Hội Xuân Trường Sơn: cách mà người Việt hải ngoại gìn giữ
văn hóa Việt Nam
Vào ngày Thứ Bảy 5/3 vừa qua, liên đoàn hướng đạo Trường Sơn
đã tổ chức ngày Hội Xuân Trường Sơn, ngày vui Tết chung đầu năm của cả liên
đoàn, bao gồm các trưởng, các em đoàn sinh và các phụ huynh.
Khoảng 200 đầu người lớn bé có mặt trong ngày vui này. Đây
là một ngày truyền thống mà Liên Đoàn Trường Sơn đã cố gắng duy trì suốt hơn 30
năm qua. Chương trình sinh hoạt nhìn có vẻ hết sức đơn giản, giống như hầu hết
các sinh hoạt cộng đồng khác. Các em và người lớn được khuyến khích mặc áo dài
cổ truyền thật đẹp. Có múa lân, có mừng
tuổi các em. Có chương trình tế lễ trước bàn thờ tổ tiên Việt Nam. Có chương
trình đọc Sớ Táo Quân. Có các màn văn nghệ ca múa của các em bé xíu, rất hồn nhiên
trong các là điệu dân nhạc Việt. Sau đó các em cùng ăn bữa ăn trưa ngoài trời,
với các món ăn truyền thống Việt Nam như thịt kho trứng, dưa giá…
Ít có ai biết được một ngày hội xuân như vậy là sự đóng góp
âm thầm của biết bao phụ huynh và các trưởng, trong suốt vài tuần trước đó. Người
thì lo phân chia nấu nướng, rồi tự chở ra chỗ công viên sinh hoạt. Người thì lo
tập văn nghệ cho các em. Người thì lo phần sân khấu, soạn kịch sớ táo quân. Người
thì lo âm thanh, dù bạt, bàn ghế… Nhờ nhiều người âm thầm bận rộn như vậy, mà
có được một ngày hội xuân vui ý nghĩa cho các em, cho cả phụ huynh và các trưởng.
Nhưng chính cả các trưởng và các phụ huynh đôi khi cũng
không ý thức được hết ý nghĩa của công việc mình đang làm. Việc nuôi dưỡng những
truyền thống văn hóa tốt đẹp, những phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Việt
Nam cho thế hệ mai sau tại hải ngoại đã và đang được thực hiện từ những công việc
hết sức đơn giản này. Những công việc mà nhiều tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng
vẫn đang làm như một thói quen từ 40 năm qua nơi quê hương mới. Có thể ban đầu
chỉ là do sự hoài niệm, lòng nhớ quê hương. Nhưng đến nay, nó đang trở thành một
sứ mạng văn hóa quan trọng. Bởi vì nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt hình
như đang được bảo tồn ở ngoài nước, có khi còn tốt hơn cả ngay tại quê hương Việt
Nam.
Thực vậy, hãy nhìn lại trong nước mà xem. Hãy xem từ chính
các báo đài trong nước, nói về các “lễ hội văn hóa” lớn nhất nước Việt Nam: Hội
Phết Hiền Quang, Lễ Hội Khai Ấn đền Trần, Lễ Hội Gióng… Người Việt Nam thấy gì ở
đó? Chúng ta buồn bã khi chỉ thấy sự phi văn hóa, đầy bạo lực, mê tín dị đoan,
mê quyền lực, vật chất từ những lễ hội này. Những truyền thống tốt đẹp của một
nền Văn Hóa Việt Nam cổ truyền nay đang dần biết mất ngay trong nước Việt Nam. Đừng
trách tại sao nhiều người dân Việt ngày nay sao lại phi văn hóa, thừa bạo lực đến
thế. Khi một xã hội xuống cấp toàn diện về đạo đức, thì những hình ảnh đáng buồn
như vậy là không thể tránh khỏi.
Nói thêm một chút về trong nước như vậy, để càng trân quí những
nỗ lực văn hóa nhỏ như ngày Hội Xuân Trường Sơn của một liên đoàn hướng đạo tại
vùng Little Saigon. Và của cả rất nhiều hội đoàn khác, đang làm những công việc
văn hóa nhỏ tương tự. Những việc làm như vậy chắc là không nhỏ chút nào. Rất có
thể, đó là những nét văn hóa Việt tốt đẹp chỉ còn duy trì tại hải ngoại. Và đến
một ngày nào đó, chính chúng ta- những người Việt xa xứ- sẽ đem những nét đẹp
văn hóa này về gây dựng lại trên quê hương Việt Nam.
Đoàn Hưng / SBTN
No comments:
Post a Comment