Mar 19, 2010

NHÀ SÁCH TỰ LỰC VÀ NHỮNG THĂNG TRẦM CỦA NGHỀ PHÁT HÀNH SÁCH TIẾNG VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ



“Để cho con rương vàng, không bằng để cho con một pho sách”. Câu tục ngữ này nằm ở Nhà Sách Khai Trí tại Sài Gòn trước 1975. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không quên được nó. Có lẽ vì một phần hồi nhỏ tôi cũng là một con mọt sách.

Sang đến bên Mỹ, có lần tôi nghe một người viết than: “văn chương hạ giới bây giờ rẻ… hơn bèo!”. Điều đó cũng không lạ. Người Việt ở Mỹ sống trong một xã hội sử dụng Anh Ngữ, cộng với rất nhiều phương tiện giải trí khác như truyền hình, phim ảnh, internet… chữ nghĩa tiếng Việt chỉ phục vụ cho vài trăm ngàn người trong cộng đồng mình thì… rẻ là phải rồi!

Như vậy thì ở thế kỷ 21 này, trên đất Bolsa, ai là người mua, người bán, người đọc sách tiếng Việt? Tôi đã tìm gặp anh Đồng chủ nhà sách Tự Lực để nghe anh kể câu chuyện của người bán chữ nghĩa Việt trên xứ Mỹ…

Anh Đồng sang Mỹ vào năm 1975. Là người mê đọc sách từ thưở bé, sang đến Mỹ anh phải đối mặt với sự thiếu thốn sách báo tiềng Việt. Đi học trung học ở Ohio, anh Đồng vẫn nhớ mãi cái cảm giác thèm được đọc tiếng Việt của một người Việt lạc loài nơi xứ lạ. Anh kể lại mỗi lần có được tờ báo Hồn Việt, anh đọc say sưa trong cái cảm giác sợ là nó sắp hết, giống như một đứa bé nhà nghèo ăn một cái bánh ngọt mà thấy sao nó ít quá ! Anh đọc từ từ, đọc không sót một chữ nào, đọc luôn cả phần quảng cáo kỹ càng như đọc văn chương vậy! Chính thời gian đó, anh đã tự đặt cho mình một hoài bão là sau này phải làm một cái gì đó để đem sách báo tiếng Việt đến tay người Việt sinh sống trên tòan nước Mỹ.


Sau đó anh về Cali, học đại học ở San Jose, ra trường và làm trong ngành điện tử. Công việc nhàn, ổn định, nhưng anh vẫn chưa có ý định “an cư lạc nghiệp”. Vì vẫn nuôi mộng phát hành sách, anh đã đi xuống Quận Cam lập nghiệp vào năm 1987. Anh đi làm, vừa xin làm phụ việc trong nhà sách Tự Lực, thời đó vẫn còn thuộc chủ của nhà Xuất Bản Đại Nam. Có thể nói, nhà sách TựÏ Lực là một trong những nhà sách đầu tiên của Người Việt ở Mỹ, ra đời từ cuối thập niên 70 nằm ở gần ngã tư Westminster-Magnolia. Sau này, Tự Lực phát triển thêm hai tiệm nữa, rồi lại gom về thành một nằm ở vị trí ngày nay (14318 Brookhurst St., Garden Grove CA 92843). Đến năm 1991, anh Đồng mua lại và chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Sách Tự Lực, tính đến nay đã gần 20 năm rồi. Anh vẫn còn nhớ hồi mới bắt đầu làm, anh đã say mê công việc đến mức có những ngày ba bốn giờ sáng mà anh vẫn còn sắp xếp sách trong tiệm!


Nhìn lại hai thập kỷ tồn tại và phát triển của Nhà Sách Tự Lực, ta cũng sẽ hình dung ra được những thăng trầm của cái nghề phát hành sách trên đất Mỹ. Thời gian đầu thập niên 90 là những ngày cực thịnh, vì nhu cầu đọc tiếng Việt của người Việt hải ngoại còn rất cao. Tuy nhiên, điều mà ít người biết đến là Nhà Sách Tự Lực không chỉ bán sách cho cộng đồng chúng ta mà thôi. Thị trường lớn nhất của Tự Lực chính là phân phối sách tiếng Việt cho nhiều thư viện trên tòan nước Mỹ, rồi sang đến thư viện ở Châu Âu, ở Úc Đại Lợi nữa. Đây là một công việc đòi hỏi phải hiểu rõ hệ thống quản lý thư viện Mỹ, phải biết các nguyên tắc đặt hàng sách của họ. Trước Tự Lực, việc phân phối sách tiếng Việt vào thư viện Mỹ phải thông qua công ty của người Hoa. Tự Lực đã thuyết phục các thư viện để dành lại quyền phân phối sách tiếng Việt về cho người Việt. Bởi vì bán sách cho thư viện không đơn thuần là một công việc kinh doanh, mà còn là một cách giới thiệu văn hóa Việt trên nền văn hóa hợp chủng Hoa Kỳ. Khi một thư viện Mỹ đặt mua sách, họ thường đặt theo dạng trọn gói, còn việc chọn đầu sách là do người bán. Tự Lực phải lựa chọn ra cuốn sách, DVD, CD…có giá trị về mặt văn học để đặt trong thư viện. Nếu không mê đọc sách tiếng Việt thì làm sao làm công việc này một cách “có văn hóa” được? Có một lần một thư viện bên Úc liên lạc với Tự Lực để đặt mua sách tiếng Việt. Người quản thư cho biết ngân sách của họ rất hạn hẹp, mà nhu cầu các chủng lọai thì nhiều, tiền có chỉ đủ trả cho phí vận chuyển. Thế là Tự Lực quyết định chỉ lấy tiền vận chuyển, còn sách thì biếu không. Ông người Úc này không ngờ có một người làm ăn mà “có văn hóa” đến vậy, nên đã cất công sang đến Mỹ để cám ơn và biết thêm về Tự Lực. Năm 2008, nhà sách Tự Lực tham dự hội chợ sách thư viện tại L.A, với sự tham gia của các nhà phát hành đến từ khắp nơi trên thế giới. Gian hàng của Tự Lực là gian hàng sách tiếng Việt duy nhất ở hội chợ này. Nhiều người không tin Tự Lực là một nhà phát hành của người Việt ở Mỹ, mà nghĩ là gian hàng này là của chính phủ Việt Nam gởi sang!



Tôi hỏi anh Đồng so với 20 năm trước, sách vở, tác giả, độc giả của Tự Lực thay đổi ra sao? Anh nhớ lại rằng hồi đầu thập niên 90, sách chủ đề chính trị, lịch sử bán rất chạy, bây giờ người đọc ít hơn. Mấy năm gần đây, một số tác giả trong nước như Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thu Hương (nay đã sang Pháp), Tô Hải (Hồi Ký Của Một Thằng Hèn) cũng được độc giả quan tâm, vì họ muốn biết thêm cái nhìn của những người trong nước. Sách về đề tài tâm lý gia đình, giáo dục con cái, sách cho thiếu nhi hiện nay cũng nhiều người đọc hơn. Còn những loại sách có nhu cầu ổn định trong suốt nhiều năm qua là các loại tự điển, sách học làm người, sách của Tự Lực Văn Đoàn. Về độc giả, anh nhìn thấy những gương mặt khách hàng quen thuộc ngày một già đi như chính anh. Mới ngày nào họ là những trung niên, nay đã đầu bạc. Thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ hầu như không đọc sách tiếng Việt. Một lượng khách lớn của Tự Lực lại là du khách từ các Tiểu Bang khác, từ các quốc gia khác tới thăm Little Saigon. Người dân của Little Saigon có những ưu đãi mà ít người nhận ra. Mình sống như trong một thành phố Sài Gòn thu nhỏ, với quá nhiều phương tiện thông tin bằng tiếng Việt, nên đọc tiếng Việt không còn là một nhu cầu quan trọng nữa. Có nhiều người Việt ở những tiểu bang xa xôi, có được một cuốn sách, một tờ báo xuân là một món quà tinh thần thật đáng giá. Đó cũng giải thích vì sao lượng độc giả mua sách trên mạng internet www.tuluc.com đông hơn lượng khách mua tại tiệm nhiều. Do nhìn trước được khuynh hướng này trong tương lai của thị trường, cách đây hơn 10 năm, Tự Lực đã có website với nhiều tiện ích, giúp khách hàng có thể đặt mua sách từ xa dễ dàng. Và bây giờ, nó trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của nhà sách Tự Lực.



Tôi hỏi anh Đồng tương lai của Nhà Sách Tự Lực nói riêng, và của ngành phát hành sách tiếng Việt trên đất Mỹ nói chung sẽ ra sao? Anh Đồng không trả lời trực tiếp, chỉ nhận xét rằng với khuynh hướng giá thuê mặt bằng không giảm, giá sách xuống, người đọc ngày một ít đi, những nhà sách của người Việt mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Anh cho biết anh vẫn làm nhiều việc kinh doanh khác để sinh sống. Duy trì và phát triển Nhà Sách Tự Lực hơn 20 năm nay, anh đã thực hiện được một ước vọng lớn của mình khi mới đặt chân lên đất Mỹ, đó là việc góp phần duy trì tiếng Việt nơi hải ngoại. Anh gởi lời cám ơn đến các tác giả trong và ngoài nước, cám ơn quí độc giả gần xa đã giúp anh nuôi dưỡng tiếng Việt. Hãy cố gắng duy trì tiếng Việt cho những thế hệ sau. Nếu làm văn hóa chỉ với mục đích lợi nhuận thuần túy thì sẽ khó mà tồn tại. Anh Đồng đã và đang làm điều này với niềm say mê của một người yêu sách thực sự…

Đòan Hưng


No comments: