Mar 28, 2010

Một Giai Thoại Thi Ca - Doãn Quốc Sỹ

Photo: Bồ Hùng Dũng

Tôi còn nhớ khoảng 1984 phong trào vượt biên đang rầm rộ: Hôm nay gặp nhau đó, rất có thể chỉ vài ngày sau đã hay tin chàng A, nàng B... đã vượt biên rồi! Hôm đó, một chàng đương tự Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương tự bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình. Một trong đôi bạn tức cảnh sinh tình ngẫu hứng thành bốn câu thơ:

Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy biết chừng nào xa

Rất nhanh, bốn câu thơ chân thành và dễ thương này được phổ biến sâu rộng trong và ngoài giới văn nghệ sĩ. Chính bản thân tôi cũng đã thú vị ngâm thầm chẳng biết bao nhiêu lần trong ngày. Ngâm riết rồi bỗng sực nhớ cách đó chừng bốn năm - khoảng 1980 - tôi cũng từng đã tức cảnh làm sáu câu theo thể lục bát nói về cảnh kẻ ở người đi như vậy:

Đỉnh trời vằng vặc gương nga
Lonh lanh soi tỏ lòng ta lòng mình
Gương trong mình lại soi mình
Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du
Nẻo đời gió buị kỳ khu
Biết ai còn mất tình thu võ vàng

Tường thuật bằng văn xuôi, lời đối thoại của đôi bạn đại ý như sau: - Ôi chao, gặp cậu đây thật quý hoá. Trông kì, đồng lúa Thủ Thiêm dưới chân cầu: ngọn chìm ngọn nổi theo gió xa lộ mênh mang lúc thổi lúc ngừng. Mừng thật đấy, nhưng liệu rồi mai đây còn gặp nhau nữa không, hay rồi lại hay tin cậu đã xuống tàu vượt biên rồi! - Thôi cậu ơi, hãy nhìn trăng trên đỉnh trời vằng vặc kia lấy đó làm gương soi tỏ lòng mình để thấy rằng: xa nhau mà vẫn nhớ nhau là quý. Hình hài cách trở - có xá chi! Chao ôi, nói vậy âu cũng chỉ dối người dối mình để tự an ủi. Cứ nghĩ cảnh rồi đây mỗi người mỗi ngả, ở tít nơi xứ người xa tắp mỗi lần nghĩ đến nhau chẳng biết ai còn ai mất - thật cũng buồn lắm thay! Nào bây giờ chúng ta cùng đọc lại cả mười câu thơ vấn đáp của thiên giai thoại thi ca này và không quên sự kiện ngộ nghĩnh là câu hỏi thốt ra vào năm 1984 mà câu trả lời đã có từ bốn năm về trước - 1980:

(1984)
Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy biết chừng nào xa

(1980)
Đỉnh trời vằng vặc gương nga
Lonh lanh soi tỏ lòng ta lòng mình
Gương trong mình lại soi mình
Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du
Nẻo đời gió buị kỳ khu
Biết ai còn mất tình thu võ vàng

Tôi xin trân trọng dùng thiên giai thoại thi ca này thay cho lời tựa thiên tiểu thuyết mới nhất của tôi mang tựa đề: Mình Lại Soi Mình!

Doãn Quốc Sỹ
Houston 27-2-1995

Mar 26, 2010

LÚA THỦ THIÊM, GIÓ XA LỘ - Bồ Hùng Dũng



Bác Khánh ơi, Út ơi....

Một buổi chiều em đi làm về, qua cầu Saigon, thấy cảnh hoàng hôn đẹp quá, lấy máy ra ghi lai khoảnh khắc này, chợt nhớ khi xưa ở Thành Thái trong buổi họp mặt bạn bè của Bố, Bác Nguyễn Đình Toàn đọc tặng Bố bài thơ 4 câu:

Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa...

Đó là chuyện của xưa kia, bây giờ thấy hết rồi, gió xa lộ vẫn lúc thổi lúc ngừng nhưng lúa Thủ Thiêm không còn nữa để nhìn thấy nó khi nổi khi chìm...

Lúc này đây viết cho chị Khánh cho Út Hương và chú Hưng - em thấy nhớ Bố và Mẹ nhiều lắm...rồi khóc trong văn phòng...nhưng em thấy vui mỗi lần như thế, vì trái tim mình vẫn còn biết thổn thức vì điều gì đó.


Em tặng Bố Mẹ tấm ảnh này, cầu cho Mẹ khỏe mạnh để còn nhỏng nhẽo với Bố với mọi người...

em,
Dũng sữa


Mar 25, 2010

MỘT VÀI CẢM NHẬN TRONG NGÀY ĐÀI TRUYỀN HÌNH SBTN KỶ NIỆM SINH NHẬT THỨ TÁM

Bánh sinh nhật SBTN 08 tuổi

Vào ngày Chủ Nhật 21 Tháng Ba năm 2010, đài truyền hình SBTN đã tổ chức buổi tiệc thân mật để kỷ niệm sinh nhật lần thứ tám của mình. Phóng viên Việt Báo đã có mặt để ghi nhận một vài điểm đáng chú ý trong sự kiện đáng chú ý của giới truyền thông Việt Nam tại hải ngoại này…
Cùng với chương trình ca nhạc Asia, SBTN là một trong những phương tiện truyền thông thể hiện rất rõ ràng lập trường quốc gia – phi cộng sản của người Việt tại hải ngoại. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất dẫn đến việc thành lập SBTN là ngăn chận sự xâm lấn về văn hóa của chính quyền CSVN sang đến thế giới của những người Việt tự do trên đất Mỹ. Mục tiêu kế đến không kém phần quan trọng là dùng đài truyền hình này để duy trì nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Với một lập trường rõ ràng như vậy, SBTN đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ, vượt qua biết bao nhiêu khó khăn về tài chính, nhân lực trong thời gian đầu để phát triển vững mạnh, trở thành đài truyền hình thành công nhất của người Việt hải ngoại như ngày hôm nay. Việc SBTN đưa được phóng viên của đài chính thức về Việt Nam để phát tin sang Mỹ cũng đã thể hiện được sức mạnh chính danh của SBTN đối với chính quyền Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam không muốn gặp thêm rắc rối với dư luận quốc tế khi ngăn cấm phóng viên của một đài truyền hình có gần 100,000 địa chỉ thuê bao trên toàn khu vực Bắc Mỹ.

Nhạc Sĩ Nam Lộc trả lời phỏng vấn

Nhạc Sĩ Nam Lộc, người đã gắn bó với SBTN từ những ngày đầu tiên, trích lời ký giả Mỹ John Chandler của đài NBC để ví một đài truyền hình giống như một vị khách của các gia đình khán giả. Khi họ bật ti vi và chọn đài của mình, giống họ mời khách vào nhà, và đó là quyền của họ. Chủ nhà chỉ mời những vị khách mà họ thích. Việc SBTN ngày càng có thêm nhiều khán giả thuê bao trong tám năm qua là một bằng chứng cho thấy SBTN là một người khách được yêu thích của nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ. Anh Nam Lộc nhấn mạnh đến vai trò của khán giả và các công ty thương mại như những nhà ủng hộ không thể thiếu trong sự sinh tồn của đài SBTN. Nước Mỹ là xứ sở của tự do báo chí-thương mại, các đài truyền hình phải tồn tại mà không có bất cứ một sự tài trợ nào từ chính phủ như ở Việt Nam. Nếu không có khán giả và các nhà tài trợ thương mại thông qua nguồn quảng cáo, đài SBTN sẽ không thể tồn tại. Lúc đó, các đài thân cộng của chính quyền CSVN sẽ có cơ hội tràn ngập ở ngay trong cộng đồng chúng ta trên đất Mỹ. Do trân trọng sự hỗ trợ vô giá đó, tập thể ban giám đốc và nhân viên SBTN cũng quyết không phụ lòng mong đợi của cộng đồng, không xem đài SBTN như là một công cụ kinh doanh thuần túy. Đó còn là một công cụ của người Việt tự do, phải nói lên điều đáng nói, phải nói thay cho những người trong nước những điều cần nói nhưng bị cấm đoán. Giữ vững được phương châm này, SBTN hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quí khán giả.

Nhạc sĩ Trúc Hồ - Tổng Giám Đốc SBTN- trong phần phát biểu cảm tưởng đã nhận mình là người may mắn. Anh may mắn được cha mẹ cho học nhạc theo đúng sở thích của mình. Dù gia đình anh ở Việt Nam không giàu có, cha anh vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua đúng thứ nhạc cụ mà anh muốn học. Anh may mắn sống sót được trong chuyến vượt biên đầy gian truân. Trong những ngày tháng ở trại tị nạn anh đã học được bài học làm người tử tế ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Rồi anh may mắn được làm việc với Asia, sau đó là SBTN, nơi anh được dịp hợp tác với những bậc tiền bối mà anh từng ngưỡng mộ. Anh may mắn có được những nhân viên hết lòng với lý tưởng mà SBTN theo đuổi, đã chịu thương chịu khó với SBTN trong những ngày đầu thành lập. Không thể phụ lòng khán giả, không thể phụ tấm lòng của nhân viên SBTN, anh quyết tâm tiếp tục phát triển SBTN thêm nhiều chương trình mới, có ý nghĩa hơn và hấp dẫn hơn. Với Asia và SBTN, ước mơ giữ gìn nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa của anh trở thành hiện thực. Anh hứa SBTN sẽ tiếp tục hỗ trợ cho một nước Việt Nam tự do dân chủ trong tương lai. Bài hát “Thiên Thần Trong Bóng Tối”- một sáng tác mới của nhạc sĩ Trúc Hồ, viết để ca ngợi tinh thần bất khuất của nhà đấu tranh dân chủ trong nước Lê Thị Công Nhân- đã được nữ ca sĩ Diễm Liên trình bày đầy cảm xúc, được khán giả tán thưởng nhiệt liệt trong buổi tiệc.

Nhạc Sĩ Trúc Hồ và Ký Giả Vi Anh trong buổi tiệc

Nhiều nhân viên, cộng tác viên của SBTN cũng lên sân khấu để nói lên cảm nghĩ của mình. Nhóm Từ Bi Phụng Sự và thầy Hằng Trường đã cảm ơn SBTN phát sóng chương trình Khai Tâm hằng tuần, đem Phật Pháp đến với biết bao nhiêu người Việt ở khắp nơi trên đất Mỹ. Ở những tiểu bang ít có người Việt sinh sống, chương trình này càng được trân trọng. Phóng viên Phan Đại Nam hãnh diện mình được làm việc với SBTN để phục vụ lý tưởng của cộng đồng người Việt tị nạn. Ca sĩ Ngọc Minh cảm ơn SBTN đã giao cho mình trách nhiệm thực hiện chương trình Người Yêu Của Lính, để chị tiếp tục được là người em gái hậu phương của các chiến sĩ Cộng Hòa nơi hải ngoại. Chị tin rằng với một lý tưởng cao đẹp như vậy, SBTN sẽ còn có dịp kỷ niệm đến 80 năm thành lập trong tương lai. Đại diện các đài SBTN địa phương tại Dallas, Houston… đã có dịp nhớ lại những ngày đầu gia nhập gia đình SBTN, và vui mừng trước sự lớn mạnh không ngừng của SBTN trên toàn nước Mỹ. Ký giả Vi Anh kể lại trong những năm tháng đầu thành lập, công ty bị lỗ liên tục, những anh em trong nhóm sáng lập phải bơm tiền nhà vào để cầm cự. Nếu không có cùng một lý tưởng SBTN để phục vụ, nếu chỉ nghĩ đến mục đích kinh doanh, có lẽ mọi người đã bỏ cuộc rồi. Phóng viên Kiều Mỹ Duyên cũng nhớ lại thời kỳ gian khó đã qua đó. Bây giờ thì mọi người đã có thể hướng đến một tương lai xa hơn của SBTN. Bà chúc sẽ có ngày mọi người được xem các chương trình của SBTN ngay tại quê nhà, ngày mà tự do dân chủ trở về trên quê hương, đúng như ước mơ của mọi người Việt yêu nước.

Khi được hỏi về tình hình hiện nay có thêm nhiều đài ti vi tiếng Việt mới, Nhac sĩ Nam Lộc cho rằng đó là chuyện bình thường trong chốn thương trường. Càng nhiều đài ti vi cạnh tranh, khán giả sẽ có thêm nhiều lựa chọn, SBTN lại càng phải tự cải tiến chính mình để giữ được khán giả trung thành với mình.

Cho dù có thêm nhiều đài ti vi Việt Ngữ, có lẽ SBTN vẫn cứ là người khách được mời vào nhà của rất nhiều gia đình Việt Nam trên toàn nước Mỹ. Bởi vì không ai có thể phủ nhận SBTN là ngọn cờ đầu và vững vàng nhất trong việc bảo vệ nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa của người Việt tị nạn trên đất Mỹ.

Đoàn Hưng

TÁI ÔNG THẤT MÃ - Sưu Tầm


There is an old Chinese fable about good luck and bad luck. The story begins with an old farmer who lost his only horse. All the other farmers in his village must have felt horrible for him because all they could talk about was his stroke of bad luck. However, all the old farmer could say was, “Good luck, bad luck, who knows?” A few days later, the runaway horse returned with two wild horses following it. The farmers in the village must have jealous because they only spoke of the old farmer’s good luck. The old farmer simply responded, “Good luck, bad luck, who knows?”

While the old farmer’s son was trying to tame the two new wild horses, he broke his leg, and the other farmers were saddened by the old farmer’s recurring bad luck. All the old farmer would say was, “Good luck, bad luck, who knows?” Several days later, the emperor’s soldiers marched through the village taking all able-bodied men and boys to fight in the emperor’s war. The old farmer’s son was left behind because of his broken leg. The villagers found the old farmer’s luck to once again be good, but all the old farmer could say was, “Good luck, bad luck, who knows?”

The concept of good luck and bad luck might be alluring to many, but the old farmer in the Chinese fable seems to have the best attitude toward both kinds of luck. We might have good luck one day, but the next day that good luck could turn to bad. The old farmer is probably telling us that we should not take luck too seriously, and that we should try to make the best of both good and bad without relying on the concept of luck.

From “Eye on Editing 2” – Joce S. Cain
Photos - http://www.pencilplace.com

Mar 21, 2010

CÔN ĐẢO TRIP REPORT 1 - Tía Dũng

Bác Khánh, Út, chú Hưng ơi...

Tía Dũng vừa có chuyến công tác đến Côn Đảo nên đã thực hiện được bài báo cáo sinh hoạt nhiếp ảnh:


Hình 1. Cầu tàu 914, được xây dựng tời Pháp thuộc,
nơi đây là bến các thuyền về sau mỗi chuyên câu
và sinh hoạt mua bán cũng diễn ra nơi đây.


Hình 2. Đây là kiểu thuyền câu ở Côn Sơn,
có vẻ xấu bác Khánh nhỉ.


Hình 3. Những con cá thu được chuyển lên bờ.


Hình 4. Đây là loại dây câu của ngư dân côn Sơn.


Hình 5. Em thấy con mực nầy nằm trên bờ tường của cầu tàu,
nhìn con mắt mở thao láo của nó thấy thương qua,
có và như đang nhìn về phía biển rộng
v
à nói thầm..."không còn đường về!!!"

Hình 6. Đây là cái bờ tường ngăn biển
chạy dọc suốt con đường chính của thị trấn Côn Sơn...


... buổi chiều, người dân kéo ra đây hóng mát,
tắm biển (hình 7) biển rất sạch, nước trong xanh.


Hình 8. Hai cậu bé này mới bắt được một con cá nhỏ.


Hình 9. Con chó này buồn quá, không có gì chơi
nên cũng ra ngồi ngắm những chiếc thuyền câu trở về.


Hình 10. Câu cá cũng là thú vui của người địa phương.


Hình 11. Có khi ngồi hàng giờ ở cầu tàu.


Hình 12. Hình ảnh này thật dễ thương,
hai mẹ con này có vẻ là du khách,
họ đang chia nhau tai nghe từ chiếc điện thoại
(chắc là bài dạ cổ hoài lang)

Còn tiếp nha bác Khánh, chú Hưng, Útttt

Tía Dũng

CÔN ĐẢO TRIP REPORT 2 - Tía Dũng

Báo cáo tiếp đêeeeeee

Hinh 13. Cây cối ở vùng biển thật tốt,
rất nhiều cây bàng thật to ở Côn Đảo.


Hinh 14. em chưa bao giờ thấy cây hoa sứ như thế này...


Hinh 15. Hoa Phượng thật là thắm.


Hình 16.Thị trấn thật nhỏ, thật bình yên
có những góc phố nhà cửa nằm sát cạnh đèn giao thông,
người dân nơi đây rất trật tự, không hề thấy CSGT
nhưng mọi người chấp hành luật giao thông tuyệt đối.


Hinh 17. có khi em ra đường không một bóng người,
không gian như dừng lại,
kim đồng hồ có lẽ không di chuyển...


Hinh 18. buổi chiều ở thị trấn nhìn ra biển.



Hinh 19 & 20. hoàng hôn ở Bến Đầm, đây là nơi kết thúc một con đường.


Hinh 21. Đây là nhà tưởng niệm nhà soạn nhạc người Pháp,
ông đã đến ở đay và hoàn thành 3 chương cuối
bài giao hưởng của một người bạn
(em không nhớ tên)


Hinh 22. Buổi tối ở cầu tàu 914.


Hinh 23. Hoàng hôn Côn Đảo...
hết phim...

Em đặc biệt thích Côn Sơn vì sự sạch sẽ, hiền hòa và thật bình an( em nhớ hồi đi Phú Quốc quá), thỉnh thoảng muốn sống chậm lại tí thì bay ra đây bác Khánh ơi...Em không đến xem nhà tù như mọi người.

Tía Dũng

Mar 20, 2010

TRỞ VỀ - Anh Quân


Quân có cái thú đi làm bằng xe công cộng hơn là lái xe hơi, vì khi ngồi trên xe điện hay xe buýt thì có thời gian đọc báo hay đọc truyện. Hôm nào tìm được quyển sách hay là mong đường tới sở làm càng dài ra, để có cơ hội ngồi đọc ngấu nghiến. Như là hôm nay, trước khi tới sở, Quân Xchạy vào thư viện cầm ra ba quyển sách Việt Nam, trong đó của hai quyển của tác giả Nguyễn Hưng Quốc. Quân chưa bao giờ đọc sách ông viết nhưng biết ông qua các báo đăng trên Internet về việc ông hai lần từ chối không được vào Việt Nam, nhớ nhất lần chót ông tranh cãi với an ninh Việt Nam tại sân bay Nội Bài và ông giận không kịp đi vào Toilet đi xã bầu tâm sự cho đã tức trước khi ông phải quay lại Thái Lan. Thời gian gần đây Quân có đọc một số bài viết của ông trên Blog qua đài radio VOA. Đó những điều Quân về tác giả và giờ mới đọc sách của ông viết.

Khi đọc đến bài “sống và viết giữa các nền văn hóa” trong quyển Văn Hóa Văn Chương Việt Nam, Quân cảm thấy khá thú vị, nhớ lại câu chuyện Minh Duy lần đầu tiên trở về trường cũ và gặp lại Thầy Quốc vào tháng Giêng 2005. Để câu chuyện được lớp lang, thì Quân xin trích đoạn văn của ông Nguyễn Hưng Quốc trước.

“ Tôi hay tưởng tượng vớ vẩn: hình dung một “Việt kiều” lần đầu tiên trở về thăm quê hương. Anh/chị ta hứa hẹn sẽ tặng từng người than những món quà mà anh/chị ta cho quý báu nhất. Mọi người hồi hộp, trố mắt thao dõi từng động tác anh/chị ta mở va li để lấy quà. Tay anh/chị ta run run như không ngăn được xúc động đang trào dân trong long. Đó là những món quà gì vậy? Này nhé, thử tưởng tượng: một bộ quần áo đã nhàu nát; một đôi dép nhựa mòn và bẩn; một cuốn vở học trò vàng ố chép những bài thơ đầy mộng mơ của tuổi học trò. Đó là tất cả những gì anh/chị đã mang theo lúc xuống tàu vượt biên. Suốt mấy chục năm, ở quê người, anh/chị nâng niu những kỷ vật ấy. Với anh/chị ta, đó là tất cả quá khứ, tất cà quê hương. Bây giờ, anh/chị ta muốn tặng cái quá khứ và cái quê hương ấy lại cho những người than yêu nhất.”

Óng Nguyễn Hưng Quốc có viết them tưởng tượng của ông về các phản ứng của người than. Còn Quân viết lại những gì Quân thấy khi Minh Duy bước vào phòng hiệu trưởng gặp Thầy Quốc. Duy lễ phép chào thầy và hỏi thăm sức khoẻ thầy. Còn Thầy nói vẫn còn nhớ đến Minh Duy, sau đó Thầy có nói them cái thời đó khổ cực quá nên khó mà quên được các em.



Ngồi hàn huyên trong chốc lát, Minh Duy lấy một món đồ trong túi xách, trịnh trọng để lên bàn. Theo suy nghĩ bình thường thì chắc ai cũng nghĩ Duy tặng thầy một món quà. Mòn đồ được gói ghém kỹ lưỡng trong một túi giấy, Duy xé ra thì là một cái áo học sinh cũ mèm, tính ta cũng trên 20 tuổi. Trên chiếc áo còn huy hiệu trường “Thực Hành”. Tất nhiên Duy hoàn toàn không có một ý định nào tặng quà cả. Phần thầy thì chắc không bao giờ nghĩ chuyện quà cáp (chắc nhiều năm nhiều đứa của lớp A2 về thăm Thầy Cô chẳng đem quà cáp gì về tặng đâu. Nếu ai có tặng thì lên tiếng nha).

Cái áo cũ đó đối với mọi người thì không có nghĩa lý gì, nhưng với Duy là một di sản, Duy mang theo cả chục năm nay, thứ mà Duy không vứt được trong cuộc sống lưu vong, vì đó cũng là một phần trong than thể của Duy. Nên Duy đưa chiếc áo đó cho Thầy quốc coi với cả một tấm long thành. Cũng có thể Duy muốn nói sau bao nhiêu năm xa quê hương, Duy vẫn không quên được những gì trong quá khứ.

Quân nhìn Thầy, thì thấy sự phản ứng của Thầy rất bình thường, nói vài câu cho có lệ. Quân nghĩ Thầy chưa biết được cảnh sống lưu vong, con người như là một “trú khách” , họ cố hòa nhập vào xã hội mới , nhưng không đơn giản vì ai cũng có một quá khứ dài dằng dặt sau lưng. Họ phải cố hòa đồng hai thứ lại với nhau. Sông lưu vong không đơn giản định nghĩa là có một cuộc sống mới, an nhàn và vui xuân bốn mùa. Vì còn nhiều thứ phải đi phiêu lưu như hiểu được cuộc sống xứ người, đầu tiên là phải vật lộn với ngôn ngữ, rồi văn hóa, tiếp theo là việc làm hang ngày và cái khổ nhất là cái di sản đem theo.

Câu chuyện chỉ có bấy nhiêu, nhưng xin viết them một phần tưởng tượng ờ cá nhân mình, nếu ngày hôm đó Duy không đem cái áo đó ra, Duy để trong bao thơ với một hiện kim cứ cho khoảng $500 để tặng cho trường với mục đích xây dựng cho trường đẹp hơn xưa thì phản ứng gì xảy ra? Các bạn hãy viết câu trả lời đi nha.

Anh Quân
photos: http://www.facebook.com/group.php?gid=2262229338

Mar 19, 2010

NHÀ SÁCH TỰ LỰC VÀ NHỮNG THĂNG TRẦM CỦA NGHỀ PHÁT HÀNH SÁCH TIẾNG VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ



“Để cho con rương vàng, không bằng để cho con một pho sách”. Câu tục ngữ này nằm ở Nhà Sách Khai Trí tại Sài Gòn trước 1975. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không quên được nó. Có lẽ vì một phần hồi nhỏ tôi cũng là một con mọt sách.

Sang đến bên Mỹ, có lần tôi nghe một người viết than: “văn chương hạ giới bây giờ rẻ… hơn bèo!”. Điều đó cũng không lạ. Người Việt ở Mỹ sống trong một xã hội sử dụng Anh Ngữ, cộng với rất nhiều phương tiện giải trí khác như truyền hình, phim ảnh, internet… chữ nghĩa tiếng Việt chỉ phục vụ cho vài trăm ngàn người trong cộng đồng mình thì… rẻ là phải rồi!

Như vậy thì ở thế kỷ 21 này, trên đất Bolsa, ai là người mua, người bán, người đọc sách tiếng Việt? Tôi đã tìm gặp anh Đồng chủ nhà sách Tự Lực để nghe anh kể câu chuyện của người bán chữ nghĩa Việt trên xứ Mỹ…

Anh Đồng sang Mỹ vào năm 1975. Là người mê đọc sách từ thưở bé, sang đến Mỹ anh phải đối mặt với sự thiếu thốn sách báo tiềng Việt. Đi học trung học ở Ohio, anh Đồng vẫn nhớ mãi cái cảm giác thèm được đọc tiếng Việt của một người Việt lạc loài nơi xứ lạ. Anh kể lại mỗi lần có được tờ báo Hồn Việt, anh đọc say sưa trong cái cảm giác sợ là nó sắp hết, giống như một đứa bé nhà nghèo ăn một cái bánh ngọt mà thấy sao nó ít quá ! Anh đọc từ từ, đọc không sót một chữ nào, đọc luôn cả phần quảng cáo kỹ càng như đọc văn chương vậy! Chính thời gian đó, anh đã tự đặt cho mình một hoài bão là sau này phải làm một cái gì đó để đem sách báo tiếng Việt đến tay người Việt sinh sống trên tòan nước Mỹ.


Sau đó anh về Cali, học đại học ở San Jose, ra trường và làm trong ngành điện tử. Công việc nhàn, ổn định, nhưng anh vẫn chưa có ý định “an cư lạc nghiệp”. Vì vẫn nuôi mộng phát hành sách, anh đã đi xuống Quận Cam lập nghiệp vào năm 1987. Anh đi làm, vừa xin làm phụ việc trong nhà sách Tự Lực, thời đó vẫn còn thuộc chủ của nhà Xuất Bản Đại Nam. Có thể nói, nhà sách TựÏ Lực là một trong những nhà sách đầu tiên của Người Việt ở Mỹ, ra đời từ cuối thập niên 70 nằm ở gần ngã tư Westminster-Magnolia. Sau này, Tự Lực phát triển thêm hai tiệm nữa, rồi lại gom về thành một nằm ở vị trí ngày nay (14318 Brookhurst St., Garden Grove CA 92843). Đến năm 1991, anh Đồng mua lại và chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Sách Tự Lực, tính đến nay đã gần 20 năm rồi. Anh vẫn còn nhớ hồi mới bắt đầu làm, anh đã say mê công việc đến mức có những ngày ba bốn giờ sáng mà anh vẫn còn sắp xếp sách trong tiệm!


Nhìn lại hai thập kỷ tồn tại và phát triển của Nhà Sách Tự Lực, ta cũng sẽ hình dung ra được những thăng trầm của cái nghề phát hành sách trên đất Mỹ. Thời gian đầu thập niên 90 là những ngày cực thịnh, vì nhu cầu đọc tiếng Việt của người Việt hải ngoại còn rất cao. Tuy nhiên, điều mà ít người biết đến là Nhà Sách Tự Lực không chỉ bán sách cho cộng đồng chúng ta mà thôi. Thị trường lớn nhất của Tự Lực chính là phân phối sách tiếng Việt cho nhiều thư viện trên tòan nước Mỹ, rồi sang đến thư viện ở Châu Âu, ở Úc Đại Lợi nữa. Đây là một công việc đòi hỏi phải hiểu rõ hệ thống quản lý thư viện Mỹ, phải biết các nguyên tắc đặt hàng sách của họ. Trước Tự Lực, việc phân phối sách tiếng Việt vào thư viện Mỹ phải thông qua công ty của người Hoa. Tự Lực đã thuyết phục các thư viện để dành lại quyền phân phối sách tiếng Việt về cho người Việt. Bởi vì bán sách cho thư viện không đơn thuần là một công việc kinh doanh, mà còn là một cách giới thiệu văn hóa Việt trên nền văn hóa hợp chủng Hoa Kỳ. Khi một thư viện Mỹ đặt mua sách, họ thường đặt theo dạng trọn gói, còn việc chọn đầu sách là do người bán. Tự Lực phải lựa chọn ra cuốn sách, DVD, CD…có giá trị về mặt văn học để đặt trong thư viện. Nếu không mê đọc sách tiếng Việt thì làm sao làm công việc này một cách “có văn hóa” được? Có một lần một thư viện bên Úc liên lạc với Tự Lực để đặt mua sách tiếng Việt. Người quản thư cho biết ngân sách của họ rất hạn hẹp, mà nhu cầu các chủng lọai thì nhiều, tiền có chỉ đủ trả cho phí vận chuyển. Thế là Tự Lực quyết định chỉ lấy tiền vận chuyển, còn sách thì biếu không. Ông người Úc này không ngờ có một người làm ăn mà “có văn hóa” đến vậy, nên đã cất công sang đến Mỹ để cám ơn và biết thêm về Tự Lực. Năm 2008, nhà sách Tự Lực tham dự hội chợ sách thư viện tại L.A, với sự tham gia của các nhà phát hành đến từ khắp nơi trên thế giới. Gian hàng của Tự Lực là gian hàng sách tiếng Việt duy nhất ở hội chợ này. Nhiều người không tin Tự Lực là một nhà phát hành của người Việt ở Mỹ, mà nghĩ là gian hàng này là của chính phủ Việt Nam gởi sang!



Tôi hỏi anh Đồng so với 20 năm trước, sách vở, tác giả, độc giả của Tự Lực thay đổi ra sao? Anh nhớ lại rằng hồi đầu thập niên 90, sách chủ đề chính trị, lịch sử bán rất chạy, bây giờ người đọc ít hơn. Mấy năm gần đây, một số tác giả trong nước như Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thu Hương (nay đã sang Pháp), Tô Hải (Hồi Ký Của Một Thằng Hèn) cũng được độc giả quan tâm, vì họ muốn biết thêm cái nhìn của những người trong nước. Sách về đề tài tâm lý gia đình, giáo dục con cái, sách cho thiếu nhi hiện nay cũng nhiều người đọc hơn. Còn những loại sách có nhu cầu ổn định trong suốt nhiều năm qua là các loại tự điển, sách học làm người, sách của Tự Lực Văn Đoàn. Về độc giả, anh nhìn thấy những gương mặt khách hàng quen thuộc ngày một già đi như chính anh. Mới ngày nào họ là những trung niên, nay đã đầu bạc. Thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ hầu như không đọc sách tiếng Việt. Một lượng khách lớn của Tự Lực lại là du khách từ các Tiểu Bang khác, từ các quốc gia khác tới thăm Little Saigon. Người dân của Little Saigon có những ưu đãi mà ít người nhận ra. Mình sống như trong một thành phố Sài Gòn thu nhỏ, với quá nhiều phương tiện thông tin bằng tiếng Việt, nên đọc tiếng Việt không còn là một nhu cầu quan trọng nữa. Có nhiều người Việt ở những tiểu bang xa xôi, có được một cuốn sách, một tờ báo xuân là một món quà tinh thần thật đáng giá. Đó cũng giải thích vì sao lượng độc giả mua sách trên mạng internet www.tuluc.com đông hơn lượng khách mua tại tiệm nhiều. Do nhìn trước được khuynh hướng này trong tương lai của thị trường, cách đây hơn 10 năm, Tự Lực đã có website với nhiều tiện ích, giúp khách hàng có thể đặt mua sách từ xa dễ dàng. Và bây giờ, nó trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của nhà sách Tự Lực.



Tôi hỏi anh Đồng tương lai của Nhà Sách Tự Lực nói riêng, và của ngành phát hành sách tiếng Việt trên đất Mỹ nói chung sẽ ra sao? Anh Đồng không trả lời trực tiếp, chỉ nhận xét rằng với khuynh hướng giá thuê mặt bằng không giảm, giá sách xuống, người đọc ngày một ít đi, những nhà sách của người Việt mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Anh cho biết anh vẫn làm nhiều việc kinh doanh khác để sinh sống. Duy trì và phát triển Nhà Sách Tự Lực hơn 20 năm nay, anh đã thực hiện được một ước vọng lớn của mình khi mới đặt chân lên đất Mỹ, đó là việc góp phần duy trì tiếng Việt nơi hải ngoại. Anh gởi lời cám ơn đến các tác giả trong và ngoài nước, cám ơn quí độc giả gần xa đã giúp anh nuôi dưỡng tiếng Việt. Hãy cố gắng duy trì tiếng Việt cho những thế hệ sau. Nếu làm văn hóa chỉ với mục đích lợi nhuận thuần túy thì sẽ khó mà tồn tại. Anh Đồng đã và đang làm điều này với niềm say mê của một người yêu sách thực sự…

Đòan Hưng


Mar 18, 2010

CHUYỆN MỘT NGƯỜI VỢ HIỀN - Bố Sỹ

CHUYỆN MỘT NGƯỜI VỢ HIỀN - Bố Sỹ

Photo: Sen Trắng

Cô Trang còn độc thân có một cô bạn đã có chồng được hai năm nhưng vẫn chưa có con, Trang vẫn gọi là “cô bạn hiền !” Là thấy tính tình hiền, giọng nói hiền, nụ cười hiền… thì gọi là bạn hiền ! Hồn nhiên vậy thôi, chưa bao giờ Trang tự vấn vì sao, vì những đức tính vượt trội nào mà mình lại mệnh danh bạn là “cô bạn hiền !”

Một ngày kia nhân dịp công việc xong xuôi, trên đường về chợt nhớ tới bạn, Trang bèn rẽ ngay theo con đường đưa đến nhà bạn.

Tới nơi, Trang vừa gõ cửa tiếng bạn bên trong đã vang ra:
• Cứ vào !
Trang mở cửa thấy bạn đang ngồi trên chiếc ghế kê ngay bên chậu hoa tím, tay cầm bức thư, vẻ mặt tưng bừng.
Trang hỏi ngay:
• Mới nhận được thư của cô bạn thân nào vậy ?
Cô bạn đưa ngay bức thư cho Trang, giọng say mê:
• Hay quá bạn ơi, bạn đọc nè !
Trang cầm bức thư cúi xuống, lộ vẻ ngạc nhiên ngay khi vừa đọc dòng đầu, kế đó càng đọc càng say sưa, đọc nhanh nữa:

Kính Thưa Chàng,

Lẽ ra phải đề trên lá thư này bằng một từ thương yêu hơn, nhưng em xin được bắt đầu bằng “Kính Thưa”, bởi vì câu chuyện thật đáng để bắt đầu trân trọng nhường ấy.

Chàng sẽ tự hỏi: em là ai ? Em viết thư này làm gì ?
– Xin thưa: Lá thư này để tỏ tình em với chàng – một mối tình nồng nàn sâu đậm, bất chấp những năm tháng muộn màng trôi qua ngả sương trên mái tóc. Em xin gửi đến chàng tình yêu – há đó chẳng phải là điều cao quý, là món quà đẹp nhất trên cõi đời này hay sao ?!

Em gặp chàng khi đôi ta chung ngõ, chàng còn là cậu bé tắm sông, chui rào ăn trộm ổi. Thời ấu thơ tươi sáng reo vui, bướm rập rờn bãi sông, gió sớm phất phơ trên dậu cúc tần. Vâng, em yêu chàng khi ấy, khi mười bốn tuổi, dòng sông vắng ngậm vầng trăng cổ tích, trăng non rồi già chứng kiến đôi ta lớn lên rời xa đi học. Chàng nức nở tiếng đàn xé nát lòng em:
Đóa hồng chớm nở
Chùm nho mê say
Trao nhau ngay ấy
Hương còn đến nay
Từ đó em gối đầu sương xuống hát cho những vì sao lẻ loi rơi rụng. Em xõa tóc Giáng Tiên đi dưới ánh trăng rằm. Em ngày đêm vỗ sóng than van cho nhánh sông phân ly. Em quẩy gánh hàng rong trên vỉa hè mờ cát bụi. Em hái chè dưới chân đồi chập chùng. Từ sườn non góc biển, em dõi theo chàng, khóc cười theo những buồn vui của chàng.

Giờ hẳn chàng đã nhận ra em ! Rồi em đi theo chàng lên rừng xuống phố, qua gian nan họan nạn, qua sung sướng ngọt bùi, lúc nào cũng có nhau. Em ăn với chàng miếng cơm nắm dọc đường thiên lý, uống với chàng ly rượu nồng sóng sánh. Em ngỡ cùng chàng mãi mãi sánh đôi. Ai hay chàng đi xa:
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi tới trăng thề

Chàng đi xa rồi về, chàng lại đi xa rồi về, giờ chàng đi sao chưa thấy về ? Em mong ngóng đợi chờ. Em làm thiếu phụ Nam Xương đêm đêm đối vách. Em là Tô Thị hóa đá đầu non. Đợi chàng từ mấy lần oanh líu lo đến ý nhi chợt gáy, từ mấy độ mai phong nhụy đến phù dung bơ thờ. Chàng nỡ đi thật sao ?! Chàng bảo rằng sông đã ra tới biển còn có khúc quành nào đâu ? Nhưng em không đành đoạn cam chịu như vậy. Nước tuôn ra biển lại mưa về nguồn ! Em dâng tặng chàng mối tình trắng trong chung thủy này và không chịu mất chàng ! Từ nay chàng sẽ luôn luôn nghĩ về em như em luôn nghĩ về chàng ! Chàng sẽ nhìn thấy em khắp nơi ! Một tà áo thóang qua. Em đó ! Tiếng guốc vang trên vỉa hè: em đó ! Em hóa thân thành con sáo sậu hót tự tình trong bụi tre ! Em náu mình trong gió mùa xuân, giục cành mai sớm nở ! Em núp trong giọt mưa từ tàng me rơi xuống tóc chàng ! Em núp trong sợi cỏ may quấn quít chân chàng !
Thương nhớ chàng khôn nguôi !

Em chèo bè tìm chàng ngòai biển Đông mênh mông, ngỏanh nhìn bốn phương mờ mịt, gió bấc thổi buốt ruột cây sầu đông, mưa Tây Sơn chứa chan từng trận, hồn em bão tố tơi bời.

Chàng hãy hứa nắm tay em đi trong khu rừng lau xạc xào. Chàng hãy hứa cùng em tung tăn đi dạo, có trái dầu xoay trong gió rơi cài lên tóc em. Niềm mơ ước trải dài thao thức giữa hai ngụm nước trong tiếng nói cười. Lẽ nào những chuyện đó chẳng trở thành sự thực ! Lẽ nào chàng quên khu rừng mơ ước ấy ! Quên lời thệ ước ba sinh !

Chàng phụ tình em ư ? Hay là chàng đã quên chàng và chàng đã quên em ?
Nhớ thuở chàng là hòang tử nhặt được chiếc hài em qua cầu đánh rơi, thuở chàng dẫn em lên núi Tản Viên xây nhà bên suối, vớt tơ trời dệt lụa may xiêm.
Còn em ? Thơm đêm liêu trai huyền hoặc !
Nhưng em là thì điều ấy có gì là quan trọng ?!
Em vừa là ân sủng vừa là oan khiên ! Bởi vì em chính là chàng và chàng chính là em !
Chàng ơi xin hãy về với em ! Nơi ta ở có nắng hè nhuộm đỏ hàng dâm bụt, có trời thu xanh biếc ngõ hồng cốm tốt đôi ! Nơi ta ở có nhọc nhằn cay đắng nhưng cũng có hạnh ngộ thênh thang; có hệ lụy đời thường nhưng cũng có tình yêu thánh hóa.

Đó là cội nguồn chàng dấn thân vào hành trình kiếp người và cũng là trốn đến vào phút cuối cùng chàng rời trần thế. Không mệt mỏi âu sầu, chàng sẽ an nhiên mỉm cười ngả vào vòng tay em !

Xin hãy đến cùng em ! Em ngồi hong tóc đợi chàng đầu thềm vắng. Em đi hát hội trăng rằm ở thôn Đông. Em se chỉ luồn kim nơi tinh cầu tím ngát.

Em đưa võng hát ru:
À ơi...à ơi... lên cao trông thức mây hồng
Cố hương nơi đó bềnh bồng hư không

Em đó, thưa chàng, luân hồi trong cõi vô thường này !
Em là của chàng và chàng là của em kiếp trước, kiếp này và mãi mãi về sau !
Em đợi chàng có nhật nguyệt trên cao chứng soi cho mối tình đôi ta.

Đọc vừa xong Trang trao lại ngay bức thư cho bạn và hỏi liền:
• Bức thư bạn thấy ở đâu vậy ?
• Gài ngay trong tập sổ tay của anh ấy !
Trang ngạc nhiên gần như hốt hoảng.
• Ủa, vậy là bức thư của người đẹp nào đó ?!
• Đúng !
Vẻ mặt Trang hầu như chuyển thành ngẩn ngơ khi thấy vẻ mặt bạn vẫn vui hồn nhiên:
• Ủa, bạn không giận sao ?
• Giận sao ?! Người ta đã viết hộ những lời âu yếm mà mình không có tài viết nổi, không cám ơn còn giận người ta nữa sao ?!

Sau đó câu chuyện của hai người chuyển sang những đề tài quen thuộc – nói nói cười cười vui vẻ !
Rồi cũng đến lúc đôi bạn tạm biệt !
Trang rời khỏi nhà bạn, trên đường về, trong tiềm thức vẫn nghĩ về câu chuyện của bạn với bức thư “Kính Thưa Chàng” !

Cho tới khi trở về đến nhà, rồi vào phòng mình, hầu như Trang vẫn không ngừng thỉnh thỏang lại tự nhủ thầm:
• Đúng là cô bạn hiền của mình ! Và cũng đúng là chuyện một người vợ hiền !

DOÃN QUỐC SỸ





LƯỚI TÌNH - Sen Trắng

Photo: Sen Trắng



Tình yêu như mạng nhện
Ta như muỗi bay qua
Vô tình rơi lưới nhện
Mà chẳng hay bao giờ.

Tình yêu có muôn màu
Mỗi màu một định mệnh
Đã an bài cho ta
Có người được màu sáng
Hạnh phúc đến tràn đầy
Không may bị màu tối
Đau khổ theo triền miên
Muốn tránh mà chẳng được.

Tình yêu tạm là thế
Có ai hiểu nghĩa đâu!
Nhưng vẫn muốn sa vào
Vương lưới tình – khó ra.

Sen Trắng
1994

NET OF LOVE
Sen Trắng
(English Version 1998)

Love is such spider net
We are as mosquitoes
Suddenly fall into net
But we never realize.

Love has multiple colors
Some get bright color
Happiness is always around
Some get dark color
Sadness often pays visit.

Love cannot be defined
‘Cause nobody really know
But once drops into net
It’s hard to ever get out.

Mar 15, 2010

VIỆN VIỆT HỌC KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP: 10 NĂM NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG VĂN HÓA


Anh Nguyễn Minh Lân, Tổng Thư Ký Viện Việt Học
phát biểu ý kiến

VIỆN VIỆT HỌC KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP: 10 NĂM NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG VĂN HÓA

Vào tháng 02 năm 2000, một nhóm người Việt tâm huyết ở vùng Little Saigon Nam Cali đã cùng ngồi lại để quyết định cho ra đời Việt Việt Học. Khi mà cả nhân loại đang hướng về tương lai với một thiên niên kỷ mới, những giáo sư, những người bằng hữu đó lại muốn làm công việc có vẻ như theo hướng nhìn về quá khứ: tìm hiểu, nghiên cứu nền văn hóa Việt Nam từ hải ngoại.

Vào ngày 27 và 28-02-2010 vừa qua, Viện Việt Học đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập của mình. Thắm thóat đó mà đã 10 năm rồi…Phóng viên Việt Báo đã có dịp nói chuyện với anh Nguyễn Minh Lân- Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Viện Việt Học- để nhìn lại về chặng đường văn hóa này…

Tại sao lại Việt học? Sang thiên niên kỷ mới, nhu cầu đi tìm lại bản sắc của dân tộc Việt Nam của người Việt ở Mỹ vẫn còn nguyên. Ở trong nước, chính quyền CSVN đã không thể thống nhất được lòng dân, không khơi dậy được hồn thiên sông núi trong lòng dân tộc, vẫn chưa đưa dân tộc đi theo hướng một nền văn minh nhân bản vốn đã có từ lâu trong truyền thống con Hồng cháu Lạc của chúng ta. Ở tại Hoa Kỳ, việc duy trì bản sắc dân tộc của những người Việt lưu vong còn phải kết hợp thêm nhu cầu hội nhập vào nền văn minh vật chất-kỹ thuật của Mỹ . Viện Việt Học ra đời để cùng cộng đồng giải quyết bài tóan nan giải đó một cách có hệ thống hơn. Tôn chỉ hoạt động của Viện không nằm ngoài mục đích tìm hiểu, duy trì nền văn hóa Việt Nam qua nhiều góc độ, truyền lại di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, giúp các em áp dụng một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa của dân tộc mình trên quê hương mới.

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh phát biểu ý kiến

Đúc kết lại 10 năm họat động của Viện Việt Học, anh Lân đã tóm tắt theo các nhóm họat động chính như sau:
- Học vụ: tổ chức các lớp học Việt Học tại chỗ, online theo các chủ đề Địa Lý, Lịch Sử, Văn Hóa, Văn Minh, Ngôn Ngữ Việt Nam…
- Thuyết trình: với hơn 200 buổi thuyết trình các đề tài khác nhau về Việt Học
- Xuất bản: với hơn 20 ấn phẩm văn hóa có giá trị. Gần đây nhất phải kể đến CD Nam Phong Tạp Chí, Cơ Cấu Việt Ngữ, Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn…
- Chương trình xứ sở và con người: tổ chức Ngày Văn Hóa cho các địa phương như Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Định, Cần THơ… nhằm giới thiệu văn hóa của từng miền, kết hợp với việc ghi nhận những thành tựu trên xứ người của các Hội Đồng Hương ở Hoa Kỳ
- Tổ chức ngày College Day, nhằm giúp các em học sinh trung học chuẩn bị hành trang kiến thức để bước lên đại học
- Chương trình Việt Ngữ Thí Điểm: thử nghiệm một chương trình dạy tiếng Vệt đầy tham vọng, dự định kéo dài trong 16 năm, bao gồm cho bốn cấp độ: Phù Đổng (7-10 tuổi), Trần Quốc TOản (11-14 tuổi), Hai Bà Trưng ( 15-18 tuổi), Nguyễn Trãi (19-22 tuổi). HIện nay chương trình đã thử nghiệm được hai năm10 năm làm văn hóa như một cái chớp mắt ! Nhìn lại, đã có khá nhiều vị thầy kính yêu từng gắn bó với VIện Việt Học từ những ngày đầu đã về với tiên tổ: Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa, Giáo Sư Nguyễn Khắc Họach, Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế, Cụ Nguyễn Khắc Kham…Những thầy trò còn lại vẫn gắn bó cùng nhau thực hiện nghĩa vụ văn hóa đối với dân tộc. Hướng đến tương lai, bên cạnh những công việc đang thực hiện, Viện Việt Học đặt trọng tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Phải làm sao để có được những loại “thức ăn văn hóa” phù hợp với khẩu vị của các em? Ở trong một môi trường năng động, thực dụng như ở Mỹ, chúng ta khó có thể dạy văn hóa Việt Nam cho các em theo phương cách giáo dục cũ. Phải làm mới cả nội dung lẫn hình thức. Bên cạnh Chương Trình Việt Ngữ Thí Điểm vẫn đang tiếp tục tiến hành, Viện Việt Học hiện đang dự định chuẩn bị một chương trình mới có tên là Vui Học Lịch Sử- Văn Hóa Việt. Chương trình này thực hiện dưới dạng các workshop, dạy cho các em các đề tài về lịch sử, văn hóa Việt bằng những phương tiện năng động, dễ lĩnh hội hơn như mô hình, hình ảnh, trò chơi… Dạng workshop như vậy thường được áp dụng trong các trường học của Mỹ, hiệu quả giáo dục khá cao, nên hy vọng các em sẽ thích thú hơn khi học. Đây chính là mong mỏi từ lâu của nhiều phụ huynh, đòan thể hướng đạo, các trung tâm VIệt Ngữ…, nên Viện Việt Học sẽ cho thử nghiệm chương trình trong thời gia sớm nhất. Viện Việt Học cũng sẽ tổ chức Câu Lac Bộ Học Sinh- Sinh Viên để các em có dịp gặp gỡ; Câu Lạc Bộ Thầy Cô Giáo- Phụ Huynh để thầy cô và cha mẹ trao đổi những kinh nghiệm trong việc khuyến khích con em học và duy trì văn hóa Việt Nam.


Các em thiếu nhi gia đình Việt Ngữ
với bài hát Ly Rượu Mừng mở đầu chương trình văn nghệ
kỷ niệm 10 năm Viện VIệt Học

Buồi tiệc để kỷ niệm 10 năm VIện Việt Học diễn ra trong bầu không khí thân mật, với sự tham gia của rất nhiều vị giáo sư, các thân hữu, cộng tác viên của Viện trong 10 năm qua, các em học sinh và cựu học sinh của Viện cùng các bậc phụ huynh. Thay mặt cho Ban Chấp Hành của Viện Việt Học, anh Nguyễn Minh Lân đã chân thành cảm ơn sự hỗ trợ vô giá của cộng đồng dưới nhiều hình thức như tài chính, công sức, hiện vật… dành cho Viện trong 10 năm qua. Anh nhấn mạnh tương lai của cộng đồng, của dân tộc Việt Nam nằm trong tay thế hệ trẻ. Những điều mà Viện Việt Học đã, đang và sẽ làm chính là cho em các em, tặng cho các em một di sản văn hóa vô giá mà tổ tiên ta đã truyền lại từ đời này sang đời khác. Công việc này không của riêng một giáo sư, một học giả, hay của một Viện Việt Học, mà là của chung tòan bộ những người trong cộng đồng người VIệt chúng ta. Viện Việt Học vẫn tiếp tục cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng trong những ngày tháng tới.

10 năm làm văn hóa là một thời gian quá ngắn ngủi trong hành trình 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt. 10 năm sau ngày thành lập, Viện Việt Học cũng chỉ mới là bắt đầu trong hành trình văn hóa của mình. Hành trình này tưởng như chỉ là việc nhìn lại quá khứ. Nhưng không, đó chính là sự chuẩn bị cho tương lai của dân tộc Việt Nam thông qua hành trang của thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, Viện Việt Học nhất định sẽ không lẻ bước trên con đường văn hóa của mình…

Đòan Hưng

Mar 14, 2010

Kỷ niệm đệ nhất chu niên "cô Út lìa quê nhà"

cho DH A ha! Lấy vòng kim cô riệt đôi chân xinh xắn lại Không cho nó chạy khỏi quê nhà Không cho nó chạy khỏi quê nhà ... Chao ôi! Nửa chừng câu thiên lý Lại mọc ra vó ngựa đường xa Nhịp nhàng nhịp vấp dây bịn rịn Làm sao hốt lại giọt lệ nhòa
Thôi thì bỏ xứ mà đi trớt Có nhớ cũng đành mượn bờ môi Khóc lên một tiếng Ơi, một tiếng Một tiếng dài như kiếp mây trôi Thiên lý chạy vòng nửa trái đất Đói lòng ăn chút bụi quê nhà Hớp miếng gió quê cay tròng mắt Hột lệ nào khóc miết không ra
...
Hột lệ nào khóc miết không ra Chiếc khăn đành thiếu giọt sương nhòa Hai tay khép lại khuôn trời cũ Chân đi quên ngoảnh lại quê nhà Em đi như hạt rụng thành hoa Rắc hương trong áo mỏng đường xa Chỉ có câu thơ là ở lại Thả dấu lặng chìm giữa tiếng ca Phan Ni Tấn 07/03/09
http://www.youtube.com/watch?v=3x3GIGxOUFA
Photos - Bồ Kỳ Nam & Bồ Hùng Dũng

HƯỚNG ĐẠO CHÀO CỜ ĐẦU NĂM



Nhiệm vụ phụ huynh:

đưa em đi chào cờ, tải lương thực đến trại của em,
chuẩn bị bữa ăn trưa cho em.
















Nhiệm vụ của em (hướng đạo sinh):


Tập họp với đoàn


Tập dợt văn nghệ



Tán dóc với bạn


Khách mời: người già, trẻ nhỏ,
người nước ngoài, người Việt Nam

















Lễ chính: rước cờ, chào cờ, bái tổ tiên




Văn hoá Việt Nam tràn ngập khắp nơi:
bàn thờ tổ tiên, cây nêu, áo dài, gánh hàng hoa


















Hai trong nhiều tiết mục văn nghệ

Múa Quạt và
Múa Lân








Tiết mục cuối cùng : ăn trưa xong ...

















... ra về, ngắm thiên hạ chụp hoa
và chụp "hoa"