Aug 7, 2008

ANH PAUL NGUYỄN & PACIFIC MACHINE COMPANY: KHI NGƯỜI CỰU SĨ QUAN CỤC TÂM LÝ CHIẾN TRỞ THÀNH CHỦ HÃNG TIỆN


Chắc hẳn nhiều người ở Mỹ cũng nhận thấy rằng nghề thợ tiện, tuy không đình đám nhưng nghề nail, nhưng cũng nuôi sống khá nhiều người Việt ở Cali, Texas. Tôi quen một anh bạn là nhà văn quân đội, sang đến Mỹ đi làm thợ tiện để sinh sống và… viết văn tiếp. Tôi có biết khá nhiều anh em kiến trúc sư ở Việt Nam, sang bên này lại đi học thành thợ tiện. Có thể là vì cái nghề lao động chân tay này học nhanh và không có nhiều cạnh tranh như nghề kỹ sư.

Để biết thêm về nghề thợ tiện, tôi hỏi thông tin và tìm đến thăm Pacific Machine Company, hãng tiện lớn nhất của người Việt tại vùng Quận Cam Nam Cali. Khi gặp anh Paul Nguyễn, CEO của công ty này, tôi nghĩ rằng chắc anh cũng là một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp tại Mỹ. Nhưng không, anh chỉ là một cựu sĩ quan tâm lý chiến! Anh đã phải mất gần 10 năm vừa học vừa làm, cộng với ý chí của người lính để trở thành một chủ nhân ông trên đất Mỹ như ngày hôm nay…


Là một sĩ quan quân lực VNCH, tốt nghiệp K6-68 ngành tâm lý chiến, sau biến cố 30-04-1975, anh Paul đã trải qua 10 năm tù đày, và được thả vào năm 1985. Ra khỏi trại, anh tìm cách vượt biên và may mắn thóat được ngay trong lần đi đầu tiên. Đặt chân đến Mỹ vào tháng 10-1985, gia sản của anh chỉ có vỏn vẹn gần USD 20. Anh quyết tâm bắt đầu làm lại cuộc sống mới thật nhanh. Với kinh nghiệm làm việc trong ngành tâm lý chiến, cộng với vốn Anh Ngữ vững vàng do đã được đi tu nghiệp ở Mỹ, đã có bạn bè rủ anh đi làm báo. Tuy nhiên, anh Paul lại muốn có nghề nghiệp mới ổn định hơn. Anh nghĩ đến nghề thợ cơ khí, vì quốc gia công nghiệp phát triển nào cũng rất cần. Anh tìm được trên báo một công việc dành cho thợ khoan trong một xưởng cơ khí. Anh nộp đơn xin phỏng vấn và được nhận làm ngay.

Anh Paul vừa làm thợ khoan, vừa bắt đầu tự quan sát, học các công việc đòi hỏi trình độ cao hơn như set up (chuẩn bị máy, lưỡi cắt theo chương trình gia công), programer (lập trình cho máy vận hành tự động). Vận may đến với anh sau ba tháng khi kỹ thuật viên set up của xưởng nghỉ việc. Anh xin phép người chủ cho mình học việc để đảm nhận vị trí này. Anh được huấn luyện cấp tốc trong vòng 15 tiếng đồng hồ và bắt đầu làm việc set up, bước lên một nấc trong công việc của người thợ cơ khí.

Nhận biết programer mới là công đọan quan trọng nhất của một qui trình gia công cơ khí, anh Paul đặt mục tiêu mới là phải học để nắm vững công việc này. Anh nhờ tay programer của xưởng dạy cho mình cách lập trình sau giờ làm việc chính thức. Trong ba tháng trời, tiền lương kiếm được bằng công việc set up được anh dùng để trả cho phí học việc lập trình. Sau đó, anh đổi chỗ làm , tiếp tục công việc set up, nhưng xin người chủ cho mình lập trình gia công một số chi tiết đơn giản, free of charge! Trong vòng hai năm trời, ban ngày anh đứng máy, ban đêm về lập trình để đem áp dụng cho một số máy do mình vận hành. Sau hai năm vừa học vừa làm như vậy, anh đã nắm vững tòan bộ quá trình gia công cơ khí của một xưởng tiện. Giấc mơ làm chủ đã trở nên hiện thực hơn.

Đến năm 1994, với số vốn USD 11,000, anh Paul đã khởi nghiệp bằng cách mua một máy tiện CNC cũ, thuê mặt bằng đặt nó trong một hãng tiện lớn, ký hợp đồng gia công lại cho chính hãng này. Công việc phát triển khá nhanh, chỉ sau một năm anh đã mua thêm hai máy nữa. Anh Paul nhận thấy nếu chỉ dựa vào những hợp đồng gia công lại, con đường phát triển của mình sẽ phải lệ thuộc vào người khác. Nhưng muốn đứng độc lập, thì làm sao có được khách hàng, vốn tòan là những công ty Mỹ? Đứng trước bài tóan thị trường hóc búa, cái đầu chiến lược của một sĩ quan tâm lý chiến ngày nào bắt đầu phát huy tác dụng. Anh Paul tìm cách móc nối với Mike, một sales man người Mỹ, đang làm cho một hãng đang gia công cho Boeing. Anh đã đề nghị Mike hợp tác với một giao kèo “không thể từ chối”:
- Cả hai cùng đứng ra thành lập một công ty mới lấy tên là Aero Machining Company.
- Anh Paul lo tòan bộ phần lắp đặt nhà xưởng, vận hành kỹ thuật
- Mike đương nhiên có 50% cổ phần, chỉ với một công việc duy nhất: đem hợp đồng của Boeing về cho công ty.



Có thể nói đây là nước cờ chiến lược quan trọng nhất của anh Paul. Với sự hợp tác này, cánh cửa bước vào thị trường đã rộng mở. Boeing, gã khổng lồ của ngành hàng không thế giới đã trở thành khách hàng của công ty anh. Aero Machining Company đi lên vững mạnh với những hợp đồng lớn và ổn định. Việc tiến thêm một bước nữa- thành lập công ty độc lập do một mình anh làm chủ- chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì Boeing đã biết anh Paul mới là người nắm tòan bộ công việc điều hành. Năm 1997, anh thành lập công ty riêng Pacific Machine Company. Năm 1999, Pacific Machine dời về trụ sở ở đường Trask như hiện nay, bắt đầu nhận các hợp đồng trực tiếp với Boeing. Người đàm phán và ký hợp đồng lúc này đã là anh Paul rồi. Anh nhớ lại lúc đó chỉ thuê được một nửa gian nhà xưởng, có 04 công nhân, anh phải đảm nhiệm luôn công việc programer, inspector . Còn bây giờ, anh đã làm chủ 04 gian nhà xưởng, trang bị khỏang 50 máy móc các lọai.

Dưới tay anh có khỏang 70 người thợ, 20 kỹ thuật viên set up, 05 programer. Hiện nay, Boeing vẫn là khách hàng duy nhất của Pacific. Tôi hỏi anh Paul: “Trên nguyên tắc, lệ thuộc vào một khách hàng duy nhất là rủi ro lớn trong kinh doanh. Anh có nghĩ đến điều này không?”. Anh cho biết thật ra Airbus cũng đã đề nghị các hợp đồng gia công với anh rồi, nhưng anh chưa nhận lời. Hiện nay chỉ làm với Boeing thôi, mà công việc đã nhiều lắm rồi.

Có một chi tiết quan trọng nữa là Pacific Machine đang gia công nhiều cho Boeing trong lĩnh vực quốc phòng. Do tính bảo mật và các yêu cầu kỹ thuật đều cao, cho nên các contractor đều được sàng lọc rất kỹ càng. Nhưng khi đã được chọn, công việc làm sẽ rất ổn định, vì những chi tiết máy trong ngành quốc phòng không thể đem ra ngòai nước Mỹ gia công được. Không sợ mất việc vào tay China như nhiều ngành nghề khác. Anh Paul cho biết anh đã từng gia công những part có giá trị lên đến gần USD 200,000 chỉ cho 01 sản phẩm! Còn có những chi tiết máy do yêu cầu bảo mật, anh phải hòan trả lại cho Boeing tòan bộ phoi kim lọai thải ra trong quá trình gia công. Nắm những hợp đồng quan trọng như vậy, anh Paul tự tin rằng mình vẫn còn là đối tác lâu dài của Boeing.

Năm 2007, Pachific Machine nhận được Quality Award của Boeing dành cho những contractor đứng đầu trong lĩnh vực chất lượng . Đây là một danh hiệu cao quí mà khoảng 36,000 contractor của Boeing đều muốn đạt được. Nó nâng uy tín của Pachific Machine trong ngành gia công cơ khí trên đất Mỹ lên rất nhiều. Khi được hỏi đâu là bí quyết thành công của mình, anh Paul trả lời: “ Work smart! And Think!”. Anh đã đem được những kỹ năng của người sĩ quan tâm lý chiến vào trong lĩnh vực kinh doanh. Những năm tháng cơ cực trong tù ở Việt Nam cũng có thể đã góp phần vào sự thành công ngày hôm nay. Lý lịch tù đày với chế độ cộng sản, sĩ quan quân lực đồng minh từng được đào tại Hoa Kỳ trước 1975… phải chăng những yếu tố này đã khiến Boeing tin tưởng giao cho anh những hợp đồng về quốc phòng? Cũng vì lý do đó, anh thấy mình vẫn còn nợ những người lính Cộng Hòa nhiều lắm. Nhân viên của anh hầu hết là con em của những gia đình HO. Trong công ty của anh có Phòng Sinh Họat Đấu Tranh dành cho các họat động đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Anh tham gia vào rất nhiều các họat động xã hội giúp đỡ người thương binh Cộng Hòa.

Vì những lý do trên, nếu có dịp gặp anh Paul Nguyễn, bạn sẽ có cảm tưởng rằng bạn đang nói chuyện với một cựu quân nhân VNCH, chứ không phải với một nhà kinh doanh thành công trên đất Mỹ…

Đòan Hưng


Caption 1: Anh Paul đang kiểm tra lại máy trước khi gia công
Caption 2: Anh Paul kiểm tra lại một số thành phẩm trước khi xuất xưởng

No comments: