Jun 1, 2018

BỐ SỸ TẠI HỘI NGỘ 60 NĂM TRUNG HỌC TRƯỜNG TRẦN LỤC


Hội Ngộ 60 Năm Trung Học Trần Lục (1958-2018) với Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ và Đỗ Kim Bảng - May 30, 2018

       
Các giáo sư và cựu học sinh Trần Lục trong buổi tổ chức Hội Ngộ 60 Năm Trần Lục (1958-2018), tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

ANAHEIM, California (NV) – “Trung Học Trần Lục trong khu Tân Định, Sài Gòn thời VNCH, nằm trên hai con đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Đình Chiểu. Trường này do Linh Mục Trần Lục thành lập từ năm 1950 tại tỉnh Ninh Bình. Cho đến năm 1954 thì cũng như một số trường khác di cư vào miền Nam, và trường này vẫn tên là Trần Lục, người hiệu trưởng đầu tiên là Linh Mục Long. Năm 1971, đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì trường đổi tên là Nguyễn Du.”

Ông Phạm Gia Đại, cựu học sinh Trần Lục, trưởng ban tổ chức cho biết như vậy trong buổi Hội Ngộ 60 Năm Trần Lục (1958-2018), diễn ra vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, 27 Tháng Năm, tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim. Với sự tham dự của quý thầy cô, quan khách, các cựu học sinh Trung Học Trần Lục (1958-2018) và gia đình cùng thân hữu.

“Chúng tôi là những cựu học sinh đã vào học lớp Đệ Thất từ năm 1958, cho đến bây giờ là đúng 60 năm. Thì đó là mốc thời gian dài và có ý nghĩa. Chính vì thế, nên chúng tôi là cụu học sinh Trần Lục từ Bắc, Nam California và nhiều nơi khác đứng ra tổ chức buổi họp mặt hôm nay. Mục đích là để các thầy cô, bạn cũ có dịp gặp gỡ, hàn huyên tâm sự và ôn lại những chuyện vui buồn khi còn dưới mái trường thân yêu Trần Lục,” ông Đại cho biết thêm.

Theo ban tổ chức, trong buổi hội ngộ đặc biệt này, ngoài những thầy cô, bạn hữu tại Hoa Kỳ, còn có những người đến từ phương xa như Pháp, Úc,… Đặc biệt nhất, với sự hiện diện của hai vị thầy rất có tiếng tăm, đó là Giáo Sư-Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ và Giáo Sư-Nhạc Sĩ Đỗ Kim Bảng.



(Trái giữa) GS Doãn Quốc Sỹ & GS Đỗ Kim Bảng cắt bánh sinh nhật 60 Trần Lục. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau khi rời mái trường Trần Lục, các cựu học sinh có một số phải đi vào quân đội, một số học tiếp tục để trở thành những nhân tài của đất nước và đã từng phục vụ cho chính phủ VNCH. Sau biến cố vào cuối Tháng Tư, 1975, một số anh em phải đi tù Cộng Sản. Sau 60 năm trôi qua, những bạn đồng môn có người thì tha hương nơi hải ngoại, có người thì vẫn còn ở trong nước, và cũng có rất nhiều người đã mất theo định luật của thời gian.

Qua mấy chục năm xa cách, có nhiều anh em mới có dịp gặp lại thầy cũ, bạn xưa trên đất lạ quê người, nên ai nấy đều cảm động, vì khi các cựu học sinh Trần Lục mới mười mấy tuổi đầu đã bước chân vào trung học, trong lứa tuổi học trò đã gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm.

Vì thế, hôm nay là dịp hiếm có, nên ban tổ chức cố gắng tổ chức cho bằng được, vì họ biết rằng, sẽ không còn có hội ngộ lần thứ nhì trong 60 năm kế tiếp. Lý do là, bây giờ, họ cũng đã “thất thập cổ lai hy” rồi.

“Thành ra, buổi hội ngộ này là thời điểm rất đặc biệt để cho thầy cô và các đồng môn có dịp gặp gỡ đông đảo, có thể nói là, một buổi hội ngộ đông đảo lần cuối để đi vào lịch sử của Trung Học Trần Lục,” Phạm Gia Đại tâm tình thêm.

Các thành viên trong ban tổ chức Hội Ngộ 60 Năm Trần Lục (1958-2018), tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Giáo Sư-Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, cư dân Garden Grove, định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, đã 95 tuổi, nên thầy cũng không còn nhớ thầy đã dạy học tại Trần Lục vào năm nào. Nhưng thầy vẫn còn nhớ là khi trường Trần Lục đầu tiên có mặt tại Sài Gòn, Mục Sư Long là hiệu trưởng, và thầy cũng không nhớ rõ ông họ gì?

Tuy rằng tuổi già, sức yếu, nhưng trước mặt mọi người, thầy cũng có lời tâm tình: “Có nhiều trường hợp tôi đang đi bên lề đường bên này, thì có một anh bạn trẻ bên lề bên kia chạy sang để gặp tôi, và nói: Thưa thầy, con đã học thầy năm nào, trường nào. Vì thế, theo tôi, lương nhà giáo thì thanh đạm thôi, nhưng tình thầy trò thì vô giá.”

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, giáo sư của trường Trần Lục và Nguyễn Du từ 1960-1975, cư dân Westminster, định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1980. Thầy đã nổi tiếng qua nhiều bài nhạc đã soạn từ trước 1975 như Bước Chân Chiều Chủ Nhật, Mưa Đêm Ngoại Ô, Mùa Thi, Tiếng Hò Thôn Vỹ, Muộn Màng, Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình (viết chung với nhạc sĩ Y Vân), Khúc Hát Ngày Mai, Hẹn Em Mùa Xuân Thắm, Trắng Đêm Kỷ Niệm, Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu,…

Trong buổi hội ngộ, thầy tâm sự: “Văn hóa của Việt Nam trong thời Việt Nam Cộng Hòa đã trong tâm niệm của học trò là ‘nhất tự vi sư’. Vì thế, dù rằng có xa cách bao nhiêu năm đi nữa, nhưng tình thầy trò vẫn không bao giờ quên được. Thế nên, chúng tôi mới có mặt hôm nay.”

Một trong số cựu học sinh đến từ các quốc gia khác, ông Phạm Hữu Bản, đến từ Paris, Pháp, chia sẻ: “Tôi đã đến Nam California rất nhiều lần, lý do là để thăm viếng thầy cô và bạn học cũ Trần Lục từ năm 1959. Tôi rất vui mừng khi được tham dự 60 Năm Hội Ngộ Trần Lục. Tại vì, theo tôi nghĩ, không bao giờ có được dịp khác nữa. Điều vui mừng nhất của tôi là, tôi đã gặp lại vị thầy của tôi là Giáo Sư Đỗ Kim Bảng, mà sau 60 năm xa cách thầy vẫn còn nhớ tôi.”

Một chương trình văn nghệ rất đặc sắc qua những tiếng hát của cựu học sinh của các trường trung học như Trần Lục, Trưng Vương, Chu Văn An, Nguyễn Bá Tòng, Gia Long, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Lê Ngọc Hân, Nhóm Thân Hữu Nguyễn Chí Thiện,… Với sự điều hợp chương trình của MC Vũ Quốc Phong.

Để thắt chặt thêm tình đồng môn, xin liên lạc về Ban Tổ Chức: Phạm Gia Đại (714) 483-6743, Nguyễn Mậu Tùng (714) 717-2302, Nguyễn Thái Đại (310) 349-6597, Phan Kim Tân (714) 606-8655, Nguyễn Cường (714) 548-9379, Tống Quang Uyển (714) 775-1173, Trương Hán Phụ (714) 530-4510, Trần Duy Chỉ (714) 725-9676, Vũ Trọng Tiến (209) 470-8160, Lê Văn Tỉnh (510) 387-7544, Nghiêm Hữu Hùng (510) 289-0256, và Khổng Trọng Hinh (408) 590-3574.

No comments: