hôn gò má người thương đó,
Má lúm đồng tiền ngắm … thật phê!

Lần này bác gái hỏi ngay:
- Người má lúm đồng tiền là ai thế ông?

Bác trai cũng trả lời ngay:
- Là bà chớ còn ai nữa!
- Xạo! Vừa cúi xuống hôn lên gò má người ta mà đồng thời lại thấy cả khoảng má lúm đồng tiền nữa!

Bác trai cười thành tiếng:
- Thì tôi nhìn bằng con mắt tinh thần mà bà!

Và bác chuyển hướng ngay câu chuyện:
- Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến chơi với anh Hạc – (anh trai bác gái)-, và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp bà. Trời, hôm đó tôi say sưa kín đáo ngắm màu tím phớt của chiếc áo dài bà mặc. Bất chợt bà quay lại, bắt gặp tôi đang ngắm trộm. Đôi môi bà mím lại, hình lúm đồng tiền bất chợt xuất hiện ngay trên đôi má ửng hồng của bà. Trời ơi, quyến rũ làm sao!

Thoáng thấy thái độ bác gái hơi lúng túng, bác trai thừa thắng tiếp luôn:
- Rõ ràng khoảng má lúm đồng tiền đó của bà nông choèn mà sao tôi càng vùng vẫy càng bị chìm sâu xuống. Thôi thì đành nhờ người mai mối để được tình nguyện ký vào bản án tù chung thân do bà quản trị!

Bác gái biết là đã tới lúc bác trai chuyển sang trêu cợt mình, vừa định rảo bước theo bậc thang lên lầu, bác trai đã tinh ý chuyển đề tài:
- Bà ơi, tôi đói quá rồi. Bà có gì cho tôi ăn đi để đỡ tẻ lạnh cuộc đời. Cứ bà vào bếp làm cơm, nấu nướng là nhất rồi. Cơm nát một chút thì … vẫn là dẻo, khê một chút thì … vẫn là thơm; sống một chút thì … ăn càng bùi.

Nói xong, bác trai múa tay làm nhịp ngâm câu thơ lấy ý của người xưa để ca tụng bác gái:
Sống bùi, nát dẻo, khê thơm ….
Hễ bà vào bếp làm cơm (là) nhất rồi!

Bác gái đành cũng chỉ biết nguýt một cái rồi vào bếp lấy mớ rau cải ra chuẩn bị nấu canh.

[...]

Mải chuẩn bị làm cơm, bác gái quên để ý đến bác trai. Khi sực nhớ, nhìn quanh, bác trai đã biến đâu mất rồi.

Bác gái mở cửa ngó đầu ra vườn, thấy bác trai đương ngồi trên ghế trầm ngâm bèn lên tiếng:
- Ông ơi, ông không biết trời đã bắt đầu mưa sao?

Bác trai trả lời ngay:
- Lất phất mấy hạt, ăn nhằm gì. Thú là đằng khác!

Nhưng bác trai vẫn chiều bác gái từ từ đứng lên bước vào nhà, đồng thời hướng về bác gái âm ư hát:
Mưa như mưa rơi trong lòng anh
Mưa như mưa rơi trong lòng em

Bác gái nguýt, bác trai chuyển sang đọc thơ:

Tiếng mưa sao quá êm đềm,
Tiếng mưa như nhắc nỗi niềm ngày xưa.
Ngày xưa thuở mới mộng mơ,
Mộng mơ vào thuở em chưa có chồng.

Thấy tiếng hát bác trai quá say mê, bác gái dậm chân:
- Em nào?

Bác trai lại phá lên cười, trả lời ngay:
- Bà chứ ai!

Để bác gái yên chí lớn, bác trai tiếp tục ngâm:
Ngày nào em mới có chồng,
Mà nay đã thành bà nội, bà ngoại … nhưng má hồng chưa phai.

Bác gái lại nguýt.

Mặc dù biết bác trai ngâm thơ tình rất gợi cảm – nghệ thuật vị nghệ thuật thôi – nhưng bác gái mỗi lần nghe đến khoảng lâm ly nhất lại giậm chân hỏi Em nào? Người nào? Ai nào? Và bác trai cũng phản ứng tự nhiên đáp lại: Bà chứ ai!

- Em ơi! Hãy ngủ đi em; Ầu ơ anh hát giấc mềm say sưa.
- Em nào?
- Bà chứ ai!

- Thương ai tóc xõa bên đường; Người sao đẹp nõn đẹp nường người ơi!
- Người nào?
- Bà chứ ai!

- Hỡi ai sao đứng một mình; Ai ơi ai đã thấu tình ai chưa?
- Ai nào?
- Bà chứ ai!

Hôm nay, bác trai muốn được nghe lại điệp khúc ấy, thoáng thấy bóng bác gái vừa tiến lại gần, bèn đọc hai câu thơ vừa sáng tác:

Em đi qua như mây trời lãng đãng,
Để lại dòng sông ngơ ngác trôi theo.

Nhưng lần này bác gái chỉ nguýt bác trai, không hỏi Em nào nữa vì biết có hỏi chắc chắn bác trai sẽ lại trả lời: Bà chứ ai!

Rồi bác gái đi thẳng đến tủ lạnh, lấy măng và thịt bò ra để chuẩn bị làm món thịt bò xào măng là món bác trai thích nhất.

Bác trai tiếp tục ngâm sang bài khác, lời ca nào bác quên thì bác ngẫu hứng phịa thay vào:

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương,
Khi em khuất dạng, lòng anh (vẫn) vấn vương hoài hoài.

Bác gái tuy đương bận làm bếp, quay lưng lại phía bác trai, nhưng vẫn nghe rõ hai câu thơ trên. Bác gái phải công nhận là bác trai rất có tài gợi lại kỷ niệm qua thơ – tuy bằng giọng têu tếu nhưng vô cùng gợi cảm. Ví như có lần bác trai nhắc đến nụ hôn thuở nào:

Cả một trời hồng rực,
Nhưng chẳng phải bình minh.
Từ khi hai đứa chúng mình,
Mi nhau rồi lại tự tình dưới hoa.

Bác gái biết mi nhau đây nghĩa là hôn nhau. Lần đó bác gái chỉ nguýt yêu một cái rồi chớp chớp mắt cảm động.

Nói gì thì nói, tới tuổi này, hai vợ chồng già còn có đối thoại với nhau là hay lắm rồi; dù đối thoại lần nào cũng chỉ là cơ hội để bác trai trêu bác gái và để bác gái càm ràm bác trai:
- Ông vặn nắp cà phê gì mà chặt quá, tôi không sao mở được.
- Tại lúc đó tôi mải ngắm bà đương uyển chuyển quét nhà.
- Nhảm nhí!
- Nhảm nhí đâu nào! Đùa cho vui cửa vui nhà đấy thôi! Chúng mình già rồi, khoảng trống trong lòng ngày càng mở rộng. Mỗi chúng ta phải tìm cách lấp hố trống đó bằng cách riêng của mình chứ!
[...]

No comments: