Zayn hoàn thành xong cuốn sách tập viết bà Ngoại gửi.
Bà Ngoại hoàn thành xong bài viết mới: "Đi Một Đàng Học Một Sàng Khôn".
***
Cứ hễ đi ra khỏi nhà, đi bất cứ nơi đâu, đi bao xa đều có những điều mới để học và để chiêm nghiệm. Còn phải kể thêm là tuổi tác già trẻ lớn bé, đều có bài học cho riêng từng lứa tuổi!
Hai vợ chồng tôi vừa có hai ngày cuối tuần thật vui với các bạn vong niên và là người cùng xứ thời thanh niên của mình. Cả 5 người khách mời đều về ở nhà một cô em để tiện việc đi chơi, ăn uống, nói chuyện và đàn hát. Tất cả những tiết mục vừa kể đều cho chúng tôi những bài học lý thú và không thể quên. Vì sao?
Đi biển vào những ngày hè nắng ấm thì chớ đi vào ngày cuối tuần vì khó kiếm chỗ đậu xe và người chật như nêm. Từ nhà ra đến biển chúng tôi mất hết nửa tiếng lái xe. Biển thấy đó, nghe sóng vỗ ì ầm, gió thổi mát lộng đó mà chúng tôi nào có xuống được! Phải lái xe thêm nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa kiếm ra được chỗ đậu, ngay cả trả tiền. Không thể kiếm ra lấy một khoảnh trống nào cả. Xe đậu hàng dài dọc đường sát bờ biển, kín lề đường khu nhà ở, cửa vào nhiều “parking lot” có hàng chữ “full” có làm nản lòng các chiến sĩ ham vui này không chứ? Tiu ngỉu, chúng tôi tự nhủ với nhau là đi như thế cũng đủ. Tụi mình đã thấy biển, hít thở khí biển rồi nhé. Và cũng đã thấy dân tình thế thái quá ư là hồ hởi phấn khởi với sóng với gió và nắng. Thời buổi xả cảng lệnh “lock down vì covid” nên ai ai cũng bung ra đi chơi cho thỏa. Đó là lý do các thành phố biển tấp nập và vui hơn tết.
Đó là bài học thứ nhất.
Cả lũ quay về nhà chuyện trò với nhau và hát hỏng cho thỏa lòng bấy lâu cũng là điều thuận lẽ. Biển thì mình về biển nhà mà thưởng thức sau, chẳng muộn gì. Đồng hương lâu ngày không gặp, ai cũng mong được nói, hỏi han chuyện xưa nay của nhau. Nói về mình, kể chuyện gia đình chồng vợ con cái, là điều hẳn nhiên trong đối thoại. Từ những cuộc nói chuyện, có một điều nên rút kinh nghiệm: Không nói nhiều quá về mình trừ khi có câu hỏi được gợi lên. Chọn lọc câu chuyện để kể cho bạn nghe. Vì người nghe sẽ không nghe bằng bề mặt của câu chuyện, mà có thể họ hiểu sâu phía đằng sau câu chuyện nữa. Để tránh bị kết án là “nổ” chỉ có cách là nói ít. “Cái tôi” cần phải khiêm tốn, khiêm nhường hoặc là dẹp bỏ mà người nghe không thể bắt bẻ được.
Trong câu chuyện có người thích tạo huyền thoại về mình. Những người này hay có chủ từ ngôi thứ nhất là “tôi, chị, anh, em”, thì cái tôi này sẽ là cái tôi “siêu đẳng”. Tôi đã làm một chuyện mà ít ai dám làm thế này này... Tôi đã xây dựng ra một cơ nghiệp như thế đó. Tôi đã vượt ra được những khó khăn như vầy nè… Mấy ai khi nói về cái tôi mà lại nói cái tôi dở, xoàng, hay yếu kém. Thế là “tôi” đã thành “tôi siêu nhiên” một cách bất ngờ. Và rồi người nghe nếu là người nghe tinh ý thì thấy chuyện này không mấy “dễ xảy ra” hoặc là “sao nổ dữ vậy cà!”
Cũng có người lại nói chuyện với cái tôi khiêm nhường, rụt rè quá: “Tôi chẳng được như vậy đâu.”, “Trời ơi, sao làm chuyện này được thật là khó đối với tôi.”, “Sợ quá, chẳng dám nhận đâu.” Cái tôi như thế này cũng có thể làm câu chuyện trùng xuống vì lòng thương cảm, tội nghiệp cho cái tôi kia của người nghe. Hoặc là “tôi khiêm nhường” vô hình chung đã tôn vinh cái “tôi siêu đẳng” lên, thế là câu chuyện đã có vực thẳm. Một trời và một vực. Cũng chỉ tại, vì, bị cái “tôi” lũng đoạn câu chuyện.
Riêng tôi thích được nghe câu chuyện tán gẫu bàn tròn là những chuyện trời đất, trăng sao, gió mây nơi phương trời người bạn mình ở. Chuyện như thế là mình đang “du lịch tại chỗ”. Người bạn mà hòa càng nhiều cây cỏ hoa lá và gió mưa vào câu chuyện thì chuyện càng hấp dẫn miên man, càng nhiều màu sắc thiên nhiên càng nhiều niềm vui nhẹ nhàng, ít gây đối nghịch. Câu chuyện trung tính như vậy thì lấy đâu ra cái tôi trung tâm điểm để mà bị chê khen. Đừng tưởng câu khen hay tiếng khen là “khen” đâu nhé. Tôi không bao giờ quên đồng tiền có hai mặt. Do vậy, mình càng thoát khỏi thế giới hai mặt là càng ít đối chọi!
Tôi ngôi thứ nhất, người đối thoại với tôi ngôi thứ hai, nói về người thứ ba không có mặt ngôi thứ ba. Ôi trời ơi, đó là một tình huống đáng sợ nhất của cái gọi “câu chuyện tầm phào, tán dóc”. Cho dù là nói tốt về người thứ ba đó, nhưng câu chuyện nó đâu có yên nghỉ nơi đó đâu. Nó có thể chuyền cành từ đầu lưỡi này sang đầu lưỡi khác, rồi tam sao thất bổn, rồi bao nhiêu rắc rồi xảy ra mà không ngờ trước được. Thôi thì câu chuyện gì mình cũng nên chỉ trong hai ngôi người nói và người nghe mà thôi. Có nghĩa là nói trực tiếp những gì của hai người chúng ta mà thôi. Thế giới như thế mới yên!
Đấy là bài học thứ hai cho những cuộc trò chuyện.
Đi du lịch đây đó là lúc mài dũa thói quen cố hữu, tập thói quen mới sao cho thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, lập kỹ năng mưu sinh thoát hiểm. Đúng là thế. Quý vị cứ nghĩ xem, thường ngày ở nhà mình không thích ăn cá do vì nó tanh, do vì nó có nhiều xương, do vì… do vì “Tui không thích ăn cá!” Thì khi đến những nơi khác không phải bếp nhà mình thì tập ăn cá đi nhé. Vì sao? Vì đến nhà người ta, chủ nhà tiếp đãi khách là vất vả lắm: chuẩn bị thức ăn, bầy biện, dọn dẹp. Nhà có khách, mà khách ở chơi nhà vài ngày nữa thì chủ nhà bận rộn nhiều. Thế thì cái khó của ta nên làm cho nó mềm và xẹp xuống để giúp chủ nhà chút ít là mình đang cám ơn họ đó.
Bên cạnh chuyện ăn uống, còn khối chuyện mà kể ra để cùng nhau cười. Đây là kinh nghiệm tôi vừa học một cách hoan hỉ. Sắp xếp valise cho một chuyến đi, tôi tính áo quần, đồ “tế nhuyễn”, áo khoác… số bộ đồ tính theo số ngày đi cộng thêm một hai bộ nữa cho sự cố bất ngờ. Tôi không quên một túi thuốc uống hằng ngày, một túi son phấn bút chì kẻ mắt, một túi bàn chải kem đánh răng… tất cả đều đàng hoàng nằm trong ba lô. Nhớ hết mọi thứ chỉ trừ mang khăn lông tắm. Thật ra là không phải là quên mà là không mang theo. Vì cứ nghĩ rằng mình đến nhà ai hay ở khách sạn đều có khăn lông tắm đầy tủ. Ở xứ Mỹ này cái gì cũng dư thừa, nhà nào cũng một chồng khăn tắm chất đầy tủ. Thế nhưng… nhà cô em không có chương trình khăn tắm cho khách vì quan niệm đó là đồ dùng cá nhân. Tôi thật là hết hồn vì mình quá sơ sót không nghĩ ra. Nhưng cũng hay là cô em có sẵn chồng khăn tắm mới toanh để cho khách quên không mang khăn của mình. Tôi dùng ngay một cái cho mình. Và sau đó được chủ nhà tặng mang về nhà. Nhưng “Chị phải trả cho em 10 cents, do vì không ai tặng khăn cả, chị ạ!” Thế là tôi hoan hỉ trao 50 cents tiền cho sự không tặng khăn vì sợ điềm chia phôi.
Lại một bài học nữa trong “sàng khôn” khi đi một đàng.
Tôi đã ngoài “đáo tuế” mà vẫn có bài để học. Các cụ xưa còn nói “Chỉ khi nào ván thiên đóng thì lúc đó mới tổng kết các bài học trong cuộc đời!”
Đúng thế.
California, ngày 30 tháng 6, 2021
Doãn Cẩm Liên
No comments:
Post a Comment