Mar 3, 2016

1. TÁM VỊ BỒ TÁT - HƯƠNG - Ngô Thùy




HƯƠNG

Ký ức của tôi về lần gặp gỡ đầu tiên là một hồi ức không hoàn hảo – có lẽ vì tôi đã không chuẩn bị tinh thần để được thấy mình sắp rẽ vào một nẻo đời khác, đi vào một thế giới khác, bỏ lại cuộc đảo điên mà mình đang sống.  Do đó tôi đã bước vào nhà Bác như một tình cờ không định trước.  Nhưng tới nay trong tiềm thức tôi vẫn còn lắng đọng vẻ khả ái của bé Hương, con người bé nhất nhà, trước khi Tí Ti và Tiny ra đời, và cũng là người được yêu chiều nhất sau Tí Ti và Tiny.

Đó là một buổi trưa hè.  Theo lời mời của Thái, bạn thân của nhà tôi, chúng tôi cùng đi trốn cái nắng gắt gay của hè phố chợ trời, về ẩn náu vài giờ trong “ngôi nhà ở xóm chùa.”

“Ngôi nhà ở xóm chùa” có một bề ngoài nhỏ bé, tầm thường, nằm lẫn vào giữa các ngôi nhà lao động khác.  Nhưng cái mỗi lần đến về sau này, tôi lại thấy nó đáng yêu hơn, ngộ nghĩnh hơn, kỳ lạ hơn.  Một ngôi nhà nằm giữa xóm lao động mà có những bức tranh tuyệt diệu: “Tiếng Hát Tự Lòng Đất” – tranh sơn dầu của Võ Đình, mang những màu sắc độc đáo, những màu mảnh mà sắc, mỏng mà đậm, vừa huyền ảo vừa tương hợp với một chapter sách cùng tên của Bác.  Bức tranh mộc bản vẽ một cây cổ thụ cỗi rễ kỳ quái.  Những bức sơn dầu khác của Ngọc Dũng, Đinh Cường.  Sau này dưới bàn tay trang trí của Vinh, mỹ thuật gia trong gia đình, căn phòng càng trở nên rực rỡ ấm cúng hơn với lớp thảm cói màu lục đậm, những bình hoa được xếp đặt theo bố cục độc đáo trở nên linh động tuyệt vời dưới ánh đèn màu vàng ấm áp.  Tuyệt vời hơn nữa là tiếng hát của chúng tôi hài hòa vào với nhau với bầu không khí trang trọng mà trữ tình, trở nên những âm thanh bất tuyệt trong ký ức. 

Buổi trưa hôm ấy, ra mở cửa cho chúng tôi là một cô bé – thật nhỏ bé.  Trong bóng tối lờ mờ mát mẻ rất đặc biệt của phòng khách, một đôi mắt tròn mở to, tuy ngạc nhiên nhưng vẫn niềm nở, chiếc miệng xinh ân cần lời chào, và vóc dáng nhỏ bé nhanh nhẹn dẫn đường.

Vì đến vào giờ cơm nên tôi rủ Hương, tên cô bé, dẫn tôi sang chợ mua thêm ít thức ăn.  Sau khi “can thiệp” không xong, Hương đành dẫn tôi đi chợ.  Dọc đường tôi bắt đầu tán chuyện:
-       Năm nay chắc Hương học lớp tám rồi há?

Lúc đó nếu là bây giờ chắc Hương sẽ đáp:
-       Dạ, đúng là em đang học lớp tám, nếu như em đừng có … đang học lớp mười.

Nhưng may thay cô bé chỉ cười, hóm hỉnh nhìn tôi:
-       Dạ không, em học lớp mười ạ.

Vậy mà tôi còn cố ngớ ngẩn buông một câu:
-       Ủa, vậy mà chị cứ nghĩ nhiều lắm là Hương chỉ mới học lớp tám ấy chứ.  Tại chị thấy Hương nhỏ chút xíu hà.
Hương đáp dễ thương:
-       Dạ, đúng là em nhỏ con thiệt.  Nói cho rõ ra là em hơi lùn.  Vì vậy mà cả nhà cứ kêu em là “Ột dzịch” hoài à.
Tôi đã toan hỏi “Ột dzịch” là cái gì, thì vừa may đi tới trước hàng trứng. Để gỡ quê, tôi hỏi:
-       À hay mình mua ột dzịch về chiên ăn nha? Hương có ăn được trứng không?

Đưa mắt nhìn khu chợ vắng tên chỉ còn có … rác, Hương tủm tỉm:
-       Giờ này mình cũng đâu có được chọn gì khác.  Người ta về hết trơn rồi. 

Thế là chúng tôi xách nửa chục trứng về nhà.  Tôi được Hương dắt vào bếp và gặp chị Liên ở đó.  Trong ánh sáng lờ mờ của nhà bếp và cũng là phòng ăn, tôi thấy một khuôn mặt trắng mát ngửng lên cười với tôi một nụ cười ân cần.  Đó là má Liên của các con tôi sau này.

Bữa ăn dọn ra khá đơn sơ, vì hai bác đi vắng nhà, một phần vì lúc ấy chị Thanh chỉ mới vừa đi “lọt” và bác tôi cũng chỉ mới “hạ sơn” chưa bao lâu nên nền kinh tế quốc dân không được dồi dào cho lắm. 

Hương vừa lên tiếnt “ới” nhà tôi và Thái đang ngồi đấu láo trên phòng khách, thì từ cửa bỗn đi và một anh chàng nho thó.  Chàng ta xăm xăm đi đến bàn ăn, tay hất mớ tóc loăn xoăm trước trán, khẽ gật đầu lạnh nhạt đáp lại cái chào của tôi rồi ầm ĩ kéo gế ngồi vào bàn luôn:
-       Xong chưa bà Liên, tui đó bụng lắm rồi đây nè.
Và cứ thế anh chàng bắt đầu hoạt động lia lịa với chén cơm và đôi đũa mặc dù thuận tay trái.  Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp đôi mắt to có lớp mí dày cộm liếc sang (dường như chàng ta muốn canh chừng xem có bị tôi xơi tranh nhiều cơm không thì phải.)  Tôi suýt phá lên cười và toan chọc tức bằng cách ăn đua theo anh chàng, nhưng tự lượng sức mình trước lối tấn công vũ bão ấy, tôi đành giả vờ ăn nhỏ nhẹ cho xong.  Đó là chú Hưng của Tiny, mà ngay trong buổi sơ kiến đã tỏ ra cực kỳ niềm nở như vậy.

Trong bữa ăn còn có một nhân vật đặc biệt khác mà tôi cứ đinh ninh là anh cả, mãi sau mới biết là em của cả chị Liên lẫn Thái.  Đó là Vinh – một anh chàng cao lớn nhưng lời ăn tiếng nói thì lại hết sức ngọt ngào nhỏ nhẹ, cử chỉ đầy vẻ bặt thiệp và tế nhị.  Vừa lịch sự mời chúng tôi, anh chàng vừa khéo léo điều khiển cánh tay dài thòng ra gắp thức ăn rất chính xác, đặt biệt thiệp nghệ với các mục tiêu tên gọi “thịt nạc”. 

Cô bé Hương là dễ thương nhất, vừa ăn vừa rủ rỉ trò chuyện với tôi.  Còn chị Liên thì ngồi ở đầu bàn bên kia chỉ huy buổi tiệc.  Ăn xong, tôi lại trổ tài miệng lưỡi thuyết chị Liên cho phép tôi được cùng rửa chén cho nó vui.  Tôi phải cố rửa thật sạch dù ở nhà tôi vẫ rửa dối thấy mồ, để chị Liên ít ra cũng không thấy ân hận vì đã cho tôi cùng rửa bát.  Dọn dẹp đâu đó xong xuôi, chúng tôi vác chiếu trải giữa phòng khách, tôi, Hương, chị Liên ngồi tán gẫu.  Các đấng nam nhi thì thượng tọa trên salon với đủ kiểu lười biếng.  Chợt Thái đang ngồi ngoẹo đầu nói gì với nhà tôi, bỗng nhỏm dậy bảo Hương:
-       Ê Hương, anh quên, chị Thuỳ hát hay lắm đó nhen.
Lập tức Hương quay sang tôi:
-       Hay quá! Há đi chị Thùy!  Hát cho tụi em nghe với.

Dĩ nhiên lúc ấy tôi còn phải “pha màu” chút chút cho đúng thủ tục nhập môn rồi mới hát chứ.  Chỉ tội nghiệp Hưng, anh chàng chẳng có vẻ hào hứng tí nào.  Vừa uể oai gẩy nhẹ vài nốt trên cần đàn, Hưng vừa hỏi tôi định hát bài gì.  Tôi mỉm cười nhìn Hưng rồi bắt đầu hát.

Rất may cho cả tôi lẫn Hưng là tôi đã tìm thấy sự thoải mái ngay trên những nốt đệm đầu tiên  Đó là cái duyên đầu tiên của chúng tôi ở nhà Bác.  Ai đã từng hát sẽ hiểu được cảm giác ấy, có khi vừa hát vừa buồn ngáp vì cây đàn chạy một đằng, giọng hát đi một nẻo, có khi lại hát quên thôi vì tiếng hát quyện theo tiếng đàn, tiếng đàn lại nâng tiếng hát.  Tôi cho rằng về phía người đàn cho kẻ khác hát cũng tương tự như vậy.

Thế là mở xong cánh cửa tri âm.  Chúng tôi thi nhau mà hát như để “khoe” cái điểm hội tụ của nhau, bởi vì thật sung sướng, những bản nhạc chúng tôi chọn đều thật hợp với sở thích của nhau, kể cả các sáng tác riêng của Hưng hay của anh Hiếu, chồng chị Liên mà tôi mới được nghe lần đầu.  Giữa phút entr’acte đầu tiên, Hương reo lên:
-       Thích thật, chị Thùy há toàn những bài cả nhà em đều thích, thế mới chết chứ!
Nhưng giọng hát của tôi thì ăn nhằm gì, bạn biết thừa đi rồi và nghe chán đi rồi.  Tôi chỉ muốn nói đến giọng hát cua Hương.  Cái chất lơ lửng độc đáo của giọng hát Hương lúc ấy như trái xanh mơn mởn trên cành, nó vừa hồn nhiên, vừa độc đáo, vừa hứa hẹn một trái chín chua chua ngòn ngọt (chứ không phải chín mọng, vì chín mọng sẽ mau chán vô cùng) đầy quyến rũ đến sau chót.  Bấy giờ nó chưa được tròn trịa, chắc nịch như bây giờ nhưng đã đầy tự tin và có cá tính rõ rệt khó mà lẫn được với ai.  Đặc biệt tôi thích nhất khi Hương hát bài “Chú Cuội” của Hưng gàn.  Đó là bài hát đầu tiên mà Hưng viết, chính tên là “Bài Ca Thu”, nhưng không hiểu sao tôi cứ ngoan cố gọi nó là “Chú Cuội”.  Có lẽ vì tên ấy hợp với Hương hơn, hợp với vẻ hồn nhiên của cái cô bé trong bài hát khi bỏ rơi chú cuội giữa trời để đi tìm mộng mơ thơ thẩn ở dưới … đất.  Bé Hương của chúng tôi ngày đó là như vậy -  một cô bé khi biết chúng tôi đến chơi mà chưa ăn cơm chiều cứ xếp góc tờ giấy mười đồng nhét mãi vào túi tôi để bắt vợ chồng tôi phải đi ăn mì (đi ăn mì là một hành vi thường xảy ra lúc bấy giờ của chúng tôi, có khi kéo nhau đi cả lũ vì nịnh được Han-xơ hay anh Hai, có khi xé lẻ, hôm nay “đứa này” bao đứa kia, hôm khác “đứa kia” bao lại, vậy đó.)  Đó là vào khoảng một tháng sau ngày quen biết.  Lúc ấy bé Hương hẳn nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn chúng tôi, vì chẳng những bé đã được ăn chiều, lại còn được dự cuộc chơi (hôm đó là một buổi dạ hội văn nghệ khá hay), trong túi lại có những mười đồng.  Cho nên bé bèn nghĩ là mình có bổn phận phải san sẻ cho chúng tôi phần hạnh phúc cụ thể nhất là mười đồng đó.  Thật không có cách gì từ chối trước đôi mắt van nài và cái miệng có chiếc cằm lẹm đang dỗi ấy.  Thành ra vợ chồng tôi đã buộc “phải” ăn một bữa mì, bữa mì ngon mãi đến bây giờ!

(Còn tiếp) 


No comments: