Jun 19, 2018

NIỀM VUI


“Vui học và hành trì
Dù chưa có bạn hiền
Nhưng vẫn sống an nhiên
Như voi giữa rừng vắng.”

Thích Phước Tịnh -
dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng





Rượt đuổi niềm vui

Trong đời sống nhân thế, chúng ta thường có nhu cầu rượt đuổi niềm vui để lấp kín đời mình.  Có người lấy việc làm ra của tiền làm niềm vui; có người cần kiếm chút chức danh làm niềm vui. Lại nữa, chúng ta thường kiếm mọi việc hướng ngoại rất vọng động để lấp đầy nỗi trống trải và sợ sệt. Sống như vậy, chúng ta chỉ lo lắng tương lai hoặc gậm nhấm quá khứ, chưa bao giờ sống được ngay phút giây hiện tại.

Trong đời sống tâm linh, khi chưa trải nghiệm công phu hành trì, chúng ta có nhu cầu rượt đuổi niềm vui trong những sinh hoạt hướng ngoại như tụng tán, lễ nghi, hoặc vào những công trình như xây dựng già lam tự viện, tổ chức hành hương ngày Tết v.vv. Chúng ta thường biện minh rằng mình đang làm Phật sự nhưng sống như vậy, chúng ta chỉ là rượt đuổi niềm vui phù du bằng mọi việc lăng xăng ngược xuôi bên ngoài, không liên quan gì đến niềm vui với pháp thực tập ngay tự nội bên trong.


Nắm giữ niềm vui


Sự sống vốn bồng bềnh trôi nổi -  luôn bất định chưa bao giờ đứng yên.
Cơ thể vốn bất định - hôm nay khoẻ, ngày mai có thể bịnh.
Cảm xúc vốn bất định -  nay vui, sau đó có thể buồn.
Đời sống xã hội vốn bất định - chẳng ai tiên liệu được những gì sẽ xảy ra.

Niềm vui cũng thế - đến rồi đi rất nhanh. Thế nhưng chúng ta luôn có khuynh không chấp nhận điều này, chỉ muốn nắm chặt trong tay niềm vui vừa có được. Chúng ta quên rằng từ bụng mẹ đi vào đời, ta chưa hề mang theo chi cả, và khi ra đi, ta cũng chỉ là một con người trần trụi! Vậy tại sao ta phải lo nắm giữ niềm vui và những thứ kiếm được trong cuộc sống phù du này để cả đời không sống được một ngày bình yên?


Thưởng thức niềm vui


Trong đời sống nhân thế, nếu biết chấp nhận bản chất bồng bềnh của đời sống, nếu hiểu được niềm vui chỉ kéo dài trong khoảnh khắc, chúng ta sẽ thưởng thức niềm vui một cách trọn vẹn – vui khi niềm vui đến và cũng vui khi niềm vui đi.

Trong đời sống người tu Phật, nếu biết được niềm vui không phải chỉ có được nơi cảnh giới của đức Phật Dược Sư, hay Phật Di Đà, chúng ta sẽ thưởng thức niềm vui ngay bây giờ và ở đây - vui khi ngồi xếp chân kiết già, vui khi đọc một trang kinh hoặc khi đi thiền hành một mình trong rừng vắng.

Đến một lúc nào đó, ta có nhu cầu sống cô độc. Đó là lúc tâm thức ta đã trưởng thành. Đó là khi nhu cầu an trú trong thiền tập ngay trên tự thân mình dâng cao. Đó là khi ta cần một không gian riêng để thưởng thức niềm vui với chánh pháp, niềm vui trong tu tập.


Niềm vui tu tập


Hãy thử khép mắt, nhìn vào bên trong vùng tối xem điều gì đang sinh khởi!

Bước đầu, chúng ta nhận thấy hơi thở vào ra.
Bước thứ hai, chúng ta ý thức mọi trạng thái của thân như mỏi nơi vai, ngứa nơi chân.
Bước thứ ba, chúng ta nhận rõ niềm vui, nỗi buồn đang đến đi, sinh diệt.
Bước cuối cùng, chúng ta biết rõ mình đang quan sát những cảm xúc ấy, và những cảm xúc ấy không phải là mình, chỉ là những phần rất bé trong vùng trời tâm.

Khi đã nhận ra ta chính là năng lực nhận biết đang quan sát mọi vật và cảm thọ bên ngoài đang sinh diệt, và năng lực nhận biết này đích thực là trạng thái tâm không hình thể màu sắc hương vị, không sinh không diệt, luôn sáng rỡ hiện tiền, khi ấy được gọi là thấy Đạo.

Khi đã thấy Đạo, đời sống ta không còn bất hạnh do vì tất cả những xung động và xúc động sinh khởi trong tâm thức, ta đều quan sát được và không đồng nhất mình vào những xung động và xúc động ấy.


Kết luận

1)         Thấy Đạo, ta an nhiên tu tập với trái tim đầy lửa đam mê dành cho con đường tâm linh. Là người đứng ngoài quan sát, mọi tâm hành buồn vui, ghét thương không dính với ta, đời sống ta chỉ có an lạc, cho dù người thân mất, người thương quay lưng, tật bệnh đến gần.
2)         Thấy Đạo, ta sống hài hoà không chống trái với bất cứ ai trong cộng đồng. Tuy nhiên ta vẫn là người cô đơn tột cùng nhưng tràn đầy phúc lạc do vì ta đi được đến tột nguồn con đường đạo lý để đến chứng nghiệm được Niết Bàn của đức Phật dạy.
3)         Nếu chưa thấy đạo, hãy chấp nhận bản chất đời sống như vậy, không than trời trách đất, mãn nguyện với bất kỳ điều gì xảy đến với ta.

Niềm vui đến rồi chấp cánh bay đi ư? Cũng vẫn hạnh phúc!


Trích pháp thoại KẾT MỘT TRÀNG HOA – Phẩm Học Hỏi và Tu Tập 10 – Thích Phước Tịnh

No comments: