Jan 23, 2012

BÀI HỌC ĐẦU NĂM


Thế Tôn dùng nhiều ví dụ để chúng ta biết cách điều phục tâm mình. Thế Tôn kể về một vị vua kia, nghe được một tiếng đàn hay, bèn sai cận thận: “Hãy mang tiếng đàn ấy đến đây cho ta!” Cận thần mời anh nghệ sĩ cùng cây đàn đến gặp vua.  Nhà vua lắc đầu bảo: “Không! Ta đâu cần con người luộm thuộm và cây đàn này làm gì! Ta chỉ muốn có tiếng đàn mà thôi!” Người cận thần giải thích: “Tâu Bệ hạ! Tiếng đàn phát sinh từ cây đàn này.  Cây đàn này lại là sự phối hợp của thùng đàn, dây đàn, trục đàn.  Từng bộ phận ấy vẫn chưa đủ để tạo ra tiếng đàn.  Bệ hạ phải cần có con người nghệ sĩ kia.  Và cũng không đơn thuần có người nghệ sĩ và cây đàn ắt có tiếng đàn hay. Người nghệ sĩ phải đã từng học, luyện, nhuần nhuyễn với sở trường đánh đàn mới tạo ra được tiếng đàn hay như thế! Tiếng đàn không thể tự nhiên mà phát sinh.” Nhà vua hiểu ra lẽ: “Ồ! Tiếng đàn đó vốn là mộng huyễn, không thật có.  Nó chỉ có mặt khi bao nhiêu nhân duyên, điều kiện phối hợp lại. Vậy ta chẳng nên mê đắm!” Nhà vua đã ngộ ra rằng những gì khiến con người mê đắm thực chất chỉ là mộng huyễn.

Đó là ví dụ Thế Tôn muốn nói về năng lực của sáu căn.  Từ ví dụ này, chúng ta có thể học được bài học về tầm quan trọng của sự điều phục mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu điều phục được, ở mức độ cạn, chúng ta vượt qua nỗi khổ của trần thế; ở mức độ sâu, chúng ta chấm dứt được sinh tử, luân hồi. 

Trích "Chăm Sóc Tâm" - Thích Phước Tịnh
www.matthuongnhindoi.com

No comments: