Mar 21, 2016
2. TÁM VỊ BỒ TÁT - HIỂN - Ngô Thùy
HIỂN
Trước đây tôi chưa hề biết Hiển. Mà Hiển là càng chưa hết biết tôi. Chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt nhau. Nhưng bây giờ, dù vẫn chưa gặp mặt nhau, chúng tôi lại đã quen biết nhau. Như những người quen biết cũ, “the old friends”, cái chữ mà hồi mới học tiếng anh tôi vẫn chắc mẩm nó nghĩa là “bạn già”!
Khi tôi đến nàh chơi lần đầu tiên thì Hiển vừa mới cùng anh Giao, chị Thanh ra đi được một tháng. Lúc ấy tôi không chú ý, và cũng không tiện chú ý đến những người vắng mặt. Về sau mối thâm tình đã sâu, chúng tôi gần như trở thành một với “lũ trẻ” của bác. Tôi mới bắt đầu biết rõ hơn về chị Thanh và Hiển, cũng như sau này chị Thanh và Hiển sẽ phần nào hiểu được chúng tôi, tùy theo mức độ kiểm duyệt thư từ cho phép.
Tôi vốn có thành kiến xấu về những tên con trai độc thân ở nước ngoài. Hầu hết những người mà tôi biết, thường là bạn bè của nhà tôi, đều cho rằng ra đi là một canh bạc. Chỉ cần đặt vận mệnh một lần vào chuyến đi hãi hùng, nếu thoát được có nghĩa là vơ về tay mình một cuộc sống ăn chơi khoái lạc! Chấm hết! Hưởng thụ là tôn chỉ. Đọc những lá thư do người khác thuật lại hoặc thư của chính họ, chỉ thấy kể về sự tự do được thụ hưởng những thú vui vật chất một cách thả ga, và như vậy cũng có nghĩa là sự nô lệ cho những bản năng thấp nhất của con người. Cuộc sống băng hoại, con người vong thân. Việc ra đi trở nên vô nghĩa nếu không muốn nói là thà đừng ra đi còn hơn. Thảng hoặc tôi mới được nghe kể chuyện một ông giám đốc trốn vào nhà kho để viết thư cho mẹ, một ông kỹ sư sẵn sàng gửi về cho cha mẹ, anh em, họ hàng, và những người nghèo khó những gói quà đáng giá, trong khi chính mình lại tự tay vào siêu thị mua một con gà đông lạnh về kho gừng ăn suốt cả tuần. Những trường hợp đó hiếm hoi hơn là trường hợp các đức lang quân, các ông quý tử vì bận … ăn chơi nên “xin cáo lỗi cùng bạn đọc”, không có giờ viết thư về gia đình.
Điểm đặc biệt đầu tiên làm tôi chú ý ở Hiển là sự khiêm tốn (rất tự nhiên) khi tự xét bản thân. Đa số những tên con trai mới lớn thường rất khoái khai tăng trình độ học vấn của mình lên, cho nó le, và để học nhanh hơn, chóng ra trường hơn (mà không cần hiểu chút nào). Riêng Hiển, lại khai gian, tự hạ thấp xuống một lớp để “học lại cho nó chắc”, vì Hiển tự thấy rằng năm học cuối cùng của mình ở Việt Nam nó chẳng có ra gì.
Đôi khi có những buổi tối cả nhà ngồi quây quần trên sàn gác mang những kỷ niệm gia đình ra xem lại: những quyển album ngày xưa, các sổ sách, giấy tờ, vật dụng của chị Thanh và Hiển còn sót lại. Tôi cũng cùng châu đầu vào xem với chị Khánh, chị Liên, bé Hương … và trổ tài đoán xem các nhân vật nhỏ xíu cũ kỹ trong album giờ đây là ai. Hầu như tôi đoán đúng hết. Đây là chi Thanh vẻ mặt khôn ngoan điềm đạm đang choàng vai chị Khánh mắt mở to bỡ ngỡ. Đây là chị Liên mái tóc vàng như Tây con, nguyên một cái trán dồ và đôi mắt to mở thao láo trông y hệt như Tí Ti bây giờ. Đây là Thái, vị thiền sư có khuôn mặt phúc hậu nhưng đôi mắt ưa liếc xéo. Đây là Vinh với cái cười nhếch mép đểu giả từ thuở mới lên ba. Đây là Hưng, khuôn mặt tròn như cái bánh bao khác hẳn khuôn mặt dài đau khổ bây giờ nhưng vẫn rất dễ nhận ra ở đôi mắt to mở hết khổ chăm chú nhìn vào đời, và môi trên cong cong như sắp sửa tuyên bố điều gì quan trọng. Còn đây là Hiển, anh chàng “ba cầu”, một anh chàng mặt tròn vo, có đôi mắt hơi nhỏ so với kiểu mắt to tròn của cả nhà, nét mặt nhút nhát hơi có vẻ bực bội như bị ép buộc phải chụp hình. So ảnh đó với ảnh Hiển bây giờ không có gì giống nhau. Hiển bây giờ cao, rắn rỏi, khuôn mặt đẹp hơi mơ màng tư lự, đôi môi mọng đa cảm như con gái, cái cằm vuông có ngấn ở dưới môi. So với cậu bé “ba cầu” mắt nhỏ xíu ngày xưa thật khác biệt. Nhưng vẫn có chung một nét gì đó dễ nhận ra. Đó là cái vẻ e dè ngần ngại của một người đa cảm, và phần nào chán ngán những cái xấu của cuộc đời mà mình đã thấy rõ trước khi bước vào.
Nhưng tôi sẽ dừng lại đây trước khi trở thành một bà tướng số hạng bét. Tôi thích những ấn tượng cụ thể từ cuộc sống cụ thể của Hiển hơn.
(còn tiếp)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment