Apr 30, 2008

Nhân đọc bài của má Thuỳ viết về sách


1. By bác Năm - Mỹ Quốc
Photos by bác Khánh

Hồi đó tui ở cư xá Nguyễn Tri Phương, một khu lao động tương đối “ngon” vì có cầu tiêu máy công cộng – cầu tiêu có bàn ngồi xổm. Gặp lúc phong trào di cư rầm rộ, một số người có tiền vừa dọn đến là đã mua nhà rồi tìm kế sinh nhai, mở tiệm phở hoặc tiệm bánh cuốn hoặc tiệm cà phê.

Riêng trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm sách, đặc biệt có sách cho mướn, một dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Trước đó chỉ có người cho mướn sách đứng trước cổng trường. Họ cho mướn đủ loại sách, kiếm hiệp có, khoa học giả tưởng có. Mượn ngày nay, ngày mai trả. Rẻ rề, vài cắc thôi, nhưng chắc chắn phải nhịn ăn sáng. Tui mê tơi.

Tiệm cho mướn sách tên Thái Bình, do một phụ nữ người Bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn mướn sách phải đặt tiền thế chân, đâu đó 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.

Thế là toàn bộ truyện Tàu – Phong Thần, Tây Du Ký, Tiết Đinh San, Chinh Đông Chinh Tây, Tuyết Đường, Thủy Hử … - tui đọc ráo nạo. Đọc luôn loại kiếm hiệp thần sầu và hấp dẫn từ Bắc mang vào, loại tình cảm, loại hành động, loại tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng như Hồ Biểu Chánh, Vũ Anh Khanh … Con nít cỡ tuổi tui đứa nào cũng là khách hàng của tiệm này.

Cái mê thì khỏi nói. Sau khi đi học về, nếu không đá banh ở sân Renault – sau này gọi là Thống Nhất – thì tui ôm cuốn sách, vô cầu tiêu công cộng cũng ôm sách; ngồi riết có khi người lớn dọa kêu lính bắt. Đọc đến độ tụi trong xóm gọi tui là thằng Hút vì đọc quên ăn, ốm nhom ốm nhách.

Riêng tui, sau một năm làm khách hàng tiệm Thái Bình, đã được miễn tiền thế chân, và dù đọc mấy ngày cũng vẫn tính thành một ngày.

Phong trào cho mướn sách kéo dài. Khi tui lớn lên, đi làm, có gia đình vẫn còn mướn truyện kiếm hiêp Hồng Kông của Kim Dung, Cổ Long …

Ngoài những cuốn sách mướn, tui bắt đầu mua sách vì đã có tiền và muốn làm chủ những cuốn sách để khi muốn đọc lại là có. Thời đó còn có các tạp chí Văn, Văn Nghệ Tiền Phong, Sáng Tạo; tui mua, đọc và để dành, cứ thế dài dài … cho đến ngày đổi đời.

Bây giờ tôi bắt đầu mua lại những cuốn sách cũ đó của nhà xuất bản mới, ký ức cũ vẫn còn, nỗi đau vẫn đứt ruột.

Tình cờ đọc một vài cảm nghĩ của má Thùy, tôi lại sực nhớ đến cái kho sách của mình mà đau lòng. Cứ tưởng tượng bây giờ cầm lại những cuốn sách cả mấy chục năm dài sưu tập đó …! Ui chao, đó là hạnh phúc của tuổi trẻ, của một thời …

Với những phương tiện truyền thông như hiện nay chỉ cần click vài cái là có sách để đọc ngay, nhưng làm sao có được cái cảm giác được cầm cuốn sách trong tay với ly cà phê trước mắt, cái võng đong dưa dưới tàn lá cây cổ thụ sau vườn. Biết tìm đâu!


2. By Quân - Anh Quốc


Tôi vốn có duyên với sách báo Việt từ thưở bé là vì công việc của mẹ tôi. Bà làm ở thư viện Quốc Gia Hành Chánh, nên vậy từ 5 đến 10 tuổi tôi hay chạy nhảy ở Học Viện này.

…..Tòa thư viện dưới ánh mắt của tôi lớn lắm, tôi nhớ phía sau là hàng loạt kệ sách, nhưng tôi chẳng hiểu gì hết vì toàn là sách hành chánh không, nên tôi không tha thiết với loại sách đó, có điều tôi rất thích nhìn các kệ sách vì thấy sách xếp thứ tự và có những loại sách đóng gáy bìa cứng y như các quyển sách của nhà sách Sáng Tạo.

…. Tuổi thơ của tôi sống gần nhiều sách nhưng các quyển sách đó vẫn không đủ sức quyến rủ tôi bằng những quyển sách hình. Tôi vẫn nhớ ở đầu đường Cao Thắng gần rạp hát Văn Hoa (nghe đâu một trong những căn này là nhà của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) có hai nhà sách bán các chuyện hình loại siêu nhân (superman) , người nhiện, người dơi, người điện quang .... của các chú người Hoa chợ lớn ấn loát. loại sách hình này bị đánh giá là 3 xu nên các bậc phụ huynh cũng không thích con mình đọc cho lắm. …

… Tháng 4 năm 1975, một sự thay đổi lớn ở Sài Gòn. Mẹ tôi không còn làm ở Thư Viện quốc gia hành chánh nữa, nhưng tôi được nghe các quyển sách trong đó đã trở thành cát bụi. Tuy nhiên tôi vẫn còn một may mắn là một người bác trước dạy ở trường Luật, trong nhà ông ta có một thư viện nhỏ, tất nhiên các sách liên quan về chính trị thì cũng thành tro bụi, nhưng có một loại sách làm tôi đam mê là truyện tàu. Vì là một nhà giáo sư, ông bác tôi được tặng nhiều sách có giá trị lắm. ngay những quyển sách tàu như Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng... cũng được đóng gáy, mạ chữ vàng, tôi say mê với các loại sách này. Vào mùa hè 1976, tôi có những cơ duyên làm quen với loại sách Tuổi Hoa cũng như tạp chí Tuổi Hoa và kiếm hiệp Kim Dung. Tôi còn nhớ các tạp chí Tuổi Hoa được đóng thành bộ, đóng gáy rất đẹp, tôi rất thích các loại truyện ngắn trong đây và sau đó loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Các pho truyện Kim Dung là say mê đông đảo độc giả.


Đọc chưởng đấm đá, chuyện Tàu thì phép thần bay cao bay thấp, gián điệp bắn súng, sách nhi đồng... tôi lại có dịp chuyển qua Quỳnh Dao, quyển đầu tiên tôi đọc là Mùa Thu Lá Bay nhưng quyển này không gây ấn tượng bằng quyển Giòng Sông Ly Biệt, khi đọc xong mối tình Vân Lâu và Y Bình tôi buồn man mác không hiểu nguyên nhân gì, vậy mà cho đến năm 1982 tôi mua được quyển Giòng Sông Ly Biệt đưa cho một người lớn tuổi chưa hề đọc qua Quỳnh Dao cũng diễn tả cảm xúc đó y hệt như tôi….

…Vài năm sau đó các thư viện tại Anh quốc bắt đầu mua sách Việt Nam, vì theo luật nước Anh , cứ 4 người trong một địa phương thì được phép mua một quyển sách, muốn loại sách gì thì cứ việc viết lá thư yêu cầu đến Thư Viện nơi khu vực mình đang cư ngụ . Những quận đông dân Việt Nam thì bắt buộc phải mua sách rồi, thế là kể từ cuối năm 1982 là sách Việt Nam xuất hiện tại các thư viện, nhờ đó tôi có cơ hội đọc đủ mọi tác giả từ nhóm Sáng Tạo, nhất là phe Việt mình có cái tật thấy sang bắt quàng làm họ, tôi cũng không thoát được cái tính nhận họ theo kiểu chúng ta điều mang họ Hồng Bàng, hể liên lạc với bạn bè là tôi cứ la lên là đang đọc sách của bố Thanh Hương viết nè , làm như quen tác giả lâu lắm rồi, mà thật ra chẳng ai biết nhau cả, mà cũng nhờ cái tính muốn làm quen ẩu , nên tôi đọc khá nhiều tác phẩm của ông.

… Nguồn sách đọc trước 75 dần dà khan hiếm vì đâu còn mấy ai viết, một số người ra hải ngoại cũng cố sáng tác nhưng thị trường tiêu thụ cũng rất là ít, những nhà văn xưa cũng có sáng tác nhưng không còn được như xưa vì không gian và thời gian cũng thay đổi rồi. Sách viết nhiều nhất là hồi ký và thuật lại các chuyện xưa.

Ở cái đất London này, chỉ có một người sống chung với sách Việt Nam nhiều nhất là bác Chí, vì bác làm trong Thư Viện quốc gia Anh quốc, họ có nguyên một nơi dành để sách vở Việt Nam, tất cả mọi quyển sách của mọi thời đại của Việtnam. Thời gian bác sống tôi chỉ có duyên liên lạc với bác qua thư từ. Khi bác mất tôi có một cơ duyên lớn lại nhà bác vào những ngày thân nhân của bác từ Việt Nam qua thu dọn những gì không cần thiết trong nhà bác. Tôi là người gặp cơ may dọn một số sách Việt Nam trong nhà bác, lúc dọn quá nhiều sách tôi cứ bỏ vào thùng đem đi, về đến nhà ngồi xem lại hầu như là các sách của Tự Lực Văn Đoàn. Ngày nay ở VN in lại sách này khá nhiều, nhưng tôi tin chắc của tôi được thì quí hơn vì sách in từ những thập niên 50, nên xem là sách cổ rồi. Tôi rất thích sách, nhìn các quyển sách in đẹp tôi rất thích ngồi ngắm nghía vì sách có một giá trị riêng của nó. Đến giờ người ta vẫn không bỏ được sách cho dù thông tin hiện đại cho đến mấy.

Với tôi, sách được đánh máy vào máy tính rồi bỏ lên Internet thì chẳng qua đó là một sự thuận tiện mà thôi và giúp đỡ trong việc làm ăn. Tôi chưa bao giờ cho là sách “On Line” là sách cả, cứ nghĩ hình ảnh trong nhà không có một quyển sách nào hết, chỉ có cái máy computer, rồi ánh mắt cứ tập trung vào màn hình thì cuộc đời này quả thật là vô vị.......


2 comments:

Hot... said...

Chời đất ơi ... Út trảm 1 đoạn văn của bác Năm, hậu quả thiệt là ... chết người !!! ... tất cả ý nghĩa, impact và sự đẹp đẽ của đoạn "... ký ức cũ vẫn còn, nỗi đau vẫn đứt ruột..." bị bức tử 1 cách tức tưởi. Xử trảm Út đi !

Quân ơi,
Quân viết cái gì chị đọc cũng thích hết á ... Nó rất là sống động, rất giàu có về hình ảnh và suy nghĩ - nhất là nó rất thực tế, ngồn ngộn sự sống về khoảng không gian xã hội xưa (quê nhà) và nay (nơi đang ở). Cám ơn Quân !

Hot... said...

Nghe Chi Thanh khen tui tha^y vui... duoc khen la` thich la'm...

Bai cua Bac Nam vie^t ma` co' vai doan tui tha^y tui o trong do'... hinh a?nh doc sach trong TOILET thi bat buo^c phai co tui luo^n ro^i... Bac ta canh di thue^ sach lam tui nho' lai ba` me tui di thue^ cho tui vi luc do' tui lam gi co tie^n... Bac Nam vie^t ra^t la chinh xac, ra^t hay va vui

Tui
Qua^n