Jun 27, 2018

IM LẶNG HÙNG TRÁNG





Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, con biết đức Thế Tôn đã để thì giờ nhiều để giảng dạy giáo pháp cho bốn chúng đệ tử. Những lời Thế Tôn nói có công năng khai mở tâm trí của người nghe, giúp họ buông bỏ những tri giác sai lầm, chỉ cho họ thấy con đường đi lên, ủy lạo, vỗ về và gây cho họ thêm niềm tin và năng lượng để đi tới. Có những lúc Thế Tôn ngồi yên mỉm cười không nói, và không trả lời cả những câu người ta hỏi, bởi vì Thế Tôn thấy rằng trong những lúc ấy im lặng hùng tráng và im lặng sấm sét còn hùng biện hơn lời nói. Ước ao gì con cũng được như đức Thế Tôn, khi nào cần nói thì mới nói, khi nào cần im lặng thì im lặng. Bạch đức Thế Tôn, con xin hứa với đức Thế Tôn là từ nay về sau, con sẽ xin tập nói ít lại. Con biết trong quá khứ con đã nói quá nhiều, con đã nói những điều không ích lợi gì cho con và cho những người nghe con, con lại đã nói những điều gây khổ đau cho người khác và cho cả con nữa. Trong bài pháp thoại đầu mà đức Thế Tôn giảng cho năm thầy ở vườn Lộc Uyển, Thế Tôn có nói tới sự thực tập chánh ngữ, một trong tám phép thực tập gọi là Bát Chánh Đạo. Sự thực tập chánh ngữ của con còn đang yếu kém. Vì tri giác sai lầm, vì tư duy không chín chắn, và vì giận hờn, tự ái hay ganh tỵ, con đã nói những lời gây nên đổ vỡ, làm cho sự truyền thông giữa con và người khác trở nên khó khăn. Con biết khi sự truyền thông trở nên khó khăn hoặc bế tắc thì hạnh phúc không còn và khổ đau có mặt. Con nguyện từ đây mỗi khi trong con có tâm hành bực bội, tự ái và ganh tỵ, con sẽ trở về với hơi thở chánh niệm để nhận diện những tâm hành bực bội, tự ái và ganh tỵ ấy mà không mở miệng nói năng. Khi được hỏi tại sao con không nói, con sẽ thành thật thú rằng vì trong tâm con có sự bực bội, buồn chán hay ganh tỵ cho nên con sợ rằng nói năng sẽ gây ra đổ vỡ, và con xin sẽ được phát biểu trong một dịp khác, khi tâm con an tĩnh hơn. Con biết làm như thế là con bảo hộ được cho cả con và cho cả người kia. Con biết con không nên đè nén những cảm xúc của con, và vì vậy con sẽ sử dụng hơi thở chánh niệm để nhận diện và chăm sóc những cảm xúc ấy và tập nhìn sâu vào cội nguồn của chúng. Thực tập như thế, con có thể làm lắng dịu và chuyển hóa được những niềm đau nỗi khổ trong con. Con biết là con có quyền và có bổn phận nói cho người thân của con nghe về những khó khăn và khổ đau của con, nhưng con phải chọn nơi chọn lúc cho đúng rồi con mới nói, và khi nói con phải sử dụng phép ái ngữ. Con không dùng ngôn ngữ của sự trách móc, buộc tội và lên án. Con chỉ nói đến những khó khăn và đau khổ của con thôi và mong rằng người kia hiểu được những đau khổ và khó khăn ấy của con mà thôi. Trong khi nói, con có thể giúp người kia buông bỏ những tri giác sai lầm của người ấy về con, điều này giúp được cho cả hai phía. Trong khi nói, con cũng ý thức được rằng có thể trong những lời con nói có những điều đã phát sinh từ nhận thức sai lầm của con về con và về người ấy, và cầu mong nếu người ấy thấy được những yếu tố của nhận thức sai lầm ấy thì xin vui lòng chỉ bảo và soi sáng cho con. Con xin hứa với đức Thế Tôn là trong khi nói, con sẽ nhớ rằng những lời con nói phải có tác dụng giúp người kia hiểu thêm về con và về người ấy, và những lời con nói không mang tính cách trách móc, phê phán, chê bai và hờn giận. Trong khi con nói, có thể là những vết thương trong con bị chạm tới, và tâm hành buồn giận trong con sẽ được phát khởi. Con xin hứa là mỗi khi tâm hành buồn giận và bực bội ấy phát khởi, con sẽ ngừng nói và trở về theo dõi hơi thở để nhận diện và mỉm cười với nó. Con sẽ xin phép người đang ngồi nghe con cho con ngưng lại một vài phút. Chừng nào nhận thấy tâm con bình an trở lại, con mới tiếp tục thực tập nói ra những cảm nghĩ và nhận xét của con. Rồi khi người ấy nói thì con sẽ lắng nghe bình tĩnh và với tâm không thành kiến. Trong khi nghe, nếu con nhận thấy có những điều người ấy nói không phù hợp với sự thực, con cũng sẽ không cắt lời người ấy, mà vẫn hết lòng lắng nghe để tìm hiểu những lý do nào đã đưa tới tri giác sai lầm của người kia, để thấy con đã làm gì nói gì để người ấy hiểu lầm con như vậy, và con sẽ hành xử như thế nào trong những ngày tới để giúp người ấy điều chỉnh nhận thức của họ. Và khi nghe người ấy nói xong, con sẽ chắp tay cám ơn người ấy đã soi sáng cho con, và hứa sẽ chiêm nghiệm lại cho sâu sắc về những điều người ấy nói, lòng dặn lòng rằng trong tương lai sau khi đã quán chiếu kỹ lưỡng con sẽ giúp người ấy buông bỏ những nhận thức sai lầm của người ấy về con và về chính người ấy.

Địa Xúc
Xin đức Thế Tôn cho con lạy xuống trước Thế Tôn và trước đức Bồ Tát lắng nghe Quan Thế Âm. (C)

Thích Nhất Hạnh

No comments: