Aug 27, 2008

ANH NGUYỄN VĂN CHÂU & ĐOÀN LẠC HỒNG: NGƯỜI GÌN GIỮ NỀN ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRÊN ĐẤT MỸ



Nền văn hóa của một dân tộc bao gồm nhiều lĩnh vực: ngôn ngữ, âm nhạc, phong tục tập quán… Những nỗ lực duy trì nền văn hóa Việt Nam ở hải ngọai vì thế cũng phải được thực hiện bởi nhiều họat động văn hóa khác nhau. Trong một bài viết trước cũng trong chuyên mục này, người viết đã nhắc đến những khó khăn của các trung tâm Việt Ngữ trong việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng chúng ta trên đất Mỹ. Ngôn ngữ Việt là thứ sử dụng hàng ngày mà còn có nguy cơ bị quên lãng, thì âm nhạc dân tộc Việt chắc khó mà trụ được ở nơi xứ người? Tình cờ xem được tờ quảng cáo chương trình ca vũ nhạc Làn Điệu Quê Hương của Đòan Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng vào tháng 9 tới, tôi đã xin gặp được anh Nguyễn Văn Châu, Trưởng Đoàn để đặt lại câu hỏi giống như với phong trào Việt Ngữ: nền âm nhạc dân tộc Việt ở Mỹ chỉ tồn tại hay sẽ phát triển?

Anh Châu sang định cư ở Mỹ từ năm 87. Anh từng là giáo sư giảng dạy môn quốc nhạc tại trường Quốc Gia Aâm Nhạc Sài Gòn trước và sau 75. Sang đến Mỹ, anh Châu cũng phải chọn một nghề khác, nghề counselor cho tòa án, để làm kế sinh nhai. Nhưng anh không thể bỏ cái “máu văn nghệ” có sẵn trong mình lâu quá được. Chỉ sau một năm, tức là năm 88, anh Châu cùng với một số học trò trường nhạc cũ của mình thành lập ban nhạc nghiệp dư Lạc Hồng. Tôi rất ngạc nhiên khi anh Châu cho biết rằng mục tiêu của ban nhạc là cộng đồng người Mỹ chứ không phải là người Việt. Lý do là vào thời gian đó làn sóng người Việt di tản sang Mỹ rất đông. Người Mỹ ở Cali chỉ biết đến người Việt qua cuộc chiến tranh Việt Nam, qua những thuyền nhân tị nạn chính trị, kinh tế… Họ biết rất ít về nền văn hóa Việt. Anh Châu và ban nhạc Lạc Hồng dùng những nhạc cụ cổ truyền để trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam tại các trường trung học, đại học Mỹ, để cho họ thấy được một phần nền văn hóa đã có từ 4,000 năm của dân tộc mình. Ban nhạc Lạc Hồng đã được chào đón nồng nhiệt bởi cộng đồng người Mỹ, và còn có phần… nồng nhiệt hơn bởi cộng đồng người Việt ở Mỹ đang phát triển rất nhanh! Ban nhạc phải thành lập thêm ban hợp ca để hát dân ca phục vụ cho cộng đồng người Việt. Rồi khi nhận ra người Mỹ rất thích xem các vũ điệu, anh Châu mời vũ sư Lưu Hồng và sau đó là vũ sư Luân Vũ về lập ra vũ đòan dưới sự tài trợ của California Art Council. Với một qui mô lớn nhanh như vậy, anh Châu nghĩ đến lúc phải chuyểân Lạc Hồng thành dạng hội đoàn để có đủ tư cách pháp nhân để xin tài trợ, gây quĩ… Năm 1990, Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống và Trung Tâm Lạc Hồng ra đời, trở thành trụ sở chính thức của Đòan Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, là nơi đào tạo, tập dượt cho các đòan sinh.

Anh Châu cho biết con số thành viên của Đòan Lạc Hồng đã hơn con số một trăm, chia thành nhóm nhạc cụ, đòan vũ và ban hợp ca. Thành viên nhỏ nhất là 06 tuổi, và người lớn nhất đã trên 70! Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các đòan sinh đa phần đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bởi vì lớp trẻ là mục tiêu của đòan trong việc nuôi dưỡng nền quốc nhạc Việt Nam trên đất Mỹ. Anh Châu cho biết để có thể làm được điều này, phụ huynh là một yếu tố rất quan trọng. Họ rất nhiệt tình, luôn luôn khuyến khích các em tham gia các buổi tập luyện, trình diễn như một hình thức tìm về nguồn cội. Rồi sau đó, chính các em đòan sinh lại lôi kéo bạn bè của mình vào đòan. Khi tham gia một buổi tập đàn, hát của các em thiếu nhi Lạc Hồng, tôi cảm nhận được lòng ham thích của chúng qua không khí vui tươi, thoải mái. Một cô giáo cho tôi biết lúc đầu các em đến còn bỡ ngỡ. Chứ bây giờ, có em còn khóc nếu bố mẹ không có thì giờ đưa đến trung tâm để tập hát cùng các bạn! Còn các em trong ban nhạc thì hãnh diện khi đi trình diễn các nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam dân tộc mình. Dàn nhạc có đủ các lọai đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn gáo, đàn nhị. Tôi thấy hai em trai ở khỏang tuổi teen trong ban nhạc rất hào hứng với cây đàn nhị. Chứ ở Việt Nam, hiếm có thanh niên nào muốn chơi “cây đàn đám ma” này! Bởi vì ở Mỹ chúng lại trở thành hàng hiếm, và là nét đặc thù riêng của dân tộc mình. Nói vui là “không sợ bị đụng hàng”! Anh Châu cho biết có nhiều người Mỹ rất thán phục cây đàn bầu của người Việt và ráng đi học để chơi được nó. Họ cho rằng chưa bao giờ thấy có một nhạc cụ độc đáo đến như vậy!


Để duy trì được sức sống của đòan là những nỗ lực không ngừng của anh Châu cùng một số thầy cô nòng cốt trong Đòan Lạc Hồng. Hiện nay anh Châu chỉ dành 40% thì giờ của mình cho công việc chính là counselor, còn lại là của Đòan Lạc Hồng. Trung bình khỏang một năm đòan có một buổi trình diễn lớn của riêng mình. Còn các buổi trình diễn nhỏ theo lời mời của các trường học Mỹ, các tổ chức, hội đòan của người Việt là rất nhiều. Theo anh Châu, cái khó khăn nhất là khâu biên soạn. Phải viết phần hòa âm phối khí cho các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, thường đâu có sẵn như những bản tân nhạc. Rồi còn phải chọn lựa những bài dân ca mới, phải có sáng tác mới để làm phong phú cho chương trình, nếu không khán giả và chính các em sẽ chán. Kế đến là vấn đề kinh phí để giữ được một chỗ để làm nơi sinh họat, tập dượt cho đòan. Ai cũng biết tiền thuê mặt bằng ở Mỹ rất cao. Trung Tâm Lạc Hồng, tọa lạc tại ngã tư Brookhurst- Hazard, hiện phải share với các họat động khác như lớp học, trung tâm văn hóa… thì mới đủ kinh phí duy trì mặt bằng này. Anh Châu bảo phải với tinh thần “lựa cơm gắp mắm, đòan mới có thể duy trì được họat động suốt bao năm qua. Các thầy cô làm việc với tinh thần tự nguyện không công. Tiếp theo nữa là lực lượng nhân sự trẻ tiếp nối cho thế hệ đầu đàn như anh Châu, chị Mai… Một số em được đào tạo bởi Đoàn Lạc Hồng nay cũng quay về để tham gia công tác đào tạo. Tôi có gặp Nga Mi , một trong những cô dạy hát cho các em. Nga Mi đã từng là một thành viên của đòan, hiện nay đã ra trường đại học để trở thành dược sĩ. Nga Mi trở về để góp một bàn tay với thầy cô cũ của mình. Anh Châu bảo các học trò cũ của mình như Nga Mi đều có tấm lòng, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đóng góp. Thí dụ như nếu các em ra trường rồi phải đi làm ở xa thì đành chịu!

Tôi đã đến xem một buổi tập dượt của các em trong đòan Lạc Hồng cho chương trình Làn Điệu Quê Hương. Do phòng ốc của trung tâm lạc Hồng đang sửa chữa, thầy trò kéo nhau về garage nhà Anh Châu để tập. Tôi hỏi anh Châu: “Hàng xóm có phiền hà gì không anh?”. Anh Châu cười: “Aên thua gì. Lát nữa còn chiêng trống um xùm hơn nữa kìa. Khu này tòan người Việt mình, nên thông cảm nhau lắm!”. Nhìn những gương mặt trẻ thơ hào hứng với những làn điệu dân tộc, tôi hình dung ra đằng sau đó biết bao nhiêu người có cùng lý tưởng giữ gìn nguồn cội. Đó là anh Châu cùng các thầy cô của đòan Lạc Hồng. Đó là những phụ huynh luôn khuyến khích, dành thì giờ đưa con em đến với đòan. Đó là những nhà tài trợ, những khán giả trung thành trong cộng đồng người Việt, thường xuyên ủng hộ các buổi biểu diễn của đòan. Thiếu đi một trong ba yếu tố đó, có lẽ sự tồn tại của những họat động ý nghĩa như vậy sẽ khó mà kéo dài. Tôi đã tự trả lời cho câu hỏi của mình đã đặt ra: cùng với đòan Lạc Hồng, nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đang tồn tại và phát triển trên đất Mỹ. Tuy nhiên, tương lai của nó vẫn tùy thuộc vào chính chúng ta, những người Việt Nam đang sinh sống trên xứ người…

Đòan Hưng



Caption 1: Ban hòa tấu- hợp xướng của Đòan Lạc Hồng (hình do Đoàn Lạc Hồng cung cấp)
Caption 2: Thầy Châu cùng các em trong một buổi tập dượt cho chương trình Làn Điệu Quê Hương

No comments: