“…Xin giúp tìm bé Bích Hằng
Khẩn cầu và xin các bạn giúp post forward và chuyển link này đến các bạn trong nhóm trên mạng Facebook, giúp người cha và gia đình tìm lại đứa con gái bị cướp biển Thái Lan bắt và thất lạc lúc Bích Hằng 14 tuổi, hơn 25 năm, từ 1984 đến nay. Muôn ngàn đa tạ và muôn đời mang ơn các bạn…”
Dòng thông báo này đăng trên Việt Báo ngày Nov 12 2009 với tựa đề “ CHA XIN GIÚP TÌM CON GÁI LẠC 25 NĂM TRƯỚC Ở BIỂN THÁI LAN”. Đây không phải là lần đầu tiên mà ông Tăng Bảo Can- cha của bé Tăng Bích Hằng- nhờ đến các phương tiện truyền thông giúp đỡ trong việc tìm kiếm đứa con gái thân yêu của mình. 25 năm qua là 25 năm nỗ lực bền bỉ, với một niềm hy vọng không lay chuyển.
Với truyền thống luôn luôn hy vọng cho một năm mới tốt đẹp của người Việt chúng ta, mời quí vị độc giả cùng nghe lại câu chuyện của gia đình ông Tăng Bảo Can, trong 25 năm qua luôn hướng về một ngày gia đình đại đòan viên trong tương lai…
ÔngTăng Bảo Can và gia đình đặt chân đến Mỹ vào tháng 09 năm 1985, định cư tại Santa Ana Nam Cali. Ngay vào ngày thứ nhì ở Mỹ, ông đã nhờ người thân đưa lên chùa Phật Tổ để gặp thầy trụ trì. Câu hỏi đầu tiên mà ông hỏi thầy là: “ Con gái của con, cháu Bích Hằng có còn sống không thưa thầy?”. Câu trả lời là con gái của ông chưa chết. Tuy nhiên, thiên cơ bất khả lậu, chỉ biết rằng trong khỏang thời gian cháu Hằng từ 30 đến 40 tuổi mới có cơ may gặp lại cha mẹ.
Ông Can còn hỏi thầy thêm một câu nữa là chừng nào ông có nhà riêng ở Mỹ. Thầy trả lời là năm sau (1986), vào tháng Mười, sẽ mua nhà hai phòng ngủ. Mới sang Mỹ, sau một năm mà mua được nhà là chuyện khó xảy ra lắm. Ấy vậy mà đúng tháng 10 năm 1986, với sự giúp đỡ của một người bạn, ông đặt cọc mua được một căn nhà hai phòng ngủ. Như vậy là thầy đã nhìn đúng được tương lai gần của ông. Và ông có quyền hy vọng vào lời tiên tri xa hơn: bé Bích Hằng còn sống, và sẽ đòan tụ với gia đình.
Niềm hy vọng bắt đầu từ đó…
Ông Can nhớ lại thời còn ở Việt Nam và chuyến vượt biên của mình. Gia đình ông trước 1975 sinh sống tại Cần Thơ. Oâng là giáo viên Anh Văn, đồng thời cộng tác với Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ. Vì thế, ông phải đi tù cải tạo đến 07 năm, và đã từng nằm trong xà lim tử hình. Ra tù, ông biết là mình phải vượt biên ngay. Hai lần đầu không thành. Lần thứ ba là vào tháng 10 năm 1984, khởi hành tại Mỹ Tho. Con tàu mang số 1346. Oâng nhớ là khi đi xem bói, thầy nói rằng vận của ông tốt, nhưng con gái của ông thì không…
Ngay vào ngày thứ hai của chuyến đi, tàu của ông Can đã gặp một tàu lớn của Mỹ. Vì giỏi tiếng Anh, ông bơi qua và nhờ họ vớt khỏang 120 người trên tàu của mình. Viên sĩ quan nhìn qua ống nhòm, nhận định tàu còn tốt, nên chỉ hướng cho tàu đi tiếp, và hứa sẽ gọi cho tàu khác vớt.
Đến ngày thứ ba, tàu của ông gặp cướp biển lần đầu. Bọn này xông lên tàu, uy hiếp để cướp của, nhưng không hại người. Chỉ khỏang sáu tiếng sau, tàu hải tặc thứ nhì ập đến, tiếp tục lục soát để vơ vét những thứ còn lại. Người trên tàu lạy lục xin tha mạng, vì của cải đã bị nhóm hải tặc đầu lấy sạch. Sang đến trưa ngày hôm sau, bọn hải tặc thứ ba xuất hiện. Bọn này dữ dằn hơn. Năm, sáu tên với dao, mã tấu nhảy lên tàu, la hét uy hiếp tinh thần. Thanh niên đàn ông không tuân lệnh, chúng quăng xuống biển để dằn mặt những người khác. Do tàu đã bị cướp hai lần trước, mọi người đâu có còn gì để đưa chúng. Chúng bắt mọi người cởi quần áo ra để khám xét. Bé Hằng lúc đó ngồi trên lòng ông Can. Một tên hải tặc ra hiệu cho em cởi quần áo. Em mắc cỡ không làm. Tên hải tặc xông tới, dằn em Hằng ra khỏi tay ông Can. Phản xạ của người cha là giữ con của mình lại. Một tên hải tặc khác dùng dao đâm ông một nhát vào sau lưng. Một cảm giác nhói đau, rồi ông kiệt sức, bất lực nhìn con mình bị hải tặc bắt quăng qua thuyền của chúng. Hình ảnh cuối cùng của bé Hằng trong đầu của ông Can là chính vào giây phút đó, bé nằm trong tay của bọn hải tặc, không khóc mà kêu lên thất thanh: “… Ba ơi! Cứu Con!”…
Cô Tâm, một người đi chung tàu, hiện nay đang định cư tại c, sau này có liên lạc với ông Can, và bảo rằng cho đến tận ngày hôm nay cô vẫn không quên được nét mặt của ông vào lúc đó.
Bọn hải tặc đã bắt đi bốn cô gái trên tàu, hai ở độ tuổi 14 như bé Hằng, hai ở độ tuổi 18. Cả bốn người đến nay vẫn không có tông tích. Ngẫm lại vào hòan cảnh lúc đó, ông Can tin rằng những người trên tàu của mình đã có thể làm tốt hơn để tránh nghịch cảnh này. Bọn hải tặc chỉ có khỏang năm, sáu tên, ít hơn số thanh niên trên tàu nhiều lần. Chúng cũng chỉ trang bị dao mác, không có súng. Nếu những người trên tàu có tổ chức, hiệp lực hơn thì bọn hải tặc không thể tung hòanh dễ dàng như vậy. Oâng nghĩ vậy thôi, chứ lúc đó người Việt trốn đi từ một đất nước đóng chặt cửa thông tin, người trên tàu thì mệt lả, tâm trạng hoang mang sợ hãi sau một hành trình chết chóc, có còn ai đủ minh mẫn để mà sắp xếp tổ chức nữa.
Ông Can tiếp tục nhớ lại, đúng lúc thảm cảnh xảy ra, hình như có một chiếc trực thăng bay qua và quần thảo trên hai chiếc tàu. Bọn hải tặc có vẻ sợ, nên rút về thuyền của chúng rồi tẩu thóat. Trước khi đi, chúng không quên đâm vào tàu của ông để tàu không còn tiếp tục đi được nữa. Đêm hôm đó, trời mưa bão, con tàu nhỏ bé trôi dạt giữa biển khơi mịt mù. Kiệt sức. Hãi hùng. Ông Can và mọi người chỉ còn biết cầu nguyện tất cả những đấng ơn trên mà mình được biết: Phật, Chúa, Đức Mẹ, Bồ Tát Quán Thế Âm, Thượng Đế…Và niềm tin cũng đã được đền đáp. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh. Tàu của ông tắp vào một hòn đảo của Mã Lai, kết thúc một hành trình năm ngày mà dài như bất tận.
25 năm ở Mỹ, ngoài việc đi làm để mưu sinh, vợ chồng ông Can dồn tòan bộ nỗ lực của cuộc đời trong việc tìm lại đứa con bị thất lạc. Ông đã làm gần như mọi thứ mà mình có thể làm: đưa thông tin về bé Hằng lên báo đài ở Mỹ, báo ở Thái, thông tin trên mạng… Ông được rất nhiều người hỗ trợ. Bởi vì hòan cảnh như ông ai mà không muốn giúp? Đồng bào người Việt mình có, người Mỹ cũng có. Ông nhớ lại vào khỏang những năm cuối thập niên 80, một nhà vận động bầu cử cho tổng thống Ronald Reagan- doanh nhân David Chambers- đã giúp đưa tin tức về bé Hằng lên báo O.C Register, đài truyền hình địa phương Channel 7, Channel 9. Sau đó có một bà người Mỹ đi du lịch ở Thái Lan, nhìn thấy một cô gái trong một night club rất giống hình Bích Hằng, đã gọi phone báo cho ông Can. Ông tìm cách liên lạc ngay, nhưng được xác nhận đó không phải là con mình. Với sự hỗ trợ của sứ quán Mỹ tại Thái lan, mẫu tin tìm Bích Hằng đã được dịch sang tiếng Thái và cho đăng trên báo tại Bangkok. Cách đây hơn chục năm, một nhà ngoại cảm đã nhìn hình bé Hằng, quả quyết rằng em đang sống ở một vùng biển nào đó mà ông còn nhìn thấy cả bóng cây dừa nữa. Chi tiết được mô tả bởi nhà ngoại cảm này đã được đưa cho một người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng quân ở Thái nhờ tìm hộ, mà cũng không thấy tông tích. Bản tin tìm con được đưa lên đài truyền hình SBTN cách đây khỏang ba năm. Tiếp theo, vào năm 2008, một đòan làm phim của người Việt ở Mỹ sang Thái Lan quay phim, cũng đã gặp ông Can, lấy thông tin đăng giúp trên báo Thái, và được một người Thái ở Bangkok theo dõi hộ-ông Khun Sutin. Và gần đây nhất, mới vào tháng 10-2009, một người bạn đã giúp ông Can đưa tin trên Facebook, vì tin rằng internet là phương tiện hữu hiệu nhất hiện nay để truyền bá thông tin. Mà đúng là như thế thật. Ngay sau đó, ông Can đã được không biết bao nhiêu người liên lạc từ khắp nơi, đều hứa sẽ tìm thông tin về bé Hằng. Ông nói mình như đang sống trên mây vì hy vọng…
Tôi hỏi ông Can là đã qua 25 năm, đã làm rất nhiều thứ để tìm kiếm bé Hằng mà chưa có kết quả, vậy thì dựa vào đâu mà ông tin rằng cháu còn sống mà vẫn tiếp tục tìm kiếm? Ông trả lời rất đơn giản: Niềm Tin. Chỉ với Niềm Tin, cách đây 25 năm chiếc tàu chết máy của ông trong mưa bão đã dạt vào đến bờ. Vậy thì hôm nay, với một Niềm Tin thành khẩn không kém, ông Can nghĩ là mình sẽ tìm lại được đứa con gái thân yêu của mình. Ông đã đi xem tử vi của bé Hằng với cả chục người khác nhau. Ông đã đi xem bói rất nhiều lần, kể cả việc về Việt Nam chỉ để gặp một thầy tướng nổi tiếng ở quê nhà. Ông đã nhờ nhiều vị cao tăng hỗ trợ. Tất cả những người này đều khẳng định với ông là Bích Hằng còn sống khỏe mạnh. Một nhà chiêm tinh nhìn thấy hình ảnh của bé Hằng đang sống với một bà mẹ nuôi, và tiên đóan rằng năm 2010 sẽ là năm ông Can gặp lại cháu, và chính bé Hằng sẽ là người chủ động liên lạc với cha mẹ của mình, ông không cần phải tìm kiếm nữa. Rồi còn có một người quen của ông Can chuyên buôn bán tượng Phật khắp 50 tiểu bang của Mỹ, trong một dịp sang tận Tây Tạng để mua tượng Phật, đã đích thân cầm một tấm hình của bé Hằng đưa cho một vị sư Tây Tạng xem, nhờ ngài dùng huệ nhãn để tìm chứng cứ về sự sống chết của cháu. Người bạn này đem về câu trả lời của vị sư Tây Tạng: Bích Hằng còn sống. Hãy tiếp tục cầu nguyện. Cách đây chừng một tháng, thầy L.T.- một nhà chiêm tinh địa lý ở Seattle- đã mô tả được nhiều chi tiết chính xác về Bích Hằng. Ông ta hướng dẫn thêm cho ông Can một số điều cần phải làm trong lĩnh vực phong thủy và cầu nguyện. Nếu làm đúng như vậy, sẽ có người đưa Bích Hằng về gặp lại gia đình. Thời gian đòan tụ dự đóan là mùa hè 2010…
Còn nhiều lời tiên tri như vậy nữa. Vợ chồng ông Can bây giờ đang tràn ngập hy vọng cho năm 2010. Niềm hy vọng đòan tụ…
Năm 2010… Đã là 35 lịch sử tị nạn của dân tộc Việt Nam. Đã là 25 năm xa cách của gia đình ông Tăng Bảo Cang. Niềm hy vọng dành một năm mới vẫn không bao giờ tắt. Hy vọng cho nước nhà. Hy vọng cho gia đình…
Nhân dịp xuân về, xin cầu chúc cho gia đình ông Tăng Bảo Can năm Canh Dần sẽ là năm gia đình được đòan viên, hội ngộ…
Đòan Hưng
Gia đình ông Tăng Bảo Can hiện nay tại Nam Cali:
ông Can, bà Thái Thị Loan (vợ),
con trai Tăng Đức Khánh và con dâu Võ Mai Trâm
ông Can, bà Thái Thị Loan (vợ),
con trai Tăng Đức Khánh và con dâu Võ Mai Trâm
1 comment:
Dear Anh Hưng,
Đọc bài về nhà gia đình ông Tăng Bảo Can rất hấp dẫn qua lời kể của anh. Có một điều khi đọc xong em cứ nghĩ về những câu chuyện nhà ngoại cảm, chiêm tinh gia, tử vi, bói toán, phong thủy... em đồng ý là nhiều chuyện trên trái đất này không giải thích được, nhiều câu chuyện xảy ra vô cùng huyền dịu. Cũng như có một lần nghe ca sĩ Thu Phương và ông bầu Dũng Đen đi gặp nhà ngoại cảm nổi tiếng tại Hà Nội, nghe xong cũng tin là sự thật. Còn kêu chứng minh theo khoa học thì chẳng ai nói được, chỉ có một cách giải thích là tin thì nghe, không tin thì đừng hỏi gì hết và đừng tìm giải thích làm chi.
Quay lại chuyện ông Can em không biết là ông ta có nhờ các nhà tâm lý học hướng dẫn là khi một người thất lạc lâu năm là tâm lý họ có như người bình thường không? có thể cô Bích Hằng cũng đã xem qua tin này mà vì lý do nào đó cô ta không muốn gặp thân nhân nữa. Hay cô ta có một gia đình rồi, hoặc cô cảm thấy cô ta là một người Thái rồi, cũng có thể cô ta đang bị một sự ép buộc nào đó.... còn nhiều lý do nữa... Xứ Thái là nhiều nhà chùa, với hoàn cảnh thời đó thì cũng dể nhờ sự giúp đỡ nhà Chùa, vậy biết đâu cô ta đang sống một ngôi chùa nào đó. Em nghĩ nếu ông ta đổi lại lời nhắn mà có sự giúp đỡ của những nhà tâm lý để kêu gọi cô ta không? Tính ra giờ cô đã 40 rồi, vậy mọi sự việc không như ngày cô còn 14 tuổi và phải nghĩ là cô phải trãi qua nhiều thãm kịch chứ không tâm lý bình thường như chúng ta.
Có thể ông Can đã làm qua hết rồi nhưng vì lời kể của ông dựa quá nhiều huyền bí. Tất nhiên trong tuyệt vọng thì chỉ có huyền bí mới giải thích hết mọi chuyện. Dù thế nào cho nữa em cũng cầu mong cho gia đình họ trùng phùng, những gì xảy ra trong quá khứ của đất nước mình quá nhiều thương đau và hy vọng ngày mai gia đình ông Can sẽ tươi sáng hơn.
thân
quân
Post a Comment