Feb 8, 2010

Lớn lên với điện ảnh - ANH QUÂN


Trích ảnh trong phim " Đường Sơn Đại Huynh"

So với bây giờ thì lớp tuổi nhi đồng của bọn tôi thiếu thốn rất nhiều trò giải trí. Các món đồ chơi vô cùng đơn sơ, hầu như là đồ chơi đều “Made in Cholon”. Ai may mắn thì phụ huynh ra thương xá Tax mua các món đồ chơi sản xuất tại ngoại quốc, chạy bằng dây cót, tân tiến hơn là xe chạy bằng pin, nhưng cũng không được chơi thoải mái, ông bà cụ đem cất trong tủ khóa lại, rồi trong tuần cho phép rủ bạn bè đến nhà là mở món đồ chơi ra chơi dưới sự giám sát của phụ huynh, chứ không phải chơi thả giàn là hư thì bỏ vào thùng rác như thời bây giờ. Còn ai may mắn hơn nữa là có thân nhân đi du học tại ngoại quốc, vài tháng gởi đồ chơi về cho, thường là những chiếc xe ô tô của công ty “Match Box” sản xuất. Đồ chơi thì khan hiếm nên đành chơi các thứ bình dân tự chế như con gái thì chơi nhảy dây, đánh đũa. Còn con trai thì chơi tạt lon, bong vụ, bắn bi, ống thụt, dzít hình, sung gỗ, đánh trõng và vv.... lâu lâu trai gái chơi chung là đánh cờ triệu phú, đá ngựa , chơi u, nhảy cò cò, làm đám cưới giả và cuối cùng là hai phe cãi lộn bằng miệng chứ không đánh nhau.

Ngoài giải trí đó thì được thêm ưu ái của gia đình với tài chánh ổn định là cho đi xa vào mùa nghĩ là đi Đà Lạt, còn không đi Vũng Tàu hay Long Hải tắm biển. Nếu không được những chuyến đi chơi thì ngày Chủ Nhật bậc phụ huynh cho đi cinema vào ngày Chủ Nhật. Đây là món giải trí tương đối điều đặn và kéo dài trong sinh hoạt của người viết.

Máy chiếu phim đầu tiên do Liên Xô cung cấp cho miền Bắc Việt Nam

Nhớ lại 5 năm đầu của thập niên 70, cứ mỗi sang thứ hai, tôi cùng vài đứa bạn như Phạm Trọng Thùy, Phong Thái, Thanh Sơn (Sơn đen)... đứng một góc lớp bàn cuốn phim chưởng vừa mới xem hôm qua. Cứ diễn tả lại các diễn viên Hong Kong và Đài Loan đánh nhau như thế nào. Sự tham gia vào nhóm nhóc xem phim chưởng được đông nhất là sau dịp Tết Nguyên Đán trở lại trường vì hầu như con trai trong lớp được cha mẹ cho đi xem phim. Tôi nhớ nhất sau mùa nghĩ Tết năm con Cọp 1974, cả đám vào bàn cuốn phim “Ngũ Hổ Tướng” do Khương Đại Vệ và Địch Long đóng vai chánh, rồi phim “Thủy Hử”, rồi thêm phim Thái Lan là “Tình cô gái rắn”....Phải nói trong khoảng thời gian đó tôi chỉ biết phim chưởng Tàu mà thôi. Thỉnh thoảng tôi mới đi xem phim Việt Nam như phim “Chân Trời Tím” do Hùng Cường và Kim Vui đóng, dựa theo tác phẩm của Văn Quang và đạo diễn là Hoàng Vĩnh Lộc. Tôi nhớ đi xem phim này tại rạp Văn Hoa trên đường Cao Thắng, những phim khác là “Trần Thị Diễm Châu” dựa theo tác phẩm của Duyên Anh, tôi đã xem phim này tại rạp Nam Việt chợ cũ, mua một vé được xem hai phim mà tôi chỉ nhớ phim thứ hai là phim chưởng mà không nhớ phim gì nữa, phim nữa là “Lệ Đá”, xem tại rạp Kim Châu nhưng tôi xem không hết phim vì diễn viên Đoàn Chậu Mậu sao mà sợ quá, ông giả ma nhát tôi là tôi khóc liền, nên xem giửa chừng đòi về nên bị mẹ tôi la quá. Phim xem thấy sợ nhưng bài hát “Lệ Đá” thì nghe rất hay. Xem phim Việt Nam thì ít nhưng tôi lại nhớ tựa phim Việt Nam nhiều lắm. Như thế này, vào thời đó tôi rất thích đọc báo Sóng Thần mà mỗi lần muốn đọc tờ đó phải qua nhà hàng xóm đọc vì ở nhà chỉ mua báo Chính Luận, còn Thư Viện Quốc Gia Hành Chánh nơi mẹ tôi làm chỉ mua hai tờ báo là Chính Luận và Đại Dân Tộc. Tôi không xem hai tờ đó vì nhiều tin tức, còn tờ “Đại Dân Tộc” thì tôi chỉ xem hình vẽ của Họa Sĩ Choé mà thôi. Tôi thích tờ Sóng Thần không phải tin tức trong đó mà tôi thích là có trang Cinema, nói các rạp hát đang chiếu cuốn phim cho khan giả đi xem. Những ô đầu là họ ghi những rạp hát đắt tiền và luôn kèm theo chữ có máy lạnh, màn ảnh đại vĩ tuyến như rạp Rex, Eden, Lê Lợi, Mini Rex A và B... sau đó tới hạng khá như Đại Nam, Casino Sài Gòn, Vĩnh Lợi, Quốc Tế, Palace, Opera dưới Chợ Lớn.... rồi hạng trung và hạng thấp như Hồng Bàng, Nam Việt, Cao Đồng Hưng, Casino Đa Kao, Văn Hoa Đa Kao, Khải Hoàng, Đại Đồng Sài Gòn lẫn Đa Kao, Nam Quang, Long Vân.... đây là những rạp tôi chiếu cố nhiều nhất vì mua một vé được xem hai phim. Tôi không bao giờ thích xem phim rạp Rex vì tại đó chuyên chiếu phim Hollywood, nhưng tôi cứ bị bố mẹ tôi la là tại sao cứ mê các loại phim chưởng ba xu. Tôi có thằng bạn hàng xóm nó thuộc loại con một trong nhà, học trường Tây, cô thầy giáo đến nhà dạy kèm tiếng Pháp và học đàn Piano. Nó cũng nói cuối tuần nó cũng đi xem phim nhưng xem phim Tây tại rạp Rex, nó hỏi tôi một số phim Mỹ thì phim nào tôi cũng lắc đầu không biết, mà vào lúc đó tôi chỉ biết được có hai phim Mỹ là “Robin Hood” và “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”. Tôi nhớ mẹ tôi cho đi xem ở rạp Rex nhưng cái ấn tượng đến rạp thì tôi lại nhớ nhất cho đến nay là tấm Poster của phim “Sound of Music” hình cô gái cầm cái đờn guirtar và mấy em nhỏ ngồi dưới đất. Thằng bạn này ngồi say sưa kể chuyện phim ngoại quốc như là phim ở đẳng cấp cao, tôi nghe thì cứ nghe nhưng tôi không tin các phim đó là phim hấp dẫn. Nghe đâu nó đã đi Mỹ, tôi cũng muốn gặp lại nó vì những phim nó kể thì giờ tôi được xem trên TV hết rồi, nhưng con phim chưởng tôi coi thì chưa chắc nó được xem như tôi.



Thật ra là vào những năm 1969 và 1970, mẹ tôi cho tôi đi xem Cowboy của đạo diễn Ý nhiều lắm, nhất là phim Django, anh chàng Django chuyên kéo quan tài có khẩu sung máy trong đó. Thời đó nhà tôi còn ở đường Cao Thắng, nhưng khúc dưới chợ 20,gần đường Trần Quốc Toản, chứ băng qua đường Phan Thanh Giản là dân nhà giàu rồi. Mẹ tôi luôn dắt tôi đi xem phim ở rạp Đại Đồng, một vé hai phim, bởi vậy sau phim cowboy là phim chiến tranh đánh Đức nên tôi xem luôn những phim như “Guns of Navaron”, “Great Escape”, “Ryan’s express”, “The train”.... Đối diện rạp Đại Đồng, có một gia đình nhà tôi quen, họ mang Họ Bùi, nghe đâu cũng là thân nhân của cựu đại sứ Bùi Diễm, nhà to lắm, y như cái biệt thự, vào trong nhà thấy nhiều bàn thờ, để ảnh thờ các quan đại thần nhà họ Bùi, tôi không rõ nhà này có họ với ông Bùi Viện không? nhưng tôi biết chắc đường Bùi Viện tại đâu ở Sài Gòn. Trong nhà có nhiều anh chị em, cũng y như family Von Trapp của phim “Sound of Music”, nhưng họ không nghịch gợm nhưng đám con của ông Von Trapp, mà ông bố của họ chăm sóc họ rất kỹ là ăn uống có giờ có giấc, phải vệ sinh trước khi ăn cơm, phải có giấc ngủ trưa, không được nói bậy, không được xem chuyện hình chợ lớn như người điện quang, hiệp sĩ mù, người siêu nhân, người nhện, người dơi..... mà càng không được xem phim chưởng. Tôi đến chơi là các anh em lén lút mượn chuyện hình của tôi lên sân thượng ngồi đọc. Sân trước nhà của họ rất lớn, ngồi bên hồ cá nhìn lên là thấy rạp Đại Đồng. Tôi cứ hỏi mấy anh đã đi xem phim rạp Đại Đồng chưa, anh nào cũng nói chưa được đi. Giờ thì tất cả đã đi qua Mỹ và căn nhà Cao Thắng đã bán đi cũng trên 5 năm nay rồi. Rạp Đại Đồng vẫn còn đó nhưng chắc không ai muốn vào xem nữa.

The Sound Of Music

Năm 1972, mẹ tôi đi tu nghiệp bên Uc 18 tháng, nên Bố tôi có hứa là mỗi tuần cho tôi đi coi Cinema, trong thời gian mẹ tôi vắng nhà, nhưng bố tôi cũng cho tôi đi rạp hát loại một vé hai phim, nên hai rạp tôi được thay phiên xem liên tục là rạp Hồng Bàng ở đường Pasture và rạp Nam Việt gần đó. Bố tôi dắt tôi đi vài tháng là ớn tận cổ những phim do Vương Vũ đóng hay Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt, Trần Tinh.... là dung kiếm hay tay chặt một cái là máu phọt khắp nơi, công nhận xem dơ thiệt, tôi vẫn khoái xem, còn ông bố đầu hàng là đành cứ vào cuối tuần thuê một thằng nhỏ hàng xóm cho nó đi theo tôi để xem phim.

Ai cũng biết những thập niên 70, kinh tế miền nam hầu như nằm trong tay Hoa Kiều, có lẽ vì lý do đó phim võ thuật Hong Kong và Đài Loan chiếm lảnh hết thị trường miền nam. Cho dù các công ty điện ảnh tại miền nam Việt Nam như Mỹ Vân, Alpha... họ cố sản xuất những cuốn phim Việt Nam mà tôi còn nhớ những tựa đề như “Loan Mắt Nhung” đạo diễn là Lê Dân, “Con ma nhà họ Hứa” - Đạo diễn Lê Hoàng Hoa, tôi chưa có dịp gặp ông Đạo Diễn này nhưng tôi biết chắc là ông ta có giấy tờ sống bên Ba Lan và con gái đang du học tại Anh quốc. Những phim khác như “Gánh hàng hoa”, “Nhà tôi”, “Sợ vợ mới anh hùng”, “Năm triệu phú bất đắc dĩ”, “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang”, “Anh yêu em” của đạo diễn Nguyễn Long, Ong Long đã mất vào năm ngoái, ông ta một lần đến Anh quốc thập niên 90, sau đó ông có ra quyển hồi ký của ông khá dầy, tôi vẫn còn quyển đó trong kho sách của tôi. Đến năm 2000 ông ta có ra thêm một quyển sách nữa, tôi quên mất tựa nhưng tôi vẫn để quyển đó trong kho sách của tôi, tôi biết chắc tôi có là vì tôi biết ông ra quyển lịch sử điện ảnh Việt Nam, tôi muốn mua về làm tài liệu, thì vào năm đó thằng em tôi đi Mỹ, nó đi Little Saigon, tôi nhờ nó đi mua quyển điện ảnh, nó đi hết các tiệm sách Việt Nam không chỗ nào bán hết, nhưng nhà sách mach nó đi ra một tiệm phở có một ông già chuyên ngồi trước cửa, đó là tác giả và hỏi ông ta. Thằng em tôi qua đây từ nhỏ, đối với nó văn hóa Việt Nam là một thứ không bao giờ để tâm. Nó ra tiệm phở, nhìn đi nhìn lại không thấy ai như là người bán sách, nó kể tôi nghe chỉ thấy một ông già ăn mặc lôi thôi, nói tệ hơn y như là người “Vô gia cư – Homeless”. Nó đành hỏi ông ta và ông ta nói là Nguyễn Long. Nó mới hỏi quyển điện ảnh thì ông ta hết rồi và giới thiệu quyển sách mới. Nó phone về hỏi tôi mua không, tôi nói thôi mua đi. Khi đem về đây thì quyển sách dở thật , nên quên tựa đề là vậy. Thằng em tôi thì nó không tin đó là nhà Đạo Diễn Việt Nam ngày xưa. Mà cũng nhờ đọc hồi ký của đạo diễn Nguyễn Long thì tôi mới biết thêm các chi tiết giận hờn giữa ông và nhà văn Duyên, rồi Ao Thả Vịt trên báo của nhà văn Chu Tử và các chuyện sinh hoạt văn nghệ tại Sài Gòn. Các phim Việt Nam kể trên là tôi chưa được đi xem bên Việt Nam, chỉ có một số sau khi qua đến đây, tôi được xem qua DVD như phim “Người Tình Không Chân Dung” - Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, “Tứ quái Sài Gòn”, “Xa lộ không đèn”, “Như giọt sương khuya” và “Nắng chiều”.

Trích ảnh trong phim "Người Tình Không Chân Dung"

Phải công tâm mà nói phim miền nam Việt Nam thời xưa thiếu đấm đá như phim võ thuật Tàu, đôi lúc đối thoại giữa các diễn viên khá chậm, xem chừng ảnh hưởng các loại phim Pháp. Tình tiết không ly kỳ dễ đoán ra cốt truyện, nhưng lại bạo hơn phim Tàu là có một vài cảnh “Sex” nhẹ y như các phim Pháp, nhưng vào thời đó là khá mạnh, nếu xem phim “Như giọt sương khuya” mới vào phim đã thấy diễn viên Trần Quang ôm một cô rồi. Cảnh nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng trong phim “Tứ Quái sài Gòn” đi tắm trong bồn tắm vô cùng sexy làm cho La Thoại Tân lé cả đôi mắt.

Thẩm Thuý Hằng

Vào năm 1972, các cuốn phim của diễn viên Lý Tiểu Long như “Đường Sơn Đại Huynh – Big boss”, “Tinh võ môn- Fist of Fury” xuất hiện tại Sài Gòn đã thu hút hết khan giả say mê về Cinema. Ong Lý Tiểu Long đã thay đổi hoàn toàn về cách làm phim võ thuật, mọi thứ là sự thật, vì ông ta là một võ sư, cũng nhờ ông mà điện ảnh Hong Kong có một thế đứng vững vàng vào ngày hôm nay và mọi người biết được đến những tên tuổi như “Jackie Chan – Thành Long”, “Sammo Hung - Hồng Kim Bảo”, “Chậu Nhuật Phát” . Tuy là nói phim chưởng Tàu ăn khách thì mình cũng nghĩ lại là thị trường điện ảnh của miền Nam còn bị trong kỹ thuật thô sơ và hoàn cảnh chiến tranh khó mà phát triển nổi. Nhìn lại lúc đó các nước chung quanh như Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương.... cũng đâu ra được cuốn phim nào ăn khách như ngày hôm nay. Còn nội dung của các phim Tàu cho đến ngày hôm nay họ cũng còn quanh quẫn với các nhân vật lịch sử của họ như Hoàng Phi Hùng, Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Kỳ Anh, Trần Chân và gần đây nhất họ đem nhân vật YIP MAN là một võ sư kỳ tài về võ Vịnh Xuân, cũng là thầy của Lý Tiểu Long ra làm phim. Còn không thì họ cũng vẫn sử dụng những đề tài như Hoả Thiêu Thiếu Lâm Tự, Vua Càn Long... họ cứ pha chế từ chuyện thật cho đến lúc thành chuyện hoang đường vì người viết nghĩ các nhân vật đó có sống dậy thì họ cũng không tin tài của họ có thể bay từ nóc nhà này qua nóc nhà khác. Chỉ có tiếc là Việt Nam mình không khai thác được những nhân vật trong lịch sử ra thành phim như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Lê Văn Khôi.... nhất là ngày hôm nay mình có đủ can đảm làm phim Hội Nghị Diên Hồng không? chứ người Tàu họ luôn làm những cuốn phim đánh thắng Nhật một cách dũng cảm, còn mình có sợ như chuyện hơn 30 năm về trước về tuồng cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga mà cô đào Thanh Nga bị bắn chết đến giờ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nhưng trong long người ái mộ cô Thanh Nga vẫn đoán ra ai là thủ phạm?.

Thanh Nga

Có lẽ cái Tết năm 1975 là lần chót tôi đi xem phim chưởng Tàu của thập niên 70 tại Sài Gòn. Sau đó tình hình chiến tranh tại Nam Việt Nam có nhiều biến cố, đâu ai còn nghĩ đến các tiết mục giải trí .Sau đó ngày 30 tháng 4 đã xảy ra và ai cũng biết những văn hóa gì trước đó phải chấm dứt để thay thế một nền văn hóa khác. Tất nhiên không loại trừ về giải trí điện ảnh, tôi nhớ cuộn phim đầu tiên của điện ảnh xã hội chủ nghĩa là “Đường về quê mẹ”, loại phim chiến tranh đánh Mỹ, anh bộ đội tên là Núi, một mình ôm những quả bom Mỹ xếp lại, sử dụng đó là vũ khí đánh Mỹ, về đêm Bomb Mỹ thả nhiều quá, anh chui vào trái bomb đã nổ mà ngủ... Phim trắng đen, chiếu trên truyền hình. Lúc đó bọn tôi đã được giáo dục Mỹ là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, tuổi con nít dể nhận mọi thứ vào trong đầu, không cần biết thị phi trắng đen. Nên xem xong phim đó, cả bọn tôi trong xóm trầm trồ khen ngợi phim quá hay, đem những chi tiết anh Núi ngũ trong bomb là một cái gương cao cả, tất cả chúng tôi quên hết những tháng về trước đây đã xem những cuốn phim chưởng Hong Kong, không ai muốn nói tới vì đó là văn hóa đồi trụy.

Tôi bắt đầu lớn lên với điện ảnh xã hội chủ nghĩa. Thời gian đầu của ngày tháng sau tháng 4 năm 1975, tôi chưa được đi xem phim tại rạp hát, lúc đó tôi có đi ngang qua một số rạp vào khoảng tháng 9 hay 10 của năm 1975 thì thấy rạp Hồng Bàng, Kim Châu có mở cửa, nhưng không thấy ai vào xem, ngoài cửa rạp có để chiếu cuốn phim “Điện Biên Phủ”. Thằng bạn hàng xóm (được bố tôi thuê đi xem phim với tôi) có đi xem, về nó kể phim hay lắm, pháo ta nổ làm lính Tây chết như rạ, quân ta vận chuyển khí giới lên Điện Biên Phủ hết xảy và vv... Nó lại đi xem phim này với thằng bà con của nó mà bố mẹ thằng này từ trong rừng mới ra, cán bộ cao cấp vượt Trường Sơn vào trong Nam, được cấp một căn biệt thự tại đường Phan Đình Phùng, tôi có nhớ lại căn biệt thự này một lần thì cái thằng này nó mở máy lạnh và mở hết các cửa sổ, nó nói như vậy cho mát. Sau này tôi có nghe thằng này đi đông đức lao động. Còn thằng hàng xóm của tôi giờ đang ở Canada vì bố nó là thuyền trưởng, cấp tá trước năm 1975, đến ngày “đứt phim” ông ta quýnh quánh lái tàu đi mất tiêu, sau này mới bảo lãnh nó qua đó.


"Moscow không tin vào những giọt nước mắt"

Sau đó phim Điện Biên Phủ có chiếu lên TV, một loại phim tài liệu, tôi xem được 5 phút là ngủ gật, đến giờ tôi cũng chẳng biết nội dung ra sao. Đến mùa hè năm 1976 là lần đầu tiên tôi được quay lại rạp hát, mẹ tôi dắt tôi đi xem phim ở rạp Đại Nam, phim tôi được xem là phim “Trẻ Mãi Không Già”, phim thần thoại của Rumani. Lúc đó đầu óc tôi không còn nghĩ đến phim chưởng Tàu nữa, còn cho đó là phim phản động, không nên xem, những phim xã hội chủ nghĩa là số một.

Đài truyền hình bắt đầu cho chiếu những phim của miền Bắc quay thời gian chiến tranh, những phim tôi được xem là “Anh Kim Đồng”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” là tôi được biết đến nữ diễn viên Trà Giang, vài năm trước kia, tôi đi quay phim đám cưới, có một số khách miền Bắc họ ngồi nói chuyện rất là nghiêm túc vì tối hôm trước họ được gặp diễn viên Trà Giang qua thăm con du học tại London. Thêm những phim như “Nguyễn Văn Trổi”, “Cù Chính Lan” một mình chạy bộ theo xe tăng để ném lựu đạn, “Chị Nhung”, “Nổi Gió” và “Đến hẹn lại lên”.

Những năm đầu thống nhất, chính sách của nhà nước là cho những máy chiếu phim di động về những vùng ven Sài Gòn, ngoại ô và ngoài tỉnh để chiếu cho dân chúng xem. Tôi cũng hay đi xem những loại phim ngoài trời này, con nít ngồi la liệt xuống dưới đứng, người lớn thì đứng xem, phim chiếu thì chẳng có phim gì mới, vẫn là phim tuyên truyền, cho dù đã thắng Mỹ, vẫn cho dân xem tiếp, một phần số người miền nam lúc đó thất nghiệp kinh niên, đâu có gì làm, cho dù phim đã xem rồi cũng đi xem phim cho đỡ chán.

Đời sống sinh hoạt của Việt Nam ngày càng khó khăn vào năm năm sau cùng của thập niên 70, chuyện phim ảnh không còn là sinh hoạt giải trí của từng gia đình nữa, những cái gì trước kia phải phá bỏ, cái gì mang tên ngoại không được phép tồn tại, các rạp hát mang tên như Casino, Eden, Rex, Opera, Palace, Lux... phải biến mất để thay thế những tên như Lao Động, Vinh Quang... các ông chủ rạp hát dần dà chỉ còn bàn tay trắng. Thế hê Sài Gòn sau này không ai còn để tâm gì quá khứ Sài Gòn ngày xưa, một phần không có một tài liệu để lại cho họ đọc cả. Như nơi làm việc của tôi tại đây, có những cô thuộc thế hệ 80x lớn lên tại sài Gòn, có một lần tôi hỏi ai là người khai sanh ra rạp Rex , hầu như ai cũng đoán và trả lời là nhà nước Việt Nam. Không ai còn biết trước năm 1960 đó là tiệm bán xe hơi mang tên Bainer và sau đó ông Ung Thi mua tiệm này để xây rạp Rex. Đấy cũng là nơi có thang máy lăn (escalator) đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 1976 ông phải hiến hết gia sản của ông cho chính phủ hiện thời tại Việt Nam để đi định cư tại Pháp. Dần dà các rạp hát cũng xuống cấp, nhưng tôi vẫn lén nhà đi xem phim. Hể phim gì mang tựa đề hay hay là tôi đi xem liền, tôi tiêu thụ hết những loại phim cao bồi của Đông Đức sản xuất là “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại”, phim “Giải Phóng” của Liên Xô, “Người Cá” phim này khá ăn khách, đến nổi bài Hồ Gươm được sửa lời để cho người cá bơi tung tăng trong Hồ Gươm , rất tiếc đến giờ tôi quên hết những câu hát trong đó rồi. Các phim Liên Xô như “Chiến Tranh và Hòa Bình”, “Anna Karennina”, phim thần thoại như “Ruslan và Ludmila”, “Bạch Tuyết”.... Ngoài ra các đạo diễn Liên Xô cũng mượn các đề tài của tây phương làm phim như là phim “Những mũi tên của Rô Bin Gút (Robinhood), tôi nhớ lúc phim đấy chiếu tại Sài Gòn thì các rạp hát đông ghẹt, có lẽ người Sài Gòn nhớ đến Robinhood của Holywood thời xa xưa là Errol Flynn hơn là diễn viên Boris Khmelnitsky của Liên Xô đóng vai Robinhood mà rất nhiều người miền Bắc Việt Nam còn hoài hoài niệm về Liên xô thì họ rất thích Boris, họ còn cho hơn cả anh chàng tài tử gạo cội Kevin Costner của Hollywood đóng vai Robinhood vào thập niên 90. Thật ra khi Hollywood làm lại phim này thì các nhà bình luận đã phê bình là cùng một lúc Hollywood cho ra hai phim là “Hamlet” và “Robinhood”, lựa hai tài tử là Mel Gibson và Kevin Costner thì họ để không đúng vai vì Mel hấp dẫn lảng tử với một anh chàng cướp rừng xanh, còn Kevin thì đạo mạo với vai Hamlet, lý do đó hai phim đều không ăn khách như ý muốn.
Xem như phim Liên Xô thống lảnh tại Việt Nam ngoài miền Bắc cho đến sau này vào tận trong nam, chắc có lẽ đến ngày Liên Xô cáo chung thì mới không còn thấy trên thị trường Việt Nam. Chứ vào những giai đoạn đó có theo dõi hay không theo dõi phim ảnh tại Việt Nam thì ai cũng thấy những tên phim Liên Xô như “Moscow không tin những giọt nướt mắt”, “Cánh tay kim cương”, “Những chàng sĩ quan”, “Khi đàn sếu bay qua”, các phim cười như “ 12 chiếc ghế”, “Xổ số thể thao 82”.... rồi cả các phim tập Liên Xô được chiếu trên truyền hình, phim nổi tiếng nhất là “17 khoảnh khắc của mùa xuân” phim tình báo trong chiến tranh thứ hai, “Thép đã tôi thế đấy” dựa theo tiểu thuyết của tác già Nikolai Alexeevich Ostrovsky, nhân vật chính trong truyện là Pavel, một thanh niên lý tưởng dưới một mô hình của xã hội chủ nghĩa, nên nhân vật này thành thần tượng của giới thanh niên miền Bắc trong thời chiến tranh huynh đệ tương tàn của bắc và nam, có lẽ có anh hùng Pavel để noi gương thì mới có quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm, đến sau này thêm một số thanh niên miền nam đi Thanh Niên Xung Phong qua tận Campuchia và giờ nếu muốn gặp những người đó rất dể dàng là cứ tìm những ông lái xe ôm tại Sài Gòn tuổi chừng 50 hoặc hơn thì hỏi những chuyện đi campuchia và đi công trường Lê Minh Xuân họ sẽ kể những câu chuyện ngày nào năm ấy.

Ngoài phim tập Liên Xô, các loại phim tập khác cũng thu hút nhóm trẻ Việt Nam là “Chín từng cây số” của Bungari, “ 5 chiến sĩ xe tăng và con chó” của Ba Lan. Nhưng ngược lại là khoảng thời gian đó phim Trung Hoa Đại Lục rất ít chiếu tại Việt Nam, tôi chỉ nhớ phim tôi xem qua là “Nam chinh bắc chiến”, phim hoạt hình “Tề Thiên Đại Thánh”. Ngoài ra có một phim Bắc Hàn tôi được xem nhưng sau 30 năm tôi quên mất cái tựa, chỉ nhớ khúc chót là hai mẹ con vượt biên giới từ Nam Hàn qua Bắc Hàn, rồi quay lại nhìn mảnh đất Nam Hàn mà tội nghiệp dân bên đó đang đau khổ dưới chế độ Pac Chung Hy.

Tôi xa dần các phim xã hội chủ nghĩa đông âu vì năm 1979 tôi rời Việt Nam và khi được định cư thì tôi được quay lại các loại phim Holywood, Hongkong, Phim bộ Hongkong, Đài Loan, các loại phim của Việt Nam được du nhâp qua đây và phim của người việt hải ngoại. Phần đó sẽ được kể trong bài sau.

Anh Quân

No comments: