Dec 28, 2012

CÁ VÀ BIỂN CẢ - Doãn Quốc Sỹ dịch




CÁ VÀ BIỂN CẢ

Ngày xửa ngày xưa có một em cá bé hỏi anh cá lớn về biển cả.
“Biển là gì?” cá bé hỏi. “Em nghe nói hoài về biển cả mà không biết biển là gì.”
“Tại sao lại không biết! Biển luôn bao quanh em đấy thôi!” cá lớn đáp.
“Nếu sự thật là thế, tại sao em không nhìn thấy biển?” cá bé hỏi.
“Bởi vì biển ở khắp nơi. Biển bao quanh em. 
Biển ở trong em và ở ngoài em.  
Em sinh ra trong biển và em sẽ chết đi trong biển.  
Hơn thế nữa, em chính là sự sống của biển.  
Khi em bơi, em giúp biển hiển lộ.  
Chính vì biển gần em như vậy nên em khó nhận ra biển.  
Nhưng đừng lo, biển đang ở ngay đây.”


THE FISH IN THE SEA
Trích “One Hand Clapping – Zen Stories For All Ages”
Lời kể: Rafe Martin và Manuela Soares
Minh họa: Junko Morimoto
Lời dịch: Doãn Quốc Sỹ

Dec 27, 2012

Chuyện Người Hòa Lan tới Việt Nam - ANH QUÂN


 Maastricht - Holland
by A.S.

Vì Bà Hương là người làm biếng dọc sử Việt nên tui trích vài chuyện trong quyển "Nhìn Lại Sử Việt" cho bà nghe:

Năm 1618, Chúa Nguyễn đã liên lạc với công ty Hòa Lan tại Melaka đề nghị họ vào Đàng trong buôn bán.

Năm 1633 một lái buôn Hòa Lan là Paulus Traudenius mang tàu đậu ở cù lao Chàm và cử người đến Hội An đều tra tình hình buôn bán.

Năm 1636 Người Hòa Lan lập thương điếm tại Quảng Nam và tầu hòa Lan đến Đàng trong buôn bán.

Sau đó chú Nguyễn có xích mích với người Hòa Lan nên không còn thiết tha buôn bán với Đàng trong

Đến năm 1637 chuyến tàu đầu tiên của Hòa Lan ra đàng ngoài buôn bán

Ngày 17 /4/1637, Chúa Trịnh hoan nghênh người Hòa Lan buôn bán , sau đó được lên Kẻ Chợ (Thăng Long) buôn bán.

Sau đó là chúa Trịnh cho phép người Hòa Lan đặt thương điếm ở Phố Hiến và vài năm sau đó thêm một thương điếm ở kinh đô.

Vì bất mản với Đàng trong nên người Hòa Lan liên minh với chúa Trịnh để đánh Đàng trong. Tháng 5 năm 1642, một hạm đội Hòa Lan đổ bộ vào Đà Nẳng cướp bốc và thị uy. Tuy nhiên cả đám đổ bộ này bị bắt, chỉ huy Liesvet bị giết chết. Sau đó phó chỉ huy là Van Linga đã đổ bộ giết một số thường dân Việt trả thù. Thế là Chúa Nguyễn - Nguyễn Phúc Lan giận quá đóng cửa thương điế Hòa Lan tại Hội An , đốt hết hàng hóa và giết đi một số người Hòa Lan.

Từ đó người Hòa Lan quyết tâm giúp chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn , họ giúp tất cả ba lần đều thất bại nên mất uy tín và chúa Trịnh hết nâng đỡ trọng dụng và từ đó người Hòa Lan không còn ưu tiên tại Việt Nam.

Đến thế kỷ thứ XVIII , người Hòa Lan hết buôn bán tại Việt Nam

Và cho đến mãi năm 19XX thì có một người Hà Lan tới Việt Nam xin làm bạn với một cô Việt Nam ...

Chuyện người Hà Lan tới Việt Nam chỉ có bấy nhiêu!

Anh Quân 

CHĂM SÓC TÂM – Thích Phước Tịnh




Trong bài kinh thứ 1171 thuộc cuốn 4 - Kinh Tạp A Hàm, đoạn đầu tiên được viết như sau:

“Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật trú tại nước Câu Diệp Di trong vườn Cù Sư La. Bấy giờ Thế Tôn bảo các thầy Tỳ kheo, thí như người đi vào trong một căn nhà trống, bắt được sáu loài thú. Đầu tiên bắt được con chó, ông lấy dây cột lại một chỗ. Kế đến bắt được một con chim, rồi lần lượt bắt được con rắn độc, con dã trang, con thất lâu ma la, và con khỉ. Những con vật này đều bị cột lại một chỗ. Con chó muốn chạy về làng. Con chim muốn bay lên trời. Con rắn muốn bò xuống hang. Con dã trang thì muốn đến gò mã. Con thất lâu ma la muốn về biển. Con khỉ muốn vào rừng. Sáu con vật này bị cột chung vào một chỗ, nhưng sở thích không giống nhau, mỗi con đều muốn đến chỗ an ổn của mình, không chịu vui vẻ với nhau. Vì bị cột khác chỗ của mình nên mỗi con tự dùng sức bức ra để đến chỗ an ổn vui vẻ của mình nhưng không thoát được. Cũng như thế, sáu căn tự tìm đến cảnh giới vui thích của nó, không vui cảnh giới khác”. 

Thật vậy, mắt đâu nghe được âm thanh nên chỉ thích những đối tượng tương hợp với mắt. Tai không thấy được sắc màu nên chỉ thích nghe âm thanh. Lưỡi nào nếm được mùi hương nên chỉ tìm đến vị để nếm v.v.. Sáu căn của chúng ta tuy ở chung trong một hình hài nhưng chẳng bao giờ hòa thuận với nhau. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều đi theo hướng của chính nó và luôn hướng ngoài.

Trích “Kinh A Hàm 04”
Thượng Tọa Thích Phước Tịnh

Dec 25, 2012

HAPPY .... MERRY ...!



HAPPY HOLIDAY 
and
 MERRY MY BIRTHDAY :)



PS: Út nhớ mẹ trong ngày sinh nhật Útttt


Dec 24, 2012

VUI GIÁNG SINH TRONG AN LẠC




XIN GỬI LỜI CHÚC GIÁNG SINH AN LẠC 
đến các EM BÉ  tại Connecticut!

Dec 21, 2012

CON CHIM MÙA GIÁNG SINH - Doãn Quốc Sỹ dịch



CON CHIM MÙA GIÁNG SINH

Mệt và mọi cảnh, con chim nhỏ bay lượn trên ngôi làng nhỏ thuộc Palestine.  Dưới ánh trăng trầm lặng, bóng chim đổ xuống quán ăn.

Vào những đêm lạnh nhất trong năm như đêm nay, con chim nhỏ luôn tự nhủ: “Nếu ta biết được đường nào bay về phương Nam như những con chim khác, thì ta đã có một mùa đông ấm áp nơi Thiên Đàng.”

Ủ đôi cánh trên bộ ngực nâu, chim nhảy vào chuồng bò và cất tiếng chim chip chào con bò ở chung.  Chim liếc nhìn sàn đất vì nơi đây đôi khi nó thấy trên đống rơm còn sót vài hạt lúa.


“Bạn hãy im lặng, đứa bé đang ngủ đó”, bò nâu nói khẽ.  Giật mình, chim bay lên đầu trên vai xương xấu của bò và hỏi: “Tại sao lại có đứa bé ngủ ở máng cỏ này; chuyện gì xảy ra vậy?”  Chim cất lời hỏi thăm, đượm vẻ bối rối. 

“Tôi nghĩ đây là một sự kiện đặc biệt,” con bò thì thầm trả lời.


Mẹ của đứa bé nhích chậm từng bưới tới gần đống lửa mà chồng nàng đã nhóm lên.  Chiếc mũ xanh chum đầu tuột khỏi mái tóc đen lánh của nàng.  Chống khuỷu tay nhìn đứa bé, nàng nói với chồng: “Con chúng ta ra đời vào một đêm tuyệt vời.”

“Thực ra đứa bé đã ra đời vào một đêm khủng khiếp!”, con chim thầm nghĩ như vậy mà quên để ý đang có hàng triệu vì sao lấp lánh chuyển vận trên bầu trời.  “Trời lạnh giá mà tôi không thể tự sưởi ấm được.”

Con bò cất tiếng: “A, lại thêm khách tới.”

Hai chú nhỏ cùng cha đi vào chuồng bò, lưng tựa vào tường, tay chống gậy.  Hai chú thở hổn hển vì vừa chạy một quãng dài trong không khí giá băng.

Ông lão chăn cừu lặng lẽ cởi áo khoác trao cho người chồng của bà mẹ trẻ.  Ông chồng nhẹ nhàng đắp áo khoác lên người vợ.  


Nhìn ngọn lửa nhỏ đang cháy, con chim nhảy tới máng cỏ, cất tiếng chim chíp với vẻ lo âu: “Lạnh thế này em bé lạnh chết mất!”

Nghe tiếng chim kêu chim chip, đứa bé cựa mình trong đám rơm.  Chim từ từ tiến dần tới đám lửa, ghé mắt nhìn đống tro gần tàn.  Vì thiếu chất đốt nên những đốm lửa nhỏ chỉ có thể yếu ớt lóe lên trong đám tro. 

Chim tiến tới gần ngọn lửa hơn, cho tới khi nó cảm thấy chân bị nóng.  Nó bắt đầu đập cánh, thoạt chậm rồi nhanh dần cho tới khi những đốm lửa bừng cháy. Đôi cánh mệt mỏi đập mạnh, rồi mạnh hơn cho tới khi ngọn lửa bùng lên cao, hắt những bóng dài lên tường.

Không nói một lời, mấy người chăn cừu lẳng lặng bẻ gậy của họ ném vào ngọn lửa.


Chẳng bao lâu gỗ bén lửa, và cả ngập trong ánh lửa vàng lấp lánh.  Không một tiếng động, trừ hơi thở của đứa bé và tiếng vỗ cánh mạnh mẽ của con chim.  Chim nghiêng đầu tránh hơi nóng, đôi cánh tiếp tục quạt bùng ngọn lửa cho tỏa hơi ấm.


Sau cùng chim hài long và mệt đừ.  Nó loạng quạng đậu lên máng cỏ.

Chim ngạn nhiên nhìn xuống ngực nó: “Ồ sao lông của mình bị xém lửa nhỉ?” Nó thốt lên như vậy.  Bộ lông nâu của nó trở thành đỏ xám như màu quả lựu.  


“Robin, hãy tới đây với tôi, hỡi con chim nhỏ!” Bà mẹ trẻ cất tiếng dịu dàng, đưa bàn tay đón chào chim.

Bay tới bàn tay mở rộng, chim thầm nghĩ: “Bà ta biết tên mình.  Làm sao mà bà ta biết được nhỉ?”

“Robin dễ thương ơi” – người mẹ trẻ vừa thì thầm vừa vuốt nhẹ bộ long sáng mượt mà của chim – “khi nào con cất cánh bay đi, con hãy luôn luôn để ánh mặt trời buổi sang chiếu lên cánh trái của con nhé!”

“Con sẽ nhớ”- chim chíp chim trả lời.

“Robin ơi, ta sẽ nhớ con và giữ hình ảnh con nơi trái tim ta.”


Con chim nhỏ cất cánh bay vào lúc bình minh, bay về hướng Nam trên những ngọn đồi nâu của xứ Palestine, với ánh mặt trời mùa đông đang lên bên phía cánh trái của nó.


Thời gian trôi qua, bầy con và cháu của Robin với bộ lông ngực đỏ tản mát đi khắp thế giới.  Trưới khi bay đi, Robin luôn chia sẻ với đám con cháu câu chuyện về đám long đỏ rực trước ngực, và cả sự bí mật khi bay bên mặt trời.




Giờ đây, đám con cháu chim Robin vẫn cất cánh bay về phương Nam vào mùa đông.  Nhưng tất cả đều bay trở về nhà để chào đón những ngày đầu xuân lạnh lẽo, cánh đập mạnh, tỏa sang bộ long đỏ mịn màng như ánh lửa trong màn tuyết.


The Chrismast Bird
Lời kể: Sallie Ketcham
Lời dịch: Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Stacey Schuett



Dec 20, 2012

NƯỚC MỸ CỜ HOA - Cao Bá Hưng



NƯỚC MỸ CỜ HOA 

Nước Mỹ Cờ Hoa lộng lẫy bay
Khi chưa đến được buồn lắm thay
Đến rồi về lại tâm thanh thản
Nước Mỹ Cờ Hoa lộng lẫy bay

Cao Bá Hưng 
Kính thăm và tặng bác Doãn 
20/12/2012

MÓN QUÀ GIÁNG SINH - Minh Thư











HỮU LẬU VÀ VÔ LẬU - Thích Phước Tịnh



HỮU LẬU VÀ VÔ LẬU

Có một câu chuyện về thiền sư Kim Bích Thông, kể rằng một lần nhập định, ông có thể nhập định trong mười lăm ngày. Nếu muốn, ông có thể nhập định cả tháng.  Một hôm, vì chưa vượt khỏi pháp hữu lậu, Diêm vương sai Ngưu đầu, Mã viện đến đón ông đi. Hai sứ giả đến chỗ ông ở nhưng kiếm mãi không thấy ông đâu. Hai vị sứ giả phải hỏi thăm Thổ thần:
-    Này Thổ địa! Hãy nói cho chúng tôi biết lão Kim Bích Thông đang ở đâu để chúng tôi đưa lão về chầu Diêm Vương.
Thổ thần đáp:
-    Ồ! Ông ta đang nhập định, tắt hết thần thức, các ông không kiếm ra ông ta đâu! Nhưng có một cách các ông có thể bắt ông ta được!
Ngưu đầu, Mã viện hỏi:
-    Vậy cách đó là cách gì?
Thổ thần trả lời:
-    Thiền sư nhà ta vốn rất quý chiếc bình bát ngọc của ông. Trước khi nhập định, ông đã đem dấu chiếc bình bát. Bây giờ nếu tìm ra được chiếc bình bát bằng ngọc ấy, khua leng keng mấy tiếng, chắc chắn ông sẽ xả định.  Khi ấy các ông có thể bắt ông ta được.

Ngưu đầu, Mã viện nghe lời, ra sức kiếm chiếc bình bác quý và khi kiếm ra được, họ lấy đồ khua boong beng.  Nghe tiếng động phát ra từ chiếc bình bát yêu dấu của mình, thiền sư Kim Bích Thông lập tức xả định, hỏi to: “Đứa nào lấy chiếc bình bát của ta?”  Ngưu đầu, Mã viện cười, thưa: “Hôm nay là ngày mãn tuổi thọ nên chúng tôi đến xin mời ngài về chầu Diêm vương.”

Thiền sư Kim Bích Thông ồ lên một tiếng: “Thì ra các ông dùng điều này để bắt ta! Nhưng các ông sẽ thấy các ông vẫn không bắt được Kim Bích Thông đâu!  Các ông hãy xem đây!” Nói xong, ông an trú tâm ngay nơi bất động vô sinh, lặn vào cõi vô lậu, tan biến trong thể pháp thân, Ngưu đầu và Mã viện chẳng thấy ông đâu để mà bắt.

Từ câu chuyện này, chúng ta học được bài học: một khi tâm thức chúng ta còn khởi ý niệm “tôi thế này, tôi thế kia”, chúng ta còn ở trong pháp hữu lậu. Và còn hữu lậu thì còn sinh còn diệt. Nếu chúng ta tu tập giỏi, vượt ngang qua tầng chấp trước, ngay trong đời sống hiện thời, chúng ta sẽ trở thành người thênh thang rất nhẹ với mọi chuyện buồn, vui, phải quấy, thị phi v.v.. Người khác có gây khó khăn, phiền muộn cho chúng ta, chúng ta đều xem như chuyện nước đổ lá sen. Đó là thành đạt cạn.
Khi thành đạt sâu hơn, chúng ta điều hòa được đời sống gia đình, có được phúc lạc.  Xả ly được những cố chấp nhiều chừng nào, lòng mình thanh thản, bình an nhiều chừng ấy. Năng lượng lành của chúng ta sẽ tỏa rộng, người thân chung quanh cũng được hưởng. Và khi thành đạt sâu hơn nữa, chúng ta lặn ngang qua được những tầng Hữu lậu pháp, vào đến phần tâm Vô lậu – chính là tâm Phật trong chính chúng ta. Khi ấy chúng ta hoàn tất công trình tu tập, không còn rớt vào cõi tử sinh.

Trích "Kinh A Hàm 01"
Thích Phước Tịnh 

Dec 18, 2012

SÀI GÒN TRONG MẮT AI - Đoàn Khoa



Hình saigon với kỹ thuật Panorama của Photoshop



Dec 12, 2012

CON HEO HUYỀN DIỆU - Doãn Thị Quý dịch





CON HEO HUYỀN DIỆU

Một hôm nọ,  một bà già tìm thấy hai con heo, bà vội đăt vào rổ đem về.  Bà đặt tên “Ủn anh” và “Ủn em” và nuôi nấng chúng như con ruột.  Từ từ, chúng lớn phổng. Nhiều người muốn mua làm thịt nhưng bà già luôn luôn trả lời: “Đây là hai đứa con của tôi.  Nỡ lòng nào tôi bán chúng lấy tiền.”

Vào một ngày hội, có mấy tên vô lại ăn uống nhậu nhẹt.  Chúng muốn có thêm thức ăn và chợt nhớ đến hai con heo mập của bà già và chúng quyết tâm bắt hai con heo này.  Đang say bí tỉ, chúng tới đập cửa nhà bà cụ và đòi mua.  Tất nhiên bà cụ từ chối.  Không được, chúng đem vũ khí tới uy hiếp bà già.  Ủn em run lẩy bẩy kêu khóc: “Anh ơi, anh em mình chết đến nơi rồi.”  Ủn anh vội trấn an: “Đừng sợ em” rồi cất giọng đọc bài kinh “Tình Yêu Thương Trọn Vẹn”.   Đó là bài kinh xua đuổi tà ma.  Thật kỳ diệu, tiếng Ủn anh càng lúc vang dội khắp nhà, rồi vang ra xa.  Âm thanh yêu thương, nồng ấm rót vào tai mấy quân vô lại.  Và kết quả là chúng buông khí giới, và âm thanh đầm ấm đầy tình thương đó còn lang đến cung điện nhà vua.  Đức vua hỏi: “Âm thanh của ai đáng yêu vậy?”

Nhà vua bèn cất bước lần theo âm thanh kỳ diệu này và đến được căn nhà của bà già.  Ngài kinh ngạc nhận ra đó chỉ là tiếng kêu của một con heo.   Ngài ban thưởng cho bà già một tòa lâu đài đồ sộ.  Rồi nào là quần là áo lượt, nào là nước hoa thơm tho, rồi vòng vàng xuyến hột.  Còn nữa, nhà vua cho năm trăm quân lính ngày đêm canh gác tòa lâu đài, bảo vệ cho gia đình bà.  Vào những dịp lễ hội, Ủn anh lại đọc bài kinh “Tình Yêu Thương Trọn Vẹn” đem hòa bình chân lý và tình thương yêu cho toàn cõi.

THƯỢNG ĐẾ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN NHỮNG AI CÓ CHÂN TÂM!
THE MAGIC PIG
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Thị Quý
Hình minh họa: Martha Rago




VUA SƯ TỬ - Doãn Quốc Sỹ dịch



VUA SƯ TỬ

Ngày xửa ngày xưa, có một con thỏ đến nằm ngủ dưới gốc cây dừa.  Khi nó thức dậy, một trái dừa lớn rơi xuống đất, và một tiếng “bộp” vang lên! Nghe tiếng động, con thỏ nhảy lên và kêu: “Trái đất đang rạn nứt! Trái đất đang rạn nứt!” Sau đó, một con thỏ khác hùa theo, rồi một con thỏ nữa hùa theo cho đến khi cả trăm con thỏ cùng chạy và la lên: “Trái đất đang rạn nứt!”

Một con nai hoảng sợ, nghe những tiếng kêu của thỏ, cũng gia nhập đoàn thỏ, theo sau là con heo rừng, con nai rừng, con trâu, con bò, con tê giác, con hổ, và một con voi.  Vua sư tử nghe tiếng kêu của bầy thú này, nghĩ rằng: “Làm gì có chuyện trái đất rạn nứt. Có nhầm lẫn gì đây! Và nếu ta không làm gì cả, chúng sẽ kéo nhau cả đám nhảy xuống sông và chết đuối!”

Vua sư tử chạy đến trước đám thú rừng và gầm một tiếng.  “Hãy dừng lại! Kẻ nào nói trái đất đang rạn nứt?”
Con heo rừng đáp: “Dạ đàn thỏ nói.”
Con trâu đáp: “Dạ con nai nói.”
Con tê giác đáp: “Dạ con bò nói.”
Con voi đáp: “Dạ con cọp nói rằng trái đất đang rạn nứt.”
Tất cả đều gật đầu đồng ý và cùng nhau chỉ con thỏ đầu tiên.
“Có đúng là trái đất đang rạng nứt không?” vua sư tử hỏi.
“Dạ đúng, thưa ngài Sư Tử.”  con thỏ tiếp lời. Con vừa ngủ trưa thức dậy, và nghe thấy tiếng trái đất đang rạn nứt.”
“Vậy thì,” vua sư tử nói, “ngươi và ta sẽ trở lại nơi trái đất rạn nứt và chính ngươi và ta kiểm chứng điều này.”

Với con thỏ bám trên lưng, sư tử chạy nhanh như gió thổi ngang ngọn dừa.  Khi vua sư tử nhìn thấy trái dừa vỡ, bèn nói với thỏ, “Ngươi thật ngu ngốc, thỏ ạ! Tiếng trái dừa vỡ không có nghĩa là trái đất đang rạn nứt!”

Cả hai chạy về lại chỗ bầy thú để giải thích lại sự việc đã báo lầm.


SAI MỘT LY, ĐI MỘT DẶM!

THE LION KING
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago



CON RÙA VÀ CON NGỖNG - Doãn Quốc Sỹ dịch



CON RÙA VÀ CON NGỖNG

Một con rùa sống trong một ao ở dưới chân đồi.  Rùa thấy hai con ngỗng rừng đi kiếm mồi, rùa bắt đầu nói chuyện với chúng.  Ngày hôm sau, ngỗng lại tới, rùa lại nói chuyện, và cả ba trở thành bạn thân.  

“Này bạn rùa,” một ngày nọ, con ngỗng đực nói, “chúng tôi có một căn nhà đẹp ở cách xa đây.  Ngày mai chúng tôi sẽ bay về đó.  Đó là một chuyến đi dài nhưng đáng giá. Bạn có muốn cùng đi với chúng tôi không?”

“Làm sao tôi đi được? Tôi không có cánh!” rùa trả lời. 
“Chúng tôi có thể mang bạn theo với điều kiện bạn phải hứa không mở miệng nói một lời với bất kỳ ai!”

“Tôi có thể làm điều đó!” rùa nói, “Hãy mang tôi theo với các bạn!”

Ngày hôm sau, hai cong ngỗng đem đến một cành cây và mỗi con ngậm một đầu cành.  “Bây giờ,” con ngỗng đực nói, “hãy dùng miệng ngậm chặt cành cây ở khoảng giữa và nhớ không mở miệng nói một lời với bất kỳ ai cho đến khi chúng ta về đến nhà!”  Hai con ngỗng bèn bay lên không trung với rùa ngậm chặt cành cây khoảng giữa chúng. 

Bầy trẻ bên dưới nhìn hai con ngỗng bay cùng với một con rùa bèn lớn: “Trông kìa, rùa bay trên không trung.  Các bạn có bao giờ trông thấy điều gì ngớ ngẩn đến vậy trong đời bạn không?” Và bầy trẻ bật cười một tràng dài.  Niềm kiêu hãnh của rùa bị thương tổn nặng và rùa mở miệng nói: “Tao ngậm cây để bay được thì liên can gì đến bọn bay?” Nhưng ngay khi nó mở miệng nói, nó liền rơi xuống đất và chết. 

HÁ MIỆNG MẮC QUAI
THE TURTLE AND THE GEESE
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago




CON BÒ ĐEN - Doãn Quốc Sỹ dịch


CON BÒ ĐEN

Tại trang trại của một nhà giàu ở Ấn Độ, một con bò đen rất đẹp mã được sinh ra.  Hình dáng con bò lực lưỡng và toàn hảo đến nỗi ông chủ đặt tên cho nó là Chàng điển trai.  Ông cho nó ăn loại gạo ngon nhất và đối xử với nó vô cùng tử tế. Vào thời gian đó, Chàng điển trai phát triển thành một con bò to nhất và mạnh nhất.  Con bò nghĩ nó phải làm gì để đền ơn lòng tốt của chủ. 

Bò nói với chủ, “Thưa ông chủ tốt bụng!  Sao ông không tổ chức một cuộc thi tài với giải thưởng là một ngàn thỏi vàng cho con bò nào kéo được một trăm cỗ xe chở đầy đá?”

Ông chủ thấy đó là một ý hay, bèn tổ chức một cuộc chạy đua lớn.  Khi cuộc thi bắt đầu, ông cưỡi lên lưng Chàng điển trai và đập mạnh vào hông nó.  Sau đó ông la lớn: “Kéo xe đi, con quỷ kia! Kéo xe đi!” Chàng điển trai xưa nay chưa hề nghe chủ mình nói những lời như vậy hay chưa từng bị ông chủ đập mạnh vào hông.  Vì vậy Chàng điển trai không chịu di chuyển một bước nào.  Thế là ông chủ không thắng giải và thất bại trở về.  Ông vào giường nằm mặc dù mặt trời vẫn đang bừng sáng.  Chàng điển trai đi quanh cửa sổ phòng của ông và nhìn vào. 

Bò nói: “Thưa ông chủ, sao ông lại ngủ trưa?”
“Ngủ trưa à? Ta đã mất nhiều tiền như vậy, ta sẽ không bao giờ ngủ nữa!”
Chàng điển trai hỏi: “ Thưa ông chủ, trong suốt đời tôi, có lần nào tôi làm tổn thương ông hay con cái ông chưa?”
“Chưa bao giờ,” ông chủ đáp.  
“Vậy sao ông đã quá độc ác với tôi? Có phải vì nghĩ đến số tiền lớn như vậy đã khiến ông quên lưu tâm đến bằng hữu và những người hầu cận?”
Ông chủ lặng im.
Chàng điển trai nói: “Ông hãy tổ chức một cuộc thi khác, lần này số tiền thưởng là hai ngàn thỏi vàng, nhưng nhớ đối xử dễ thương với tôi.”

Thế là ông chủ chuẩn bị một cuộc thi khác.  Lần này, ông vỗ vào lưng của chàng điển trai và nhẹ nhàng nói: “Con bò điển trai của ta, hãy cho mọi người thấy sức mạnh của ngươi!” Và Chàng điển trai chỉ cần kéo một lần đã vượt xa nhiều dặm những con bò khác.

HÃY ĐỐI XỬ TỐT VỚI NGƯỜI KHÁC,
BẠN SẼ ĐƯỢC TƯỞNG THƯỞNG!

THE BLACK BULL
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago


NHỮNG CON VẸT ĐẸP - Doãn Quốc Sỹ dịch



NHỮNG CON VẸT ĐẸP 
 
Ngày xửa ngày xưa có hai con vẹt sống sâu trong khu rừng xanh.  Cả hai đều lộng lẫy với bộ lông đỏ, vàng, và xanh, nhưng một con thì khôn ngoan, còn con kia thì ngu ngốc.  Một ngày nọ có một người thợ săn bẫy được cả hai con và dâng vua như một món quà.  Nhà vua vui với hai con vẹt đẹp và nhốt chúng trong một lồng vàng, bên trong để đầy mật, bắp rang trên đĩa cũng bằng vàng, và chúng có nước đường để uống.  Nhà vua nói chuyện và đùa vui với hai con vẹt, và chẳng bao lâu, chúng được cả triều đình yêu mến. 

Rồi một ngày kia, một anh thợ săn bẫy được một con khỉ đen lớn và dâng vua như một món quà.  Lập tức, sự chú ý hướng về con khỉ.  Nó làm mặt hề và được cả triều đình yêu mến. Con vẹt khôn ngoan không nói gì.  Nhưng con vẹt ngu ngốc cất lời than phiền, “Bây giờ con khỉ lấy hết sự chú ý của mọi người xưa kia đã dành cho chúng ta.”

Con vẹt khôn ngoan hỏi: “Chúng ta có quyền gì đòi mọi người chú ý đến mình?”

Con vẹt ngu ngốc trả lời: “Vì chúng ta đã làm được nhiều điều tốt.  Chúng ta trung thành và thành thật! Và chúng ta không bao giờ mổ hay kêu quang quác với ai cả! Chúng ta là những con chim biết cư xử đúng đắn!”

Con vẹt khôn ngoan khuyên:

“Sự chú ý không thuộc về ai cả,
Được, mất, khen, chê
Vui, buồn, thành, bại
Tất cả đến rồi đi như gió thoảng
Vậy sao con vẹt nhỏ lại muộn phiền?”

Rồi thời gian tiếp tục qua đi, con khỉ không làm mặt hề được nữa.  Sau đó, nó bắt đầu làm trẻ con kinh hãi. Nhà vua bực mình và ra lệnh thả con khỉ trở lại rừng sâu.  Lại một lần nữa, hai con vẹt được cả triều đình yêu mến.
 
Con vẹt ngu ngốc cất tiếng hót vui vẻ. 

Nhưng con vẹt khôn ngoan cảnh cáo:

“Sự chú ý không thuộc về ai cả,
Được, mất, khen, chê
Vui, buồn, thành, bại
Tất cả đến rồi đi như gió thoảng
Vậy sao con vẹt nhỏ lại vui hót?”

TIỀN TÀI DANG VỌNG NHƯ GIÓ THOẢNG, NHƯ MÂY TRÔI!
THE BEAUTIFUL PARROTS
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago


CON NGỖNG VÀNG - Doãn Quốc Sỹ dịch




CON NGỖNG VÀNG

Ngày xửa ngày xưa có một con ngỗng có bộ lông vàng rất đẹp.  Một ngày nọ, đang bay trên trời, ngỗng nhìn xuống thấy một người đàn bà rất nghèo với hai đứa con gái ăn mặc rách rưới.  Con ngỗng nghĩ họ đang gặp khó khăn và tự nhủ, “Nếu mình tặng họ bộ lông vàng, người mẹ có thể bán ở chợ và mẹ con họ sẽ đủ ăn! Thế là con ngỗng bay đến nhà của  người đàn bà nghèo ấy. 

“Ngỗng muốn gì?” người đàn bà nghèo bực bội cất lời nói.  “Ta chẳng có gì cho ngươi!” 

“Nhưng tôi có cái này cho bà!” con ngỗng nói, rồi nhổ một lông vàng của nó tặng cho bà ta.  Làm xong, nó bay đi.  Người đàn bà nhặt chiếc lông, và cùng hai đứa con gái đi ra chợ, nơi đây họ mua được nhiều thức ăn ngon.  Thỉnh thoảng con ngỗng quay trở lại và lần nào cũng tặng người đàn bà một chiếc lông vàng để giúp mẹ con bà ta sống được thoải mái.  Nhưng một ngày kia, người đàn bà nghĩ, “Ta không thể tin con ngỗng này.  Nó có thể bay đi nơi khác và không trở lại.  Thế là ta phải sống lại trong cảnh nghèo khổ.  Lần sau nó tới, ta phải vặt hết lông của nó.”

Khi bà ta nói điều đó với hai đứa con gái, chúng kêu lên: “Không được! Không được!  Làm vậy sẽ gây tổn thương đến con ngỗng!  Tụi con sẽ không vặt hết lông của ngỗng!”

Nhưng người mẹ rất tham lam.  Lần sau khi ngỗng quay lại, bà ta dùng hai tay chụp lấy ngỗng và vặt trụi lông nó.  Bà ta không biết lông ngỗng có phép thuật và nếu làm trái ý ngỗng, những cọng lông sẽ hóa bẩn giống như cọng lông của gà con dính đất.  Và sự việc đã xảy ra như vậy.  Người đàn bà không thể tin những gì mình trông thấy.  Bà khóc trong thất vọng.

Hai đứa con gái của bà thất kinh nhìn thấy lông ngỗng tản mạn khắp nơi.  Chúng nhẹ nhàng ôm con ngỗng đáng thương vừa bị nhổ trụi lông và đi vào rừng.  Chúng chăm sóc ngỗng cho đến khi lông mọc lại, vàng óng ánh. Để đáp lại tấm lòng nhân hậu của hai cô con gái, con ngỗng kiếm cho hai cô hai người chồng dễ thương.  Nhưng vì lòng tham không thể bỏ được, mẹ của hai cô sống cuộc đời khổ hơn xưa và ngày nào cũng phải gặp điều không may. 

KHÔNG GIÀU NÀO HƠN GIÀU LÒNG NHÂN ÁI!

THE GOLDEN GOOSE  
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago

CON VOI THẦN DIỆU - Doãn Quốc Sỹ dịch


CON VOI THẦN DIỆU

Ngày xửa ngày xưa có một con bạch tượng ra đời.  Với vẻ đẹp có một không hai, nó là vật báu của nhà vua.  Vào những ngày lễ hội, nhà vua cưỡi trên lưng voi, đi khắp đó đây.  Nhìn thấy con voi, ai đi trên đường phố cũng trầm trồ khen: “Coi kìa, con voi đẹp quá đi thôi!”

Nhà vua ganh tị vì không được ai khen mình nên có ý định giết bỏ con vật này.  Vua gọi người quản voi rồi ra lệnh: “Con voi này chưa được luyện kỹ!”  Anh quản voi bèn tâu: “Bẩm Hoàng Thượng, con voi này đã được luyện kỹ lắm.”

“Nếu vậy, nó phải trên được đến đỉnh núi kia.”

Tuân lệnh, anh ta trèo lên lưng voi và cưỡi đến đỉnh núi.  Vua và quần thần ngồi xe ngựa theo sau.  Nhà vua lại tiếp: “Nếu quả nó được luyện kỹ, nó phải đứng được trên ba chân bên bờ vực thẳm.” Chàng quản voi bèn ra dấu và con vật liền đứng trên ba chân.

Nhà vua hét to: “Giờ bảo nó đứng trên hai chân trước xem nào!” 

Con vật giơ cao hai chân sau và đứng thẳng trên hai chân trước.

Nhà vua lại hét to: “Giờ đứng trên hai chân sau được không?”

Con vật ngoan ngoãn, dơ hai chân trước và đứng thẳng trên hai chân sau. 

“Thử đứng một chân xem nào!” Con vật tuân theo lệnh. 

Nhà vua nghiến răng: “Nếu quả thật nó đã được luyện kỹ, nhà ngươi hãy ra lệnh cho nó đứng trên không trung!”

Thâm ý của nhà vua là muốn nó lao mình xuống vực thẳm.  Anh quản voi hiểu được ác ý của nhà vua, bèn nói thầm bên tai voi: “Này bạn mến, nhà vua muốn bạn chết dưới vực sâu đó.  Ông vua này không xứng đáng được bạn phục dịch.  Nếu bạn có mãnh lực mầu nhiệm, bạn hãy bay bổng lên không trung để chúng ta cùng đi đến vương quốc khác.”

Thế là con vật cõng anh bay bổng trên cao.  Anh quản voi hét vọng xuống nhà vua: “Hỡi tên ngu xuẩn kia!  Ngươi không xứng đáng làm chủ con bạch tượng thần diệu này.  Chỉ hoàng đế nào khôn ngoan, đầy lòng nhân mới xứng đáng làm chủ nó.”

Nói xong, cả người lẫn voi bay tới một vương quốc khác.  Nơi đây vị vua thông thái đã kịp thời biến tên vua thấp hèn kia thành tro bụi. 

TRÈO CAO TÉ NẶNG, KHIÊM TỐN ĐƯỢC ĐỀN BÙ!

THE MAGIC ELEPHANT 
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago


CON CUA THÔNG MINH - Doãn Quốc Sỹ dịch


CON CUA THÔNG MINH

Ngày xửa ngày xưa vào một mùa hè, một ao cá bị khô cạn nhanh vì thiếu mưa.  Một  con sếu đứng trên bờ ao nói với một con cá, “Ta biết có một ao sâu trong rừng tràn đầy nước.  Tôi có thể mang từng bạn một tới đó.”
“Chẳng có sếu nào muốn giúp cá đâu!” vua cá nói vậy.
“Nếu bạn không tin tôi,” con sếu nói, “Tôi sẽ mang bạn đến đó, rồi đưa bạn trở về và chính bạn có thể nói với những con cá khác.” 

Vua cá hình dung được cảnh nếu ao cạn nước, mình chết vì bị sếu ăn thịt cũng nhanh như chết khô vì hồ thiếu nước. Vì vậy vua cá chấp nhận lời đề nghị của sếu.  Con cá dùng vây của mình bám lên lưng sếu và cả hai bay vào sâu trong rừng. Nơi đó vua cá thấy một hồ lớn – mát và rợp bóng cây, nước trong suốt và lấp lánh. 

“Tuyệt vời!” vua cá nói.  “Bây giờ hãy mang ta trở lại để ta kể lại với các con cá khác về điều đó.”

Thế là chúng quay lại.  Tất cả những con cá khác đều muốn được đi đến hồ nước lớn, và con sếu mỗi lần bay, mang theo một con, nhưng không đưa đến hồ, mà thả cá xuống một hang, nơi đây sếu tuần tự ăn từng con một.  Chẳng bao lâu sếu đã ăn hết bầy cá.  Chỉ còn một con cua trong ao nhỏ.

“Này cua,” sếu nói, “ta sẽ mang mày đến hồ lớn như ta đã mang tất cả những con cá.”
“Được,” con cua nói.  “Nhưng bạn phải để càng của tôi bám vào cổ của bạn.” Con sếu biết nếu bám, càng cua sẽ bám rất chặt.  Nhưng vì đói quá, nó cũng bằng lòng. 

Thế là con cua dùng càng bám vào cổ con sếu và sếu đưa cua bay vào hang. 
“Đến rồi.  Đừng bám vào cổ ta nữa,” con sếu nói.
Con cua nhình quanh và nói: “Ta chẳng thấy hồ nước đâu, chỉ thấy một đống xương cá!”

“Đúng vậy!” con sếu nói.  “và lát nữa đây mày cũng chỉ còn lại bộ mai.”

Nhưng con cua xiết cổ sếu chặt đến độ đầu con sếu đứt lìa khỏi cổ. 

“Không phải là cái mai của ta, mà là bộ xương của ngươi sẽ bị để lại khô cằn nơi đây trong thương xót.” Con cua nói như vậy, rồi bò đi nơi khác.  Vài ngày sau, nó thấy hồ lớn sâu trong rừng - mát và rợp bóng cây, nước trong suốt và lấp lánh – và nó sống vui ở đó mãi mãi. 


VỎ QUÍT DÀY, MÓNG TAY NHỌN!

THE CLEVER CRAB
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago


CON LỪA XÁM BÉ NHỎ - Doãn Quốc Sỹ dịch



CON LỪA XÁM BÉ NHỎ

Ngày xửa ngày xưa có một người lái buôn chở hàng của mình trên lưng con lừa.  Vào cuối ngày, hắn thường tìm một cánh đồng phì nhiêu đầy lúa mạch và gạo.  Khi nhìn quanh không thấy ai, hắn quàng da sư tử lên con lừa và thả lừa vào cánh đồng, cho lừa ăn thả cửa. Những người nông phu nhìn thấy con vật lúc tranh tối tranh sáng, họ thường nghĩ đó là một con sư tử và không dám đến gần.  Người lái buôn vì thế trở nên tự phụ.  Hắn tự nhủ: “Ban ngày tôi bán hàng cho dân chúng, ban đêm tôi đoạt lại.  Tôi thật mưu mẹo! Tôi thật khôn khéo!”

Một ngày nắng đẹp kia, trong khi người lái buôn đang ăn sáng, hắn thả con lừa vào một cánh đồng lúa mạch phì nhiêu với tấm da sư tử quàng trên nó. “Mấy người nông phu ngu ngốc lắm, chẳng nhận ra sự khác biệt giữa ngày và đêm”, hắn nghĩ vậy. 

Những người nông phu quả thật lại tưởng con lừa là con sư tử, nhưng lần này, họ triệu tập tất cả những dân làng khác, cùng đổ xuống ruộng, quơ cuốc và cào, đánh trống, gõ chiêng. Con lừa sợ quá mức!  Nó thở hổn hển, kêu be be.  “Be-be! Be-be! Be-be! Be-be!” và tấm da sư tử rớt ra khỏi lưng nó. Khi những người nông phu thấy đó chỉ là con lừa, họ cười ầm vang.  Họ dùng cuốc và cào, đánh trống đuổi nó đi.  Và họ cũng đuổi chủ nó đi luôn. 


CHỚ SỢ CÁO ĐỘI DA HÙM!

THE LITTLE GRAY DONKEY
Lời kể : DEMI
(Những Câu Chuyện Phật Kể)
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Martha Rago