Oct 15, 2020

VIỆT KIỀU PHÁP - Doãn Kim Khánh

 





VIỆT KIỀU – Phần 3: Việt Kiều Pháp

Mùa hè năm 2017, tôi cùng “bồ tèo”, anh Hưng, quyết định làm một chuyến Âu du để gặp lại một số người thân hiện đang lưu lạc ở đó, những người mà, khi về Việt Nam, sẽ dược gọi là Việt Kiều. Nhờ xác định mục đích thăm người thân ở châu Âu nên chúng tôi cũng xác định được luôn ba nước sẽ viếng thăm:

- Đức (Stuttgart và Frankfurt) nơi ba người em của anh Hưng ở, 

- Hòa Lan (Hoorn) nơi cư ngụ của Cúc, bạn “già” thời tiểu học và trung học và Thư bạn Đại Học Sư Phạm của tôi.

- Pháp (Paris) nơi cô em họ mà tôi thân thiết như chị em ruột ở.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Từ Hòa Lan chúng tôi đáp một chuyến xe lửa khác đi Paris để gặp cô em họ tên Hương. Ở Việt Nam, gia đình Hương (gia đình của chú thím tôi) ở ngoài mặt đường, ngay dưới chân Cầu Mống ở quận tư Sài Gòn. Nơi đây lẽ ra phải ồn ào lắm, nhưng nhờ cầu Mống lúc ấy bị chặn, xe cộ không được qua lại nên phố xá êm ả và hàng xóm rất thân thiện. Thân thiện đến nỗi chị hàng xóm cạnh nhà nhìn cô em Hương xinh đẹp nảy ý làm mai cho thằng em tên Khải ở nhà mình. Thế rồi chị bên này nói chuyện với mẹ bên kia và, vì không nghe hai đương sự phản đối, nên định luôn “ngày lành tháng tốt”. Ngày đi ký hôn thú Hương và Khải lặng lẽ đạp xe bên nhau, đi về không ai nói với ai một lời. Nhưng về nhà thì Hương cười khúc khích, kể: “Chị có tưởng tượng được không, bên ấy im thì em cũng lì mặt im! Xem ai lì hơn ai.” 

Không bao lâu sau ngày đám cưới, Hương theo gia đình Khải định cư ở Pháp. Nhờ đó mà chúng tôi mới xếp Paris trong danh sách Âu du năm ấy.

Khi chúng tôi qua Pháp thì dân số nhà Hương-Khải đã tăng khiêm nhượng từ hai sang ba. Điều đầu tiên tôi tò mò muốn biết là cái “im” ấy còn hay mất. Tôi chỉ ở một ngày là biết ngay rằng nó đã mất, một tí dấu vết cũng không còn. Khải luôn miệng nhắc đến vợ bằng tên “Madame Lan Hương” không phải để suýt xoa cái tên đẹp mà để chọc ghẹo. Antoine, đứa con một trong gia đình, thì gọi mẹ là “ma măng” không phải để nhõng nhẽo mà để hùa với ba, châm chọc mẹ. Hay nhất là hai mũi dùi chỉa vào “măng” “Lan Hương” không bao giờ làm nụ cười vô tư của người bị chọc kém tươi tắn. Ôi đúng là một con người vui với cái kiếp bị chọc. Ngay từ hồi ở Việt Nam, chúng tôi quen gọi Hương là “Mú”. Không biết ai là người đặt ra cái tên kém mỹ miều này, chỉ biết hễ bị ai trong nhà gọi bằng Mú thì Hương ta khóc ré. Riêng những người bên “bác” (gia đình tôi) thì tha hồ gọi “Mú” mà nhà cửa vẫn êm ả. Thế mới biết trên đời này tự bản chất cái tên không quan trọng bằng cách người ta gọi nó.  

Ba cư dân Paris tuy mải mê chọc ghẹo nhau nhưng không quên nhiệm vụ tiếp khách. Vừa đến nơi, chúng tôi được giao ngay cho master bedroom  (và cũng là phòng ngủ duy nhất trong căn hộ này). Ba bố mẹ và con trai bị xô dạt ra ngủ ngoài sa-lông! Tôi không tìm cách “chống cự” lại thiện chí này vì đã quá quen thuộc với truyền thống hiếu khách siêu việt của gia đình chú thím tôi. Từ thuở còn ở Việt Nam, chúng tôi đã được cưng chiều như vậy, bây giờ có chống cự cũng vô ích thôi!

Bởi vậy chuyện chúng tôi qua Paris, nghiễm nhiên chiếm master bedroom trong nhà Hương và Khải không bất ngờ đối với tôi.  Sáng nào Khải cũng sang tiệm bánh mì đối diện để mua bánh mì Pháp đãi khách. Bơ và paté Pháp thì lúc nào cũng có sẵn trong tủ lạnh. Hương say sưa khẳng định với chúng tôi: “Ở Mỹ cũng có bánh kẹo nhưng không thể ngon bằng ở Pháp. Chừng nào anh chị về, tụi em sẽ mua một ít cho anh chị làm quà.” Vui một điều là, trong chuyến về, các nhân viên hải quan Mỹ xét va-li đầy bánh kẹo của tôi lại nói một câu y như để cãi với Hương: “Ở đây thiếu gì bánh kẹo ngon như thế này!” 

Căn hộ của Hương ở trên lầu nên suốt tuần ở đây, khi không đi chơi, tôi có thói quen ra cửa sổ nhìn xuống đường, ngắm dân tình qua lại. Ngay gần đó là bến cho thuê những xe hơi chạy bằng điện. Mỗi xe được gắn vào một trụ sạc điện. Không có nhân viên nào giao xe, nhận tiền hay nhận xe cả. Khách hàng có thẻ, cứ đến cà thẻ để trả tiền và mở khóa xe. Chiều đến thì tự động trả xe về chỗ cũ, và khóa xe lại. Dịch vụ mới tiện làm sao! 

Cũng từ cửa sổ, một ngày nọ, tôi chứng kiến cảnh ống nước bị hư, nước phun lên thành vòi thật cao. Dân tình tò mò đứng coi đông nghẹt nhưng không ai nghĩ đến chuyện báo cảnh sát hay sở cung cấp nước của thành phố. Có những đứa trẻ nhân dịp này nghịch nước và tắm luôn. Tôi cười thú vị, nghĩ thầm: “Hèn chi các cụ ngày xưa gọi Pháp là mẫu quốc. Cảnh này trông quen quen!”

Chúng tôi đến Paris tưởng như không đúng lúc tí nào vì gặp khi Khải vừa bị tai nạn, xe hơi hoàn toàn bị hư hại và chưa mua được xe mới. Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi được thưởng thức phương tiện di chuyển công cộng tại Paris. Có những lúc Khải bận việc sở, anh Hưng quá mỏi chân vì ngày đi chơi trước, thế là hai chị em tôi du hí với nhau. Vẫn được như thường. Cứ ba phút lại có một chuyến xe điện chạy dưới đường hầm. Chúng tôi thủng thẳng đi xuống đi lên nhiều lần, chẳng mấy chốc cũng thăm hết mọi nơi, nào là nhà thờ Đức Bà, viện bảo tàng Louvre,  nào là Khải Hoàn Môn,  tháp Eiffel và đồi Montmartre. Tôi luôn miệng khen tour guide Hương (Mú) giỏi, nhưng hướng dẫn viên này rất thực tình “tự thú” rằng đây là lần đầu tiên “hành nghề”.

Cũng tại Paris, tôi được gặp lại ba người bạn cùng học ở Đại Học Sư Phạm tên Thanh, Lý và Thư. Ba bạn ở ba nước khác nhau: Thanh ở Pháp, Lý ở Bỉ và Thư ở Hòa Lan. Thanh gốc người Nam rặc, lấy chồng vào những năm khốn khó sau 1975. Chồng Thanh (Nghị) tuy không học Đại Học Sư Phạm nhưng vẫn thoải mái với những cô giáo tương lai (bạn vợ). Ấy là nhờ chúng tôi thỉnh thoảng có chung sinh hoạt từ thiện vào cuối tuần, hoặc thăm Trại Cô Nhi, hoặc thăm Viện Dưỡng Lão. Cặp Thanh – Nghị đến với nhau một cách khá lạ lùng, nếu không hợp lý thì chắc hợp tình và chắc chắn hợp theo duyên số. Nghị có máu lai Pháp nên diện mạo trắng trẻo, bảnh bao theo kiểu công tử và nếp sống gia đình thì phong lưu; ngay cả sau khi Việt Nam đã nằm dưới ách Cộng Sản cũng vẫn còn phong lưu. Ngược lại thì Thanh có khuôn mặt và dáng vóc khắc khổ của một người không sinh ra trong nhung lụa, lại ở một căn hộ khiêm nhượng gần chợ An Đông trong khu vực của những người Tàu Chợ Lớn. Tuy nhiên, môi trường ấy không quan trọng. Thanh là dân trường Tây, có tâm thức phóng khoáng kiểu “Tây” và là một trong những sinh viên xuất sắc của lớp Đại Học Sư Phạm của chúng tôi. Có lần trong một buổi học môn Kịch Nghệ Mỹ (American Drama), Thanh tình nguyện diễn vai một cô gái làng chơi và làm những đứa “cù lần” như tôi sửng sốt vì phong cách rút điếu thuốc lá, châm lửa, nhả khói …  Ôi sao một người có thể vừa trí tuệ vừa phong trần như thế. Tôi nghĩ có lẽ “công tử” Nghị ban đầu cũng sửng sốt như tôi, sau đó mới mê mẩn. Thanh và Nghị rời Việt Nam rất sớm nhờ diện con lai của gia đình Nghị. Khi tôi gặp lại bạn, Nghị đã qua đời và Thanh đã kịp có “sáu con cùng chàng”. Thương bạn góa bụa sớm, nhưng tôi mừng là bạn vẫn giữ được óc hài hước rất thông minh. Có lần Thanh viết thư kể chuyện gặp lại bạn cũ nhân dịp lễ trải tro má của mình, sau đó lại viết thêm với lời dặn ân cần: “Các bạn định thăm tui thì thăm bây giờ đi, đừng đợi đến lễ trải tro tui nha. Sẽ không gặp được tui đâu, vì lúc đó tui … bận rồi!”

Bạn Lý của tôi gốc miền Trung, có lẽ phía gần Quảng Trị nên mỗi khi nói chuyện với ba mẹ của Lý tôi phải vận dụng kỹ năng đoán. Còn Lý thì tôi không thấy gốc gác này trong giọng nói mà thấy nó trong bản tính hiếu học và tác phong rất nề nếp của bạn. Ngoài ra, Lý còn được trời phú một giọng hát hay khiến sân khấu văn nghệ trường thỉnh thoảng có mặt Lý. Thuở ấy, có lần Lý ghé nhà tôi chơi cùng với một người bạn trai. Anh cao, gầy và đeo một cặp kiếng dầy cui (giống Lý). Hôm ấy anh say sưa tủ sách nhà tôi, lục lọi và mân mê từng quyển sách. Sau đó anh đi du học ở Bỉ, và vì biến cố 1975 mà ở lại đó luôn. Ở Việt Nam Lý có một bạn học đeo duổi và nhiều bạn yêu thầm nhớ trộm vì Lý vừa đẹp người, vừa tốt nết. Nhưng rõ ràng Lý không chọn mối tình gần nào. 

Sau ngày ra trường, Lý được bổ nhiệm đi Thốt Nốt rồi sau đó bỏ nhiệm sở; còn tôi thì bị xét lý lịch không được bổ nhiệm. Hai đứa lang bang với nhau ở Sài Gòn. Lúc ấy anh kính cận mê sách đã bảo lãnh Lý diện hôn thê nên Lý bắt đầu chuẩn bị cuộc sống mới bằng cách học trước tiếng Đức, vốn là một trong ba tiếng được sử dụng ở Bỉ. Tôi thì vì mê ngôn ngữ nên học theo bạn. Chúng tôi có một cuốn sách dạy tiếng Đức rất hay, với những lời giải thích bằng tiếng Anh và những bức tranh minh họa sinh động và dí dỏm. Cứ một tuần hai lần, tôi đạp xe qua nhà Lý hai đứa cùng học với nhau. Tiếng Đức khó trời thần, hai đứa lần mò, cặm cụi miết cũng học được hết quyển. Nói trôi chảy thì chắc không nhưng ít nhất cũng làm quen được với mấy cách của động từ và tĩnh từ trong tiếng Đức và mấy cái “đuôi” hắc ám của tụi nó. Trong suốt hai năm trời, tôi chứng kiến sự nóng ruột và lo lắng của Lý. Nóng ruột vì thủ tục bảo lãnh những năm ấy chậm như rùa và vì khâu hành chánh nào ở Việt Nam cũng chờ được đút lót. Lo lắng vì Lý biết mắt cận của chàng rất nặng và tưởng tượng đến nguy cơ chàng bị mù. Nhưng nguy nhất là vì chàng đang bị một bóng hồng khác ở bên ấy tấn công ráo riết. Lý không tin vào sự kiên nhẫn chờ đợi của đàn ông nên khi nghe nói rằng chàng đã gắn bó lắm với cô kia thì Lý thực sự hoảng hốt. Sự xuất hiện của một đối thủ làm Lý thường xuyên soi gương tìm nếp nhăn trên mặt. Rồi thì tâm bệnh chuyển thành thân bệnh: Lý lúc nào cũng thấy người toát mồ hôi lạnh và sức khỏe càng ngày càng suy yếu. 

Nhưng cuối cùng rồi giấy tờ cũng chạy. Ngày ra phi trường trời Sài Gòn nóng muốn chết mà Lý vẫn xùm xụp áo trong áo ngoài. Trong số các bạn học đi tiễn Lý, có Tri, một kẻ có “cảm tình đặc biệt” với Lý, lúc ấy làm chức vụ quan trọng ở Tân Sơn Nhất. Nhờ đó mà, sau khi chúng tôi chia tay với Lý ở ngoài phòng chờ, thì Tri đưa Lý đến tận chân máy báy,  Sau đó, mấy đứa bạn không có mặt cứ xầm xì hỏi đùa nhau không biết “thằng” Tri có phải “ẵm” Lý lên máy bay không. 

Sau khi đến Bỉ, tôi được biết là Lý còn phải “lâm trận” cam go với bóng hồng bất nhã bên ấy để đòi lại người yêu.  Kết quả là Lý thắng, nhờ được sự yểm trợ của mẹ anh ấy và nhờ tính đằm thắm nết na của mình. Bốn mươi năm sau, tôi gặp lại Lý bèn hỏi liền:

“Cặp mắt ông xã Lý dạo này ra sao?”

“Bây giờ ổng vẫn phải đeo kính ba độ.”

Tốt không ngờ! Hồi đó cứ sợ có lúc ổng sẽ không thấy đường luôn.

“Còn cái bệnh toát mồ hôi lạnh của Lý thì sao?”

“Tự nhiên hết hẳn rồi!”

Thế mới biết tâm bệnh hết thì thân bệnh không còn!

Bạn Thư của tôi thì là một típ người miền Tây điển hình. Khuôn mặt mộc mạc, dáng vóc không kiểu cách, giọng Nam rặc chân chất. Thư ở gần nhà tôi, cách khoảng 15 phút đi bộ. Thư cùng học Đại Học Sư Phạm với tôi, hai đứa hạp nhau cái nết học hành chăm chỉ nên hay học thi chung. Đôi khi có ba bạn khác cùng học. Lâu lâu ba đứa kia nổi hứng thích nói chuyện hơn thì tôi và Thư cùng tỏ sự khó chịu ra mặt. 

Thương nhất là có chuyện gì trong nhà, Thư cũng đến tìm tôi. Một buổi sáng sớm bét, có tiếng bấm chuông ngoài cửa. Tôi chạy ra thì thấy Thư đứng lặng thinh một hồi mới nói: “Má Thư chết rồi. Người ta mới chở má về.”  Một bữa khác, lại có tiếng chuông vào một giờ khuya bất thường. Tôi chạy ra, vẫn là Thư đứng chết lặng. Tôi hỏi chuyện gì thì Thư nói: “Ba say rượu, đứng trên lan can chúi người sao đó mà té từ lầu ba xuống!” Toàn là chuyện tày trời. Tôi là đứa tay chân vụng về, thiếu kinh nghiệm sống lại nhút nhát không tháo vát. Tôi không biết vấn kế cho Thư chuyện ma chay má, chuyện đưa ba vào nhà thương. Vậy mà tôi vẫn là người Thư đến chia sẻ đầu tiên. Làm sao tôi không cảm động cho được.

Chuyện Thư lấy chồng cũng độc đáo không kém. Tôi chưa từng nghe Thư tâm sự là mình có “bồ”. Vậy mà một ngày nọ, Thư tuyên bố là mình sắp đi Đức Hòa Lan theo diện vợ chồng. Nguyên bầy bạn gái xúm nhau phỏng vấn. Thuở ấy Việt Nam còn đóng cửa như một nhà tù, lấy chồng Việt kiều để thoát nhà tù lớn là niềm mơ ước của nhiều nữ nhi trong nước. Thì ra người bảo lãnh Thư là một thầy giáo Thư gặp sau khi ra trường, được bổ nhiệm về dạy ở quê Vĩnh Long. Hai người cùng dạy một trường không lâu lắm, sau đó chàng vượt biên, còn nàng thì được thuyên chuyển về lại Sài Gòn. Có dịp nói lại chuyện cũ, tôi hỏi Thư:

“Hồi đó hai người đã gắn bó nhiều chưa?”

“Thì ổng cũng có vẻ có cảm tình với Thư vậy thôi. Thư cũng không ngờ ổng hỏi cưới.”

Nhưng ngờ hay không ngờ thì người dân quê miền Nam, dù đã lên Sài Gòn ở, vẫn theo nghi lễ truyền thống rất nghiêm ngặt. Bên gia đình anh Sinh (tên chàng) qua làm lễ hỏi, sau đó là lễ cưới. Lễ nào cũng chỉ có cô dâu và không có chú rể. Lý do là anh Sinh thề không đội trời chung với Việt Cộng và sẽ không bao giờ về lại Việt Nam khi đất nước vẫn còn dưới ách Cộng Sản. Thư mời các bạn đến những ngày lễ trọng đại của đời người con gái. Tất cả chứng kiến cảnh Thư lễ lạy bạn thờ gia tiên, rồi đi chào quan khách trong những bữa tiệc hỏi và cưới. Tất cả đều một mình. Một người bạn trong lớp nói: “Thấy Thư lạy một mình tội nghiệp quá. Chỉ có Thư mới chịu lễ nghi đơn độc như vậy!” 

Nhưng Thư không hề tội nghiệp mình. Thư rất hồn nhiên làm cô dâu một mình, hồn nhiên lên máy bay một mình về nhà chồng ở Hòa Lan. Về sau, khi thư từ với các bạn đều đặn hơn, tôi ngạc nhiên là Thư, bạn Đại Học Sư Phạm của tôi, đã trở thành bạn của Cúc (bạn Marie Curie của tôi). Hai bạn này ở Việt Nam không hề quen nhau, nhưng ở Hòa Lan thì đều có chồng hoạt động tích cực cho cộng đồng Việt Nam. Ngày tôi và anh Hưng đến chơi với Cúc, Thư nhất định mời vợ chồng Cúc cùng tôi và anh Hưng đến nhà Thư chơi. Thư nói:

“Biết là sẽ gặp nhau ở Pháp, nhưng Khánh đã đến đây thì phải biết nhà Thư chứ!” Lý do đơn giản nhưng chắc nịch. Anh Tường (chồng của Cúc ???) lái xe cả tiếng đồng hồ mới tới nhà Thư. Nhờ vậy tôi mới được gặp anh Sinh để thấy đây là một nửa thuần chất miền Tây Nam bộ, rất khớp với Thư. Và được gặp đứa con trai và con gái rất nề nếp của Thư. Hai đứa sinh ra ở Hòa Lan nhưng nói tiếng Việt trôi chảy vì mẹ Thư của tụi nó dạy tiếng Việt cũng nghiêm khắc như ngày xưa dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Hai đứa không những phục vụ khách của bố mẹ chu đáo mà còn biết tiếp chuyện “các dì” bằng tiếng Việt và không hề thiếu đề tài. Tôi thật lòng nể phục cách hai vợ chồng miền Tây Nam Bộ giáo dục con ở xứ người. 

Ba bạn ĐHSP Đại Học Sư Phạm của tôi ở ba nước châu Âu, ít khi có dịp gặp gỡ và cũng ít liên lạc qua điện thoại hoặc email. Vậy mà nghe tin tôi qua Pháp chơi, Lý và Thư hẹn nhau để từ Bỉ và Hòa Lan đi cùng một chuyến tàu đến Paris , rồi được Thanh từ Bourges đón ở sân ga và đưa về nhà, bù khú với nhau một đêm. Sau đó cả ba qua nhà Hương đón tôi. Bốn đứa chúng tôi (tứ cô nương) lang thang với nhau cả ngày trên các nẻo đường Paris. Có một số chỗ tôi đã đi với Hương và Khải mấy ngày trước, nhưng đi lại với các bạn chí cốt thời sinh viên đem lại một cảm giác khác, cũng hạnh phúc không kém. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi dừng chân ở một quán ăn, và tôi ngạc nhiên khi thấy hai đứa con của Thanh đang đợi sẵn ở đó. Thì ra mấy mẹ con đã hẹn hò với nhau. Đứa con trai dáng dấp bảnh bao y như bố Nghị. Đứa con gái thì có miệng cười thoải mái y như mẹ. Bốn cô nương được con trẻ chăm sóc, chẳng phải bận tâm điều gì. Hai đứa trẻ lăng xăng lo hết mọi chuyện, từ đặt bàn, đến gọi thức ăn, đến cả khâu trả tiền. Vào cuối bữa, hai đứa nhỏ xì xào với nhau điều gì đó rồi dặn các “tata” đợi một chút. Chẳng mấy chốc đã thấy tụi nó xuất hiện lại, trao cho tôi một món quà đặc biệt cho “tata” từ Mỹ qua: một cái T-shirt trắng muốt, kiểu đơn giản mà sang trọng lại đúng size nhỏ xíu của tôi. Chính mẹ Thanh của tụi nó cũng trợn tròn mắt ngạc nhiên vì cái vụ này không có trong “chỉ thị”. 

Sau đó bốn cô nương lại lang thang tiếp, vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện trên cõi đời. Đến tối thì Thanh lại dẫn cả bọn vào một tiệm ăn sang trọng, và có hẹn sẵn giờ để anh Hưng từ nhà Hương đến nhập bọn. Anh Hưng bị kẹt xe đến trễ nên Thanh phải đứng đón ở ngoài tiệm vì sợ anh “lạc” vào tiệm khác. Thực đơn của bữa tối ấy thật linh đình như một cỗ cưới! 

Ngày vui cuối cùng cũng phải chấm dứt. Dù mệt nhoài nhưng vẫn cứ vui hoài. Nghĩ đến những giờ được lang thang và chè chén với nhau là vui quá đi mất! Khi về tới Mỹ, tôi kể chuyện đi ăn tiệm như vậy thì đứa em Út của tôi (vốn có nhiều kinh nghiệm với châu Âu) giật mình thon thót. Nó la thảng thốt:

“Mọi người có hùn tiền với chị Thanh không? Ở châu Âu, đi ăn tiệm mắc kinh khủng. Nếu không thật giàu thì không ăn được!”

Tôi nào biết chuyện này, bèn liền viết thư cho Thanh, tỏ ý áy náy. Thanh không cải chính vụ giá cả đi ăn tiệm mà chỉ xuề xòa nói một câu mơ hồ: “Có gì đâu …” 

Về đến Mỹ rồi, tôi còn viết thư tỏ lòng ái mộ hậu duệ của Thư và Thanh. Thanh đáp lại bằng những lời tâm sự: 


“Gia sản và hạnh phúc của tụi này là sáu đứa con thành công và tự lập. 

Chỉ còn cầu mong sao cho các cháu tiếp tục thành nhân. Không biết mình có được diễm phúc sống tới ngày đó không.” 

Bạn Thư thì vốn nghiêm nghị nên coi chuyện ngoan kinh khủng đó là chuyện ngoan bình thường thôi. Tôi tỏ ý tiếc không được gặp hai đứa con của Lý. Lý khiêm nhượng chỉ nói: “Lần sau đi châu Âu, Khánh nhớ ghé Bỉ thì sẽ gặp con của Lý.” 

Tôi muốn tạm chấm dứt ký sự Âu du ở nốt nhạc lạc quan đầy hứa hẹn này. Hẹn lần sau …

Tôi cũng muốn trở lại với hai chữ Việt Kiều, vốn gợi nhiều điều vui buồn trong lịch sử nước nhà. Một cách khách quan, Việt Kiều là những người Việt Nam, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, bị đưa đẩy ra xứ người. Nhóm Việt Kiều đầu tiên là những thuyền nhân liều mình trốn chạy vì bị đàn áp ở quê nhà. Họ ra đi ngoạn mục và ly kỳ đến nỗi làm rung động thế giới. Sau trào 1, thuyền nhân của trào 2 là những người bị liệt vào nhóm ra đi vì lý do kinh tế, chứ không phải chính trị.  Sau nữa là đợt những người ra đi có trật tự, chính thức và bán chính thức, theo chương trinh HO và ODP. Cuối cùng là chương trình bảo lãnh thân nhân đoàn tụ gia đình. Tất cả những nhóm người ra đi này, khi trở về, đều mang tên “Việt Kiều”. 

Tình cảm của người trong nước dành cho “Việt Kiều” cũng biến chuyển theo thời gian, Thoạt tiên họ được ca ngợi như những thuyền nhân dũng cảm có lập trường chính trị rõ rệt. Kế đó họ được tri ân vì là những kẻ cứu đói gia đình; ngay cả chính quyền cộng sản, dù ban đầu liệt họ vào hạng “phản quốc” cũng âm thầm vui mừng vì số ngoại tệ họ mang về nước. Rồi cũng có khi họ bị miệt thị, mỉa mai; tên họ bị cố tình đọc trại là “Vịt Kiều”; dân gian có khi còn chê bai, chế riễu họ rằng “Việt Kiều bây giờ không giàu bằng Việt Cộng!”

Riêng với tôi, bức tranh Việt Kiều đơn giản và thân ái hơn nhiều. Họ là những người bạn hoặc bà con mà tôi thương mến, những người đã chia sẻ biết bao ngày tháng đẹp thời thơ ấu hoặc thời đi học của tôi. Và tôi vui mừng nhận thấy, khi gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, cái đẹp ấy không những không suy xuyển mà còn có phần thêm đậm đà.

Doãn Kim Khánh

Tháng 6 2017





No comments: