Jan 30, 2009

Tết photography - DTNG


Cả nhà ơi,

DTNG Tết này không đi đâu, chỉ tạt ngang qua Lăng Ông Bà Chiểu, còn tía Dũng thì chạy ù ra chùa Phước Hải làm vài tấm ... Chiều nay ghiền quá nên chạy ào thêm ra vườn Tao Đàn bấm vài phát, cả nhà xem cho vui nha.
Tía Dũng


Hình 1.
là cách hoạ từ có từ rất lâu, nay không có mấy ai ....
Ở Trung Quốc, họa từ đi trước, sau đó mới có hoạ tranh
Hoạ Từ là một dạng nghệ thuật chữ viết.


Hình 2.
là má Thuỳ chụp Tiá Dũng đang thả chim
cầu nguyện cho cô Phương.


Những ảnh còn lại
là hoa cỏ cho vui...




Jan 25, 2009

PHÚC LỘC THỌ - Phan Ni Tấn

Mời đọc thơ
phan ni tấn

Chuyện kể ngày xưa
ba vị Tiên ông đều mọc từ một bào thai
mẹ Xẩm lai Việt
cha Tây lai Mỹ Úc



Sáng mồng một quê người lạnh như cắt
Nhìn tuyết rơi mà lòng tràn hiu hắt
Chẳng thấy đâu là nẻo quê nhà
Chẳng thấy đâu là Tết với nhất


Chợt từ trời theo trầm hương phảng phất
Ba Tiên ông bay lất phơ lất phất
Xuống nhà tôi cùng hè nhau đạp đất
Điệu bộ trông lật đà lật đật
Cung chúc tân xuân
Thứ giống gì cũng pạt pạt (phát)



Thời nguyên tử áo dài the khăn đóng cũng vất
Ba Tiên ông diện ba bộ com lê đỏ chói mắt
Cà vạt thậm thượt theo gió bay phì phặt

Thời buổi khó mấy cha chơi cũng ngặt
Ông ngửa cổ nuốt cạn chai Cognac
Ông tửng tửng cười té vàng té bạc
Ông sặc sừ nhai mấy hột đào tiên

Dù tôi đang ốm yếu ho hen mắt đổ ghèn râu ria phờ phạc
Cũng co chân đạp thằng bần ra cửa
Lễ mễ bồng Tam cố vào nhà
Phúc đức Tiên ông như Bụt thật thà
Da dẻ hồng hào bụng tròn ù hột mít
Râu tóc bạc phơ bản mặt rặc con nít
Tánh tình ban sơ hề hà hệch hạc
Tiếng Tây tiếng u ù ù cạc cạc
Nói năng ồm oàm cười phun nước miếng
Chúc tràn một giọng chứa chan Phúc Đức


Sau hè nhà tôi có một giàn nho gốc to tràn sinh lực
Cứ cách năm gặp mưa lâm râm trái đậu dàn trời
Con bạn vàng tôi khéo tay chế biến
Cất một hơi 900 lít vang đỏ sóng sánh
Lượt một thồi 900 lít vang trắng óng ánh
Bọt sủi lung linh hương ngút non ngàn


Lúc đạt tới cực kỳ hưng phấn
Ba hồn bảy vía tót cung mây
Các me-sừ chơi luôn một đường tạp cẩu
Lambada qua Disco đít cậu
Breakdance xong xoay mông về Hip hop




Gào oh jé!!!... nhoài mình lên nghênh ngang như laptop
Khản cổ rồi cũng ươn hèn dưới hình thù quỳ mop
Giọng happy new year hép-piếc niu-diếc rớt lộp độp
Cười phun pheo những giọt Phúc Đức













Sáng mồng hai rồi mồng ba trôi qua như nước
Tiên xìu xìu ển ển chỏng cẳng nằm ngổn ngang
Muốn thăng thiên cà lăm lại gục xuống
Hồn chìm tuốt vào trong một hồ trường
















Còn lại tôi với mùa xuân phía trước
Trôi dập dềnh trong hồ rượu thành sông
Con bạn vàng lom khom gom từng cơn hạnh phúc
Nhìn tôi cười rơi một nụ xuân nồng
Chợt tôi thấy tôi trèo lên bực thềm xứ sở
Có mơ hoài cũng không chạm nỗi một quê xa
Thôi thì ngồi với giọt máu ngân nga
Tôi hát ê a ế á ì à...
Khà khà khà...

Jan 24, 2009

THE MORNING BEFORE TET! - Doan Con Vit

There I was, sleeping like a baby log. Then I heard laughter that made me awake. My mom told me to wake up and meet Co Utt (since she came at 1:00 in the morning and I didn’t get to meet her)! I woke up eagerly and jumped out of bed like I was jumping from a skyscraper. I brushed my stinky, ugly teeth and brushed my hair and acted like I woke up minutes ago. I came outside and hugged her like I was hugging a big squishy bear! Sadly, I’m the same size of her. She gave me presents from other people and from her. She passed me this “chinese” dress which looks like a sister of the ao dai. It was purple and had beautiful glitters on it. I wore it right after I got it!

Then my “chinese-acting” dad saw me. Oh the torture started! He started wearing this hideous suit with this over sized black coat and then slide on his 70’s looking glasses. He took a long time pampering himself that Co Utt just told me to take about 3 pictures before he comes out which I predict will be an hour later! I went out and I was like freezed to death! I stood on the homemade bridge my dad made long ago, and then she took one picture of me standing on the bridge. Now I didn’t smile really big because it seems like the wind froze my mouth to expand. I was about to run after I heard a silent flash but then she told me to sit on the bars of the bridge. I was very sad, SO CLOSE to escape from the coldness. Another flash happened, I stood up then she told me, “NO NO! One more picture, ok?” I felt like I was gonna die in the inside. The coldness was running through my body. It was like 30 degrees outside and guess what? The dress has short sleeves and shows a lot of skin on both legs and arms. (let’s include the face, shall we?) So after the OFFICIAL picture of me, I ran with the wind inside!

As I got to the house I felt the warm temperature defrosting me down. It was like in a hot tub but without water! Then I took one step and FINALLY my dad came out. Oh lookey now! He gets to have a hat, coat, and scarf but me?! Ugly costume but good warmth! I should’ve done that! But Co Utt gave me a break and let me stay in the house until my dad’s done taking pictures. She called my name and I ran in my black dress shoes. I took pictures with my dad which was taking forever! BUT it finally ended just after 4 pictures! Hooray! I ran inside and changed into my warm pajamas in under a minute. Well, that’s my freezing story for you. Have a freezing Chinese New Year/Tet!

Bye,

Anh Doan



Jan 21, 2009

Mùa xuân qua có hoa ANH ĐÀO - TRƯƠNG LINH

Mùa xuân sang có bông Anh Đào


Màu hường tôi trót thương từ lâu ...


Lòng phê phê ... nhớ ai năm nào,

Hẹn hò nhau dưới chân cây cầu

Mình đã nói chuyện về ngày sau...


HV's old version:

Mùa Xuân qua có hoa Anh Đào.


Mùa Hạ qua có hoa Đào Anh.



Mùa Thu qua có hoa Anh Đào,



Mùa Đông cũng có hoa Anh Đào,
Và cả năm có hoa Anh Đào!

Jan 20, 2009

DOÃN QUỐC VINH CHÚC TẾT 2009


Ta về …
thay áo tháng Giêng,

Chờ xem nhật nguyệt uyên nguyên giao mùa.
Vui gì … được!
Tiếc gì… thua!
Trăm năm như ngọn gió đùa thoáng qua.

Trần gian ơi, khúc khuỷu đường xa,
Nhân gian hỡi, ta bà thế thôi.
Chiều nay rực nắng lưng đồi,
Tầm xuân ới nụ … đâm chồi thiện duyên.
Ta về …
tĩnh lặng tháng Giêng,
Bình tâm phủi sạch muộn phiền … đón xuân


Doãn Quốc Vinh
Xuân Kỷ Sửu 2009

Jan 18, 2009

CÔ ĐỒ NHÀ

Mỗi năm hoa đào nở,


Lại thấy cô Đồ nhà,


Bầy mực trắng giấy đỏ,


Bên phố đông người qua.
...


Năm nay hoa mai nở,


Hỏi cá "Cô Đồ đâu?"


Rằng: "Bỏ nghề viết chữ...


... Làm vợ anh hàng đèn :)"

Photo 3,5,8 : Phan Phúc


Jan 15, 2009

CHUYỆN PHIM ẢNH - Anh Quân


Útt Hương,
Anh mới mua được một cái Canonet QL17 nè (65 USD).
Anh Tùng


Bài “Thời Thanh Xuân” rất hay, lời bình của anh Khoa, làm Quân có suy nghĩ đến nghệ thuật nhiếp ảnh xưa và nay. Nói theo kiểu “hòa vốn” là xưa có những nét đặc sắc của nó , mà còn nay thì có những nét độc đáo, mọi thứ có cái hay riêng biệt, nên không thể bỏ cái nào được hết. Nhìn tấm ảnh trắng đen của nữ diễn viên Audrey, với kỹ thuật thời đó thì tốn kém không biết bao nhiêu công phu để tạo ra tấm ảnh như vậy, từ việc đơn giản nhất là lấy cuôn phim trong phòng tối hay từ trong túi đen, rồi pha thuốc, sửa soạn máy rọi giấy, sau đó những công việc đầu tiên là thử rửa các tấm hình xem như thế nào, khi có tấm vừa ý thì mới công việc nghệ thuật tạo ra những ánh sáng nổi chìm trong tấm ảnh và đó là một khiếu thẩm mỹ của một con người mà họ đã bỏ nhiều thời gian tu luyện để đạt đến cảnh giới tuyệt đỉnh.

Ngày nay thì Photoshop đã giảm bớt công việc pha thuốc và không cần phòng tối nữa, nên cách làm việc của một người nhiếp ành xem không có vẻ như người làm ảnh, nếu đứng xa nhìn thì thấy người nhiếp ảnh không khác thằng bé đang chơi game “Thiên Long Bát Bộ” trên máy tính cho lắm. Nhưng cũng phải nói khi một người nhiếp ảnh muốn tạo ra những tấm hình giả cổ qua Photoshop thì họ cũng phải tốn biết bao nhiêu thời gian, cứ pha chế màu sắc cũng là một nghệ thuật tuyệt vời rồi.

Có một lần Quân gặp một cậu bé 20 tuổi, cậu ta nói học ảnh hơn hai năm nay nhưng cậu ta chưa bao giờ cầm đến máy hình chụp phim 35mm cả. Cũng như Quân từ ngày sinh ra là hơn 40 năm mà mới được cầm được cái máy chụp hình loại phim vuông, cảm thấy vô cùng thú vị khi cầm máy, mà không phải nheo mắt nhìn qua ống nhắm, mà chỉ cúi đầu nhìn vào hộp ngắm, rồi bấm một cái, sau đó cầm lấy cái cần, quay một vòng để lên phim, tất cả những động tác ấy trong thấy mình như một nhà nhiếp ảnh thực thụ, chứ cầm cái máy chụp hình phim 35 mm thì y như là đồ chơi con nít.

Một lần khác gặp một nhóm trẻ, họ đi vào phòng tối rửa phim, họ kêu ré lên khi nhìn thấy hình ảnh hiện dần trên giấy phim khi ngâm trong thuốc rửa, vì họ cứ nghĩ mọi thứ như kỹ thuật số là chụp cái rẹt là ra chứ không thể nào cực kỳ rắc rối như vậy cả.

Út ơi,
Anh đã nhận được cái Canonet,

và đã chụp thử một cuộn phim.
Cảnh đồng tuyết trong campus,
chụp với setting f8, 1/125 s.
Anh Tùng



Năm năm trước, Quân hỏi người giáo sư dạy nhiếp ảnh, Quân hỏi đến ngày nào thì ảnh kỹ thuật số sẽ giết chết ảnh phim, lúc đó ông ta không thể nào cho câu trả lời chắc chắn được nhưng có lẽ bây giờ thì có rồi. Đơn giản nhất là hiện nay các con buôn đại công ty máy ảnh đã cố giết chết máy phim, không sản xuất các loại máy hình dùng phim nữa, các đứa trẻ lớn lên sẽ nghe loại từ ngữ Digital, như thời của Quân là nghe phim màu techinicolor hay slide chứ từ trắng đen rất là hiếm hoi. Vào năm 2004, Quân đi Buôn Mê Thuộc, trên đường đi cầm chiếc máy ảnh Canon AE1, chế tạo khoảng giữa thập niên 70 và chụp hình trắng đen, mỗi lần chụp xong thay phim thì anh tài xế thấy vô cùng ngạc nhiên với các cuốn phim trắng đen của Quân, anh ta nghĩ Quân xài hàng siêu cấp, mà lại cho Việt Kiều thì cái gì cũng đặc biệt hơn người. Sau cùng anh ta quá tò mò mới hỏi Quân xài phim gì vậy mà từ nhỏ đến lớn chưa thấy qua. Anh ta ngẩn người khi nghe Quân nói về cuốn phim này.

Dù sao Quân cũng thích máy phim ở một điểm là chụp xong cuôn phim phải đi rửa, thế là mình có xấp ảnh trong quyển Album, còn loại kỹ thuật số thấy thiên hạ bấm cho nhiều nhưng cuối cùng chẳng thấy gì hết vì người chụp có lúc làm biếng chuyển hình qua máy tính, rồi cất giữ trong một cái đĩa và càng làm biếng đi ra tiệm rửa thì không biết bao giờ mới đưọc xem hình.

Một câu chuyện nghề nghiệp. Có một bà bác chuyên hay đi ăn đám cưới, mỗi lần gặp Quân là bà ta xin chụp một tấm ảnh, Quân chụp cho bà ta từ thời con xài máy phim 35mm, lúc đó hà tiện phim chỉ chụp cho bà ta một tấm, rồi mỗi lần gặp là cho tấm ảnh. Kể từ ngày đổi qua máy số, mỗi lần gặp Quân cũng bấm cho bà ta tấm ảnh mà còn bấm nhiều hơn xưa vì dâu cần hà tiện phim làm chi nhưng tiếc một điều bà ta sẽ chẳng bao giờ có ảnh xem vì Quân đâu muốn tốn tiền rửa cho bà ta.

Chúng ta có thể ngồi từ ngày này qua ngày kia để tranh luận là máy số tốt hơn máy phim hoặc máy phim chụp đẹp hơn máy số. Mà chúng ta cũng không cần phải tranh luận gì hết ai thích gì thì mua thứ đó về sử dụng. Có một điều Quân thích nhất là được xem sự phát minh và phát triển của ngành nhiếp ảnh, vì nó phối hợp giữa nghệ thuật vẽ ánh sáng và kỹ thuật văn minh của nhân loại. Cứ tạm lấy cái mốc phát triển nhiếp ảnh vào cuối thế kỷ 17 thì nghành này cũng xuất hiện gần 300 trăm năm, cho đến thập niên 1950 được công nhận giảng dạy trong một số trường Đại Học tại Tây âu và sau đó xuống các trường phổ thông và được tính một môn thi vào đại học. Tại Việt Nam, nay được xem một nơi có rất nhiều người sống về nghề chụp hình mà lại là một nơi chưa công nhận là một môn học trong trường phổ thông, kể ra cũng tiếc vì giới trẻ Việt Nam sẽ có ít cơ hội tìm hiểu về nghành nhiếp ảnh và trên tay họ luôn có chiếc máy kỹ thuật số tí hon xinh xắn và đi đến đâu bấm rét một cái và những tấm ảnh đó có thể không được giữ trong ký ức và xóa bỏ khi tấm thẻ nhớ bị chứa quá tải……














Bài viết : Anh Quân
Ảnh chụp phim: Anh Thanh Tùng

LÌ XÌ


Lì xì
là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền Lì-xì.

Từ nguyên

Theo tác giả Hạo-nhiên Nghiêm Toản , "lì xì" có gốc là từ 利市 (lợi thị) trong tiếng Trung. Từ này phiên âm kiểu pinyinlì shì, có ba nghĩa như sau:

  1. Số lời thu được do mua bán mà ra ;
  2. Tốt lành, có lợi. Tháng Chạp ngày 24, khắp thị tỉnh (nhà quê, kẻ chợ) đều làm lễ rước Na (để khu trừ quỷ dữ), trống (rước) Na đến khắp mọi nhà cầu xin Lợi-thị (Theo Đông-kinh mộng-hoa-lục). - Khi người phụ nữ lấy chồng về đến cửa, mọi người đi theo cũng như người nhà đều xin Lợi-thị (hoặc đồ vật, hoặc là tiền) ;
  3. Vận tốt, vận may. Sách "Bắc-mộng-tỏa-ngôn" rằng : "Khi Hạ-hầu Tư chưa gặp thời, còn luân lạc linh đinh, người ta gọi Tư là viên Tú-tài chẳng Lợi-thị" ;

Trong cả ba trường hợp, "lợi-thị" hay "lì-xì', đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Tác giả Hạo-nhiên khẳng định rằng tiền Lì-xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt, cho trẻ em dịp đầu xuân.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Jan 13, 2009

BÁC TRAI BÁC GÁI - trích chương III

Chương III
Mối tình già bác trai bác gái

Bác trai đi đâu từ sáng chưa về. Bác gái gọi điện thoại đến nhà ông bạn thân nhất của bác trai – lần đó là lần thứ ba:
- Anh đã biết ông xã nhà tôi hiện ở đâu chưa ạ?

Ông bạn chưa kịp trả lời thì nghe tiếng bác gái bên kia đầu dây la lên:
- Ông đi đâu giờ mới về?

Người bạn tủm tỉm cười, đặt máy điện thoại xuống, biết là niềm vui sống của bác gái đã hiện diện.

Đúng vậy! Bác gái vừa đặt máy điện thoại xuống, bác trai đã vội đọc ngay mấy câu thơ để đánh lạc hướng khiến bác gái quên chuyện la mình:

Tôi chỉ có hai bàn tay,
Một tay hái lá trên trời,
Một tay tôi níu áo người tôi thương!

Bác trai thay từ anh trong nguyên bản thành từ tôi để câu thơ không quá đằm thắm, trẻ trung khiến bác gái phải la thêm lần nữa.

Quả nhiên bác gái chỉ nguýt nhẹ rồi mới nói:
- Tôi biết – ông giỏi đọc thơ trêu chọc tôi mà!

Bác trai thừa thắng xông lên, ngâm tiếp:

Lòng luôn vướng mắc niềm nhung nhớ,
Nhung nhớ thương yêu khỏi phải chê!
Cúi hôn gò má người thương đó,
Má lúm đồng tiền ngắm … thật phê!

Lần này bác gái hỏi ngay:
- Người má lúm đồng tiền là ai thế ông?

Bác trai cũng trả lời ngay:
- Là bà chớ còn ai nữa!
- Xạo! Vừa cúi xuống hôn lên gò má người ta mà đồng thời lại thấy cả khoảng má lúm đồng tiền nữa!

Bác trai cười thành tiếng:
- Thì tôi nhìn bằng con mắt tinh thần mà bà!

Và bác chuyển hướng ngay câu chuyện:
- Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến chơi với anh Hạc – (anh trai bác gái)-, và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp bà. Trời, hôm đó tôi say sưa kín đáo ngắm màu tím phớt của chiếc áo dài bà mặc. Bất chợt bà quay lại, bắt gặp tôi đang ngắm trộm. Đôi môi bà mím lại, hình lúm đồng tiền bất chợt xuất hiện ngay trên đôi má ửng hồng của bà. Trời ơi, quyến rũ làm sao!

Thoáng thấy thái độ bác gái hơi lúng túng, bác trai thừa thắng tiếp luôn:
- Rõ ràng khoảng má lúm đồng tiền đó của bà nông choèn mà sao tôi càng vùng vẫy càng bị chìm sâu xuống. Thôi thì đành nhờ người mai mối để được tình nguyện ký vào bản án tù chung thân do bà quản trị!

Bác gái biết là đã tới lúc bác trai chuyển sang trêu cợt mình, vừa định rảo bước theo bậc thang lên lầu, bác trai đã tinh ý chuyển đề tài:
- Bà ơi, tôi đói quá rồi. Bà có gì cho tôi ăn đi để đỡ tẻ lạnh cuộc đời. Cứ bà vào bếp làm cơm, nấu nướng là nhất rồi. Cơm nát một chút thì … vẫn là dẻo, khê một chút thì … vẫn là thơm; sống một chút thì … ăn càng bùi.

Nói xong, bác trai múa tay làm nhịp ngâm câu thơ lấy ý của người xưa để ca tụng bác gái:
Sống bùi, nát dẻo, khê thơm ….
Hễ bà vào bếp làm cơm (là) nhất rồi!

Bác gái đành cũng chỉ biết nguýt một cái rồi vào bếp lấy mớ rau cải ra chuẩn bị nấu canh.

[...]

Mải chuẩn bị làm cơm, bác gái quên để ý đến bác trai. Khi sực nhớ, nhìn quanh, bác trai đã biến đâu mất rồi.

Bác gái mở cửa ngó đầu ra vườn, thấy bác trai đương ngồi trên ghế trầm ngâm bèn lên tiếng:
- Ông ơi, ông không biết trời đã bắt đầu mưa sao?

Bác trai trả lời ngay:
- Lất phất mấy hạt, ăn nhằm gì. Thú là đằng khác!

Nhưng bác trai vẫn chiều bác gái từ từ đứng lên bước vào nhà, đồng thời hướng về bác gái âm ư hát:
Mưa như mưa rơi trong lòng anh
Mưa như mưa rơi trong lòng em

Bác gái nguýt, bác trai chuyển sang đọc thơ:

Tiếng mưa sao quá êm đềm,
Tiếng mưa như nhắc nỗi niềm ngày xưa.
Ngày xưa thuở mới mộng mơ,
Mộng mơ vào thuở em chưa có chồng.

Thấy tiếng hát bác trai quá say mê, bác gái dậm chân:
- Em nào?

Bác trai lại phá lên cười, trả lời ngay:
- Bà chứ ai!

Để bác gái yên chí lớn, bác trai tiếp tục ngâm:
Ngày nào em mới có chồng,
Mà nay đã thành bà nội, bà ngoại … nhưng má hồng chưa phai.

Bác gái lại nguýt.

Mặc dù biết bác trai ngâm thơ tình rất gợi cảm – nghệ thuật vị nghệ thuật thôi – nhưng bác gái mỗi lần nghe đến khoảng lâm ly nhất lại giậm chân hỏi Em nào? Người nào? Ai nào? Và bác trai cũng phản ứng tự nhiên đáp lại: Bà chứ ai!

- Em ơi! Hãy ngủ đi em; Ầu ơ anh hát giấc mềm say sưa.
- Em nào?
- Bà chứ ai!

- Thương ai tóc xõa bên đường; Người sao đẹp nõn đẹp nường người ơi!
- Người nào?
- Bà chứ ai!

- Hỡi ai sao đứng một mình; Ai ơi ai đã thấu tình ai chưa?
- Ai nào?
- Bà chứ ai!

Hôm nay, bác trai muốn được nghe lại điệp khúc ấy, thoáng thấy bóng bác gái vừa tiến lại gần, bèn đọc hai câu thơ vừa sáng tác:

Em đi qua như mây trời lãng đãng,
Để lại dòng sông ngơ ngác trôi theo.

Nhưng lần này bác gái chỉ nguýt bác trai, không hỏi Em nào nữa vì biết có hỏi chắc chắn bác trai sẽ lại trả lời: Bà chứ ai!

Rồi bác gái đi thẳng đến tủ lạnh, lấy măng và thịt bò ra để chuẩn bị làm món thịt bò xào măng là món bác trai thích nhất.

Bác trai tiếp tục ngâm sang bài khác, lời ca nào bác quên thì bác ngẫu hứng phịa thay vào:

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương,
Khi em khuất dạng, lòng anh (vẫn) vấn vương hoài hoài.

Bác gái tuy đương bận làm bếp, quay lưng lại phía bác trai, nhưng vẫn nghe rõ hai câu thơ trên. Bác gái phải công nhận là bác trai rất có tài gợi lại kỷ niệm qua thơ – tuy bằng giọng têu tếu nhưng vô cùng gợi cảm. Ví như có lần bác trai nhắc đến nụ hôn thuở nào:

Cả một trời hồng rực,
Nhưng chẳng phải bình minh.
Từ khi hai đứa chúng mình,
Mi nhau rồi lại tự tình dưới hoa.

Bác gái biết mi nhau đây nghĩa là hôn nhau. Lần đó bác gái chỉ nguýt yêu một cái rồi chớp chớp mắt cảm động.

Nói gì thì nói, tới tuổi này, hai vợ chồng già còn có đối thoại với nhau là hay lắm rồi; dù đối thoại lần nào cũng chỉ là cơ hội để bác trai trêu bác gái và để bác gái càm ràm bác trai:
- Ông vặn nắp cà phê gì mà chặt quá, tôi không sao mở được.
- Tại lúc đó tôi mải ngắm bà đương uyển chuyển quét nhà.
- Nhảm nhí!
- Nhảm nhí đâu nào! Đùa cho vui cửa vui nhà đấy thôi! Chúng mình già rồi, khoảng trống trong lòng ngày càng mở rộng. Mỗi chúng ta phải tìm cách lấp hố trống đó bằng cách riêng của mình chứ!
[...]

Jan 11, 2009

THỜI THANH XUÂN - Đoàn Khoa

Audrey

Lấy ra từ chiếc phong bì thật to, bạn tôi trịnh trọng khoe tấm hình ngôi sao điện ảnh Audrey Hepburn mà anh mới vừa được tặng.

Đó là bức ảnh trích từ phim Breakfast at Tiffany’s (Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany) mà cô là nhân vật chính.

Dù đã thấy bức ảnh này trước đây không biết bao lần, vậy mà lần này tôi vẫn chiêm ngưỡng nó với đầy vẻ say mê.


Từ chiếc áo dài đen cho đến chuỗi ngọc trai trắng, đôi cánh tay mang găng cao gần đến tận vai, nâng điếu thuốc lá được cắm trên chiếc tẩu thật dài một cách điệu nghệ, từ mái tóc bới cao làm tôn khuôn mặt thanh tú đến tư thế sang cả và nụ cười tinh anh, không chỉ trên môi mà còn bằng đôi mắt,
“Quý Bà Audrey” đài các hơn cả một công nương thực thụ !

Chỉ là tấm ảnh trắng đen, vậy tại sao Audrey Hepburn lại chói lòa đến thế ?


Vì bức hình này, tôi đã phải tò mò kiếm xem bằng được bộ phim Breakfast at Tiffany’s.


Với nhịp sống và những vấn đề đương đại, một số bộ phim xưa, dù là kinh điển, đôi khi vẫn không tránh khỏi sự rề rà và vô lý.
“Bữa ăn sáng tại nhà Tiffany” cũng vậy. Tình tiết cũng như sự phát triển trong tâm lý nhân vật có phần áp đặt, vài chỗ khó tin, thậm chí hơi bị gượng ép, mặc dù các diễn viên đóng rất hết mình trên nền bài nhạc vô cùng lãng mạn: “Moon River” (Dòng Trăng).

Với tôi, phim đã bị “đề”* nhưng các tấm ảnh của Audrey trích từ bộ phim này thì lại bất tử !

Người chụp đã ghi lại được khoảnh khắc thanh xuân hoàn hảo của cô, đến nỗi dù sau hơn nửa thế kỷ (mãi tận ngày nay và có lẽ nhiều năm sau nữa) vẻ đẹp rạng ngời này vẫn còn tinh khôi, không hề suy suyển.

Dư hứng trước món quà quý giá, bạn tôi ước gì có thêm một tấm hình nữa của Thanh Nga để anh có thể kết hợp chung với bức ảnh này thành một trang trí độc đáo cho căn phòng của mình.

Giá như có thêm tấm ảnh của Thanh Nga !

...
Anh làm tôi nhớ tới một tiệm chụp hình ngày xưa ở gần chợ Vườn Chuối

...
Chẳng biết “Ảnh Viện Viễn Kính” này có tự bao giờ, chỉ biết là hồi tôi học lớp nhì, lớp nhất (bây giờ là lớp 4, lớp 5), nó đã có rồi.

Mỗi ngày, khi về ngang đó, tôi thường đứng lại thật lâu trước tiệm, ngắm hết tất cả những thứ được trưng – đó là các bức trắng đen chân dung nghệ sĩ được phóng thật lớn (so với thời đó !)


Bài vở nhiều khi không thuộc, nhưng tên của tất cả nghệ sĩ trong ảnh viện này thì tôi thuộc làu.


Đây là Kỳ Nữ Kim Cương, kia là Bạch Tuyết – Cải Lương Chi Bảo, Thẩm Thúy Hằng – Người Đẹp Bình Dương..., phía bên là Mộng Tuyền, Phượng Liên, Thanh Lan, Bạch Lê... còn trên cao gồm những người ít nỗi tiếng hơn như Phương Hoài Tâm, Giao Linh, Phương Hồng Ngọc.... . Riêng nghệ sĩ Thanh Nga – người duy nhất được trưng hai hình thật lớn, đặt ở vị trí hết sức quan trọng : một ở tủ kính bên ngoài, tấm kia trên vách, nơi rất dễ nhìn nhất.

Thanh Nga

Tôi nhớ như in tấm đặt ngoài mặt tiền ảnh viện.


Với mái tóc suông dài, chẻ ngôi giữa, gọn gàng búi kẹp đằng sau; với đôi mắt vô ưu cộng thêm nụ cười sắp nở đã làm cho khuôn mặt đôn hậu của cô bỗng nhiên tỏa sáng, thứ ánh sáng kỳ diệu, hết sức trong trẻo và tràn đầy nhân thiện. (... Nếu tôi nhớ không lầm thì bàn tay phải của cô chạm nhẹ lên cành hoa lay-ơn đặt bên cạnh...)

Đến tận bây giờ, trong tâm thức của tôi, bức ảnh Thanh Nga ấy vẫn mãi không cũ, nó chẳng già đi, cũng chẳng lỗi thời, nó nguyên vẹn và bất tử !

Ừ, nếu có được và đặt tấm ảnh này bên cạnh tấm Audrey, chắc hẳn bạn tôi sẽ có một “tác phẩm” độc đáo !

Nhân nhắc đến Thanh Nga, anh T. – kiến trúc sư - sống nhiều năm trên đất Pháp, hào hứng kể cho tôi nghe mẩu chuyện thú vị về một ảnh viện hết sức kiêu kỳ nằm trên đại lộ đẹp nhất nước Pháp: Champs Élysées.

Harcourt
- ảnh viện, đồng thời là một galerie - trưng bày toàn hình trắng đen của các nghệ sỹ nỗi tiếng mà mỗi bức chân dung được xem như một tác phẩm nghệ thuật.

Người ta hay kháo với nhau rằng :
- Muốn trở thành ngôi sao thì phải có ảnh tại Harcourt !
Nhưng khổ thay, muốn được Harcourt chụp thì phải là “ngôi sao” !!!

Thế mà Harcourt đã trưng hình nghệ sỹ Thanh Nga trong khoảng thời gian những năm 70 !


Anh T. sung sướng vì nỗi lòng người xa xứ bất ngờ thấy được hình ảnh của người trong nước được đặt một nơi trang trọng, còn tôi hãnh diện vì nhan sắc mà dân mình cho là ĐẸP thì cũng được công nhận bởi góc nhìn của người phương Tây (đặc biệt là một nơi “chãnh chẹ” như Harcourt).


... Trở lại “Ảnh viện Viễn Kính”, chắc hẳn nó không thể so sánh với Harcourt hoặc bất kỳ tiệm ảnh nào đó trên đời, thế nhưng với tôi, đây là nơi chất chứa biết bao bí ẩn về những con người đặc biệt chẳng bao giờ thấy họ ngoài đời, chỉ thấy họ xuất hiện trong ti-vi, trên màn ảnh hoặc trong sách báo.

Biết đâu chừng tiệm chụp hình này là khởi nguồn đầu tiên kích thích sự tò mò về thế giới sân khấu và nó đã khơi gợi trong tôi những giấc mơ tuyệt đẹp về nghề nghiệp mà mình sẽ theo sau này.


Vào những năm 90,
“Ảnh Viện Viễn Kính” không còn nữa. Người ta cho thuê hoặc sang nhượng lại thành một hiệu may bình thường.

Thế là mỗi lần đi ngang qua, đôi mắt của tôi mất đi một điểm dừng, một chốn
“hẹn hò” với ai đó thân quen, mất đi thói quen lướt mắt thật nhanh trên từng vị trí để kiểm tra xem ảnh thần tượng của mình có bị thay thế bởi nghệ sỹ nào khác mới nổi lên hay không. Tôi bị mất đi kỷ niệm cả một quảng đời thơ ấu !

Thẩm Thuý Hằng

...Thời đại mới với cách chụp hiện đại, người ta thay ảnh viện bằng những “xì-tu-đi-ô”** tân kỳ, hào nhoáng mà từ xa ta đã nhận ra ngay nhờ khuôn mặt to đùng của người mẫu nào đó được trang điểm một cách diêm dúa bằng đủ loại màu sắc, trùm kín cả toà nhà.

Người ta cũng nhanh chóng phát minh và cải tiến máy chụp kỹ thuật số với dáng bề ngoài y hệt máy ảnh ngày xưa và chất lượng bên trong thì khá tương đồng với thời phim nhựa.

Nhờ không tốn phim, ta tha hồ “bấm” với châm ngôn:
-Thế nào cũng
“tóm” được ảnh đẹp !

Sau khi đã đời bởi những
“ma thuật” từ phần mềm photoshop với đủ kiểu xử lý từ đơn giản đến siêu thực, thỉnh thoảng người ta muốn quay lại cảm giác hoài cổ bằng cách chuyển hình nay thành ảnh xưa khi cho thêm chút đen gắt gỏng, “ét”*** chút hạt hình giống như loại phim nhạy sáng vỡ hạt, nhuộm tí sắc vàng giả màu thời gian, thậm chí cào trầy chút xíu cho ảnh có vẻ thật chứ không qua “tút-sửa”

...
Sau khi in ra, những tấm ảnh này khá đẹp và giống xưa, thế nhưng như đồ giả cổ, chúng vẫn “mới” và bèn bẹt thế nào ?

Chúng thiếu nước huyền sâu thẳm, hơi ánh ánh một chút của nitrat bạc trên mặt tờ giấy ảnh ?


Thiếu độ nhám hoặc độ mờ cần thiết ?


Thiếu chiều sâu của không gian ?


Thiếu vầng ửng sáng trên mặt hay vùng ẩn tối sau lưng ?


Có lẽ chúng thiếu nhịp tim đếm chùm sáng của máy rọi xuyên qua tấm phim, thiếu hơi nén thở đợi chờ hình ảnh từ từ hiện ra trong thau nước rửa, thiếu độ non già của từng loại giấy ảnh... nhất là thiếu luôn sợi dây ràng buộc vô hình giữa người mẫu với nhiếp ảnh gia và phải chăng chúng thiếu cả một quá khứ ?

Đó là thế giới bí ẩn mà người ta không thể đo bằng mắt mà phải cảm bằng tim!

...Trở lại bức ảnh Thanh Nga và Audrey, tôi nghĩ bụng tác giả của các tuyệt phẩm trên phải hết sức thận trọng khi thực hiện những tác phẩm này.


Ngoài tài năng, họ đã tính toán chi li mọi thứ từ phương pháp đặt đèn cho tới cách tạo không khí, từ mối quan hệ cho tới cách khơi gợi sao cho giữa họ và người mẫu có thể giao thoa, đồng điệu và nhất là họ đủ kiên nhẫn chờ đợi đúng khoảnh khắc hoàn hảo mà người diễn viên chỉ có thể biểu lộ một lần duy nhất trong đời.


Họ đã làm nên sự bất tử cho các minh tinh bằng cách giữ lại thời thanh xuân của họ.
...

Có lẽ ý thức được bí mật này, một loại kiều nữ mới nổi của điện ảnh Pháp, sau khi chán chê những kiểu hình bốc lửa, nổi loạn và hoang dại, các nàng rủ nhau bước vào Harcourt, mong tạo lại một hình ảnh “mới” từ cách chụp cổ điển !
...

Nhân sự ra đi vĩnh viễn của nhà nhiếp ảnh đại tài Richard Avedon, người tạo những cuộc “cách mạng” lớn trong nghệ thuật nhiếp ảnh và trong cách chụp thời trang, bạn tôi gửi tặng cuốn sách về “Ông Hoàng nhiếp ảnh” này.

Trong số những kiệt tác của ông được giới thiệu lại, tôi sung sướng khi tìm thấy ảnh của một siêu sao mà tôi hằng ngưỡng mộ : Isabelle Adjani.


Tấm ảnh này của Adjani đã được đăng trên khá nhiều tạp chí. Nếu tôi nhớ không lầm, lần đầu tiên xuất hiện trên tờ PHOTO của Pháp, người ta ghi dưới đó một tựa đề hết sức ấn tượng: “Khi Hoàng Hậu gặp Vua...”

Thật
“ngoạn mục” khi hai con người “kinh khủng” gặp nhau !

Avedon đã ghi lại được hình ảnh Adjani với đôi tay ôm lấy ngực trần, mái tóc dài bay rợp, khuôn mặt trắng bệch với đôi mắt mở to thảng thốt ngước lên .


Cô đang ở giữa ranh giới mong manh: bên đây là niềm hạnh phúc mênh mông, bên kia là nỗi đau bất tận.


Qua bức ảnh, hình như tôi thoáng nghe cô nói một câu của Racine - nhà thơ cũng là nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại người Pháp:

“...Và ánh sáng ban ngày cũng không trong bằng đáy tim em ...”

Đoàn Khoa - tháng 11-2008
Photos - Đinh Tiến Mậu

*“đề” – démodé: lỗi thời

**Studio: phim trường, xưởng chụp ảnh
***“ét” – add: thêm vào

Jan 10, 2009

LÁ - Phan Ni Tấn





Ra giêng trời lạnh như đồng
Câu thơ lại chở mùa đông về nhà
Ngó ngút mắt nẻo mù xa
Thấy em ngồi giữa bài ca sang mùa
Ngày sinh con gái gió lùa
Mùi hương của đóa hoa ùa vào tôi
Nhớ em con mắt biết cười
Đôi môi biết hát lâu rồi ngàn năm
Bây giờ nhớ lại xa xăm
Còn nghe bịn rịn trong tâm thất tràn
Thôi thì áo Tết mới vàng
Mặc vào mình cứ ước càng cho hay
Ước gì như chiếc lá bay
Bay tôi rớt xuống bàn tay em nằm

Phan Ni Tấn
01/09


PHÉP LẠ CỦA TÂM: NIỀM HY VỌNG CHO NHÂN LOẠI TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Người dân Việt chúng ta có tục lệ muốn bắt đầu một năm mới bằng những niềm hy vọng. Do đó, trong những ngày Tết, chúng ta chúc nhau phát tài, mạnh khỏe, hạnh phúc, sống lâu… Năm nay, người Việt ở Mỹ đón Tết Kỷ Sửu với nhiều xáo trộn trong cuộc sống: khủng hỏảng kinh tế, công việc làm ăn bất ổn… Như vậy, chúng ta sẽ chúc nhau những gì không quá hão huyền trong những ngày đầu năm? Có lẽ câu chuyện sau đây, về một con người đã chiến thắng được căn bệnh ung thư bằng sức mạnh tâm linh, sẽ đem lại một niềm hy vọngxác thực cho quý độc giả nhân dịp xuân về…

Anh Cẩn sinh năm 1949. Hiện anh đang sống ở thành phố Encinitas, miền Nam Cali.

Có thể nói anh là một trong những người Việt di tản thành đạt ở Mỹ. Sang Mỹ từ năm 75, anh bắt đầu làm việc ngay trong lĩnh vực điện toán. Với kinh nghiệm từng làm việc trong ngành điện tóan khi còn ở Việt Nam, anh nhanh chóng thăng tiến trong ngành công nghệ quan trọng này của Mỹ. Đến năm 90, anh đã nắm giữ những chức vụ cao trong các hãng lớn như General Electric. Anh quyết định mở business riêng của mình. Công việc kinh doanh của các công ty software do anh sáng lập đều thành công ở những mức độ khác nhau.

Theo anh Cẩn, con đường đến với Phật Pháp của anh cũng tương tự với những người thuộc giới trí thức và làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Anh theo Đạo Phật vì mẹ là một Phật tử thuần thành, thường xuyên đi chùa, tụng kinh. Lúc trẻ anh đọc rất nhiều sách Phật, cũng thiền tập, nhưng là để thỏa mãn nhu cầu về tri thức hơn là tìm cho mình một con đường đi trong cuộc sống. Một tác động lớn đến đời sống tâm linh của anh xảy ra cách đây hơn chục năm, trong anh khi đang điều hành công ty của mình ở Mỹ.

Hôm đó, có một nhân viên lên gặp anh khóc và nói rằng mình bị áp lực lớn vì không theo nổi cách làm việc của anh. Anh Cẩn hết sức ngạc nhiên, vì anh thuộc loại giám đốc biết quan tâm đến nhân viên. Có điều anh luôn yêu cầu nhân viên phải làm việc đúng như cách của anh làm, để họ cũng thành công như anh. Anh quên mất là không phải ai cũng có khả năng như anh được. Hóa ra là cho dù đang muốn làm một việc tốt, nhưng vì chấp ngã, nên vô tình anh làm tổn thương người khác! Qua sự kiện đó, anh bắt đầu nhìn lại mình.

Anh bắt đầu trở nên biết lắng nghe người khác hơn. Anh bắt đầu tìm cách đem Phật Pháp áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Anh Cẩn rất quan tâm đến Phật Giáo Tây Tạng. Theo anh, truyền thống Tây Tạng vạch ra con đường tu tập rõ ràng cho các Phật tử còn đang sống cuộc đời thường như anh. Vẫn biết “tu là chuyển nghiệp” như nhiều thầy đã dạy, nhưng “How?”

Phật Giáo Tây Tạng đưa ra cho anh Cẩn câu trả lời này cụ thể hơn. Do đó, anh thường lên nghe giảng pháp ở ngôi chùa Tây Tạng ở Long Beach, nơi có Geshe Tsultim Gyeltsen trụ trì. Ngài là một trong những chư vị cao tăng của Phật Giáo tây Tạng, rất được Đức Đạt Lai Lạt Ma quí mến.

Anh Cẩn - Dĩ tâm ứng tâm.
Vào khoảng tháng Sáu năm 2007, anh Cẩn thấy sức khỏe mình tự nhiên suy kiệt hẳn.
Vì sao thì bác sĩ chưa chẩn đoán được. Phải đợi đến khi anh thấy mình bị chứng “double vision” - một vật mà nhìn thành hai - anh mới khi khám bác sĩ nhãn khoa rồi được chuyển qua bác sĩ khác để cho scan não bộ của anh. Lúc đó họ phát giác là anh bị ung thư phổi, đã di căn tới não, nên họ tức tốc đưa anh vào nhà thương. Đối với y học, ca của anh Cẩn có vẻ như đã quá trễ. Bác sĩ vẫn bắt đầu phương pháp xạ trị mà không ai hứa hẹn điều gì. Cuộc sống của anh tính theo từng tháng. Chỉ còn chờ phép lạ…

Đối với một người đọc sách Phật nhiều như anh Cẩn, anh cũng biết sinh tử là vô thường.
Nhưng khi phải đối mặt trực diện với nó, anh mới thấy mọi kiến thức trước đây của mình về cái chết sao chỉ là một mớ khái niệm rỗng, không giúp gì được cả. Anh cảm thấy hoang mang quá đỗi. Anh chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi về một nơi nào đó đằng sau cái chết. Bởi vì anh vẫn còn lo cho vợ anh, con anh, và cả doanh nghiệp đang làm việc nữa, sau này không có anh rồi sẽ ra sao.


Anh cố tự nhủ rằng mình chấp và bám víu như vậy là sai với tinh thần nhà Phật, nhưng anh không thể nào chế ngự được nỗi sợ hãi khi hình ảnh cái chết và vợ con mình hiện lên trong đầu. Cùng với cơ thể bệnh hoạn, tâm anh lại bị thiêu đốt trong sự sợ hãi. Thân tâm anh suy sụp toàn diện!

Đến lúc như tuyệt vọng, tự nhiên anh nghĩ đến Geshe Tsultim Gyeltsen. Anh nhờ một người bạn thân đến chùa ngay để trình bày với thầy về hoàn cảnh của anh, và xin được qui y với Ngài. Thầy nhận lời ngay. Cuối tuần đó, anh sung sướng được gặp thầy, được thầy làm lễ qui y chính thức. Anh xin thầy lời khuyên về sự giải thoát cho bản thân mình. Lời khuyên của Ngài thật đơn giản: giao tất cả mọi chuyện vướng bận trong đời lại cho người thân, để chuẩn bị cho mình vượt lên trên tất cả những lo toan đó.

Với một niềm tin mãnh liệt vào vị thầy tôn kính, anh thực hiện đúng như vậy.
Anh bàn giao lại công việc, tài sản lại cho người thân của mình lo liệu. Anh tức tốc lấy vé máy bay để cùng vợ đi Hawai, với ý nghĩ là tận hưởng những ngày tháng cuối để vui với gia đình. Đúng cái đêm trước ngày khởi hành, “phép lạ” xảy ra.

Tối hôm ấy, anh cũng ngồi thiền để tĩnh tâm như mọi khi. Và khi anh nhắm mắt lại, anh thấy tự nhiên trong tâm anh tràn ngập hình ảnh vị thầy tôn kính của mình. Kỳ diệu hơn nữa, tâm của anh hoàn toàn tĩnh lặng cùng hình ảnh của thầy. Không cần một cố gắng nào cả, sự sợ hãi đang chế ngự anh trước đây tự nhiên biến mất. Giống như người lạc giữa sa mạc gặp được dòng suối mát, anh đã để tâm mình an trú trong những giây phút bình an tuyệt diệu đó.

Đây là một dạng kinh nghiệm thực chứng của thiền quán mà không phải ai cũng tìm được, dù một lần trong đời.


Hôm sau, anh đem theo niềm an lạc đó sang Hawaii cùng với kỳ nghỉ của mình. Buổi sáng đầu tiên ở Hawai, anh chống gậy đi ra biển để ngắm bình minh. Và trong khi để tâm mình theo dõi vẻ đẹp của trời biển trong lúc mặt trời lên, hình ảnh của thầy lại tràn ngập trong anh cùng với thiên nhiên. Bình an lại đến! Anh cảm thấy hạnh phúc trong giây phút hiện tại quá đỗi! Lúc đó, anh mới thực sự ngộ ra rằng giây phút hiện tại là hiện hữu nhiệm màu nhất.

Nó không có khởi đầu, không có kết thúc. Nó chỉ là những cảm thọ bình an nối tiếp trong tâm một cách bất tận, và anh đã an trú được trong nó.

Khi về lại Cali, anh gặp thầy và kể lại những trải nghiệm này của mình. Ngài chỉ cười mà không giải thích thêm. Mà anh cũng không chờ đợi được giải thích vì cuộc sống của anh đã thực sự thay đổi rồi. Anh vẫn điều trị bệnh theo bác sĩ. Thời gian còn lại, anh tận hưởng từng giây phút của cuộc sống với gia đình, bạn bè của mình. Sống trọn vẹn như vậy, anh nghĩ rằng không có gì khác biệt giữa việc mình sống thêm một năm hay mười năm nữa. Bốn tháng sau, bác sĩ scan lại và không phát hiện ra sáu cục bướu trước đây nằm trên não của anh nữa. Có vẻ như anh đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất.

Bác sĩ cũng nói “phép lạ” đã xảy ra…

Cho đến hôm nay, mọi chuyện mới qua đi hơn một năm. Nhìn lại, anh Cẩn có cảm giác thời gian đó dài lắm! Hiện tại, anh vẫn tiếp tục sống bình thản. Anh vẫn cùng bác sĩ tiếp tục theo dõi căn bệnh. Anh Cẩn bảo rằng nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, nhưng anh tự hào là đã chiến thắng được nó một lần. Điều quan trọng là anh không còn bận tâm đến nó nhiều nữa. Không ai có thể biết chắc chắn là ngày mai chúng ta có còn sống hay không. Như vậy, đâu là sự khác biệt giữa một người ngày mai chết vì ung thư và một người ngày mai chết vì bất cứ một lý do nào đó, một tai nạn xe cộ chẳng hạn?

Vậy thì hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay là được rồi.


Tôi hỏi đâu là “phép lạ” trong trường hợp của anh? Anh Cẩn cho rằng đó là sự kết hợp nhiều yếu tố. Có thể là do anh có một bác sĩ giỏi, và anh biết cách làm việc với bác sĩ của mình. Có thể là do khi anh giữ được cái tâm bình an rồi, toàn bộ năng lượng trong con người anh dùng để hồi phục những tế bào ung thư. Trong việc điều trị ung thư vào giai đoạn đã di căn thì y học chỉ đóng góp chừng phân nửa vào kết quả. Phân nửa còn lại dành cho những yếu tố mà khoa học chưa thể lý giải hết, như niềm tin, sức mạnh của cái tâm bình an…

Giải thích tại sao vị thầy có thể trao cho anh được sự bình an, bước ngoặc của cuộc đời mình, anh Cẩn cho rằng đầu tiên là vì anh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Cộng với thầy của anh có năng lực của tâm để truyền cho anh. Còn anh cũng hết lòng nhận.

“Dĩ Tâm ứng tâm” có lẽ là vậy đó.
Khi cả người cho lẫn người nhận đều mở rộng tâm của mình hướng vào nhau, “phép lạ” của tâm linh sẽ xảy ra…

Chia tay với anh Cẩn, tôi cảm ơn anh vì câu chuyện của anh là một món quà lớn dành cho tôi. Anh Cẩn mong rằng những điều tôi ghi lại được sẽ phần nào giúp đỡ những ai đang phải đối diện với căn bệnh ung thư như anh. Đừng bỏ cuộc. Đừng đóng cửa lại với cuộc sống. Thông điệp của anh là HÃY TẠO CHO MÌNH MỘT NIỀM TIN VÀ MỘT CÁI TÂM BÌNH AN. Tôi nghĩ thông điệp này đâu chỉ dành cho người bệnh, mà còn dành cho tất cả chúng ta, những con người đang sống trong một thời đại đầy biến động này…

Đoàn Hưng