Jun 11, 2021

BÉ TÍ TI CỦA MẸ - Doãn Cẩm Liên, Nguyễn Đình Liên Chi



Nhân dịp sinh nhật San, Ti có quà của mẹ Liên - "Bé Tí Ti của Mẹ" 

BÉ TÍ TI CỦA MẸ 

Ngày 28 tháng 11 năm 1982, bé Tí Ti ra đời. Nó làm không chỉ riêng bố mẹ mà còn làm toàn thể gia đình vui sướng vì có được một đứa bé để ẵm bồng và cưng chìu. Kể từ ngày dì Út ra đời 1965 cho đến 1982 có phải là mười bảy năm trời nhà thiếu tiếng khóc trẻ con không? Do thế bé Ti trở thành cái đinh của vũ trụ. 

Bé Ti cũng là nguồn hứng cho bố làm nhạc, vẽ tranh gắn khắp phòng chào đón con gái. Bài hát “Chúc Mẹ Tròn Con Vuông”, “Bé Tí Ti”, “Này Em Tên Chi” được cả nhà hát vang hôm đầy tháng. Phải nói là cả đại gia đình bạn bè cùng đến chúc mừng con. 

Con sinh ra không là Chúa Hài Đồng
Con cũng không là Phật Đản sinh. 
Con sinh ra không nằm trong hang đá
Con không đi bảy bước nở hoa. 
Bởi vì con do cha mẹ tạo ra!

Bố sáng tác và trình làng bài hát này mà khiến mẹ rưng rưng sung sướng khi ôm con trong vòng tay. Đến khi con lớn thêm một tí nữa, bố lại làm mấy bài hát cho năm chữ cái A, E, I, O, U và nhiều bài khác nữa. Đó, con thấy không, con là nguồn cảm hứng cho bố mẹ biết bao.

Vì là trung tâm điểm của cả nhà thì hành xử của bé Ti cũng phải khác mọi người chứ. Ngày đầu ra đời bé đã làm mẹ hoảng hồn vì chứng trớ sữa. Bú lần nào, ít hay nhiều con đều thồi lại một tí! Ban ngày hay ban đêm cũng như trên. Càng lớn, bú càng nhiều, trớ càng bạo. Có những đêm mẹ vừa cho con bú xong, đang bế dựng để vỗ lưng ợ hơi, thì con ợ hơi và vọt một vòi sữa thật bự. Không, phải nói là ba vòi mới đúng, vì tính hai lỗ mũi và miệng. Con ói sữa đầy áo quần con và mẹ, vào giường và xuống sàn nhà. Thế là đêm hôm đó mẹ thiếu một tiếng đồng hồ để ngủ vì phải thay đồ cho con, dọn dẹp chỗ ói trên giường xuống đến sàn nhà, bên cạnh là tiếng ngáy nhè nhẹ của bố!

Nói thế để thấy nỗi hốt hoảng và lo sợ của mẹ như thế nào. Ngày cũng đêm phải canh chừng cho con không bị sữa chạy lộn vào đường thở. Do vậy, con được đặt nằm xấp khi ngủ. Để khi thức giấc có trớ sữa thì chỉ trào ra ngoài bằng đường thực quản. Biểu đồ sợ hay stress của mẹ ngày càng lớn dần cho đến khi con ba tuổi mới đến đỉnh và tạm đi xuống. Thời gian con ăn cháo xay lâu hơn tất cả những đứa trẻ khác vì chứng ngậm trong mồm không chịu nhai chịu nuốt. Một kỷ niệm vừa tức, vừa cười, vừa ghê cũng nên kể ra đây để nhớ nha Ti. Chiều hôm đó đút con ăn xong muỗng cuối cùng của bát cháo, con lợm giọng và trả lại mẹ toàn bộ cháo vừa ăn xong. Mẹ hứng trọn vào cái bát vừa vét sạch. Ngẫm nghĩ không còn gì trong bếp để con no bụng trước khi đi ngủ. Mẹ bấm bụng đút con ăn lại bát cháo vừa hứng. Ối chà… ăn nhanh và bát cháo nằm im trong bụng con ngày hôm đó. May thật và cũng thật là kinh khủng khi nhớ lại. Kết quả của sự khó ăn đã làm con thành bé Ti thật là tí ti so với các bạn cùng tuổi. 

Tuy thế bé Ti của mẹ vẫn lớn theo cách của mình, vẫn thông minh và lanh lợi như các trẻ khác. Các bước học nghề trườn, bò, ngồi, đứng, đi con vẫn giữ đúng nhịp ngày tháng như các bạn. Chỉ có điều con nhỏ con, ốm cà tong cà teo. Do vì thể lực kém nên dễ bị sổ mũi, ho, nóng sốt. Bác sĩ và con thành hai người bạn thân thiết cứ một hai tháng hai bác cháu lại phải gặp nhau ít nhất một lần.

Mới hai tuổi Ti đã giỏi về đọc vần và giỏi toán hình học. Giờ học của con thường là giờ ngồi bô. Bố là thầy giáo con là học trò. Bố dạy con nhận diện ra hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật. Con phân tích âm một chữ rất giỏi như là “mờ e me nặng mẹ”, “bờ ô bô sắc bố”, “bờ a ba huyền bà”, “bờ ác bac sắc bác”. Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng cũng đã trấn an mẹ là nó có nhỏ con một chút mà vẫn lanh lẹ, sắc mặt tươi tỉnh thì chẳng có gì ầm ĩ. Trừ khi… trừ khi con ngồi đó mà con ruồi đậu vào mặt mà không buồn đuổi thì lúc đó mới đáng ngại.

Con và em con là hai phong thái trái ngược. Con ít cười với người lạ lắm. Phải nói là nụ cười Bao Tự, nghĩa là ai được ban phát cho là niềm hân hạnh. Ngược lại em con cười toe toét, đập tay chân chào hỏi lại những ai hỏi đến mình. Con ít nói, em thì huyên thuyên. Con xinh xắn nhỏ con, em thì tròn trịa mạnh mẽ. Nói thế chỉ để thấy bố mẹ có hai con gái thì mỗi đứa mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Mà cũng có thể so sánh với Thúy Vân – Thúy Kiều của Nguyễn Du, mà là hai nàng Thúy tân thời, thế kỷ 20. 

Có người hỏi mẹ là có tính kiếm thêm một con trai nữa để nối dòng giống không. Câu trả lời: “Chả cần thiết!” Vì có hai con gái như hai đứa tụi con thì quá đủ. Đến khi hai con có chồng thì hai chàng rể sẽ thành thằng con trai. Lo gì! Dòng giống và chăm nom bàn thờ ông bà thì đã có hai thằng em họ của tụi con lo việc đó. Bố mẹ thảnh thơi nuôi và chơi với hai đứa tụi con. Quá hài lòng. 

Ông ngoại của Ti và Na thường hãnh diện vì mình có “tứ đại đồng đường”. Bốn thế hệ còn hiện diện trên cùng vòm trời là điều hiếm. Mẹ mong điều hiếm hoi này kéo được dài lâu. 

Cho đến hôm nay, bố mẹ đã lên chức ông bà ngoại của bốn cháu. Cám ơn hai con gái đã gắn chức ông bà cho bố mẹ. Nhưng khi ôm các cháu trong tay mẹ vẫn nhớ cảm giác ôm các con lần đầu tiên. Nó thiêng liêng lắm vì đó là sự tiếp nối thế hệ này đến thế hệ kế tiếp. Trong con có bố mẹ, ông bà, ông bà cố. Và ngược lại kiếm ông bà trong các cháu hẳn nhiên là phải có. Cái vấn đề còn lại của chúng ta là luôn nhắc con cháu nhớ cội nguồn, nhớ ông bà. Và dạy dỗ chúng làm sao để đừng hổ thẹn với tổ tiên nhà mình vậy thôi.

Các con nghĩ sao, có dễ thực hiện không? Câu trả lời dành cho tụi con đó. Chẳng cần nói ra bằng lời vì hành động và thái độ sẽ minh chứng rất nhiều. 

Mẹ Liên của bé Ti
California, 5/20/2021











No comments: