Apr 17, 2019

KHI MAI HOA KHÔNG PHẢI LÀ HOA MAI







Kinh nghiệm riêng của nhà thơ Đỗ Quý Toàn về đọc thơ...



KHI MAI HOA KHÔNG PHẢI LÀ HOA MAI

Xin kể một kinh nghiệm riêng về đọc thơ để nói rõ hơn về tác động thi vị của cách ghép các từ và cách ngắt câu trong thơ.

Trên một chuyến xe đò Sài Gòn – Bà Rịa tôi đọc lần đầu bài thơ “Thăm chùa Thiền tông” của Nguyễn Du. Hai câu Thực (câu 3 và 4) làm tôi thích thú:

Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung

Tôi hiểu như thế này:

Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng
Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng

Tôi rất yêu những hình ảnh này. Thầy Châu Toàn đi cùng xe với tôi, một người rất nghệ sĩ, kể tôi nghe về ngôi chùa ở ngoại vi thành phố Huế đó, nhưng không nói thêm gì về bài thơ. Mấy năm sau, thầy đã mất, tôi với Châu Văn Thọ có dịp ra Huế, tới chùa Thiền tông đảnh lễ ngài hòa thượng Giác Nhiên. Tôi bồi hồi tưởng nhớ thầy Châu Toàn, vào chánh điện tìm cái chuông thời Cảnh Hưng vẫn còn đó (Cảnh Hưng do quải cựu thời chung), nhìn mấy hàng chữ đề niên hiệu, mấy hàng chữ mà thế kỷ trước Nguyễn Du đã nhìn. Thật là cảm động.

Trong vòng hơn mười năm, tôi vẫn nhớ lại bài thơ, nhất là hai câu Thực. Ở Montréal tôi đọc cho Đinh Ngọc Mô nghe, cũng khoái trá. Chúng tôi đã thử cố dịch bài thơ đó mà chưa bao giờ hài lòng:

Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung

Thế rồi một bữa Mô cho biết cách tôi hiểu hai câu thơ đó là sai. Hắn đã đọc bài thơ cho một nha nho nghe. Cụ Đàm đã trên 80 tuổi, Cụ bảo hai Thực phải đọc như thế này mới đúng:

Cổ-tự-mai / hoa hoàng diệp lý
Tiên-triều-tăng / lão bạch vân trung

Chỗ ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba, và trong hai câu đó tiếng thứ tư là động từ chứ không phải danh từ. Cho nên phải hiểu như sau:

Cây mai ở ngôi chùa cổ nở hoa trong đám lá vàng
Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng

Lúc đó cả một thế giới bị đảo lộn. Chắc sẽ phải thăm chùa Thiền tông lần nữa, đứng đó khấn vái, tạ tội với hương hồn cụ Nguyễn Du. Thế ra con người tài tình đó đã tặng cho tôi một bảo vật, mà tôi chỉ chờn vờn ngắm nghía cái vỏ đựng bên ngoài. Như sờ mó một hòn đá mà không biết bên trong còn có ngọc. Vậy ra mai hoa không phải là hoa cây mai, mà cây mai nở hoa. Tăng lão không phải ông già đi tu mà là vị sư ngả tuổi già. Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển hóa! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Hình ảnh đang đứng yên bỗng rung chuyển. Cái nỗi phù du của con người, của triều đại chánh trị càng thêm thấm thía. Một câu thơ bỗng nối dài bao vòng xoay của trái đất quanh mặt trời. Nếu nhìn từ cõi biến đổi, thì mái tóc đang nhuốm bạc kia là lớp lớp biển dâu. Còn như nếu nhìn bằng con mắt bất biến thì hoa mai năm năm vẫn cứ nở trong cõi lá ngả vàng, có khác chi đâu? Không dùng danh từ mà dùng động từ, Nguyễn Du chẳng cần nhiều lời hùng biện như Tô Đông Pha (Tự kỳ biến giả nhi quán chi… tự kỳ bất biến giả nhi quán chi…)

Thơ của cổ nhân xúc tích và uyên áo, đọc mà không đủ thanh tịnh thì không cảm thấy được bao tình ý, hình ảnh, thật là có tội. Khi đọc “mai hoa” mình đã dùng cái khuôn xáo thông tục hàng ngày để là hoa mai. Cái thói quen ăn xổi ở thì khi dùng ngôn ngữ đã thành cố tật. Thật có tội.

ĐỖ QUÝ TOÀN

No comments: