Apr 30, 2008

1. PHỞ CÙNG NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN ĐI RA THẾ GIỚI - Doãn Quốc Hưng


Có thể khẳng định rằng, bắt đầu từ khoảng giữa thập niên 90, phở đã trở thành món ăn nổi tiếng nhất của người Việt trên toàn thế giới. Trước đó, người ngọai quốc thường nhắc tới chả giò như là món ăn đặc trưng của Việt Nam. Còn bây giờ, “ Pho bò” đã trở thành ngôn ngữ quốc tế. Phở bò nằm trong danh sách món ăn phải thưởng thức của du khách ngoại quốc khi đến thăm Sài Gòn, Hà Nội; của người Úc sành ăn ở Sydney, Melbourne; của người Mỹ ở Quận Cam Cali, của người Pháp ở Paris kinh đô ánh sáng… Phở đã cùng người Việt tị nạn đi khắp nơi, làm vơi đi nỗi nhớ nhà của người dân Việt xa xứ , và dần dần trở thành “đại sứ văn hóa ẩm thực” của dân tộc Việt Nam.

Do đâu mà phở chinh phục được khẩu vị của dân sành ăn nhiều nơi trên thế giới? Nhập gia tùy tục, tô phở đã thay đổi khẩu vị đi ít nhiều để được thực khách chấp nhận ở Aâu, Mỹ, Úc. Như vậy, đâu là giá trị “cốt lõi” mà phở cần phải giữ lại, để “phở vẫn là phở” khi biến hóa? Vì cũng là người theo “đạo phở”, tôi đã đi gặp gỡ, tìm hiểu đề tài thú vị này với một số chủ tiệm phở ở Quận Cam Cali, Sài Gòn và Sydney…

(Còn tiếp...)

2. PHỞ CÙNG NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN ĐI RA THẾ GIỚI - Doãn Quốc Hưng


Anh Thế, chủ tiệm phở Tàu Bay ở Quận Cam Cali

Phở Tàu Bay- nằm ở ngã tư đường First & Harbor- chỉ mới góp mặt với làng phở Bolsa từ năm 1998. Trong khi anh Thế- chủ tiệm, người đã đem tên tuổi và hương vị của tô phở Tàu Bay lừng danh từ Sài Gòn qua đến Mỹ- đã có mặt ở đây từ 1980. “ Bản thân tôi cũng không muốn trở lại cái nghề khá cơ cực này khi sang Mỹ…”, anh Thế kể lại, “ …Một phần, lúc đầu tôi cũng không nghĩ rằng món phở lại có thể phát triển thành công ở nước ngoài như ngày hôm nay. Nhưng rồi, nó như cái nghiệp, cũng phải trở lại, không bỏ được…”


Anh Thế xác định phương ngôn của Phở Tàu Bay là “Phục Vụ Khách Sành ăn Phở”. Đó là loại phở “classic”, theo gout phở Bắc, không có vị hồi. Tuy nhiên, anh Thế cũng chấp nhận một số biến đổi theo ý khách hàng. Thí dụ như tiệm phở Tàu Bay cũng có phục vụ rau, giá vốn không có ở các tiệm phở Bắc chính tông. Lý do là rất nhiều thực khách ngày nay muốn có thêm rau tươi cho bữa ăn của mình. Thêm chất rau xanh sẽ làm tăng giá trị của tô phở lên, có nghĩa là “cải tiến” chứ không “cải lùi”!

Cũng theo khuynh hướng “ cách tân” này, anh Thế đồng ý “một phần” với quan niệm cho rằng một tô phở ngon hay dở còn tùy theo khẩu vị của từng người. Mà khẩu vị đôi khi cũng do thói quen. Vì vậy, khó có thể tranh cãi về chủ đề “phở ở Việt Nam ngon hơn hay phở Cali, phở Houston ngon hơn…”. Tuy nhiên, nói về “chất lượng” hơn, thì anh Thế khẳng định ngay là phở Mỹ phải chất lượng hơn ở Việt Nam rồi! Lý do đơn giản thôi: chất lượng thịt bò, xương bò ở Mỹ hơn hẳn Việt Nam, mà nguồn cung lại ổn định. Mà bò chính là linh hồn của phở . Các gia vị nấu phở kiếm ở Mỹ cũng dễ dàng. Khi được hỏi tại sao thịt bò của phở Cali không thơm, không có được cái “texture” riêng biệt như thịt bò Việt Nam, có nghĩa là miếng nạm phải “ xăn” hơn, miếng vè phải “dòn” hơn miếng thịt tái, anh Thế giải thích là do cách bảo quản. Luật ở Mỹ qui định tất cả các thịt bò trong các tiệm phở phải được bảo quản trong tủ lạnh. Khi đem ra cho vào tô phở nóng, sớ thịt sẽ không còn xăn chắc như lúc ban đầu nữa, mặc dù thịt rất tươi. Thịt bò chín ở các tiệm phở Việt Nam treo ngay trên các quầy phở, ăn tới đâu thái tới đó, cho nên hương vị còn nguyên. Ở Mỹ mà để kiểu đó thì chắc là sẽ… đóng cửa sớm!

Vì sao phở lại trở thành món ăn số một của Việt Nam? Anh Thế đồng ý với ý kiến của rất nhiều người ngoại quốc bảo rằng phở là một món ăn hoàn chỉnh về mặt dinh dưỡng. Không quá béo, không quá nhiều gia vị. Có đầy đủ tinh bột, protein, chất xương trong nước lèo và rau tươi. Hương vị lại đậm đà.

Đâu là giá trị cốt lõi của phở cần phải được giữ lại, dù phải biến hóa để “nhập gia tùy tục”? Theo anh Thế: “chỉ bò và bò thôi!”. Người nấu phở phải làm tăng hương vị bò trong tô phở của mình một cách tinh tế . Nên tránh sử dụng quá nhiều gia vị làm mất đi hương vị chính này.

Anh Bình, chủ tiệm phở Công Lý Sài Gòn (Phở Bà Dậu)

Đây là một trong những tiệm phở nổi tiếng nhất của Sài Gòn, nằm trong một con hẻm gần cầu Công Lý, và không có bảng hiệu! Một những tiệm phở hiếm hoi còn giữ lại đúng truyền thống phở Bắc là không rau giá. Vị nước lèo thanh tao là cái độc nhất vô nhị của tiệm phở này.

Khi được hỏi đâu là yếu tố thành công của mình, anh Bình chủ tiệm trả lời rất khiêm tốn: “ tôi cũng không chắc là tiệm mình có ngon hơn các tiệm khác không. Chỉ có điều khách quay lại đây nhiều có lẽ là do cách phục vụ…”. Đâu là “bí quyết” của vị nước lèo đặc biệt của Phở Công Lý? Câu trả lời cũng rất đơn giản: khâu chuẩn bị xương trước khi cho vào nồi. Nồi phở thơm “nồng” hay “thanh” phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu này.

Đâu là giá trị cốt lõi của phở cần giữ lại trong khi biến tấu? Anh Bình theo trường phái “bảo thủ”: phở không nên biến tấu! Tô phở bò truyền thống đã hòan chỉnh từ nước lèo, đến bánh phở, thịt bò và các phụ lục nhỏ khác. Không cần rau giá. Anh cũng cho rằng bò là hương vị số một của phở. Phở gà chỉ dành cho người… không ăn được phở bò thôi!

Anh Quang, chủ tiệm phở Hương Xưa ở Sydney – Úc Đại Lợi

Tiệm Hương Xưa năm ở ngay trung tâm Cabramatta, “thủ đô” người Việt ở Sydney. Anh Quang đem theo hương vị phở Hàm Long của ông và mẹ mình ở Hà Nội từ hơn nửa thế kỷ trước làm hành trang sinh kế tại xứ sở Kangaroo. Cái tên “Hương Xưa” là vì anh Quang muốn giữ gìn hương vị của các món ngon Hà Nội ngày xưa.

Theo anh Quang, cái ngon của phở đã được Thạch Lam, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng ca ngợi nhiều, nhưng nói mãi cũng sẽ không bao giờ hết ý. Phở độc đáo đến độ dân “đạo phở” hễ thấy là phải ăn, mùa nào ăn cũng được, ngày ăn ba bữa cũng được!

Ý kiến của anh Quang về thịt lại ngược hẳn với anh Thế: thịt bò ở Việt Nam ngon hơn ở nước ngòai (nên nhớ rằng thịt bò Úc thuộc loại ngon nổi tiếng trên thế giới). Con bò Việt Nam được nuôi hòan tòan tự nhiên, giống như gà ta thả vườn, nên thịt thơm và sớ thịt mịn hơn… Tuy nhiên, anh Quang hoàn toàn đồng ý là giá trị cốt lõi ở phở chính là hương vị bò trong nước lèo. Đừng dùng gia vị nồng để át mùi bò! Hương vị này chính là bí quyết gia truyền của các tiệm phở nổi tiếng ngày xưa…

(còn tiếp...)

3. PHỞ CÙNG NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN ĐI RA THẾ GIỚI - Doãn Quốc Hưng


Tôi xin tạm dừng đề tài về phở ở đây với những ý kiến khác nhau về đề tài muôn thưở này của dân Việt sành ăn phở. Đâu là giá trị cốt lõi, cái gì nên giữ lại, cái gì có thể bỏ qua của tô phở Việt Nam ? Những câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến một đề tài lớn hơn, trừu tượng hơn nhiều: văn hóa Việt Nam ở hải ngọai. Cũng như tô phở, người Việt xa xứ của mình, sau ba thập kỷ ly hương, đã phải thay đổi một số phong tục tập quán để hòa nhập vào quê hương mới ở Âu, Mỹ, Úc…

Như vậy đâu là giá cốt lõi của “văn hóa Việt Nam”? Cái gì nên giữ, cái gì không nên giữ, để con cháu chúng ta sau này, cho dù ở đâu trên thế giới, vẫn nhớ về nguồn gốc của mình? Mà có nên cố giữ lấy cái nguồn gốc đó không, hay là nên để cho chúng tự chọn trong quyết định “về nguồn”? Vấn đề rất cũ nhưng cũng luôn luôn mới này chắc hẳn vẫn là mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh người Việt …
Tháng 3 -2008 Doãn Hưng

Nhân đọc bài của má Thuỳ viết về sách


1. By bác Năm - Mỹ Quốc
Photos by bác Khánh

Hồi đó tui ở cư xá Nguyễn Tri Phương, một khu lao động tương đối “ngon” vì có cầu tiêu máy công cộng – cầu tiêu có bàn ngồi xổm. Gặp lúc phong trào di cư rầm rộ, một số người có tiền vừa dọn đến là đã mua nhà rồi tìm kế sinh nhai, mở tiệm phở hoặc tiệm bánh cuốn hoặc tiệm cà phê.

Riêng trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm sách, đặc biệt có sách cho mướn, một dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Trước đó chỉ có người cho mướn sách đứng trước cổng trường. Họ cho mướn đủ loại sách, kiếm hiệp có, khoa học giả tưởng có. Mượn ngày nay, ngày mai trả. Rẻ rề, vài cắc thôi, nhưng chắc chắn phải nhịn ăn sáng. Tui mê tơi.

Tiệm cho mướn sách tên Thái Bình, do một phụ nữ người Bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn mướn sách phải đặt tiền thế chân, đâu đó 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.

Thế là toàn bộ truyện Tàu – Phong Thần, Tây Du Ký, Tiết Đinh San, Chinh Đông Chinh Tây, Tuyết Đường, Thủy Hử … - tui đọc ráo nạo. Đọc luôn loại kiếm hiệp thần sầu và hấp dẫn từ Bắc mang vào, loại tình cảm, loại hành động, loại tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng như Hồ Biểu Chánh, Vũ Anh Khanh … Con nít cỡ tuổi tui đứa nào cũng là khách hàng của tiệm này.

Cái mê thì khỏi nói. Sau khi đi học về, nếu không đá banh ở sân Renault – sau này gọi là Thống Nhất – thì tui ôm cuốn sách, vô cầu tiêu công cộng cũng ôm sách; ngồi riết có khi người lớn dọa kêu lính bắt. Đọc đến độ tụi trong xóm gọi tui là thằng Hút vì đọc quên ăn, ốm nhom ốm nhách.

Riêng tui, sau một năm làm khách hàng tiệm Thái Bình, đã được miễn tiền thế chân, và dù đọc mấy ngày cũng vẫn tính thành một ngày.

Phong trào cho mướn sách kéo dài. Khi tui lớn lên, đi làm, có gia đình vẫn còn mướn truyện kiếm hiêp Hồng Kông của Kim Dung, Cổ Long …

Ngoài những cuốn sách mướn, tui bắt đầu mua sách vì đã có tiền và muốn làm chủ những cuốn sách để khi muốn đọc lại là có. Thời đó còn có các tạp chí Văn, Văn Nghệ Tiền Phong, Sáng Tạo; tui mua, đọc và để dành, cứ thế dài dài … cho đến ngày đổi đời.

Bây giờ tôi bắt đầu mua lại những cuốn sách cũ đó của nhà xuất bản mới, ký ức cũ vẫn còn, nỗi đau vẫn đứt ruột.

Tình cờ đọc một vài cảm nghĩ của má Thùy, tôi lại sực nhớ đến cái kho sách của mình mà đau lòng. Cứ tưởng tượng bây giờ cầm lại những cuốn sách cả mấy chục năm dài sưu tập đó …! Ui chao, đó là hạnh phúc của tuổi trẻ, của một thời …

Với những phương tiện truyền thông như hiện nay chỉ cần click vài cái là có sách để đọc ngay, nhưng làm sao có được cái cảm giác được cầm cuốn sách trong tay với ly cà phê trước mắt, cái võng đong dưa dưới tàn lá cây cổ thụ sau vườn. Biết tìm đâu!


2. By Quân - Anh Quốc


Tôi vốn có duyên với sách báo Việt từ thưở bé là vì công việc của mẹ tôi. Bà làm ở thư viện Quốc Gia Hành Chánh, nên vậy từ 5 đến 10 tuổi tôi hay chạy nhảy ở Học Viện này.

…..Tòa thư viện dưới ánh mắt của tôi lớn lắm, tôi nhớ phía sau là hàng loạt kệ sách, nhưng tôi chẳng hiểu gì hết vì toàn là sách hành chánh không, nên tôi không tha thiết với loại sách đó, có điều tôi rất thích nhìn các kệ sách vì thấy sách xếp thứ tự và có những loại sách đóng gáy bìa cứng y như các quyển sách của nhà sách Sáng Tạo.

…. Tuổi thơ của tôi sống gần nhiều sách nhưng các quyển sách đó vẫn không đủ sức quyến rủ tôi bằng những quyển sách hình. Tôi vẫn nhớ ở đầu đường Cao Thắng gần rạp hát Văn Hoa (nghe đâu một trong những căn này là nhà của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) có hai nhà sách bán các chuyện hình loại siêu nhân (superman) , người nhiện, người dơi, người điện quang .... của các chú người Hoa chợ lớn ấn loát. loại sách hình này bị đánh giá là 3 xu nên các bậc phụ huynh cũng không thích con mình đọc cho lắm. …

… Tháng 4 năm 1975, một sự thay đổi lớn ở Sài Gòn. Mẹ tôi không còn làm ở Thư Viện quốc gia hành chánh nữa, nhưng tôi được nghe các quyển sách trong đó đã trở thành cát bụi. Tuy nhiên tôi vẫn còn một may mắn là một người bác trước dạy ở trường Luật, trong nhà ông ta có một thư viện nhỏ, tất nhiên các sách liên quan về chính trị thì cũng thành tro bụi, nhưng có một loại sách làm tôi đam mê là truyện tàu. Vì là một nhà giáo sư, ông bác tôi được tặng nhiều sách có giá trị lắm. ngay những quyển sách tàu như Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng... cũng được đóng gáy, mạ chữ vàng, tôi say mê với các loại sách này. Vào mùa hè 1976, tôi có những cơ duyên làm quen với loại sách Tuổi Hoa cũng như tạp chí Tuổi Hoa và kiếm hiệp Kim Dung. Tôi còn nhớ các tạp chí Tuổi Hoa được đóng thành bộ, đóng gáy rất đẹp, tôi rất thích các loại truyện ngắn trong đây và sau đó loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Các pho truyện Kim Dung là say mê đông đảo độc giả.


Đọc chưởng đấm đá, chuyện Tàu thì phép thần bay cao bay thấp, gián điệp bắn súng, sách nhi đồng... tôi lại có dịp chuyển qua Quỳnh Dao, quyển đầu tiên tôi đọc là Mùa Thu Lá Bay nhưng quyển này không gây ấn tượng bằng quyển Giòng Sông Ly Biệt, khi đọc xong mối tình Vân Lâu và Y Bình tôi buồn man mác không hiểu nguyên nhân gì, vậy mà cho đến năm 1982 tôi mua được quyển Giòng Sông Ly Biệt đưa cho một người lớn tuổi chưa hề đọc qua Quỳnh Dao cũng diễn tả cảm xúc đó y hệt như tôi….

…Vài năm sau đó các thư viện tại Anh quốc bắt đầu mua sách Việt Nam, vì theo luật nước Anh , cứ 4 người trong một địa phương thì được phép mua một quyển sách, muốn loại sách gì thì cứ việc viết lá thư yêu cầu đến Thư Viện nơi khu vực mình đang cư ngụ . Những quận đông dân Việt Nam thì bắt buộc phải mua sách rồi, thế là kể từ cuối năm 1982 là sách Việt Nam xuất hiện tại các thư viện, nhờ đó tôi có cơ hội đọc đủ mọi tác giả từ nhóm Sáng Tạo, nhất là phe Việt mình có cái tật thấy sang bắt quàng làm họ, tôi cũng không thoát được cái tính nhận họ theo kiểu chúng ta điều mang họ Hồng Bàng, hể liên lạc với bạn bè là tôi cứ la lên là đang đọc sách của bố Thanh Hương viết nè , làm như quen tác giả lâu lắm rồi, mà thật ra chẳng ai biết nhau cả, mà cũng nhờ cái tính muốn làm quen ẩu , nên tôi đọc khá nhiều tác phẩm của ông.

… Nguồn sách đọc trước 75 dần dà khan hiếm vì đâu còn mấy ai viết, một số người ra hải ngoại cũng cố sáng tác nhưng thị trường tiêu thụ cũng rất là ít, những nhà văn xưa cũng có sáng tác nhưng không còn được như xưa vì không gian và thời gian cũng thay đổi rồi. Sách viết nhiều nhất là hồi ký và thuật lại các chuyện xưa.

Ở cái đất London này, chỉ có một người sống chung với sách Việt Nam nhiều nhất là bác Chí, vì bác làm trong Thư Viện quốc gia Anh quốc, họ có nguyên một nơi dành để sách vở Việt Nam, tất cả mọi quyển sách của mọi thời đại của Việtnam. Thời gian bác sống tôi chỉ có duyên liên lạc với bác qua thư từ. Khi bác mất tôi có một cơ duyên lớn lại nhà bác vào những ngày thân nhân của bác từ Việt Nam qua thu dọn những gì không cần thiết trong nhà bác. Tôi là người gặp cơ may dọn một số sách Việt Nam trong nhà bác, lúc dọn quá nhiều sách tôi cứ bỏ vào thùng đem đi, về đến nhà ngồi xem lại hầu như là các sách của Tự Lực Văn Đoàn. Ngày nay ở VN in lại sách này khá nhiều, nhưng tôi tin chắc của tôi được thì quí hơn vì sách in từ những thập niên 50, nên xem là sách cổ rồi. Tôi rất thích sách, nhìn các quyển sách in đẹp tôi rất thích ngồi ngắm nghía vì sách có một giá trị riêng của nó. Đến giờ người ta vẫn không bỏ được sách cho dù thông tin hiện đại cho đến mấy.

Với tôi, sách được đánh máy vào máy tính rồi bỏ lên Internet thì chẳng qua đó là một sự thuận tiện mà thôi và giúp đỡ trong việc làm ăn. Tôi chưa bao giờ cho là sách “On Line” là sách cả, cứ nghĩ hình ảnh trong nhà không có một quyển sách nào hết, chỉ có cái máy computer, rồi ánh mắt cứ tập trung vào màn hình thì cuộc đời này quả thật là vô vị.......


Apr 29, 2008

Hình vui - tiệm sách ... di động


Ở xứ của bạn, có ai bán sách giống kiểu chị này không?
In your country, can you find this way of selling books ?

Apr 28, 2008

1. Sách báo in trong thời buổi "on line" - Ngô Thùy




Cách đây 14 năm khi email vẫn còn là một khái niệm xa lạ, tôi đã được làm quen với nó chỉ vì yêu cầu công việc. Công ty tôi làm vào lúc đó đã phải thuê một đường truyền (lease line) từ Úc về để kết nối mạng bookkeeping của họ. Từ đó tôi bắt đầu sử dụng internet, và viết, nhận mail. Tốc độ công việc tăng lên kinh ngạc, và chi phí giảm đi thấy rõ. Những chiếc khay đựng văn bản ngày càng không có chỗ sử dụng, vì tất cả đã nằm trong Inbox và Sent items, sau đó được tự động chuyển vào filing system. Sự thiếu vắng những văn bản in ấn đã tạo cho người làm công cái ảo tưởng ban đầu là công việc của họ giảm đi, ít ra là ít có việc gì tồn đọng lâu.
Không có gì sai lầm hơn. Tốc độ giải quyết công việc càng cao, công việc càng xuất hiện nhiều hơn. Tại sao không? Cách để tránh việc người làm công ngồi viết email cá nhân (và sau này là chat) là giao thêm công việc để lấp đầy thời gian trống. Sau đó lại xuất hiện những phần mềm, những hệ thống quan sát, kiểm soát việc sử dụng internet và email trong nội bộ. Tuy nhiên, đầu óc con người khi bị thách thức sẽ lại thông minh hơn, sáng tạo hơn, do đó bên cạnh hệ thống kiểm soát xuất hiện những chiến thuật phản công hết sức tinh vi. Cuộc đua trên đấu trường internet ngày càng cao siêu với những ứng dụng không thể tin được.

Tôi sẽ không khai thác nhiều về khía cạnh công việc trong ứng dụng internet. Tôi chỉ muốn lui lại vài bước và nhớ lại ngày xưa người ta dùng thời gian như thế nào.

Tôi không thể nào nhớ được. Bởi vì ngày tôi còn nhỏ, không có ai băn khoăn về việc sử dụng thời gian. Thậm chí không có ai gọi điện thoại cho ai trước khi đến thăm. Mọi người đến thăm nhau khi cao hứng, hay khi thấy cần, và nếu chủ nhà không đi vắng thì bao giờ cũng được tiếp đãi ân cần. Có người chỉ định tạt ngang ghé thăm nhưng rồi ở lại qua đêm hay vài hôm, càng quý.

Riêng đối với tôi ngày nhỏ, thời gian là một món quà mà tôi tận hưởng. Tôi sử dụng nó một phần trong học hành, ăn ngủ, vào thời đó là hai chuyện hết sức tự nhiên, không hề là áp lực. Phần còn lại tôi dành cho sách vở.

Nói cách khác, sách vở chính là món quà mà thời gian mang lại cho tôi. Thời đó, một cô gái nhỏ mười bốn mười lăm tuổi có thể dành khoảng bốn năm tiếng đồng hồ một ngày cho việc đọc sách. Có những buổi sáng thức dậy, làm vệ sinh, ăn sáng, phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa xong, tôi chui trở vào giường nằm đọc sách tới gần giờ ăn cơm mới ngồi dậy. Những buổi chiều không phải đi học, tôi lại bỏ ngủ trưa leo lên nóc nhà ngồi dưới tàng hoa phượng đọc sách. Tuyệt vời nhất là những ngày mưa, tôi đi lang thang trong phố dầm mưa cho tới khi mưa quá lớn lại chui vào quán cà phê Mimosa ở đường Lê Lợi mở sách ra đọc tiếp. Thói quen đọc sách đã trở thành một thứ nghiện ngập, tôi đọc sách khi ăn và cầm sách theo vào toilet. Fitzgerald, Henry Miller, Hemingway, Herman Hesse, Saroyan, Remarque, Phạm Công Thiện, Võ Phiến… trở thành bạn đồng sàng của tôi.



(còn tiếp...)

Apr 27, 2008

2. Sách báo in trong thời buổi "on line" - Ngô Thùy


Bây giờ trong thời đại mà con người làm việc mọi nơi mọi lúc, tôi trở thành một trong những kẻ lạc loài ngồi đọc sách trong quán cà phê, giữa một rừng laptops và PDA, iPhone. Hình ảnh này có vẻ quá mâu thuẫn với hình ảnh ban đầu mà tôi đưa ra, là một trong những nhân viên văn phòng đầu tiên tiếp xúcvới nền văn minh internet. Là một con mọt sách, sao tôi không mê mải với nguồn sách báo, thông tin điện tử ngồn ngộn trên mạng kia? Ngoài những phương tiện kết nối tốt nhất trong văn phòng, tại nhà tôi cũng có đầy đủ điều kiện để lên mạng cho mọi mục đích. Tôi cũng tận dụng mọi điều kiện có thể để lấy thông tin cho công việc, và gạn lọc được thật nhiều quyển sách điện tử thật bổ ích, hấp dẫn cả trong công việc lẫn giải trí. Tuy nhiên, đọc sách trên màn hình là điều tôi hết sức tránh, ngay cả trước kia khi việc download tự do còn rất giới hạn. Bị tốc độ công việc đánh lừa đã là một vấn nạn khiến cho người làm công trở thành nô lệ của màn hình. Nhiều khi nửa đêm sực nhớ việc gì cũng ngồi dậy, bật máy, lên mạng lấy thông tin xuống làm việc tiếp. Thật là khủng khiếp!

Tuần này khi chuẩn bị tài liệu cho một khoá tập huấn về Phát triển tổ chức, tôi đã có ý định đi chụp hình một sạp báo bình thường, sau đó sẽ đặt bên cạnh bức hình đó hình ảnh vài tờ báo Nhân dân, Saigon giải phóng, Thanh niên… của ba chục năm về trước để làm ví dụ cho sự đa dạng hóa ngày nay ở thị trường Việt Nam. Từ vài tờ báo ngày trước đến hàng trăm loại nhật báo, tuần san, nguyệt san, đặc san ngày nay là một bước đi dài, và là điều đáng mừng (nếu không kể đến những tờ lá cải, nhưng thực ra tôi là ai mà dám chỉ trích sở thích của những nhóm độc giả khác?)


Sách báo điện tử cũng vậy, là một tin mừng cho những người “đói” thông tin và những con mọt sách, nhất là bản dịch của những tác phẩm Kim Dung mà ngày nay chỉ còn tìm thấy trên mạng. Giờ đây chỉ cần “ping” một cái là có vài chục ngàn kết quả tìm thấy trong index. Người ta còn viết sách trên blog và trở thành nhà văn nổi tiếng nhờ sự chia sẻ đó. Có những tác giả và nhà phê bình văn học còn đi xa hơn, đưa ra một cách viết tiểu thuyết mới qua những bản thảo điện tử viết sẵn, chỉ cần thay đổi bố cục bằng cách cut and paste, để tự hành vi ngẫu nhiên này quyết định số phận của nhân vật. Đã nói đầu óc con người là không có giới hạn về tưởng tượng mà! Stephen King, chẳng hạn, chính là một trong những nhà văn đầu tiên thực hiện feuilleton trên mạng.


Đứng trước khả năng vô hạn đó, tôi vẫn thấy mừng mừng tủi tủi khi được cầm trên tay một cuốn sách mới in, thơm tho, đẹp đẽ. Không có gì sánh được với sự hồi hộp khi mở ra những trang sách đầu tiên, đọc những dòng đề tặng đầy yêu mến, và nằm co trong chăn ấm để được đắm chìm trong thế giới của những trang sách…


Chưa kể khi đọc xong, cất sách vào tủ, nhìn ngắm chúng đứng cạnh nhau, sẵn sàng cho một lần chia sẻ khác… là một hạnh phúc không thể nào tả nổi. Sách, là phải cầm, phải dở từng trang, và ngủ thiếp đi với chúng như bên một người tình.

Saigon, những ngày cuối tháng 4
Ngô Thuỳ
Tủ sách gia đình DQS


Hình vui trong tuần



CLEAN VEGETABLE !
PEEING PROHIBITED!


Rau muống sạch trong hình được trồng cạnh
một nhà
vệ sinh trên đèo Bảo Lộc.

Those clean vegetables are planted
next to a
public restroom located
at Bao Loc Pass.



Apr 24, 2008

1. ANH MINH ZIPPOST: NHÀ PHÁT HÀNH BÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT CALI


Hồi tôi mới qua Mỹ và bắt đầu tìm cách làm ăn sinh sống,chuyện gì cũng mới lạ, nên tôi cần có một người đóng vai trò “quân sư quạt mo”. Theo sự giới thiệu của bạn bè, tôi tìm cách lân la làm quen với anh “Minh Zippost”, chủ nhân tiệm Zippost tọa lạc ngay giữa khu Bolsa người Việt, vì anh quen biết nhiều. Sau một thời gian tiếp xúc với con người xuề xòa, vui tính này, tôi mới phát hiện ra sự nghiệp “đáng kể” nhất về anh lại liên quan đến báo chí hơn là bưu điện. Anh Minh là người đã có công đầu tiên trong việc đặt những tờ báo tiếng Việt tại Cali trang trọng vaò những sạp báo, thay vì cho không và nằm lăn lóc tại các góc chợ. Có thể nói, anh Minh là nhà phát hành báo chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt tị nạn. Tôi đã gặp anh ở Zippost, để nghe anh kể câu chuyện “… Khởi nghiệp nào cũng gian lao lắm lắm…”

Anh Minh đi qua Mỹ và đến Cali vào cuối năm 1989. Anh Minh kể lại: “ đối với một người không bằng cấp, tiền bạc như tôi thời đó, việc kíêm tiền nhanh nhất, dễ nhất là đi bỏ báo Mỹ!”. Nhà anh hồi đó ở Fullerton. Anh nhận việc bỏ báo ở Huntington Beach. Mỗi ngày anh rời nhà từ 4 giờ sáng trên một chiếc xe cũ mèm, đi 20 miles để đến khu vực làm việc, bỏ báo cho khoảng 300 địa chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

Giao báo Mỹ xong, anh đi tìm… báo Việt để đọc! Vào thời điểm đó, báo tiếng Việt còn cho không, đặt ở trước cửa các chợ. Anh phải mầy mò ra các chợ khu Bolsa để tìm tờ Người Việt, tờ nhật báo Việt Nam duy nhất thời đó. Khi còn, khi hết. Những người ở xa muốn đọc báo tiếng Việt thiệt là khổ sở! Báo Việt Nam lúc đó cũng đã có dịch vụ giao báo tận nhà qua bưu điện. Một tuần giao hai lần, có nghĩa là tin tức bị lạc hậu đi vài ngày. Chán cảnh “đọc báo cũ”, anh nảy ra ý nghĩ kết hợp công việc giao báo Mỹ với giao báo Việt. Vào tháng 4 năm 90, anh lên tòa soạn tờ Người Việt xin mua lại 100 tờ nhật báo mỗi ngày, để thử nghiệm việc giao báo cho người Việt trong khu vực Little Sài Gòn, sau khi anh đã giao báo Mỹ xong. Tòa sọan quyết định tặng không cho anh 100 tờ, và hỗ trợ bằng cách đăng dịch vụ của anh lên trang quảng cáo. Ai có nhu cầu, xin gọi phone cho anh Minh, sẽ được phục vụ! Anh đã khởi đầu nghề giao báo Việt như vậy đó.

Giao báo Việt khó khăn hơn giao báo Mỹ ở chỗ địa bàn rộng hơn nhiều. 100 địa chỉ phải đi cả buổi mới giao hết. Được cái là công việc phát triển nhanh chóng không ngờ. Chỉ sau một tháng, một mình anh đi bỏ báo không xuể, phải tuyển thêm hai “cộng tác viên”. Sau một năm, số địa chỉ đặt giao báo đã lên tới 500. Con số này là 1,000 vào cuối năm 92. Đội ngũ giao báo của anh Minh lúc này đã là 20 người. Anh Minh tự tin là mình đã đi đúng hướng.

Cũng trong thời điểm đó, một số nhu cầu mới phát sinh đối với ngành báo tiếng Việt. Nhiều tờ báo mới ra đời. Người đọc có thêm tờ nhật báo mới: Việt Báo. Những tờ tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san vẫn chưa có trung tâm phát hành. Người đọc vẫn phải tự tìm báo ở các chợ, cửa tiệm. Anh Minh quyết định phát triển công việc phát hành của mình thêm một bước nữa bằng cách sang lại tiệm Zippost, lúc đó thuần túy dịch vụ mailbox & gởi bưu phẩm. Anh đến từng tòa sọan các tờ báo, đề nghị được bày bán các tờ báo của họ trên các kệ báo của Zippost, mô hình của các sạp báo ở Sài Gòn xưa. Zippost đã trở thành trung tâm phát hành báo chí đầu tiên của người Việt tị nạn. Anh Minh kể lại: “ tôi vẫn có nhớ cảm giác mãn nguyện của mình khi lần đầu nhìn những tờ báo, tạp chí tiếng Việt được đặt trang trọng trên các kệ báo của Zippost. Hồi đó, tôi gặp một trở ngại là nhiều người Việt của mình chưa có thói quen “mua báo”, nay phải trả tiền khi lấy báo tại Zippost. Tôi đã phải giải thích với bà con rằng tiền bán báo để bù cho những chi phí như thuê chỗ, thuê người sắp xếp báo chí lên kệ, để phục vụ cho người đọc thỏai mái hơn. Cũng mất cả năm mới hình thành lại được thói quen mua báo này”.
(còn tiếp...)

2. ANH MINH ZIPPOST: NHÀ PHÁT HÀNH BÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT CALI


Thành tựu đạt được thật là đáng khích lệ cho công sức của anh Minh bỏ ra. Sau hai năm, lượng người đọc đến mua báo tại Zippost tăng gấp 5 lần. Từ thành công của Zippost, nhiều người có nhu cầu mở thêm các sạp báo khác để phục vụ cho cộng đồng người Việt. Anh Minh cũng làngười tổ chức, giao báo cho chừng 10 sạp báo nữa trong khu vực Little Sài Gòn. Sau chặng đường hơn 15 năm hình thành & phát triển, dịch vụ phát hành báo tiếng Việt đã có một bộ mặt khác hẳn. Hiện nay đã có 3 trung tâm phát hành tại Nam Cali. Báo tiếng Việt cũng đã đi ra nhiều tiểu bang khác ngòai Cali, phục vụ cho bà con người Việt mình trên khắp nước Mỹ. Có thể nói, người Việt là cộng đồng thiểu số có hệ thống báo chí bằng ngôn ngữ riêng lớn nhất, phong phú nhất ở Cali.

Thách thức cho ngành phát hành báo tiếng Việt trong tương lai? Theo anh Minh, vào thời điểm này thì báo tiếng Việt trên đất Mỹ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Với tổng số người Việt ở Mỹ vào khỏang một triệu rưỡi, con số phát hành khỏang 30,000 tờ nhật báo hằng ngày như hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Nếu khâu in ấn và phát hành làm tốt hơn, chắc hẳn số lượng báo tiếng Việt sẽ không dừng ở con số này.

Tuy nhiên, trong tương lai xa hơn, chừng vaì chục năm nữa, tình thế sẽ thay đổi hẳn. Cũng theo anh Minh, khi thế hệ thứ nhất và thứ hai của người Việt tị nạn mình đã trở thành quá khứ, vấn đề lại là có còn ai đọc báo tiếng Việt trên đất Mỹ này nữa không?

Anh kết thúc câu chuyện với một câu hỏi hóc búa như vậy, làm tôi thừ người ra suy nghĩ mông lung. Hình ảnh ông đồ già của cụ Vũ Đình Liên mơ hồ hiện ra trước mắt tôi:

“… Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ


Hồn ở đâu bây giờ…”

Như nhìn thấy được suy nghĩ của tôi, anh đổi giọng và chủ đề liền: “Nhưng hơi đâu mà lo! Bảo đảm đời mình vẫn đọc báo tiếng Việt thả dàn. Sau đó thì là chuyện của đám con cháu. Cuối tuần này ghé về nhà tôi làm một vài ly rượu vang chơi cho biết gia đình. Hai đứa con gái của tôi lớn lên ở Mỹ, mà nói, đọc, viết tiếng Việt cũng được lắm!...”

Có lẽ lạc quan vẫn là đức tính cố hữu của anh, giúp anh vượt qua gian lao của buổi khởi đầu giao báo tiếng Việt. Khi tôi xin phép được đổi tên gọi anh là “Anh Minh Sạp Báo”, anh cười hỉ hả nhận lời liền…

Tháng 3 -2008
Doãn Hưng


Anh Minh và sạp báo Zippost

Apr 22, 2008

Chef Cook Doãn Quốc Ti Nô

Don't you remember this blog entry posted on 2nd Oct 2007 ?

THE STORY OF THREE...
by Bác Khánh (bài tập nộp thầy)

NO (10 years old) Is eating a matter of consequence?

When I was 3 years old, my first English book was Big Bird’s Yellow Book. My favorite lesson was Unit 6. In this lesson, they teach different kinds of food and Cookie Monster sings in his dream that he is eating 1 salad, 2 chickens, 3 pizzas, 4 sandwiches, 5 chips, 6 hamburgers, 7 carrots, 8 beans, 9 apples and 10 cookies. That I could sing along with Cookies Monster amazed all grown-ups. They all misunderstood that I was gifted in English, but soon they all realized that I just loved eating.....


California, 16 April 2008

Hello all,

Sau đây là bài Nô (13 tuổi) thực tập viết một formal letter to require for a volunteer job (writing skill). Mọi người thấy Nô chọn đề tài về cook, có vẻ nhiều ý chưa? Chắc Nô sau này làm chef cook là hợp nhất! Nô tuy lớn mà rất hiền lành. Từ hồi ở Việt nam qua Mỹ, Nô vẫn muốn học làm programmer viết game (vì Nô khoái chơi game mà!). Tuy nhiên, nếu IT mà đòi hỏi toán giỏi thí ... Nô làm chef cook cho chắc ăn.
Cheers,
Bố Hưng




24619 Bacon Lane
Butter Beach CA 26926
April 16 2008

Thuan Kieu restaurant
Address…

Dear madam/sir:

I’m writing to request a volunteer position as an assistant cook in your restaurant. I think I will do fine this job.

I have a few experiences and skills that maybe useful here. When I was young, I used to help my aunts when she was preparing a meal for the family. And I too, have done some simple cooking jobs like rice, chicken, egg... I guarantee that I will be active enough to do every kind of chores without getting tired. For cooking, I have a few amazing skills. I am a food lover, so that makes me a good taster. And it also gives me a good nose for food. I promise that I will always be happy and cheerful when working. I will send you my references and my resume to you.

Would you please consider me for the volunteer position at Thuan Kieu restaurant? Feel free to contact at the address above. Thank you!

Sincerely
An N. Doan

Nô (áo cam) và anh Bí

Apr 21, 2008

The Great White Shark - by Doãn Quốc Rhino


Rhino - looking for clues


Đây là bài viết của Rhino last year (lớp hai), FACT about the Great White Shark, không phải là chuyện tiếu lâm là mà chuyện thiệt :)
Mẹ Ngọc

The Great White Shark is a fast man-eating shark. They are a type of shark. It is a lone hunter.

The Female shark is longer than the male. They are grey on top and white on the bottom. It has black eyes. The Great White Shark has 5 to 7 gills on each side of their body. Their gills help them breath.

The Great White Shark swings from side to side. They are built for speed and power, some have swum from Australia to New Zealand. They push their their tails to move. They can swim up to 43 km an hour. They make vibrations as they move.

They eat dolphins and sea birds. The Great White can smell their food. When they have a big meal, they can survive for 3 months without food.

The Great White Shark can eat almost anything. Great White Sharks live in all of the world’s oceans. They can be found in Broome, the North West Cape and Hervey Bay. It lives in caves. They like warm water near islands.

They are born close to the tail. The Great White Shark gives birth between December and June. It lays 10 pups at a time. Sharks are born as live young. The male bites the female’s fins during breeding.

The Great White Shark is killed for food. They are the most dangerous fish in the sea. It is often scared and fights its prey.

Ps. Thầy giáo phê là : You have included some interesting facts about the Great White Shark. Well done, Eric!


Draw an oval

Add head and body

Add dorsals, pelivic and fins

Add eyes, mouth, gill slits,
later line, teeth, and final details

Erase Guide Lines


Let's shade it!

Drawing sourse: http://www.elasmo-research.org/education/drawing/step10.htm

Apr 20, 2008

1. Thân & Tâm an lạc - Đoàn Khoa

Anh chàng người Pháp này thật lạ, mới hơn 20 tuổi đầu mà đã dấn thân vì những chuyện thiện nguyện. Anh đến Việt Nam vì tò mò và dành hết thời gian của mình cho trẻ nhỏ bụi đời. Anh dạy chúng hát, múa, nhào lộn, hóa trang, đánh trống từ nồi niêu xoong chảo thậm chí từ mấy cái thùng phuy. Anh còn tự đặt cho mình một cái tên rất hay - Kiệt – để mọi người ở đây dễ gọi.

Quen Kiệt nhờ đám trẻ bụi đời. Chàng ta là thầy khi dạy tôi nói tiếng Pháp cũng vừa là trò khi muốn học tiếng Việt.

Hàng tuần, chúng tôi có một buổi đi ăn hoặc uống cà phê để nói với nhau những đề tài ngẫu nhiên nhằm trau giồi khả năng sinh ngữ của mình.

Hôm đó, tôi đưa cho Kiệt mẩu giấy có ghi 14 điều răn của Phật:
1- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
2- Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
3- Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.
4- Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ.
5- Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.
6- Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa dối mình.
7- Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ty.
8- Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã.
9- Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.
10- Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe.
11- Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.
12- Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.
13- Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.
14- Yên ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Bằng những mẫu câu đơn giản, tôi cố gắng làm cho anh bạn nhỏ cảm nhận những điều mà tôi vô cùng tâm đắc và mừng thay, Kiệt có vẻ thích những ý tưởng này.

Thế là câu chuyện của chúng tôi cứ mở dần ra, Kiệt hỏi nhiều về Đức Phật và đạo Phật. Với vốn từ ít ỏi, tôi diễn tả những điều tôi biết, tôi cảm theo cách của tôi.

Có lẽ do ngôn ngữ bất đồng, cách giải thích vòng vo và kiến thức của tôi khiếm khuyết đã làm Kiệt thắc mắc:
- Như lời Phật dạy, ham muốn là căn nguyên của mọi sự đau khổ ở con người, vậy nếu ta không ham muốn nữa, ta sẽ bớt thống khổ ?
- Trên cơ bản là vậy ! – Tôi trả lời.

Kiệt không đồng ý với tôi về luận điểm trên, theo anh, nếu không có sự ham muốn, không có niềm khát khao thì làm sao con người có động lực đi tới. Khi mà ai cũng giữ một thái độ thụ động và diệt dục thì xã hội làm sao phát triển.

Kiệt muốn lăn vào cuộc đời và làm mọi cách nhằm đạt bằng được điều mình muốn.

Đổ thừa tại vốn từ ít ỏi, tôi lấp liếm cho qua chuyện:
- Tới lúc nào đó, khi mà tôi nói giỏi tiếng Pháp hoặc Kiệt thạo tiếng Việt, ta sẽ trở lại đề tài này...

Thực sự, cho dù hai chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ thì cũng rất khó khăn khi tranh luận với nhau về đề tài ấy, đó là chưa kể đến quan niệm rất khác nhau giữa Đông và Tây, hơn thế nữa, tùy theo quá trình sống của mỗi người mà họ tự khám phá và giải mã ra điều bí ẩn này.

Ở tuổi 20, tôi cũng đầy nhiệt huyết như Kiệt, nhưng càng già, càng gặp biết bao trắc trở, muộn phiền, ngọn lửa trong tim cứ lụi tàn dần. Bây giờ, nhìn sự trong veo và nhựa sống của chàng thanh niên này, tự dưng trong tôi bỗng vang lên một niềm ao ước rằng mong sao ngọn lửa hồn nhiên ở Kiệt mãi mãi bừng sáng, đừng tắt đi, đừng biến dạng như những người mà trước đây tôi đã từng gặp .

(còn tiếp ...)


2. Thân & Tâm an lạc - Đoàn Khoa


...Ngày trước C. là người chân thành và hơi lãng đãng, anh có học cắm hoa và tập sáng tác đôi ba ca khúc, nhưng từ khi trở nên thành đạt với nhiều đất đai, nhà cửa và làm chủ vài ba cơ sở kinh doanh, C. là một người khác hẳn.

Nếu gặp lúc này, anh không còn khoe mấy câu nhạc góp mà chỉ nghe anh than :
- Mình bị bệnh mất ngủ... Cứ mở mắt thức dậy là phải chi ra một đống tiền cơ bản cho nên sợ một ngày mới đang đến, do đó mình không dám nhắm mắt ngủ... mong sao ngày mai vẫn là hôm nay !

Thấy có người chịu nghe, anh tuôn trào:
- Mình cố gắng làm việc thật nhiều để thật giàu... lúc đó mình sẽ thực sự được nghỉ ngơi, không làm gì hết...
- Không làm gì thì buồn chết ? – Tôi ngạc nhiên
- Mình sẽ vẽ... mình mơ vẽ tranh từ hồi còn nhỏ nhưng đến nay, mình vẫn chưa có dịp cầm cọ...

Ngay sau đó, anh lại “nhờ” tôi xài dùm một đống túp màu sơn dầu mà anh mua trong những lần ra nước ngoài. Tôi ngần ngại:

- Sao không giữ để vẽ ?
Anh nằn nì:
- Xài giùm, chứ để lâu nó khô hết... Uổng !


(còn tiếp ...)

3. Thân & Tâm an lạc - Đoàn Khoa


Chị là một ngôi sao sân khấu lừng lẫy một thời, tôi thuộc thế hệ sau.
Nhờ đôi ba lần làm việc chung, bắt được “điện”, chúng tôi trở thành những người bạn cực kỳ thân thiết, bất chấp sự cách biệt tuổi tác.
- Em cám ơn chị - Tôi nói ngay khi vừa gặp lại chị trong quán cà phê.
- Về chuyện gì ? – Chị ngạc nhiên
- Về “Bầu trời xanh” hôm trước – Tôi trả lời
- À !!!

Hôm nọ, khi tôi buồn quá đỗi, cũng tại quán cà phê này, sau khi nghe tôi than thở, chị kể tôi nghe một câu chuyện:
- Mình như một bầu trời màu xanh, còn hạnh phúc được ví như những đám mây trắng. Ngày nọ mây trắng bay qua làm bầu trời xanh trở nên lộng lẫy và tuyệt đẹp, nó làm mình sung sướng, mình muốn giữ nó mãi, nhưng không thể vì gió lại thổi mây trắng bay đi... Rồi nỗi bất hạnh – tượng trưng bởi đám mây đen - ngày nào đó bay ngang, che kín cả bầu trời màu xanh trong trẻo, nó làm ta xấu xí và khổ đau... Ta cố sức muốn xua nó đi, nhưng cũng không thể...

... Câu chuyện trên chị đã nghe trong một buổi thuyết pháp, nay truyền lại cho tôi và nó có giá trị tuyệt vời vì đến thật đúng lúc. Nếu dùng từ “ngộ” ở đây có lẽ hơi quá đáng, nhưng trong thời điểm đó, có cơn gió mát dịu dàng bay suốt tận đáy tim tôi, nó xoa dịu cái mà tôi gọi là não phiền, đau khổ...
...
Chị cho tôi biết rằng chị vừa an ủi D.
- Nó bị sao ? – Tôi tò mò
- Nó buồn thê thảm vì thất bại và luôn nghĩ rằng đời mình lận đận... Nó ví nó như một ông vua nhưng sanh nhằm thời loạn lạc !!!
- Rồi chị an ủi nó cách nào ?
- Chị cũng không biết nói sao, chỉ kể rằng hồi nhỏ, xem tử vi cho chị, người ta tiên đoán đời chị đầy dẫy thăng trầm, thân mình thì cô độc, truân chuyên, thậm chí mang số ăn mày... nghĩ tới điều đó, chị cứ buồn hoài... nhưng đến bây giờ, gần cuối cuộc đời, chị mới ngộ ra những bí ẩn trong lá số của chị !


Tôi chợt cảm ngay ra điều chị vừa nói.

Có ai tưởng tượng được rằng người nữ diễn viên tài sắc này lại cô đơn vô tả trong khung cảnh náo động liên tục xung quanh ? Có lẽ nhờ trải qua quá nhiều thăng trầm trong cuộc đời mà những nhân vật của chị trên sân khấu lúc nào cũng mang nhiều tâm trạng và đầy nghịch cảnh.

Ngay từ thời thanh xuân, chị đã có thiên hướng từ thiện. Chị làm tất cả những chuyện khó khăn này cho đến tận ngày nay một cách tự nhiên, nồng nàn và tận tụy .

Thì ra chị đã dùng tiếng tăm và uy tín của mình để thường xuyên đi xin người hảo tâm, giàu có giúp đỡ cho những người già nua, bệnh tật và các trẻ em bất hạnh.
- Rồi chị còn khuyên D. điều gì nữa không ? – Tôi trở lại câu chuyện hồi nãy.
- Chị nói rằng theo thuyết nhà Phật, cái đau khổ mà ta đang gặp hiện tại là nghiệp chướng nào đó mà ta đã gây ra trong các kiếp trước. Mỗi người chẵng ai chạy thoát khỏi số phận của mình, thôi thì hãy xem đó như là thử thách để ta sống can đảm hơn và nhân ái hơn trong cuộc đời khắc nghiệt này.

Nhờ chị, tôi thấm nhiều hơn những câu chuyện về Phật pháp, không những thế, cách sống của chị đã cho tôi bài học hay. Chị tìm bình yên trong sự xáo động.

Đạo Phật ở chị không thụ động, bi quan và khép kín trong thế giới riêng chính mình mà trải lòng và xông xáo để cuộc sống mình cũng như của người khác vui hơn.
- Theo em, cần một ít sóng gió để người nghệ sĩ có thêm tư liệu sáng tác... – Tôi thêm
- Không chỉ nghệ sĩ, ai trên đời cũng vậy, càng trải qua nhiều khó khăn, càng thấy cuộc sống là quý giá. Có người nào tự hài lòng về số phận mình đâu ! ...Biết bao người tài hoa nhưng đời họ thật là bi đát, nhưng không vì thế mà ta gọi họ là bất hạnh... Lật lại sách xưa mà coi, ngay cả
Đức Khổng Tử, con người tài năng vẹn toàn, đức độ cao thâm, vậy mà đời Ngài vô cùng lận đận, ba chìm bảy nổi, không sống yên ở một nơi, phải trôi giạt qua tận sáu nước, mãi sau năm sáu mươi tuổi, Ngài mới được trọng dụng và người đời biết tới... Tụi mình thì nghĩa lý gì... – Chị thở dài...

...
Đêm đã quá khuya, mãi vẫn không ngủ được, trong lúc chờ sáng, tôi bước ra sân thượng nhỏ để hít cái lạnh của bóng đêm . Tôi nhìn lên bầu trời đầy sao và tự hỏi rằng các đấng linh thiêng có tồn tại trong thế giới đầy bí ẩn này không ?

Mùi nguyệt quế ở đâu thoang thoảng...
Như vô thức tôi đọc câu kinh mà chị đã khuyên D. nên nguyện mỗi khi lòng dạ rối bời:
“Nghiệp chướng tiêu trừ
Não phiền đoạn diệt
Thân - Tâm an lạc...”


Đoàn Khoa
tháng 03-2008

The substitute - by Doãn Quốc Ti Oui


Đây là bài viết trong lớp, dĩ nhiên là cho sự giúp đỡ của các phụ huynh hay cô phụ giảng gì đó, nhưng chắc ý tưởng weird này chỉ có Oui nghĩ ra mà thôi!
Mẹ Hoà.

THE SUBSTITUTE

This morning I went to Oka. The door opened. There was a stranger and the class screamed. It is the substitute. He is made out of numbers. He had 9 heads. He said, "Who's there".


He stepped in to the room. The substitute said, "What is nine plus one hundred?". I said, "One hundred and nine". It is recess time. The substitute stepped next to the door. He said, "No recess, no lunch". We tried to hide.

The substitute gives us a toy bat. The toy has a frown. Next he tells us to read our Bff book five times. Then he tells us to run ten laps. I feel I like the substitute.

Finally the nine headed substitute smiled and said "Bye, bye".

THE END