HỌA SĨ DUY THANH- MỘT TRONG TAM TINH CÒN LẠI CỦA NHÓM SÁNG TẠO QUA ĐỜI.
Nhóm Sáng Tạo thưở ban đầu có bảy người: Doăn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thành, Ngọc Dũng, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. Nay còn lại Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp và Duy Thanh.
Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Cuộc di cư của đồng bào Miền Bắc vào năm 1954 đã để lại nhiều dấu ấn cho dân tộc và sự chuyển đổi này đã hình thành những biến cố có tính chất lịch sử, trong đó phải kể đến sự thành lập nhóm Sáng Tạo. Nhóm gồm những sinh viên từ Miền Bắc di cư vào Nam vào thời gian đầu của năm 1954. Họ họp nhau lại trong một tờ báo, và từ tờ báo này những khai phóng và vận động đổi mới văn học đã ra đời, tạo thành một phong trào kêu gọi sáng tác trong tâm thức mới cho rất nhiều văn nghệ sĩ, không những cho thời bấy giờ mà còn kéo dài nhiều năm sau đó.
Trước bối cảnh đó, dăm ba người gốc miền Bắc, miền Trung, miền Nam, tuổi khác nhau trên dưới 30 nhưng không quá cách biệt, vì tình cờ do chiến tranh và cuộc di cư hơn một triệu người nói trên, đã gặp nhau vào một một nơi không định trước là Sài Gòn. , Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền gặp nhau vì cùng hoạt động văn hóa, quen dần nhau qua mấy số báo Lửa Việt, “đồng ý cần có một tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công việc chung” (nhận xét riêng của Thanh Tâm Tuyền). Nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo này. Nhờ đó mà gặp thêm bạn. Mai Thảo, người chưa hề quen biết, gửi đến cho xấp bản thảo Ðêm Giã Từ Hà Nội do anh sáng tác. Gặp Mai Thảo, anh em đông thêm nhiều người mới, với Quách Thoại, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Cung Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên. v.v& cho ra đời tạp chí Sáng Tạo.
Duy Thanh là họa sĩ nổi tiếng ở miền Nam từ những năm 50, không những từ các phòng triển lãm tranh của ông, mà còn qua thơ văn và các cuộc thảo luận về văn học nghệ thuật của ông trên tờ tạp chí Sáng Tạo, trong đó ông là một cây bút có sức sống mãnh liệt, những câu văn mạnh mẽ, những ý kiến cả quyết phát biểu thẳng, những bài thơ tự do tràn lan cảm xúc. Một điểm khác nữa ông còn là người trình bày bìa báo nhà nghề, nếu như có người thắc mắc về hai chữ này, người viết xin nói thêm: trình bày bìa báo, hay trình bày các trang báo là việc không dính dáng gì đế hội họa. Ðó là một ngành một nghề riêng, nếu không tìm hiểu sẽ không thấy được sự khó khăn khi nói đến những đòi hỏi riêng của hai lãnh vực.
Ngày nay với sự phổ thông của máy vi tính, người ta hiểu được dễ dàng rằng một cái bìa, một trang sách, giản dị đến đâu cũng đòi hỏi một sự trình bày, một sự dàn trang tối thiểu cần thiết. Nửa thế kỷ trước ở Việt Nam, các tờ Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi hay các nhà xuất bản Cảo Thơm, Kim Lai, đã là hai tờ tạp chí và hai nhà xuất bản có các ấn phẩm trình bày đẹp với các kiểu chữ thích hợp với các trang chữ, các khoảng cách chỉnh đốn bắt mắt, ấy là nhờ công trình của những nhà trình bày Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, hay những Văn Thanh (trang trí “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia,” giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa và những người khác mà chúng tôi đã không được biết tên tuổi.
Duy Thanh đã có tranh in trên báo chí từ Hà Nội trước 1954, như trên tờ Phổ Thông của Hội Ái Hữu Trường Luật. ông là học trò của họa sư Nguyễn Tiến Chung. Lúc ở Sài Gòn hay Thái Lan ông trình bày các ấn phẩm cho khách hàng nước ngoài, trong có tờ Thế Giới Tự Do của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ.
Họa sĩ Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên. Ông học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Đã từng tham gia triển lãm tại nhà hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội (1954), tại Phòng Triển Lãm Đô Thành và Pháp Văn Đồng Minh Hội (1956,1958,1961). Ông cho rằng mình không ở trong một trường phái hội họa nào, bởi vì nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa. Quan điểm của họa sĩ Duy Thanh về hội họa đã được ông bày tỏ như sau trên tạp ghi “Thảo Luận” do nhà xuất bản Sáng Tạo phát hành vào năm 1965: “Mỗi bức tranh là một trạng thái tâm hồn trong một thời gian nào đó của nhà họa sĩ. Trạng thái đó kết bằng màu sắc, hình thể, đường nét trong thời gian ấy. Cho nên không thể nào có hai bức họa giống nhau dù là do một người vẽ cùng một sự vật hai lần (tôi nói trường hợp nhà nghệ sĩ chân chính). Thành thử họa phẩm nếu có một giá trị hơn các tác phẩm khác như thơ văn là ở chỗ đó. Nó chỉ có một.”
Ly Le
https://www.facebook.com/ly.le.71404?fref=nf&__tn__=%2Cdm-R-R&eid=ARAlS507K9xJInwoTrbCCWE0OM-qwnmE4SGbgC_ZCiit_bO6Um_EV8qwi5ZcBDrWjQWDeOaVwqaBzHaI
Chân dung Doãn Quốc Sỹ dưới nét vẽ Duy Thanh
No comments:
Post a Comment