CHUYỆN NGÀY XƯA VẪN LUÔN LÀ ĐẸP…
Sống mãi cho đến hôm nay sáu mươi mấy tuổi rồi vậy mà thỉnh thoảng vẫn có nhiều chuyện làm mình thấy bất ngờ đến thú vị. Để rồi nhìn lại những ngần ấy năm qua mà thấy nhiều điểm sáng làm vui cả ngày. Như mẩu thư ngắn của một thằng cu nhỏ ở đối diện với nhà chúng tôi, căn nhà cuối hẻm cụt, đường Thành Thái, Quận 5. Thằng Cu Tèo nó kể như thế này:
“□ Dạ, sẵn dịp qua mail này, con xin cảm nhận của thằng bé hàng xóm
năm xưa (ADV) về gia đình Cô nhé, hiiiii. Trong xóm chùa con là xóm lao động nên được quen biết gia đình trí thức như gia đình Cô là một hạnh phúc. Con nghe mẹ kể lúc còn nhỏ xíu, Con và Anh Tí (con Bác Tám Đá) ở nhà Cô, Ông nói " Chị Trừ ráng cho thằng Tèo ăn học nha", Con không biết Ông nhìn mặt mũi của con ra sao mà khuyên mẹ Con như thế đó.H iiiii. Rồi thời gian lớn lên, mẹ con hay nói thấy nhà Cô Liên sao hạnh phúc quá , cuối tuần nào con cháu cũng hay về nhà Cô ở ADV. Anh Chị Em và các Cháu ăn uống chuyện trò vui vẻ bên Ông Bà. (Với gia đình lao động chỉ mong ước sẽ được như thế, vì còn phải lo nhiều thứ hằng ngày nữa Cô à).”
Rõ ràng là gia đình chúng tôi len vào sống chung với xóm lao động, nhóm người dùng sức lực chân tay để kiếm miếng cơm manh áo. Năm đó 1959, bố mẹ tôi mua trả góp căn nhà cấp bốn của bác Tư Thông. Chắc là bác bán rẻ cho hai ông bà giáo mà còn là nhà văn nghèo nữa, để dọn ra mặt tiền đường. Lúc bấy giờ Bác làm nhà in, như vậy thuận lợi cho việc kinh doanh hơn ở nhà trong hẻm cụt. Sau này khi lớn lên, tôi biết quan hệ giữa bác và bố là mối tình thâm nhà in và nhà văn đó thôi.
Năm 1959, ba năm sau ngày bố mẹ tôi di cư vào Nam với diện sinh viên bố. Sĩ số khi rời Hà Nội khởi từ con số năm (5) gồm bố mẹ, cô (em bố), và hai chị sanh từ Hà Nội. Nay đã tăng dân số thêm hai là tôi và thằng em, khiến căn phòng cho sinh viên có gia đình ở Đại Học Xá Minh Mạng quá tải. Kịp lúc bác Tư Thông dọn ra mặt tiền đường, bố tôi liền mua lại và làm chủ căn nhà cho đến năm 2013. Đây là điểm khởi đầu của “Truyện đẹp ngày xưa”.
Câu chuyện đẹp và vui khởi từ bố mẹ. Từ ngày về ở nhà Thành Thái, lũ bốn đứa sau lần lượt ra đời. Tổng cộng gồm bốn gái và bốn trai. Con của bố mẹ không đẹp mĩ mìu kiêu xa, chỉ vừa đủ để mọi người nhìn vào nói rằng đây là một gia đình vui khỏe và hạnh phúc. Tám cặp mắt của chúng tôi nói lên điều này vì nó to tròn, sáng choang, và biết cười. Mắt biết cười!
Ánh mắt và nụ cười nói lên được nhiều thứ lắm. Nó nói lên được người đó có hạnh phúc hay không! Sự nghèo khó hay sự giàu có, không làm người ta khổ sở hơn hay hạnh phúc hơn. Chính xác là nó được làm ra từ tâm. Tâm và Ý làm nên vui buồn, khổ, hạnh phúc của con người. Chuyện vui số một.
Chuyện kể về căn nhà, thế hệ bố mẹ tôi thì ông bà tiếp bạn nhà giáo, bạn văn của bố hoài hoài. Các bạn văn của bố vẫn thường vòi mẹ tôi “Bà Sỹ làm món này món kia cho chúng tôi nhậu nhé.” Thế là có tiệc và có bạn đến chơi nhà. Bạn bè của bố gần như hằng tháng đều tụ họp ăn uống và bàn chuyện văn chương với nhau. Không khí văn nghệ tưng bừng, tiếng ly tách âm vang từ trong nhà ra cả xóm. Xóm lao động nhưng dễ thương là thế! Họ không hề phiền hà hay có tính ghen tị với lối sống của một ông nhà văn hay nhà giáo gì cả. Họ ngầm kính trọng và thương quý ông bà giáo. Chuyện vui số hai.
Trở lại đoạn kể chuyện của thằng cu Tèo, chúng tôi sống và lớn lên cùng với những gia đình lao động nhưng chân chất. Tuy có khác nhau về cách kiếm tiền và lối sinh hoạt, nhưng chúng tôi rất thương quý nhau theo tình hàng xóm. Tương trợ qua lại theo tình huống của mình. Bố mẹ tôi thường hay giúp cho các anh chị chút tiền học đóng cho nhà trường. Tư vấn cho các bác Bảy, bác Tám, bác Tám Có, ông Địa, là bố mẹ của các anh chị Trừ, chị Của, anh chị Tám Đá… về chuyện học hành cho con cái của họ. Nhưng thế hệ của các anh chị không mấy ai qua khỏi bậc trung học đệ nhất cấp vì mải lo sinh kế. Do vậy, đến thế hệ con cháu của họ lại được bố tôi nhắc nhở "Chị Trừ ráng cho thằng Tèo ăn học nha".
Ngược lại các gia đình này lại hay giúp đỡ gia đình ông bà giáo những công việc nặng chân tay khi ông bà giáo cần. Vì lúc đó chúng tôi còn nhỏ quá chưa giúp được gì cho bố mẹ. Hay là mẹ tôi thường được nhận những chậu “sương sâm” đặc biệt ngon và mát. Vì các anh chị trong xóm làm nghề vò sương sâm mà. Hoặc những món ăn của đặc biệt Nam Bộ, do các chị nấu nướng rồi mang sang biếu bà giáo. Chuyện vui số ba.
Khách khứa của bố mẹ tôi tấp nập vào hai thập niên 1960 và 1970. Đến sau 1975, bố và các bạn bố vào tù, mẹ và các con xoay sở để sống còn. Thế nhưng không vì đói khổ thiếu ăn thiếu mặc vì chế độ cộng sản và công an trị, chúng tôi vẫn không xóa bỏ được tính văn nghệ tuôn trào trong huyết quản. Bởi vậy thằng Cu Tèo mới viết tiếp như sau:
□ Nói thật với Cô, Con ấn tượng nhất và không quên là hình ảnh ca hát mừng xuân của gia đình Cô vào thời điểm giao thừa đón năm mới. Bài hát "Ly rượu mừng" được hòa ca và đánh đàn piano, guitar bởi đại gia đình Cô. Con nghe rất rõ vì cánh cửa nhà con bằng tôn, a mà mấy tờ tôn bị lủng lỗ nên con nhìn nghía xem có gì mà vui thế, hiiiiii, lúc này cũng hơn 12 khuya rồi ạ. Phải nói Cô Chú hát hay quá, giọng cao và bè như ca sĩ. Cũng mấy năm liên tục gia đinh Cô hay vui hát đón xuân như thế, sau này thì không còn thường xuyên nữa.
Đúng thế, thời gian mà cả miền Nam Việt Nam chìm ngập trong khổ nạn thì gia đình chúng nói riêng, nhóm bạn bè chúng tôi nói chung lại có nhiều niềm vui ở những buổi văn nghệ hát hỏng. Chúng tôi đói nhưng lại hát rất to. Chúng tôi nghèo tiền bạc nhưng lại dư rất nhiều thời gian. Cũng do vì chính quyền cộng sản triệt tiêu hết quyền đi học của con những người bị đi học tập. Không thể học, không thể làm thì chúng ta hát để giữ và vực tinh thần lên!
Chúng tôi tự đặt tên cho mình là “Hội Ca Cầm” và rất hãnh diện với danh xưng này. Công an tổ dân phố lẫn công an thành phố không thích cái trò này của chúng tôi. Nhưng vì thấy chúng tôi chỉ ca hát mà không làm những điều gì nguy hiểm nên họ còn để đó, chưa xử lý. Vả chăng dân đói, dân nghèo, dân không có công ăn việc làm, không được đi học, thì cho chúng nó hát để khỏi mất lòng thêm. Vả lại, chúng nó tụ tập lại để hát thì mình dễ theo dõi và dễ khống chế hơn.
Chúng tôi thật sự có một khoảng thời gian vàng rực rỡ không thể quên được. Thời gian nghèo đói khổ sở nhưng mà vui và bổ ích cho quan niệm sống của chúng tôi biết dường nào. Cùng nhau hát những bài hát tình quê hương, tình yêu đôi lứa, diễn những vở kịch kinh điển văn học Tây Phương, những buổi thuyết trình với nhiều đề tài từ tôn giáo, khoa học, kiến trúc… là những điều hiếm hay là không thể xảy ra lần thứ hai trong cuộc đời! Chuyện vui số bốn.
“Hội Ca Cầm” thật sự bị công an cấm tiệt khi bố chúng tôi bị bắt lần hai. Bố tôi với tội danh “chống phá cách mạng” “tên biệt kích cầm bút” thì lũ con cái và bạn chúng tụ tập là điều tối kỵ. Thế là anh Hai, con chim đầu đàn HCC của chúng tôi, được vời lên văn phòng công an, nhận lãnh lời đe dọa “nếu còn tụ tập” sẽ có biện pháp mạnh. Và thêm nữa thời gian người Sài Gòn đã vượt biên ra nước ngoài tìm tự do, thành viên Hội Ca Cầm cũng không nằm ngoài nhóm người này.
□ Rồi thỉnh thoảng, Cô Liên có nhờ khiên đồ hay phụ làm việc gì đó
thì Cô hay gửi phần quà cho mẹ con để cho tụi con. Con thích lắm, vì Cô hay cho đồ ăn ngon như chocolate, phô mai, hộp khoai tây chiên, kẹo ngoại quốc,....,lúc đó ba mẹ con đâu có mua mấy thứ này cho tụi con ăn.
Sang trang, một thời kỳ khác khi chúng tôi đã có nhiều người thành công trong việc tìm tự do. Gia đình chúng tôi đi thoát được ba người. Chị Cả và hai tên con trai sang đến bến bờ tự do, liền một năm sau đã có những thùng hàng cứu đói cứu khổ. Chúng tôi, thoát đói thì liền nghĩ đến những hàng xóm của mình. Họ không đói vì vẫn còn lao động kiếm sống, chỉ là thiếu những món ăn mà trẻ con thích mà thôi. Chia xẻ, lá lành đùm lá rách là tinh thần mà bố mẹ ông bà đã chảy trong huyết quản chúng tôi. Thằng Cu Tèo nhắc lại, tôi mới nhớ mang máng là có. Hành động cho đi và nhận về thật là hay. Cả hai vế “cho và nhận” đều có ý nghĩa của nó. Nếu người cho mà không có người nhận thì sao làm được sự cho – nhận. Cái vấn đề là người cho đừng lấy việc đó làm thành cái hơn thua, và nhận đừng xem đó là một điểm kém. Chỉ cần biết là sự cho và nhận vận hành luân lưu mãi mãi. Người cho sẽ biến thành người ở một thời điểm nào khác. Và người nhận lại biến thành người cho đi khi cơ hội đến, miễn là khi cho nhận cả hai phía đều vui. Chuyện vui số năm.
Thời gian trôi, cuộc đời trôi, người người lớn lên, già đi thì Thằng Cu Tèo cùng lớn với chúng tôi. Tèo vào đại học. Tôi điều hành một nhóm sinh viên nhận học bổng hằng tháng, Thằng Cu Tèo được chọn vào danh sách này. Chị Khánh muốn bảo trợ riêng cho Tèo là điều thật hay. Vì chúng tôi thực hiện được lời khuyên của bố nói với chị Trừ, mẹ của thằng cu Tèo, “…ráng cho thằng Tèo ăn học nha.” Tôi mừng vì Thằng Cu Tèo học rất ngoan, ra trường đi làm rất đàng hoàng. Chuyện vui số sáu.
□ Rồi lúc lên sinh viên (1998), con được tham gia nhóm sinh viên
khuyến học của Cô , con được Cô Khánh hổ trợ phần học bổng .Có một
thời gian cũng vài tháng , Con qua nhà Cô để Cô Khánh chỉ dạy thêm
Anh Văn , Cô nói ráng học Anh Văn để sau này rất có ích khi đi xin
việc làm. Dạ, đúng là sau này ( 2009-2018) con xin làm cho
công ty đóng tàu của singapore và mới có thu nhập ổn định để vợ
chồng con ở riêng ạ.
□ Dạ, bao nhiêu kỷ niệm và những chỉ dẫn dạy dỗ của Cô Khánh, Cô Liên, cũng như những hình ảnh đẹp về cách sống , gần gũi thân thiện của gia đình Cô là tấm gương con phải học hỏi . Nhờ những điều này mà con cố gắng để có cuộc sống dễ chịu thoải mái hơn . Đó là sự cho đi và nhận lại. Và ba mẹ của con cũng là thần tượng của con về cách sống luôn đó Cô. Hiiii
Thư qua thư về giữa Thằng Cu Tèo và chúng tôi chắc sẽ vẫn còn tiếp tục dài dài. Tôi cảm động vì tính tốt lành của Thằng Cu Tèo và gia đình anh chị Trừ nói riêng, toàn thể xóm lao động “Xóm Chùa” nói chung. Cộng sản, bác và đảng rất muốn con dân của mình phải biến thành con thú, không có tình người, không trí khôn… để hòng dễ điều khiển. Thất bại. Thất bại vì chỉ có thể con thú biến hóa thành con người theo chiều hướng đi lên. Không thể có con người đi thụt lùi thành thú dữ, ăn thịt đồng loại như chúng thường muốn. Thư trả lời gửi Thằng Cu Tèo là Chuyện vui số bảy.
“> Tèo à, cô Liên đâu có ngờ nó nhớ hết chuyện xưa như vậy. Giỏi thiệt đó nha. Đọc lại chuyện nhà mình, nhà cô Liên qua mắt nhìn của người khác là Tèo, thật là thú vị. Thú vị nhất là gia đình của cô đã thấm nhuần tâm lành thiện của ông bà để lại để vui sống trong bất cứ mọi hoàn cảnh. Đúng là một phước lớn ha Tèo. Con có nghĩ đó là một điều tốt để mình bắt chước không? Nếu yes thì... sao ha ?
> Cô hỏi chơi vậy thôi, chứ dư biết Tèo và gia đình cũng có đầy tâm lành thiện đó chứ. Ba má con và lối sống của gia đình con là một hình ảnh chân thật và thiện lành mà gia đình cô rất quý và muốn thân cận như hồi nào.
> Chuyện lá lành đùm lá rách là chuyện thường ở đời. Thời đó, nhà cô lá lành hơn, đùm bọc giúp cho Tèo, lá ít lành hơn, hoàn tất con đường học vấn để thành người tốt trong xã hội. Đó là chuyện xảy ra nhiều trong xã hội. Cái vấn đề là người cho và người nhận đều thấy vui là đạt được một điều gì đó. Vai trò người cho và người nhận đều cần thiết như nhau. Không có người nhận thì làm sao người cho làm được việc. Do vậy cô cháu mình không dừng lại ở chỗ cho nhận mà có thể đổi vị trí. Như gia đình cô qua đến Mỹ đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn bè xung quanh đó chứ. Và Tèo cũng có thể chuyển thành người đi tặng khi cơ hội đến hay khi hoàn cảnh của mình đã tạm đủ. Thế là chuyện cho nhận nó luân chuyển hoài hoài, không dừng lại. Xã hội và con người luôn biến đổi là vậy.
> Tèo có đồng ý với cô vậy không?
> Cô Liên”
Trời Phật cho chúng ta tính “quên”, quên đi những chuyện buồn phiền, đó là điều may mắn! Do vậy, những gì còn đọng lại trong tâm Thằng Cu Tèo và trong gia đình tôi chỉ toàn là điều vui. Cho nên trong tôi nay chỉ còn toàn “Chuyện Đẹp” “Những Ngày Xưa Toàn Chuyện Đẹp” để làm hành trang lúc mình suôi tay về với đất mẹ. Gọi tên nó là một cận tử nghiệp tốt giúp thần thức được hút về một nơi chốn tốt, một kiếp sống mới tốt là điều các Phật tử đều mong ước.
“Những Ngày Xưa Chuyện Đẹp” là tên bài hát anh Hai Trần Đại Lộc sáng tác cho lũ chúng tôi hát trong thời gian đẹp nhất cuộc đời. Cuộc đời cho dù có “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì hát nó lên cho vơi đi nỗi khổ để vẫn tiếp tục ngẩn cao đầu và chân bước tới. Ngày nay, ngày mai, ngày kế tiếp vẫn cứ thành và sẽ thành “Chuyện Ngày Xưa Luôn Là Đẹp”.
California, ngày 23 tháng 8 – 2022
Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment