NGHỆ THUẬT YÊU THƯƠNG
[…]
Chúng ta cần phải học giáo lý mà Bụt dạy về nghệ thuật thương yêu.
Yếu tố thứ nhất của tình thương đích thực là Từ (Maitri). Tình thương đích thực là phải có khả năng mang lại hạnh phúc. Lòng Từ là một năng lượng có thể mang lại hạnh phúc cho ta và cho người kia. Nếu một tình yêu mà không thể mang lại hạnh phúc thì đó không phải là tình yêu. Đó là một cái gì đó khác. Đam mê, thèm khát, thú vui dục tình, mong muốn chiếm hữu… tất cả đều không phải là tình yêu. Vì vậy, Từ là một loại năng lượng mà chúng ta phải vun trồng, tưới tẩm.
[…]
Và cách để vun trồng, nuôi dưỡng lòng từ là phải có thời gian để nhìn và để hiểu. Hiểu được những đau khổ, khó khăn và nhu cầu của người kia, cũng như là những đau khổ, khó khăn và nhu cầu của chính mình. Chúng ta cần thời gian để nhìn vào chính mình. […] Và chúng ta phải có khả năng chấp nhận được mình như mình đang là, do vậy hiểu biết chính là nền tảng của lòng Từ. […] Nếu chúng ta có thể hiểu được những khó khăn, đau khổ của mình, chúng ta sẽ cảm thấy yên ổn hơn nhiều, chúng ta chấp nhận được chính mình.
Kế đó, khi chúng ta nhìn vào người kia, chúng ta sẽ hiểu những đau khổ và khó khăn của người đó một cách dễ dàng hơn nhiều. Do đó, bước thứ nhất là phải hiểu mình và chấp nhận chính mình. Bước thứ hai là hiểu người kia và chấp nhận người đó. Không có sự hiểu biết và chấp nhận này thì cũng khó mà có được hạnh phúc và nuôi dưỡng được tình yêu đích thực.
Yếu tố thứ hai của tình yêu đích thực là Bi. Bi là một năng lượng có thể giúp trị liệu. Khi chúng ta có sự bi mẫn trong lòng thì chúng ta sẽ bớt khổ đi nhiều và có thể mở lòng ra một cách dễ dàng hơn. Hãy nhìn sâu vào người kia, chúng ta sẽ thấy những nỗi khổ niềm đau trong người đó. Người đó là nạn nhân của những khổ đau của chính họ. Và người đó không biết cách ôm ấp những đau khổ của mình nên cứ tiếp tục đau khổ và làm chúng ta đau khổ dù không phải người đó muốn như vậy. Vì vậy, hiểu được nỗi khổ trong người đó, chúng ta không còn giận họ nữa mà ngược lại, muốn làm một cái gì đó, nói một điều gì đó để giúp người đó bớt khổ.
[…]
Khi chúng ta có rất nhiều năng lượng của Bi, gọi là Đại Bi, thì chúng ta cũng là một vị Bồ Tát. Chúng ta là một vị Bồ Tát vì tình thương trong ta rất lớn, trái tim ta có thể ôm hết, không những người thương của ta mà bao trùm lên tất cả. Đại Từ, năng lượng từ phải được vun trồng. Và nếu không tiếp xúc với khổ đau, không có sự hiểu biết về khổ đau, chúng ta không thể chế tác được lòng Từ. Khi lòng Từ được sinh ra thì cũng bắt đầu có sự trị liệu, trị liệu cho chúng ta và trị liệu cho thế giới. Với sự thực tập Từ quán và Bi quán, chúng ta sẽ ít khổ hơn, chúng ta bắt đầu nếm được cam lộ của tình thương và chúng ta dễ dàng mở lòng ra hơn với cuộc đời.
Yếu tố thứ ba của tình thương đích thực là Hỷ (niềm vui). Nếu tình yêu của ta không mang lại cho ta niềm vui và làm cho người kia khóc suốt ngày thì đó không phải là tình yêu đích thực. Vì vậy, dấu ấn của tình thương đích thực là niềm vui và niềm vui cũng là sự trị liệu.
Yếu tố thứ tư là Xả, nghĩa là sự mở lòng, không loại trừ, không kỳ thị. Xả có nghĩa là chúng ta mở lòng mình ra và để cho người kia đi vào trong trái tim của mình. Bởi vì nếu không mở lòng thì làm sao mà chúng ta có thể ôm lấy người kia được. Nếu cứ tiếp tục như vậy, trái tim ta sẽ càng ngày càng lớn và lớn thêm ra. Và chẳng bao lâu sau, chúng ta sẽ ôm hết mọi người vì chúng ta không còn sự kỳ thị với ai nữa. Trái tim của chúng ta sẽ rộng lớn vô cùng nếu chúng ta có thể ôm hết tất cả mọi người trong trái tim mình. Đó là tình thương của Bụt, tình thương không loại trừ bất cứ một ai, không chỉ đối với loài người mà còn cả với các loài động vật, cỏ cây, đất đá. Tất cả được ôm trọn trong tình thương đó. Đó là sự bình đẳng, không phân biệt.
Như vậy, giáo lý của Bụt về tình thương rất rõ ràng và cụ thể. Nếu chúng ta thực tập, chúng ta tưới tẩm bốn yếu tố này thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay lập tức. Chúng ta không cần phải mất nhiều năm, nhiều tháng. Khi chúng ta thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, hạnh phúc sẽ bắt đầu có mặt trong trái tim ta. Ngay khi đó, chúng ta sẽ mở lòng ra được với chính mình và với những người xung quanh ta.
“Làm thế nào để thực sự mở lòng ra?” - Thích Nhất Hạnh
No comments:
Post a Comment