"Cảm nghĩ của một người đàn bà Mỹ về ngày Tết Việt Nam", Helen Coutant
(Hà Bạch Trúc dịch)
Có một sự rung động mạnh trong tôi khi đọc bài viết “Cảm nghĩ của một người đàn bà Mỹ về ngày Tết Việt Nam”, tác giả Helen Coutant, dịch giả Hà Bạch Trúc. Không chỉ là một xúc động mà phải nói là nhiều xúc động lên tiếng mạnh trong tôi. Nổi bật là những suy nghĩ rất ư là Việt Nam lại xuất phát từ hình hài của một phụ nữ Mỹ. Thứ đến, ông chồng làm thế nào để có một sự ảnh hưởng sâu đậm và mạnh mẽ từ phương Đông qua phương Tây đến thế? Và kế tiếp cũng là nỗi buồn đi cùng câu hỏi của tôi khi có sự chia tay giữa tác giả Helen và chồng. Một sự đứt gãy thật khó hiểu khi mà một người đã chịu ảnh hưởng và hòa nhập vào lối suy nghĩ rất ư Đông phương của người kia? Câu hỏi đó vẫn tồn tại trong tôi cho đến ngày hôm nay. Cho dù ông chồng của tác giả đã ra người thiên cổ!
Bài viết này được truyền bá trong “mailing list” của gia đình chúng tôi. Ai mà chẳng biết người viết, cô Helen - Huệ Liên và người được viết là bác Võ Đình của chúng tôi. Cả hai “bác Gái và bác Trai” này là bạn thân của bố tôi. Năm 1974, bác Trai đã từng đến ở nhà chúng tôi, sâu trong một con hẻm cụt thuộc Quận 5 thành phố Sài Gòn.
Bác Trai là một họa sĩ tài ba tại Hoa Kỳ. Bác rời Huế, chia tay gia đình khi còn là một thanh niên 17 tuổi. Bác ấy chưa về Việt Nam lần nào, mãi cho đến năm 1974 mới là lần đầu. Bác về thăm lại quê hương, cùng với cuộc triển lãm tranh tại Sài Gòn và Huế. Bác ở với gia đình chúng tôi suốt những ngày triển lãm tại Sài Gòn. Cả nhà chúng tôi đã có cùng Bác những bữa cơm ngon đậm nét Việt Nam do mẹ nấu. Và những cuộc nói chuyện thật thú vị quanh bàn cơm đã tàn, bát đĩa ngổn ngang nhưng chẳng ai chịu đứng lên để dọn vì mải tiếp câu chuyện. Chuyện gì, tôi chẳng còn nhớ nhưng đại khái về văn hóa Việt, văn hóa Mỹ. Và đặc biệt nhất là món quà bác ấy tặng bố tôi, những bức tranh độc đáo có một không hai trên cõi đời này.
Quả là độc đáo. Có ai có thể tưởng tượng rằng những bức tranh được Bác vẽ bằng sơn dầu Bạch Tuyết không. Loại sơn dùng để sơn nhà cửa. Tranh vẽ chỉ gồm ba màu đỏ, đen và vàng và được vẽ trên những mảng gỗ phẳng, của cái tủ đứng mà mặt trên cao là cái bàn thờ gia tiên của nhà chúng tôi. Từng mảng gỗ của cái tủ là một bức tranh với đầy tinh thần và tính cách Việt Nam. Vẽ xong bác trao tặng lại bạn với lời nhắn nhủ: “Sau này, khi hữu sự ông có thể bán đấu giá, được khối tiền đấy nhé!” Bố tôi và lũ con cười khoái trá vì lời nói đó. Và sức mấy mà gia đình chúng tôi chịu bán đi một kỷ niệm đẹp và món quà tuyệt vời như thế cho dù có đói. Đúng như vậy, những bức tranh trên cái tủ thờ nay đã theo chúng tôi qua đến Hoa Kỳ với hình dáng của một bức bình phong. Chúng tôi đã tháo gỡ những miếng gỗ được vẽ, biến nó thành mảng trang trí trong chiếc bình phong để dễ dàng vận chuyển để định cư cùng chúng tôi tại Hoa Kỳ.
Trên đây là phần ôn về nhân vật được viết trong “Cảm nghĩ của một người đàn bà Mỹ về ngày Tết Việt Nam”. Cô Huệ Liên đã liệt kê gần hết những phong tục tập quán mà người Việt nào ở các thế hệ xưa cho đến thế hệ của tôi, trên dưới sáu mươi tuổi, vẫn còn được thưởng thức nó. Dọn dẹp lau chùi nhà cửa, chưng bày hoa mai hoa đào, đánh bóng lư đồng, gói bánh chưng bánh tét, thịt đông, dưa món, vịt quay, cúng giao thừa, xông đất, lì xì… Tất tất cả những thứ đó nó làm nên một nỗi niềm nung nấu người tha hương. Càng tha hương lâu ngày, dài tháng, biệt năm thì càng nhớ nó mồn một trong tâm khảm! Đó là điểm đặc biệt của bác Võ Đình mà chúng tôi nhận ra được thì chả trách người vợ đầu ấp tay gối làm sao mà không thấy cho được!?
Cô Huệ Liên ơi, đọc đi đọc lại bài viết của cô mà cháu chỉ muốn hỏi một câu thôi: “Bác Võ Đình nói gì, làm gì, và thổi những gì vào tâm của cô mà đã biến cô thành một cô gái với vóc dáng người Tây phương nhưng lại đặc sệt tính Đông phương như vậy? Hay là kiếp trước cô đã từng là một cô gái Việt Nam hay ít ra là người Châu Á? Hay còn là do vì tình yêu chân thành của cả bác Võ Đình lẫn của cô trao cho nhau mà khiến làm nên sự việc như thế? Không hiểu được!
Không biết quý vị đàn ông trên cõi đời, khi đọc đoản văn của cô Helen thì nghĩ gì? Riêng tôi, với cái nhìn của người phụ nữ và rất cá nhân nhé, Cô Huệ Liên là một người vợ hiền, chiều chồng nhất thế gian không ai bằng. Yêu chồng đến nỗi thấu hiểu tất cả mọi hành động của chồng và có thể diễn dịch ra thành lời “Khi mọi sự nô nức đã qua, tôi ra đứng bên cửa sổ cạnh chồng tôi. Tôi biết anh đang nghĩ đến gia đình ở Việt Nam, đến cha mẹ già, đến anh chị em và nhớ đến thuở ấu thơ của anh nơi quê nhà. Nhìn ra khu vườn của chúng tôi, không biết anh ấy có trông thấy cả một thời xa xưa với những phong tục tập quán, sự quý phái nho nhã, sự tận tụy và những lời khấn nguyện hay chăng?” Đấy mấy ông có thích mình sở hữu một bà vợ như vậy không ạ?
Phần kết này vẫn là một câu hỏi cho phần hậu câu chuyện. Câu hỏi lớn lắm vì chúng tôi biết bác Võ Đình và cô Huệ Liên đã chia tay. Bác Võ Đình đã có nửa khác để ôm ấp, mà phần cô Huệ Liên thì chúng tôi hoàn toàn mù tịt. Hai cô con gái của cô và bác ra sao bây giờ?
Ôi, vui đó mà buồn cũng đi theo sau. Hợp đó rồi cũng tan. Ai nào biết được!?
Ngậm ngùi nhưng lại không ngậm ngùi nữa, vì tôi vẫn thấy hai chữ “VÔ THƯỜNG” lồng lộng khắp nơi trong đời sống. Sự việc nó đâu có dừng lại để mà ta vui sướng hoặc đau buồn hoài đâu. Mọi sự đều trôi, biến hóa ở muôn vàn hình sắc, để cuộc sống cứ tiến tới, tới nữa, tới “vô thỉ vô chung” mà vẫn còn tiếp.
California, ngày 22 tháng 1 – 2022
Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment