Jan 10, 2009

PHÉP LẠ CỦA TÂM: NIỀM HY VỌNG CHO NHÂN LOẠI TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Người dân Việt chúng ta có tục lệ muốn bắt đầu một năm mới bằng những niềm hy vọng. Do đó, trong những ngày Tết, chúng ta chúc nhau phát tài, mạnh khỏe, hạnh phúc, sống lâu… Năm nay, người Việt ở Mỹ đón Tết Kỷ Sửu với nhiều xáo trộn trong cuộc sống: khủng hỏảng kinh tế, công việc làm ăn bất ổn… Như vậy, chúng ta sẽ chúc nhau những gì không quá hão huyền trong những ngày đầu năm? Có lẽ câu chuyện sau đây, về một con người đã chiến thắng được căn bệnh ung thư bằng sức mạnh tâm linh, sẽ đem lại một niềm hy vọngxác thực cho quý độc giả nhân dịp xuân về…

Anh Cẩn sinh năm 1949. Hiện anh đang sống ở thành phố Encinitas, miền Nam Cali.

Có thể nói anh là một trong những người Việt di tản thành đạt ở Mỹ. Sang Mỹ từ năm 75, anh bắt đầu làm việc ngay trong lĩnh vực điện toán. Với kinh nghiệm từng làm việc trong ngành điện tóan khi còn ở Việt Nam, anh nhanh chóng thăng tiến trong ngành công nghệ quan trọng này của Mỹ. Đến năm 90, anh đã nắm giữ những chức vụ cao trong các hãng lớn như General Electric. Anh quyết định mở business riêng của mình. Công việc kinh doanh của các công ty software do anh sáng lập đều thành công ở những mức độ khác nhau.

Theo anh Cẩn, con đường đến với Phật Pháp của anh cũng tương tự với những người thuộc giới trí thức và làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Anh theo Đạo Phật vì mẹ là một Phật tử thuần thành, thường xuyên đi chùa, tụng kinh. Lúc trẻ anh đọc rất nhiều sách Phật, cũng thiền tập, nhưng là để thỏa mãn nhu cầu về tri thức hơn là tìm cho mình một con đường đi trong cuộc sống. Một tác động lớn đến đời sống tâm linh của anh xảy ra cách đây hơn chục năm, trong anh khi đang điều hành công ty của mình ở Mỹ.

Hôm đó, có một nhân viên lên gặp anh khóc và nói rằng mình bị áp lực lớn vì không theo nổi cách làm việc của anh. Anh Cẩn hết sức ngạc nhiên, vì anh thuộc loại giám đốc biết quan tâm đến nhân viên. Có điều anh luôn yêu cầu nhân viên phải làm việc đúng như cách của anh làm, để họ cũng thành công như anh. Anh quên mất là không phải ai cũng có khả năng như anh được. Hóa ra là cho dù đang muốn làm một việc tốt, nhưng vì chấp ngã, nên vô tình anh làm tổn thương người khác! Qua sự kiện đó, anh bắt đầu nhìn lại mình.

Anh bắt đầu trở nên biết lắng nghe người khác hơn. Anh bắt đầu tìm cách đem Phật Pháp áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Anh Cẩn rất quan tâm đến Phật Giáo Tây Tạng. Theo anh, truyền thống Tây Tạng vạch ra con đường tu tập rõ ràng cho các Phật tử còn đang sống cuộc đời thường như anh. Vẫn biết “tu là chuyển nghiệp” như nhiều thầy đã dạy, nhưng “How?”

Phật Giáo Tây Tạng đưa ra cho anh Cẩn câu trả lời này cụ thể hơn. Do đó, anh thường lên nghe giảng pháp ở ngôi chùa Tây Tạng ở Long Beach, nơi có Geshe Tsultim Gyeltsen trụ trì. Ngài là một trong những chư vị cao tăng của Phật Giáo tây Tạng, rất được Đức Đạt Lai Lạt Ma quí mến.

Anh Cẩn - Dĩ tâm ứng tâm.
Vào khoảng tháng Sáu năm 2007, anh Cẩn thấy sức khỏe mình tự nhiên suy kiệt hẳn.
Vì sao thì bác sĩ chưa chẩn đoán được. Phải đợi đến khi anh thấy mình bị chứng “double vision” - một vật mà nhìn thành hai - anh mới khi khám bác sĩ nhãn khoa rồi được chuyển qua bác sĩ khác để cho scan não bộ của anh. Lúc đó họ phát giác là anh bị ung thư phổi, đã di căn tới não, nên họ tức tốc đưa anh vào nhà thương. Đối với y học, ca của anh Cẩn có vẻ như đã quá trễ. Bác sĩ vẫn bắt đầu phương pháp xạ trị mà không ai hứa hẹn điều gì. Cuộc sống của anh tính theo từng tháng. Chỉ còn chờ phép lạ…

Đối với một người đọc sách Phật nhiều như anh Cẩn, anh cũng biết sinh tử là vô thường.
Nhưng khi phải đối mặt trực diện với nó, anh mới thấy mọi kiến thức trước đây của mình về cái chết sao chỉ là một mớ khái niệm rỗng, không giúp gì được cả. Anh cảm thấy hoang mang quá đỗi. Anh chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi về một nơi nào đó đằng sau cái chết. Bởi vì anh vẫn còn lo cho vợ anh, con anh, và cả doanh nghiệp đang làm việc nữa, sau này không có anh rồi sẽ ra sao.


Anh cố tự nhủ rằng mình chấp và bám víu như vậy là sai với tinh thần nhà Phật, nhưng anh không thể nào chế ngự được nỗi sợ hãi khi hình ảnh cái chết và vợ con mình hiện lên trong đầu. Cùng với cơ thể bệnh hoạn, tâm anh lại bị thiêu đốt trong sự sợ hãi. Thân tâm anh suy sụp toàn diện!

Đến lúc như tuyệt vọng, tự nhiên anh nghĩ đến Geshe Tsultim Gyeltsen. Anh nhờ một người bạn thân đến chùa ngay để trình bày với thầy về hoàn cảnh của anh, và xin được qui y với Ngài. Thầy nhận lời ngay. Cuối tuần đó, anh sung sướng được gặp thầy, được thầy làm lễ qui y chính thức. Anh xin thầy lời khuyên về sự giải thoát cho bản thân mình. Lời khuyên của Ngài thật đơn giản: giao tất cả mọi chuyện vướng bận trong đời lại cho người thân, để chuẩn bị cho mình vượt lên trên tất cả những lo toan đó.

Với một niềm tin mãnh liệt vào vị thầy tôn kính, anh thực hiện đúng như vậy.
Anh bàn giao lại công việc, tài sản lại cho người thân của mình lo liệu. Anh tức tốc lấy vé máy bay để cùng vợ đi Hawai, với ý nghĩ là tận hưởng những ngày tháng cuối để vui với gia đình. Đúng cái đêm trước ngày khởi hành, “phép lạ” xảy ra.

Tối hôm ấy, anh cũng ngồi thiền để tĩnh tâm như mọi khi. Và khi anh nhắm mắt lại, anh thấy tự nhiên trong tâm anh tràn ngập hình ảnh vị thầy tôn kính của mình. Kỳ diệu hơn nữa, tâm của anh hoàn toàn tĩnh lặng cùng hình ảnh của thầy. Không cần một cố gắng nào cả, sự sợ hãi đang chế ngự anh trước đây tự nhiên biến mất. Giống như người lạc giữa sa mạc gặp được dòng suối mát, anh đã để tâm mình an trú trong những giây phút bình an tuyệt diệu đó.

Đây là một dạng kinh nghiệm thực chứng của thiền quán mà không phải ai cũng tìm được, dù một lần trong đời.


Hôm sau, anh đem theo niềm an lạc đó sang Hawaii cùng với kỳ nghỉ của mình. Buổi sáng đầu tiên ở Hawai, anh chống gậy đi ra biển để ngắm bình minh. Và trong khi để tâm mình theo dõi vẻ đẹp của trời biển trong lúc mặt trời lên, hình ảnh của thầy lại tràn ngập trong anh cùng với thiên nhiên. Bình an lại đến! Anh cảm thấy hạnh phúc trong giây phút hiện tại quá đỗi! Lúc đó, anh mới thực sự ngộ ra rằng giây phút hiện tại là hiện hữu nhiệm màu nhất.

Nó không có khởi đầu, không có kết thúc. Nó chỉ là những cảm thọ bình an nối tiếp trong tâm một cách bất tận, và anh đã an trú được trong nó.

Khi về lại Cali, anh gặp thầy và kể lại những trải nghiệm này của mình. Ngài chỉ cười mà không giải thích thêm. Mà anh cũng không chờ đợi được giải thích vì cuộc sống của anh đã thực sự thay đổi rồi. Anh vẫn điều trị bệnh theo bác sĩ. Thời gian còn lại, anh tận hưởng từng giây phút của cuộc sống với gia đình, bạn bè của mình. Sống trọn vẹn như vậy, anh nghĩ rằng không có gì khác biệt giữa việc mình sống thêm một năm hay mười năm nữa. Bốn tháng sau, bác sĩ scan lại và không phát hiện ra sáu cục bướu trước đây nằm trên não của anh nữa. Có vẻ như anh đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất.

Bác sĩ cũng nói “phép lạ” đã xảy ra…

Cho đến hôm nay, mọi chuyện mới qua đi hơn một năm. Nhìn lại, anh Cẩn có cảm giác thời gian đó dài lắm! Hiện tại, anh vẫn tiếp tục sống bình thản. Anh vẫn cùng bác sĩ tiếp tục theo dõi căn bệnh. Anh Cẩn bảo rằng nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, nhưng anh tự hào là đã chiến thắng được nó một lần. Điều quan trọng là anh không còn bận tâm đến nó nhiều nữa. Không ai có thể biết chắc chắn là ngày mai chúng ta có còn sống hay không. Như vậy, đâu là sự khác biệt giữa một người ngày mai chết vì ung thư và một người ngày mai chết vì bất cứ một lý do nào đó, một tai nạn xe cộ chẳng hạn?

Vậy thì hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay là được rồi.


Tôi hỏi đâu là “phép lạ” trong trường hợp của anh? Anh Cẩn cho rằng đó là sự kết hợp nhiều yếu tố. Có thể là do anh có một bác sĩ giỏi, và anh biết cách làm việc với bác sĩ của mình. Có thể là do khi anh giữ được cái tâm bình an rồi, toàn bộ năng lượng trong con người anh dùng để hồi phục những tế bào ung thư. Trong việc điều trị ung thư vào giai đoạn đã di căn thì y học chỉ đóng góp chừng phân nửa vào kết quả. Phân nửa còn lại dành cho những yếu tố mà khoa học chưa thể lý giải hết, như niềm tin, sức mạnh của cái tâm bình an…

Giải thích tại sao vị thầy có thể trao cho anh được sự bình an, bước ngoặc của cuộc đời mình, anh Cẩn cho rằng đầu tiên là vì anh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Cộng với thầy của anh có năng lực của tâm để truyền cho anh. Còn anh cũng hết lòng nhận.

“Dĩ Tâm ứng tâm” có lẽ là vậy đó.
Khi cả người cho lẫn người nhận đều mở rộng tâm của mình hướng vào nhau, “phép lạ” của tâm linh sẽ xảy ra…

Chia tay với anh Cẩn, tôi cảm ơn anh vì câu chuyện của anh là một món quà lớn dành cho tôi. Anh Cẩn mong rằng những điều tôi ghi lại được sẽ phần nào giúp đỡ những ai đang phải đối diện với căn bệnh ung thư như anh. Đừng bỏ cuộc. Đừng đóng cửa lại với cuộc sống. Thông điệp của anh là HÃY TẠO CHO MÌNH MỘT NIỀM TIN VÀ MỘT CÁI TÂM BÌNH AN. Tôi nghĩ thông điệp này đâu chỉ dành cho người bệnh, mà còn dành cho tất cả chúng ta, những con người đang sống trong một thời đại đầy biến động này…

Đoàn Hưng

No comments: