“Lòng chân thật là chương mở đầu của cuốn sách tri thức”
-Thomas Jefferson-
-Thomas Jefferson-
Mấy tháng trước, trong lúc đang trên đường đi học về nhà, tôi thấy cột đèn giao thông sắp chuyển sang màu đỏ. Do khá mệt mỏi sau thời gian học trên trường và ước muốn được về nhà nhanh chóng đã khiến tôi quyết định phóng nhanh hơn. Nhưng chẳng may, vào ngay lúc đó phía đường giao với đường tôi đang đi, có anh đang đi giao cơm cũng rồ ga khi đèn chưa kịp chuyển xanh. Do không kịp điều chỉnh tay láy, nên cả hai người va vào nhau. Rất may là cả hai người chỉ bị trầy xước một tý, nhưng một phần cơm của anh kia đã bị đổ. Tôi lập tức nhận ra lỗi của mình, nên sau khi giúp anh đứng dậy và dựng lại xe, tôi có nhã ý muốn đền phần cơm đã đổ do lỗi của mình. Nhưng anh từ chối, và nhận lại lỗi về phía anh với lý do là anh cũng phóng nhanh khi đèn chưa kịp chuyển sang màu xanh. Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi chào nhau và xin lỗi một lần nữa rồi rời đi. Tôi đã chia sẻ với mẹ tôi về chuyện này sau khi về tới nhà, mẹ tôi đã nói:” lòng chân thật của hai người đã giúp cho các con tránh khỏi một cuộc cãi lộn.”
Câu nói của mẹ tuy ngắn gọn nhưng đã làm cho tôi phải suy nghĩ về lòng chân thật trong một thời gian. Tôi đã tìm hiểu và tự rút ra một vài kinh nghiệm thú vị từ bản thân về lòng chân thật, và sau đây tôi sẽ nói những gì mà tôi biết về đức tính này.
Lòng chân thật thường được hiểu là sống thật lòng, thật thà và tôn trọng sự thật xung quanh. Sự chân thật cũng là một trong những đức tính cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn của con người. Nó là một mầm sống khi chúng ta mới sinh ra, nhưng nó sẽ phát triển theo thời gian trong tiềm thức của chúng ta.
Lòng chân thật thường đi chung với sự khiêm tốn. Bạn càng khiêm tốn bao nhiêu thì bạn càng bộc lộ lòng chân thật trong bạn bấy nhiêu. Nhưng đôi khi lòng chân thật sẽ không xuất hiện nếu bạn muốn tìm đến nó, nó thường xuất hiện khi bạn không để ý đến nó, và đặc biệt là khi nó trở thành một thói quen tiềm thức trong bạn, nó sẽ tự bộc lộ ra mà ngay chính bản thân các bạn cũng không hề để ý tới.
Đôi mắt là một trong những điều điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người ngay từ khi họ mới sinh ra. Đôi mắt không đơn thuần là chỉ dùng để nhìn, trong đôi mắt còn thể ẩn chứa những cảm xúc và tâm hồn con người. Bạn có thể nói dối với người khác bằng lời nói, nhưng khó có thể nói dối họ qua đôi mắt. Lòng chân thật cũng không ngoại lệ, nó được thể hiện rất nhiều từ đôi mắt. Nếu bạn không tin điều này, thì hãy thử để ý tới đôi mắt của người đối diện đang giao tiếp với bạn. Bạn sẽ biết liệu họ có đang thật lòng nói chuyện với bạn hay không.
Sự chân thật bao giờ cũng dễ chiếm được tình cảm của người khác. Tuy nhiên khi gặp một người bạn, tình cảm của mình đối với người bạn của mình tới đâu thì nên bộc lộ tới ấy. Nếu không, sự chân thật của bạn sẽ tạo cho người ta một cảm giác vồn vã giả tạo đến khó hiểu.
Một người chân thật khi giao tiếp với ai, từ ánh mắt, giọng nói đến cử chỉ đều toát lên một vẻ đẹp rất “thật”. Một người chân thật dù đứng ở bên cạnh ai, ở nơi đâu, họ đều có một cái gì đó mà có thể làm cho mọi người xung quanh để ý tới. Bạn không tin? hãy thử tưởng tượng nhé. Bạn đang ở một nơi nào đó rất đông người qua lại, bạn vô tình bắt gặp được hai cô gái. Một cô ăn mặc rất đẹp, thể hiện được sự sang trọng, và quyền quý. Cô kia thì chỉ ăn mặc giản dị, nhưng bù lại cô lại có nụ cười rất tươi, và nhiệt tình. Tôi tin rằng cho dù bạn không muốn nhìn thì bạn cũng phải chú ý tới cô gái giản dị đó, bởi sự chân thật trong cô đã thu hút được bạn.
Nói chung, sự chân thật bao giờ cũng dễ chiếm được tình cảm của người khác, nó không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, mà còn là vẻ đẹp trong tâm hồn. Sự thật thà trong tâm hồn bạn sẽ giúp tâm hồn bạn thanh thản, trong sáng. Đó là một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dễ làm người khác yên tâm, tin cậy. có thể nói lòng chân thật cũng là một nét duyên thâm đấy.
Đoàn Minh Khôi
No comments:
Post a Comment