Mar 5, 2020

NHỚ CHÚCHÚ NGÀY XƯA



Cháu Thanh và ba bô lão - giờ chỉ còn hai! 


Chị Hai chẳng nhớ chú Phong đến với Côcô nhà mình như thế nào.  Lúc đó tao còn bé lắm, chín mười tuổi gì đó.  Hình như vợ chồng bác Nha, bạn dạy học Sư Phạm với bố, giới thiệu đến nhà – vì chú, thầy giáo trẻ ở Chu Văn An, hiền lành đến … cù lần, chẳng biết tìm bạn gái.  Và Côcô, đang học Đại Học Sư Phạm Anh văn, tuy là người liến thoắng vui vẻ, nhiều bạn bè, nhưng ngoài chuyện học ra cũng chỉ biết quanh quẩn trong nhà…

Từ đó chú “được phép” đến thăm và tán tỉnh Côcô.  Lần nào đến cũng đầy tay kẹo, bánh, sô cô la v.v… cho bà cô hay ăn vặt dĩ nhiên, mà cũng để cưng chiều lũ cháu lau nhau trong nhà. Riêng chị Hai là đứa lớn nhất, thỉnh thoảng được đặc biệt chú chở trên chiếc Lambretta ra tiệm kem Cẩm Bình mua một túi kem vani bọc sô cô la về cho cả nhà, ngon không kém gì cây eskimo rạp Eden.  Hoặc ra tiệm bánh gì ở đường Nguyễn Tri Phương chuyên bán xí mụi, ô mai, cà na tha hồ mà chọn mang về.  Mẹ vẫn thường bảo con Thanh thủa đó được chú đắp cho không biết bao nhiêu là kẹo bánh và ô mai



Chú sống tròn trịa với người trên kẻ dưới.  Cứ đầu tháng lãnh lương là chú lại trịnh trọng mời anh chị và các cháu đi ăn tiệm, khi thì nhà hàng Thanh Thế ngoài phố, khi thì mì vịt La Kay, rồi đưa cô đi xem xi nê.

Như thế được một hai năm gì đó thì chuyện quan trọng phải đến: Côcô mình lên xe hoa!  Đám cưới đầu tiên trong họ nên cả họ hào hứng chuẩn bị.  Chú Kiệm huy động thợ trong hãng về nhà mình quét vôi trong ngoài, sơn phết lại toàn bộ cửa lớn cửa nhỏ.  Và le lói nhất là chú sắm một máy quay phim chỉ để ghi lại mấy ngày trọng đại ấy.  Chả hiểu mấy em bên chú có còn giữ được mấy thước phim này không nhỉ.

Một tuần lễ trước ngày cưới, mẹ mình thỉnh bà Tòng, họ hàng phía bên ông ngoại Tú Mỡ, qua ở suốt để trông nom mọi thứ nghi lễ bên đằng gái cho chu đáo.  Bà thuộc tiểu thư Hà Nội xưa nên phép tắc nền nếp ghê lắm.  Bà dạy Côcô đủ chuyện, từ cách têm trầu cánh phượng để bày bàn thờ, cách đi đứng cho khoan thai, cách cầm quạt và vén áo dài như thế nào để quì lễ gia tiên ,,, Côcô phải tập hàng ngày và khi nào rảnh rỗi thì vội vàng xà vào mẹ mình để hỏi “Chị chị, thế mình nấu canh dưa như thế nào?” để rồi tay bút tay sổ ghi ghi chép chép.  Xưa tới giờ bà cô mình có phải làm bếp đâu, nên giờ mới gấp rút học nghề.

Ngày cưới thật trang trọng, Côcô mình thật đẹp và cũng thật khác xa với các cô dâu thời đó.  Cô Phương Dung bạn thân xinh đẹp đã diện cho cô độc đáo:  thay vì áo hồng thì lên áo vàng lộng lẫy, thay vì đội vòng hoa voan thì cô chỉ cài một chiệc vương miện xinh xinh là đủ đẹp như công chúa.  Chú trong vai chú rể vẫn hiền lành như thường ngày trong bộ vét và cà vạt cổ điển.
Rồi đến lúc rước dâu về đằng trai, tao còn nhớ cả cô lẫn mẹ đều ôm nhau khóc ròng … Bà Tư, bà Tòng đều chặc lưỡi “Ơ hai chị em này lạ nhỉ … nhà chồng ở ngay Lý Thái Tổ, đi hai con đường là đến, xa xôi gì đâu mà khóc!!!”

Mà đúng thế, từ đó hàng tuần mẹ dành ngày chủ nhật để nấu một món gì thật ngon vì cô chú về thăm.  Chú chính thức trở thành Chúchú của Côcô nhà mình.

Nhìn suốt một đời chú làm rể nhà Doãn thì thấy chú là ruột chứ không phải rể.  Ông bà nội mình ở tận ngoài Bắc, nên chú đối với bố mẹ mình không chỉ như anh chị ruột mà còn hơn thế nữa – hơn ở chỗ coi như quyền huynh thế phụ, chú trân kính bố mẹ mình như vai bố mẹ vợ.  Cứ đọc những lời nhắn nhủ của chú trước khi qua đời là thấy ngay: “Cám ơn Thày Đẻ (tức là ông bà nội), anh chị Sỹ đã cho con một người vợ hiền thủy chung sống với con trọn cuộc đời …”  Đọc mà rớt nước mắt…

Với các cháu chú bao giờ cũng đằm thắm, lúc nào cũng vỗ về, khen ngợi, khuyến khích thường xuyên.  Nhớ xưa chị Hai tụi bay dốt toán có hạng.  Đến năm thi Baccalauréat thì xụt xịt khóc lóc, môn gì cũng giỏi, chỉ sợ rớt vì môn toán.  Thế là tối tối sau khi cơm nước, Chúchú qua giảng lại những bài toán từ đầu cho con cháu gái, vừa vỗ về cho nó bớt lo … Rồi may mắn sao nó cũng bơi vượt qua sông, đậu ngon lành bình thứ.

Lại đọc lời chú:  “Các cháu ơi Côcô Chúchú có phải là cô chú ruột không.  Nhờ các cháu Khánh Liên cùng các cháu khác phụ với các con cô chú săn sóc cô nhé.  Cám ơn các cháu.”

Chúchú ơi, cháu khóc chú ruột thit còn hơn cả các chú ngoài Bắc nữa.  Các con Anh Bi Xiu Em của cháu cũng khóc Ông Trẻ Phong:
“Oh buôn qua …”
“O thuong qua …”
“So sad, Ong Tre was so sweet and lovely”
“Ohh no, that’s so sad”

Cháu Thanh





Bác Thanh viết rất hay và cảm động. Ngọc đọc lớn một lần cho cả nhà nghe, sau đó cô đọc lớn lần 2, rồi cô lại đọc thêm lần nữa mà dường như chưa thấy đủ..Có nhiều chi tiết bác T kể em không nhớ. Bác T có viết lại bằng tiếng Anh thể theo lời yêu cầu của Nam Phương không? Mẩu văn nhỏ của cả Thái cũng hay luôn. Mỗi đứa nhớ chú một kiểu. Mỗi đứa chú chiều một kiểu.
Các cháu ở căn B thì không cần phải lần về quá khứ vì bao nhiêu năm nay chạy qua chạy lại với cô chú hằng ngày.

Hiếu và Ngoct -đang ráo riết chuẩn bị cho tang lễ. Vinh phụ trách các hình thờ của chú đã xong. B K và b L thì phải đối phó với những lúc cô mếu máo hỏi chú đâu. Thằng Tuấn có cách nói rất hay: "Ba đang đánh cờ tướng với ông nội." Út Tú thì sweet lắm. Luầy quầy với "má" cả buổi sáng, đền chiều mới về đón con. Hai Hà và Ngọc dĩ nhiên là thành phần chủ chốt. Khen các con của cô thì bao giờ cô cũng cười sung sướng. Chúc chắc cũng cười nơi chín suối.

Cháu Khánh



No comments: