Jan 2, 2012

Sài Gòn ngày và đêm. (Sài Gòn Du Ký – mùa Giáng Sinh 2011) - ANH QUÂN


Đi du lịch Sài Gòn có hai thứ mà không thể bỏ qua một là tập thể dục từ lúc 5 giờ sáng. Hai là thức thâu đêm để xem người Sài Gòn sống sinh nhai nhờ đêm khuya.  Nói như vậy là thấy được Sài Gòn giờ là nơi sinh hoạt 24/24 giờ. Với cùng mục đích chung là kiếm tiền. 

Khi về tới Việt Nam,  vì múi giờ thay đổi, nên Quân hay tỉnh giấc vào lúc 4 giờ sáng.  Sau đó quyết định đi chạy bộ từ ngã tư Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng (vì cư ngụ bên nhà vợ) lên bến Bạch Đằng. Chạy chưa đến đường Nguyễn Biểu  có một cây xăng là một hàng dọc xe Taxi đậu tại đó, tính ra trên cả 50 chiếc.  Từng chiếc thứ tự vào cây xăng để rửa xe, để rồi thay ca lái, tức là xong một ca đêm trao lại cho một người khác lái ca ngày.  Trong thời gian chờ đợi là các bác tài Taxi ngồi xuống các quán cà phê lề đường, ngồi tán ngẫu chuyện thiên hạ.  Quanh đó là những người làm vệ sinh thành phố, họ đẩy xe để hốt những đống rác bên lề.  Các người bán báo lề đường đã dọn gian hàng của họ để bắt đầu bán những tờ nhật báo và tạp chí.  chạy qua chợ Nancy là con đường Trần Hưng Đạo có con đường nhỏ để đi bộ, là chúng ta có thể thấy nhiều người thức giấc tập thể dục, họ đi bộ là chính, họ cứ đi từng đôi, vừa đi vừa nói chuyện.  Khi chạy gần đến con đường Đề Thám là có quán ăn đã mở cửa chuyên bán thức ăn sang. Đồng thời ngoài vỉa hè đã thấy vài quán cóc, người bán lo nướng thịt , khói bóc mịt mù, mùi thơm một cách khoái khẩu, họ sửa soạn để bán buổi cơm sáng của buổi bình minh.  Chạy tiếp tục  lên ngã tư Nguyễn Thái Học, tại đây xe chạy rất là tấp nập vì giờ cầu Ông Lãnh bắt qua được quận 4 , nên thuận đường đi lại làm ăn cho mọi người.  Đi ngang qua vũ trường Gossip (trước là rạp Đại Nam) thấy một hình ảnh như là một ngày làm việc của họ vừa chấm dứt , họ lo quét dọn sau một cuộc chơi, một số dân viên sửa soạn đi về, khi đi qua siêu thị điện tử Nguyễn Kim, tiệm chưa mở, rồi băng qua đường Ký Con thì đôi khi sẽ thấy vài bóng hồng chân dài đang đi bộ, tuổi không quá 25, họ có nét đẹp  nhưng son phấn bị phai ra, xem họ vừa thác loạn một cuộc thâu đêm, họ có thể từ vũ trường Gossip hay từ các quán Bar tại khu tây Ba Lô (Phạm Ngũ Lão) để đón xe đi về nhà. Vì gần đường Hàm Nghi là bến xe buýt Bến Thành, nơi tập trung xe chạy khắp nơi cho toàn thành phố. Giá vé xe giờ là 4000 ngàn cho một cuốc đi, không phân biệt xa gần, ngồi xe buýt  Sài Gòn là một cái thú nhìn hết mọi cảnh và nhìn được xã hội và con người.
Đường Hàm Nghi sáng sớm khá im lặng, xem ra không có một hoạt động nào cả, lát đát có một xe bán bánh mì cho học trò. Giá 10 ngàn cho một ổ bánh mì thịt. Khi Quân chạy tới bến Bach Đằng là đúng nửa tiếng, đứng thở muốn hết hơi, mệt quá, người ướt đẫm mồ hôi, đứng không quá 5 phút là Quân tiếp tục đi bộ qua đường Nguyễn Huệ, lúc đó là 5.30 sáng, Sài Gòn vẫn chưa có ánh sáng bình minh. Đại lộ Nguyễn Huệ vẫn còn im lặng, chỉ có những người tập thể dục đang đi bộ và một người đang đánh vũ cầu trên vỉa hè. Đi đến tòa cao ốc Sun Wah, mọi thứ còn yên tĩnh. Quân liền quẹo đường Huỳnh Thúc Kháng nơi chuyên bán phim, nhạc và games điện tử. Có một điều đáng để ý là xem ra tại Việt Nam đến giờ vẫn chưa quay một dại nhạc hội có chất lượng như Paris By Night và Asian. Hầu như các tiệm đều ghi treo bảng quảng cáo là Thúy Nga 104, Asian và Vân Sơn. Ngay cả các anh chàng chuyên bán nhạc dạo trên các chiếc xe đạp đều ghi Thúy Nga 104. Nhìn cảnh đó cũng có đôi phần thong cảm cho ông Tô Văn Lai chủ nhân Thúy Nga là sản phẩm của ông bị bán lậu một cách công khai và vô tội vạ. Có một người nói cho Quân nghe là đi biển gặp Hải Tặc, đi rừng gặp cảnh phá rừng gọi là lâm tặc, đi máy bay gặp khủng bố là thấy không tặc, giờ nói tới văn chương thì có những quyển sách được in lại, không hỏi qua bản quyền, nhất là Sài Gòn giờ chuyên in các quyển dạy tiếng Anh hay công nghệ thong tin thì cái này phải gọi là Văn Tặc rồi và cuối cùng là âm nhạc nghệ thuật là Nhạc Tặc hay Phim Tặc quá.
Sau đó Quân tiếp tục đi bộ qua chợ cũ, ghé vào tiệm bánh mì Như Lan, mua một ổ bánh mì thịt nướng là hết 25 ngàn, xem ra mắc hơn xe bánh mì ngoài đường.  Tay cầm ổ bánh mì, tiếp tục đi bộ qua chợ Bến Thành, rồi đi vào công viên Phạm Ngũ Lão, tại nơi đây là thấy nhiều người đang tập thể dục. người thì đi bộ, người thì đánh vũ cầu, người thì chạy vòng quanh công viên, ngoài ra có những người hướng dẫn tập thể dục theo điệu bộ, có nhóm lớn tuổi từ 60 trở lên , có nhóm trẻ tuổi từ 35 trở lên. Nhóm cao niên thì người hướng dẫn với các bài nhạc của Đức Huy và Ngô Thụy Miên. Nhóm trung niên thì loại nhạc Hip Hop hay Electro Dance. Nếu ai muốn tập thì trả 80 ngàn Việt Nam trong một tháng.  Khi đi đến đây thì Quân mua một chai nước suối, bắt đầu ngồi ăn bánh mì và xem thiên hạ tập thể dục. Lúc đó trời đã tảng sang, người Sài Gòn bắt đầu sinh hoạt trong ngày, phụ huynh bắt đầu trở con đến trường. Các hàng quà trước sân trường bắt đầu bán hàng cho các học trò. Đầy những món thức ăn như bánh mì thịt, xôi, bột chiên, súp cua, trái cây.... Nhìn khung cảnh này khó mà quên hình ảnh trước cửa trường Sư Phạm Thực Hành năm xưa. Tất nhiên là không đầy đủ các thức ăn như ngày hôm nay, nhưng trước cổng trường là một sân chơi không bị hàng quán chiếm chỗ kinh doanh như ngày hôm nay.
Quân tiếp tục đi bộ vào khu Tây Ba Lô là Đề Thám và Bùi Viện. Tại đây thấy hai hình ảnh là du khách đang xếp hàng lên các xe ca (coach) đi du lịch, đi về miền tây, Tây Ninh và số khác đi qua Cam Bốt. Giờ đi qua Nam Vang thì có thể theo đoàn, còn ai muốn đi tự túc thì giá một vé là 25 mỹ kim qua đến tận bên đó. Thường thì xe ca đậu trước quán Cà Phê Sinh. Xem lại hình ảnh xưa quán Sinh chỉ là một nhà trọ xập xệ vào đầu thập niên 90, có nhà trọ cho Tây Ba Lô, giờ thì họ nổi tiếng toàn quốc, họ trở thành một tập đoàn công ty du lịch, một đội ngũ chuyên viên ngồi trước máy tính để đặt vé cho du khách.
Nhìn qua các quán Bar thì thấy một đêm sinh hoạt đã tàn, tiếng nhạc đã tắt, người phục vụ mệt mỏi, có lẽ họ mong vài người khách Tây ngồi đấy cả đêm khuya nên về lại phòng ngũ nghỉ ngơi , kế bên những người khách tây là các cô gái Việt Nam, các cô cũng đã mệt nhoài vì thức khuya, bia rượu, giọng nói lè nhè với tiếng Anh, tiếng Mỹ bồi với các người khách và cũng mong đi lại về nhà nhưng vì chưa nhận được tiền Bo (Tip) từ khách hàng nên khó mà cất bước ra đi. Thường thì khu tây ba lô hoạt động từ tầm 5 giờ chiều, tiếng nhạc bắt đầu ầm ĩ, khách đi lại tấp nập, người bán hàng dạo đi khắp đường phố. Các bác xích lô đạp đi vòng kiếm khách. Vì giờ thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn nghề xích lô không còn phép đón khách dọc đường như xưa. Họ chỉ được phép nhập vào một tập đoàn du lịch mà đón khách ngoại quốc đi đạp dạo toàn thành phố.
Đi hết khu Tây Ba Lô , qua đường Nguyễn Cư Trinh, đi hết đường là tới đường Nguyễn Trãi. Vào buổi sáng tại đây đa số là các hang quán vỉa hè, chỉ có một cái bàn bé với vài ghế đẩu. Thường thì Cà Phê vỉa hè pha chế rất căn bản là cà phê đen bỏ đường, cà phê sửa là sửa đặc , sửa tươi và trà xanh, nhưng lại có một đặc biệt là tập trung thành phần trí thức lớn tuổi của miền nam năm xưa là một số sĩ quan VNCH , họ quyết định ở lại không đi HO, một vài người làm trong đài truyền hình ngày xưa , cựu tỉnh trưởng hay phó quận... Ngồi nghe họ kể lại các câu chuyện năm xưa và họ ở lại Việt nam như thế nào. Ngoài ra có loại Cà Phê bình dân hơn nữa là cà phê dành cho sinh viên, tập trung ngoài sân cỏ đối diện Dinh Độc Lập. Các em thường tập trung thành một nhóm, ngồi xuống sân cỏ , hay trên bục, ngồi học bài hay tán ngẫu, chung quanh các em là ly nhựa trong đó là cà phê, sữa hay nước ngọt. Loại cà phê này còn có tên là cà phê “Bẹt” tức là ngồi bẹt xuống đất. Quân chưa có dịp gia nhập vào cà phê này, mà chẳng hiểu thế nào bạn MINH DUY nhà mình đã tham dự vào quán cà phê “Bẹt” này rồi. Không biết thế nào lại quen cô em sinh viên xinh đẹp dễ thương nữa. Ngồi uống cà phê mà DUY cứ cười mịm chi khi nghe các cô nói chuyện, y như một chàng sinh viên Sài Gòn. Đôi lúc Quân tự hỏi đây có phải một mối tình sinh viên chăng? Như là “ngày xưa Hoàng Thị?” hay “Trả lại em yêu”... Rồi không biết sau này như thế nào? Có bị trở thành là “I started a joke : .... But I didn’t see that joke was on me,  oh no ! I started to cry, which started the whole world laughing , oh I’d only seen that the  joke was on me ....”  Để Duy có một thời để nhớ để thương chăng!!!!
Các quán cà phê này rất bình dân, giá cả phải chăng trong vòng 5 ngàn đến 10 ngàn một ly cà phê. Không như loại cà phê cao cấp như Highland, Window, Chợt Nhớ.... giá cũng từ 50 ngàn một ly trở lên. Tại những quán này tập trung đủ loại, vàng thau lẫn lộn là nghệ sĩ như có hôm Quân có thấy ca sĩ Trường Vũ đi vào quán , kinh doanh, báo chí, các cô cậu ấm ăn chơi tại Sài Thành, Việt kiều, người ngoại quốc và các cô gái có sắc đẹp trên trung bình còn độc than, đến đây hy vọng tìm được một anh chàng Việt kiều độc than để trao than gái 12 bến nước, à quên còn có them các phụ nữ tuổi trên 40 chưa chồng hay gia đình gẫy gánh cũng đến đây để tìm một người trung niên để đi hết quảng đường còn lại. Thêm nữa các cậu ấm đi tới đây để khoe xe hơi đẹp, đa số các cậu tới đây là thành phần cậu ấm gốc gác từ miền Bắc.  Ngồi chầu tại quán cà phê là thấy khá nhiều xã hội Sài Gòn ngày nay....


Sẽ còn tiếp

ANH QUÂN 
 Khu tây Ba Lô


Quán Cà Phê sang trọng tại Sai Gòn




Hình quán cà phê bẹt

 
Trước cổng trường sư phạm thực hành


Xe đổ rác

No comments: