Jun 12, 2021

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG - Dương Ngọc Hưng

CHUYỆN ĐỜI … THƯỜNG
Dương Ngọc Hưng

Trong cuộc sống có nhiều chuyện dường như mâu thuẫn với nhau từ gốc thế mà vẫn xảy ra, rồi trở thành chuyện Đời Thường.

Tụi tui làm bạn với một cặp vợ chồng, vợ là bạn của K. Sau một lần sang thăm anh chị bên Hòa Lan, tui hết sức ngưỡng mộ cuộc sống và lối sống của anh chị này.

Trước hết, tui phải kể về cuộc sống của tụi tui. 

Tui là một tên Nam cờ quốc thứ thiệt, xuất thân từ tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Vì chiến cuộc nên gia đình tụi tui phải chạy xuống Sài Gòn lánh nạn từ năm 1952, ở tại cư xá Nguyễn Tri Phương. Vì cư xá này thời đó là một chỗ dành cho dân tứ chiến đến cư ngụ nên cái gì cũng chung, nhà vệ sinh chung, phông tên chung, đống rác chung…

Vì ngày xưa đây là nghĩa địa của dân Quảng Đông, một vài nơi vẫn còn mồ mả quá kiên cố, chưa phá được. Trẻ con tụi tui vẫn thường lấy đó làm chỗ chơi đùa.

Trước cư xá là sân vận động Renault, sau đổi tên thành sân Thống Nhất. Tụi tui sau giờ học là nhào vô sân đá banh. Từ nhóm tụi tui chỉ có một số học lên cao, còn lại đều là cầu thủ dá banh. Có một vài cầu thủ tên tuổi xuất hiện trong các đội banh nổi tiếng tại Sài Gòn thời đó.

Nói gần xa như vậy để bạn biết thứ ngôn ngữ của tui thường dùng.

Sau cùng tui lại chọn nghề dạy học, rồi đến tuổi thì đi lính.

Đến đây lại là một bước ngoặt lớn trong đời tui. Tui là lính tác chiến nên từ ngữ tui hay xài thì không hay được người ngoài đời xài. Tuy nhiên, từ miệng người lính thì không bị cho là quá đáng, chứ từ miệng người thường thì nên xem lại… Ha ha!

Rồi thời gian cũng qua đi và tôi được đi Mỹ theo diện HO vì sơ sơ cũng trên 5 năm cải tạo.

Thời gian và nếp sống khác nhau nên con người cũng thay đổi theo. Vợ chồng tui ly dị, thôi thì chịu vậy. Tui lui cui nuôi ba thằng con trai. Chúng đòi theo tui, không chịu theo mẹ. Đây là chuyện lạ trong gia đình người Nam.

Tưởng là trôi theo giòng đời, nhưng tui lại gặp K. Một cô nàng Bắc kỳ (cục) thứ thiệt luôn. Kể lể dài dòng như vậy để thấy sự khác biệt giữa tui và K.

K là giáo sư đại học, là con nhà kín cổng cao tường, là dân Marie Curie, mẹ ui. Ở ngoài đường mà tui đi “dê” cái bà này thì ăn cái cốc vô đầu là cái chắc. Không chừng còn bị cái phủi tay “Đi chỗ khác chơi đi, cha!”

Ấy vậy mà tôi lại làm được cái chuyện khác thường này đó, các bạn ạ.

Số là tui có một người bạn hồi còn học Hồ Ngọc Cẩn với nhau. Nó được sang Mỹ như tui, chỉ có vợ con nó là còn kẹt bên Việt Nam, sẽ qua sau. Vợ nó, chị Kha, lại là bạn của K. Lúc chị mới đi Mỹ, K viết email cho chị, địa chỉ làm sao mà thư lại chạy sang địa chỉ email của tui. Tên người gửi lạ, nhưng tên người nhận quen: đó là chị Kha. Đích thực là thư nhầm địa chỉ rồi. Thời ban đầu của email đó, những trục trặc về computer ai cũng có. Gặp tui yếu kém kỹ thuật nên thông cảm. Tui vội viết vài chữ cho người gửi, nội dung đại khái “Chị gửi nhầm địa chỉ rồi, nhưng tui đã forward thư của chị cho chị Kha.”

Khi nhận được thư cám ơn của K, tui thấy tình huống thật ngộ nghĩnh nên viết thư làm quen. Thế là quen nhau từ đó.

Sau đó K lại đi conference ở Thái Lan. Tui vẫn theo đà tiến thêm một bước nữa. Kế tiếp nàng lại đi conference ở Hà Nội, đúng thời gian ở Mỹ tui bị tai nạn xe. Nặng lắm, gẫy xương ức và sáu cái xương sườn. Ở Hà Nội thì , lạ lùng thay, K bị trượt té và kể :

“Muốn viết thư cho anh, em phải lết một quãng đường mới tìm được tiệm computer.”

Nghe K kể, tui vô cùng cảm động và thương nhớ.

Rồi, qua sự chỉ vẽ tận tình của Cẩn, một thằng bạn cùng lớp ở Hồ Ngọc Cẩn, tui quyết định về Sài Gòn để gặp K. Buổi gặp gỡ đầu tiên diễn ra tại nhà Cẩn. K đi bằng xe Honda tới. Lúc rời nhà Cẩn để về nhà mình, K chỉ xe, hỏi “Anh lái được không?” Máu đàn ông liều lĩnh nổi lên, tui mạnh dạn nói “Được”, vì nghĩ ngày xưa mình chuyên chạy xe Vespa Super. 

Tui lái xe từ nhà Cẩn ở quận Tân Phú về nhà K ở đường Thành Thái, quận 5. Có nhiều chỗ đông xe nhưng tui cũng xoay sở đi hết đoạn đường. Về đến nhà, K nói giọng cô giáo Anh văn: “You pass the test.”

Thế là từ đó mỗi năm tui đi về Sài Gòn vài ba lượt. Và càng thấy rõ sự khác biệt của chúng tui.

Tui là tên ăn nói thẳng thừng, nay phải thay đổi nhiều thứ. Phải tránh né tiếng …. đầu câu khi nói chuyện với người khác. Phải ăn mặc đàng hoàng (áo sơ mi bỏ vô thùng), không xuề xòa như trước. Nhất là không được ăn to nói lớn khi không đúng lúc. 

Có lần tụi tui đi chơi về gặp trời mưa thì đội mưa đi tiếp. Tui tiếp tục nói chuyện nhưng phải cao giọng, gẳn giọng để át tiếng mưa. Không nhớ lúc ấy nói chuyện gì, chỉ biết khi về đến nhà, xuống xe nhìn ra sau thì thấy trên mặt nàng ngoài nước mưa còn có nước mắt. Tui thật lúng túng không biết mình đã làm gì K. Hỏi hoài, cuối cùng K chỉ trả lời: “Sao anh quát em?” Chết mẹ rồi! Tui đã vụng về trong cách nói, lại còn lớn tiếng. Từ đó tôi luôn tìm cách làm dịu giọng mình xuống. Và nói nhỏ giọng hơn. Hi hi.

K là người ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Tui có một thằng bạn cùng bơi chung ở LA Fitness. Có lần nó méc với tui “Tui chào bà xã anh, bả chỉ gật đầu rồi đi luôn, không nói gì hết, làm tui sợ bả giận tui.” Lần bơi  sau tui phải dẫn nó đến trước mặt K, rồi nói nó: 

“Bả đó. Mày muốn nói gì thì nói đi.”

Nó bèn hỏi chuyện, K bèn trả lời vui vẻ. Từ đó gặp nhau trong hồ bơi, nó không còn ấm ức vì không được tiếp chuyện.

K là thế đó, luôn là một ẩn số đối với tui.” Hi hi!

Còn nữa, để tui kể lại một vài sự việc có liên quan đến chuyện tụi tui. Người K thì nhỏ nhắn, mảnh khảnh nên cái gì cũng rất mong manh. Hồi K mới qua Mỹ tui được dự một bữa cơm nhà người cô của K. Món cà ri gà trong thật hấp dẫn. K nhanh nhẩu múc cho tui một chén có một miếng thịt và một lát khoai tây. Rồi thôi! Trong bữa cơm, cả nhà nói chuyện vui vẻ ầm ĩ, còn tui thì ngậm ngùi nhìn cái chén nhỏ xíu mà chạnh lòng. K cũng mải ngóng chuyện nên cứ tưởng thế là xong. Báo hại tui đêm đó nằm ngủ bụng đói meo mà chẳng dám rên rỉ ỉ ôi một tiếng nào. Chả bù ở Sài Gòn, cứ ra ngõ là có đủ thứ, hủ tiếu, bún riêu, bánh cuốn ì xèo… Còn ở xứ Garden Grove này thì làm gì có. Còn lâu à! Sau này tui có dịp kể cho cô nghe, cô nhìn tui lạ lùng: “Té ra lúc ấy nhà ngươi làm khách à?” Dỉ nhiên, giờ mà gặp cảnh đó thì tui chỉ việc tự cầm chén đi lấy thức ăn. Tui đã có biệt danh là “Gã Khổng Lồ” mà, ăn ít coi sao được!

Cái khác biệt càng lớn hơn nữa từ lúc K ăn chay trường sau khi Cụ Bà mất nên việc ăn uống trở nên rất ư là giản dị (lại ăn uống!) Không còn những lúc như ngày xưa, khi K còn ăn mặn, tui thường xuyên bị “ăn giùm” những món “độc hại” như giò heo, thịt mỡ mà tui rất ưa thích. Nhưng nghĩ lại, nếu không có K thì chắc chắn tui đã “đứt gánh” sớm vì ăn bậy bạ.

Nói như thế để các bạn thấy chuyện kết hợp giữa tui và K rất không đời thường. Vậy mà vẫn êm xuôi cho đến bây giờ, được 18 năm rồi.

Nhân một dịp đi chơi Hòa Lan, tui được dịp gặp hai vợ chồng Trúc Chương. Chị Trúc là bạn của K, là dân Nam kỳ y như tui. Còn anh Chương thì là dân Bắc kỳ y như K. Anh có vẻ bề ngoài hào hoa và rất nghiêm trang. Hai vợ chồng đều ít nói nhưng hay cười, nụ cười ấm áp và dễ thương. Khi nói thì họ nói lời nhã nhặn và rất hiếu khách. Vô gia đình này, tui cảm nhận được tình cảm của người Việt tha hương vô cùng chân thành và thắm thiết.

Sau một tuần ở nhà anh chị, tui hết sức cảm phục từ cách xử sự đến cách sắp xếp cuộc sống của anh chị Chương Trúc. Theo tui nhận xét thì cung cách tuyệt vời này chỉ là chuyện rất đời thường của anh chị.

Lúc ấy anh Chương đã về hưu nhưng chị Trúc giữ chức vụ nhân viên HR (phòng Nhân Sự) tại một trường đại học của chính phủ. Một trong những công việc của chị là phỏng vấn những du học sinh từ nước ngoài đến để xét duyệt xem họ có được nhận học bổng không. Công việc không dễ dàng và đòi hỏi chị phải nói ba thứ tiếng: Hòa Lan, Anh và Pháp.

Trong khi đó thì anh Chương ở nhà dọn dẹp, đi chợ và sửa soạn bữa ăn tối. Tui nhận xét cách hai anh chị nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng, không bao giờ to tiếng. Đôi khi họ chỉ dùng cử chỉ, vậy mà mọi chuyện đều êm ả, xuôi chèo mát mái.

Chị Trúc là dân Cái Bè, Mỹ Tho. Cái Bè nồi tiếng vì có cam ngọt, quanh năm có gạo trắng nước trong, có giòng sông Tiền Giang hiền hòa. Nhưng lớn lên ở Sài Gòn, chị rất Tây vì là dân Marie Curie với K từ hồi tiểu học. Nghe kể ba chị ngày xưa hơi nghi ngại dân Bắc Kỳ, dè đâu con gái lại chơi thân với bạn Bắc kỳ từ thuở nhỏ. 

Cũng là dân trường Pháp nhưng lối sống của họ có phần khác. Những khi được mời, chị Trúc sẵn sàng tham dự những bal de famille của bạn bè và cũng có khi tổ chức tại nhà. Ngược lại, K không quen thuộc với loại giải trí này, không biết nhảy đầm, và không bao giờ tham dự các tiệc có khiêu vũ dù được mời. Thực vậy, lối sống của gia đình K còn giữ nếp cũ, truyền thống con nhà thơ văn – K vốn là cháu ngoại cụ Tú Mỡ và con gái nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Hai nếp nhà thật khác, một bên hiện đại, cởi mở, một bên khép kín kiểu “con nhà”. Một bên rồ máy xe Yamaha đến trường, một bên đạp xe cọc cạch. Ấy vậy mà sau đó, cô Nam Kỳ và cô Bắc Kỳ vẫn gắn bó với nhau suốt bảy năm trung học. Thách thức bao thăng trầm của đất nước, hai người càng thắm thiết với nhau hơn.

Ngày đến Hòa Lan, tụi tui được anh chị Chương Trúc tiếp đãi vô cùng nồng nhiệt, đã cho thưởng thức một vài món Hòa Lan cũng như miền Nam quê hương Việt. Anh chị cũng đưa chúng tôi di thủ đô Amsterdam để dự cảnh trình diễn fromage rất hấp dẫn, đi một vòng trên sông nước bằng thuyền và được đến “Phố Đèn Đỏ” nổi tiếng của Hòa Lan. Cũng được đến một ngôi làng nhỏ bên sông, nơi mỗi căn nhà là một kiến trúc độc đáo của người bản xứ, trang trí bằng cây cỏ hoa lá thiên nhiên và được bắc qua kênh đào bằng những nhịp cầu xinh xắn. Nhìn kênh đào chằng chịt tụi tui mới hiểu tại sao tất cả con nít Hòa Lan vào năm 11 tuổi, trước khi lấy bằng trung học,  đều phải lấy bằng bơi 50 mét với đầy đủ quần áo giầy dép và túi đeo lưng. 

Ngày đi thăm một cối xay lúa truyền thống của Hòa Lan, tụi tui thích thú ngắm cánh quạt khổng lồ từ xa và được biết vai trò truyền thống của nó là tát nước, giành đất với biển. Vào bên trong, tụi tui được xem những cảnh dựng sinh hoạt hằng ngày của người sinh sống trong cối xay ngày xưa. Nhìn kích thước chiếc giường ngắn và hẹp, tụi tui tự hỏi chẳng lẽ họ ngủ ngồi?

Vào một ngày đi chơi biển, tụi tui được thưởng thức món cá sống herring, đứng ăn tại tiệm. 

Anh chị Chương Trúc còn là người hoạt động xã hội rất năng nổ. đã góp công sức xây dựng ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại đó. Anh Chương còn là chủ nhiệm tạp chí phát hành hàng tháng của Hòa Lan với sự góp bài viết nhiệt tình của chị Trúc. 

Còn anh Chương  thì xuất thân từ trường Hải Quân Mỹ OCS (Officer Candidate School), đã từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường miền Tây: Miệt Thứ, U Minh, Sông Ông Đốc, Gành Hào … Anh đã từng chở các lực lương biệt hải xuất kích rất can trường. Về nề nếp gia đình thì anh thuộc loại “con nhà” kiểu khác, kiểu khá giả. Ba mẹ anh có tiệm giầy ở đường Lê Thánh Tôn. Khi gặp chị miền Nam thì anh lại một bè thắm thiết vô song. 

Ngắm cách sống của hai người, tôi cảm nhận một cái gì rất hạnh phúc, êm ả. Sự kết hợp Nam Bắc thật hài hòa và ấm cúng này sao mà tương ứng với sự kết hợp giữa Hưng tôi và K. Có những điều thoạt tưởng là bất thường, nhưng thực ra với tình người đằm thắm cái bất thường cũng trở thành đời thường.


No comments: