Dù đã sau 35 năm, rất nhiều người Việt tị nạn thuộc thế hệ thứ nhất vẫn tự hào mình đã từng là người lính Cộng Hòa, bảo vệ thành trì tự do của tổ quốc Việt Nam.
Đối với thế hệ thứ hai sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ, quốc tịch và quê hương của họ là Hoa Kỳ. Một số đã gia nhập quân đội Mỹ, để trung thành và bảo vệ cho xứ sở tự do đã cưu mang gia đình và bản thân mình.
Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt (VAAFA), chỉ mới được thành lập hơn một năm, là một địa chỉ thích hợp để chúng ta có dịp tìm hiểu về những người Việt đã lựa chọn con đường binh nghiệp trên đất Mỹ . Nhân dịp VAAFA chuẩn bị tổ chức tiệc gây quĩ để vinh danh 12 tử sĩ gốc Việt, phóng viên Việt Báo đã gặp gỡ Thiếu Tá Hải Quân Chris Phan, Chủ Tịch VAAFA, để tìm hiểu về sự hình thành và các họat động của hội…
VAAFA được thành lập vào tháng 09 năm 2008. Chủ Tịch là Thiếu Tá Chris Phan, phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ từ 2001 đến 2008. Hiện nay anh vẫn nằm trong lực lượng trừ bị, tiếp tục là một luật sư của ngành Quân Pháp Hải Quân.
Vào dịp cuối năm 2007, anh Chris đang đi công tác tại Iraq, tự nhiên anh cảm thấy nhớ nhà da diết, cảm thấy cần một sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Tình cờ trong một chuyến bay về lại Baghdad, anh gặp được Trung Tá Thọ (Thomas) Nguyễn (Lục Quân Hoa Kỳ) cũng đang đóng quân ở đây. Gặp được một người lính gốc Việt ở vùng chiến tuyến thật là ấm lòng! Cả Trung Tá Thọ và anh Chris đều nghĩ đến việc hình thành một hiệp hội cho người lính Mỹ gốc Việt để hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn như vậy. Ý tưởng về VAAFA đã được hình thành trong cuộc gặp gỡ này. Và cũng vì thế, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của VAAFA được đăng trên trang web www.vaafa.org là: “Nếu quí vị biết được bất kỳ một người lính Mỹ gốc Việt đang đóng quân tại Iraq, Afghanistan, Kosovo, hoặc đang công tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Aâu, xin vui lòng thông báo tên và địa chỉ của những chiến sĩ này đến với email: vaafa.org@gmail.com, chúng tôi sẽ đưa tên họ vào danh sách nhận quà trong mùa lễ”.
Nhiệm vụ thứ hai của VAAFA là hỗ trợ cho các gia đình của quân nhân Mỹ gốc Việt. Khi có một chiến sĩ tử trận, hoặc một người lính bị thương, hoặc một người ở chiến tuyến bặt tin đã lâu…, đó là lúc mà gia đình người lính có thể cần sự trợ giúp.
Nhiệm vụ thứ ba của VAAFA là giúp đỡ cho cộng đồng người Việt ở Mỹ. Bởi vì người lính vẫn luôn có trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh việc cầm súng bảo vệ đất nước, việc giúp đỡ người già, hỗ trợ đến người tàn tật, quan tâm đến trẻ em nghèo của cộng đồng chúng ta đều là những việc mà VAAFA đang nhắm tới.
Một nhiệm vụ nữa không kém phần quan trọng của hội là giới thiệu binh nghiệp đến với giới trẻ trong cộng đồng chúng ta. Theo anh Chris và nhiều thành viên của VAAFA, tham gia quân lực Hoa Kỳ là một cơ hội nghề nghiệp tốt cho giới trẻ, chứ không chỉ có rủi ro như nhiều người suy nghĩ. Có thể nói, so sánh với quân đội của nhiều quốc gia khác trên thế giới, người lính Hoa Kỳ được bảo vệ chặt chẽ và được hưởng nhiều quyền lợi, kể cả khi xuất ngũ.
Hiện nay VAAFA có khỏang 70 thành viên. So với con số khỏang 2,000 quân nhân Mỹ gốc Việt được ghi nhận trong quân đội Hoa Kỳ, số lượng thành viên của hội còn tương đối ít. Nguyên nhân chính là vị hội chỉ mới thành lập được một năm. Anh Chris tin là với những mục tiêu hữu ích và tinh thần vô vụ lợi, VAAFA sẽ phát triển nhanh chóng.
Thế hệ cha anh trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa hòan tòan có thể tự hào về những thành tích của những người lính Mỹ gốc Việt này, cho dù họ là những gương mặt mới của quân lực Hoa Kỳ. Có thể điểm qua một số gương mặt tiêu biểu:
Đại úy Elizabeth Phạm, nữ phi công của Marine lái chiến đấu cơ F/A 18
(source:http://iraq.pigstye.net/images/articles/MiracleWomanMarineCorpsPilotCatpainEliza)Đại Úy Elizabeth Phạm- phi công chiến đấu cơ của Marine Hoa Kỳ: là phụ nữ gốc Á Châu đầu tiên chiến đấu cơ F/A 18. Là một thành viên của phi đội hòan tòan nữ đầu tiên lái chiến đấu cơ F/A 18 của không lực Hoa Kỳ, với hơn 130 phi vụ chiến đấu tại Iraq.
Đại Tá Việt Lương, chỉ huy trưởng Lữ Đòan 3 Nhảy Dù Source http://www.vaafa.org/vaafa_forums/topic.asp?TOPIC_ID=158
Đại Tá Việt Lương- Chỉ Huy Trưởng Lữ Đòan 3 Tác Chiến thuộc Sư Đòan Dù 101: Có lẽ đây là một trong những sĩ quan gốc Việt giữ chức vụ cao nhất trong các đơn vị tác chiến thuộc quân đội Hoa Kỳ. Đã từng tham chiến tại Iraq và hiện nay đã được điều động sang chiến trường Afghanistan. Lữ Đòan này đã từng tham chiến tại Việt Nam vào năm 1967. Đại Tá Việt cho biết được chỉ huy một đơn vị tác chiến có một bề dầy lịch sử như vậy là một niềm vinh hạnh lớn lao.
Trung Tá Hùng Lê, chỉ huy trưởng chiến hạm USS Lassen
Source: http://www.vaafa.org/vaafa_forums/topic.asp?TOPIC_ID=23
Trung Tá Hùng Lê - Chỉ Huy Trưởng chiến hạm USS Lassen của Hải Quân Hoa Kỳ. Cha của Trung Tá Hùng cũng đã từng là Chỉ Huy Trưởng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Trung Tá cho biết quyết định chọn con đường binh nghiệp một phần vì muốn kế tục sự nghiệp hào hùng của cha mình. Nhưng điều quan trọng hơn, anh muốn trả ơn cho đất nước Mỹ, quê hương thứ hai của anh. Chiến hạm USS Lassen của Trung Tá Hùng vừa ghé thăm Việt Nam trong năm qua.
Trung Tá Sơn Hồ, huấn luyện lái trực thăng tác chiến Không Lực Hoa Kỳ Source: http://www.vaafa.org/vaafa_forums/topic.asp?TOPIC_ID=187 Trung Tá Sơn Hồ: Đã từng là chi huy của phi đội trực thăng tác chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan. Hiện chuyên trách việc huấn luyện phi công lái trực thăng của Không Lực Hoa Kỳ tham chiến tại các quốc gia Ả Rập. Cha của Trung Tá Sơn cũng đã từng là phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, người đã truyền cho anh niềm tự hào của một người lính nơi chiến trường. Mỗi khi ra trận, Trung Tá Sơn luôn mang lá cờ tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa theo bên mình. Anh cảm kích truyền thống tự do- bình đẳng trong cơ hội của nước Mỹ, cho nên chiến đấu trong quân lực Hoa Kỳ là một cách để anh trả ơn cho quê hướng mới của mình.
Đại Uy Tín Trần, Sĩ Quan Liên Lạc Hạm Đội, thành viên VAAFA
Source: http://www.vaafa.org/vaafa_forums/topic.asp?TOPIC_ID=74Đại Uý Tín Trần- Đã từng giữ chức vụ Sĩ Quan Giám Sát của Chỉ Huy Trưởng Hạm Đội 5 (C5F), hiện là Sĩ Quan Liên Lạc Hạm Đội tại Naval Surface Waterfare Center Division Corona. Là một trong những thành viên tích cực nhất hiện nay của VAAFA.
Thượng Sĩ Hiển Trần, thương binh từ chiến trường Iraq
Source: http://www.vaafa.org/vaafa_forums/topic.asp?TOPIC_ID=70 Trung Sĩ Hiển Trần: thương binh từ chiến trường Iraq năm 2008. Giải ngũ vào tháng 09/2009. Dự định sau khi xuất ngũ sẽ hòan thành chương trình học MBA, sử dụng giáo dục như là phương tiện để làm lớn mạnh cộng đồng tại California và chống nạn nghèo đói. Phương châm sống của người lính: không bao giờ bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu và không bao giờ bỏ ai lại đằng sau.
Đã có 12 tử sĩ gốc Việt được ghi nhận bởi VAAFA. Người tử trận gần đây nhất là vào tháng 8/2008, xa nhất là vào tháng 6/1996. Hầu hết đều nằm xuống ở chiến trường Iraq, còn lại là Afghanistan và Ả Rập Saudi. Đất nước Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt ở Mỹ cùng tri ân những người đã nằm xuống này.
Hiện nay, VAAFA đang bận rộn chuẩn bị cho buổi tiệc gây quĩ để vinh danh 12 anh hùng tử sĩ này. Buổi tiệc sẽ được tổ chức vào ngày 05 tháng 03 năm 2010 tại nhà hàng Mon Cheri. Trong đêm đó sẽ có nghi thức tưởng niệm 12 liệt sĩ theo nghi thức Quân Lực Hoa Kỳ. Số tiền thu được từ tiệc gây quĩ sẽ được dùng để thành lập 12 học bổng mang tên 12 tử sĩ, sẽ được cấp cho các em sinh viên gốc Việt theo học những ngành nghề phục vụ cho cộng đồng (Public Services).
Nhân dịp năm mới, anh Chris Phan đại diện VAAFA chuyển lời cảm ơn đến cộng đồng chúng ta, vì hội chỉ có thể phát triển vững vàng với sự hỗ trợ của cộng đồng. Anh Chris Phan cũng gởi lời nhắn khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ quan tâm hơn đến binh nghiệp cũng như các nghề nghiệp phục vụ cộng đồng khác. Vì bất cứ ở xã hội nào, Việt Nam hay Hoa Kỳ, những tấm lòng gắn liền lợi ích của cá nhân với lợi ích của cộng đồng đều được trân trọng.
Đòan Hưng
Mọi chi tiết liên quan đến tiệc gây quĩ của VAAFA cho 12 học bổng vinh danh 12 liệt sĩ, xin liên lạc về:
Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt (VAAFA)
P.O. Box 9539 Fountain Valley, CA 92728-9539
Tel: 619 793 9461
E-mail: chrisphan1@hotmail.com
www.vaafa.org