Sep 25, 2018

LỜI CẦU NGUYỆN CẦN THIẾT


Mấy hôm nay, trên mạng xã hội không ngớt xôn xao bàn tán về sự kiện vào ngày Chủ Nhật 23/09, tại Việt Nam Quốc Tự Quận 10 Sài Gòn, 500 tăng ni đã tổ chức tưởng niệm, cầu siêu cho cố chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhiều ý kiến trên mạng là chế diễu, không đồng tình.

Tin chính thức của trang mạng báo Sài Gòn Giải Phòng ngày 23/10/2018: “Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, chủ lễ tưởng niệm đã ôn lại công đức và những đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Số lượng tăng ni tham gia cầu siêu không có con số chính xác. Nhưng theo hình ảnh chụp được về sự kiện này, chắc chắn không dưới 300 tăng ni đã có mặt tại buổi lễ.

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng online, vào ngày 25/09, có một bài phỏng vấn Hòa Thượng Thích Trí Quảng, ca ngợi công lao của ông Quang, trong đó có đoạn: “…Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi để lại niềm tiếc thương và là mất mát to lớn đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đã có nhiều đóng góp to lớn, có công lao trong việc thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, các tôn giáo để tạo sự đoàn kết toàn dân, sức mạnh của toàn dân tộc. Khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất, tôi và giới tăng ni, đồng bào phật tử TPHCM vô cùng đau buồn về sự mất mát này…” . Trong bài viết này có đoạn kể “…Một đóng góp rất quan trọng của chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật giáo và dân tộc…”, đó là việc ông giúp đúc tượng Phật cho chùa Việt Nam Quốc Tự Quận 10.

Trên nhật báo Người Việt online ngày 23/09 có ghi nhận khi còn sống, ông Quang đã có những sinh hoạt có liên quan đến Phật Giáo. Thí dụ như việc ông đã đi thăm Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ.  Cũng có nguồn tin chưa kiểm chứng nói rằng ông đã cúng cho chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn có giá trị đến hơn 800,000 USD.

Đứng trước những tin tức như vậy, là một Phật tử bình thường, với những kiến thức về Phật Pháp ở mức căn bản, người viết bài này có một số nhận xét như sau:

Một Phật tử thuần thành có khó thể chấp nhận được hình ảnh hằng trăm vị tăng ni cùng tham gia cầu siêu cho một cựu bộ trưởng công an của một chế độ độc tài, công an trị, ở một quốc gia được thế giới văn minh dân chủ biết đến như là một quốc gia thẳng tay đàn áp những tổ chức tôn giáo không tuân theo chế độ. Có thể là vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam dưới sự kiểm soát của nhà nước, cho nên vẫn cần có sự hợp tác nhất định. Việc cử hành một lễ cầu siêu cho ông Quang là chuyện bình thường, nhưng chỉ nên ở một mức độ nào đó có thể chấp nhận. Chứ ở qui mô như những gì đã thấy ở Việt Nam Quốc Tự hôm 23/09- qui mô chỉ nên dành cho những người thực sự có công trạng to lớn với đạo pháp- thì đó là một sự phô trương hình thức quá đáng!

Ông Quang có thực sự là người “đóng góp to lớn cho Phật Giáo” như hòa thượng Thích Trí Quảng đã nói? Qua những gì vị hòa thượng này kể đến trong bài báo, thì việc đúc tượng Phật không phải là một việc làm “công đức to lớn” theo ý nghĩa Phật Pháp. Chùa to, tượng lớn không có nghĩa là Phật Pháp hưng thịnh. Nhìn những gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam, người Phật tử Việt Nam có thể tự chiêm nghiệm điều này. Chùa lớn, đẹp khắp nơi, nhưng đa phần chỉ là nơi để viếng cảnh, đi du lịch. Còn việc Phật tử được nhắc nhở giữ gìn năm giới như thế nào, hay tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật được truyền bá ra sao tại những ngôi chùa to đẹp này lại là một dấu chấm hỏi lớn. Trở lại với “công đức” của ông Trần Đại Quang, hình ảnh mà mọi người còn nhớ rất rõ về “đóng góp” của ông cho Phật Giáo, đó chính là hình ảnh Hòa Thượng THích Không Tánh ngồi khóc dưới đống gạch đổ nát hoang tàn của ngôi chùa Liên Trì bị chính quyền CSVN san bằng ở Thủ Thiêm vào năm 2016. Ông Quang không phải là người trực tiếp ra lệnh. Đinh La Thăng là thủ phạm trực tiếp, nay đã lãnh “quả báo nhãn tiền” là ngồi tù, chỉ hơn một năm sau khi sự kiện đau buồn cho Phật Giáo Việt Nam này. Nhưng ở cương vị chủ tịch nước, nếu thực sự có lòng với đạo pháp, ông Quang hoàn toàn có thể “ đóng góp” bằng cách ngăn cho tội ác tày trời này không xảy ra.

Trong Đạo Phật có dạy “đồ tể buông đao xuống là thành Phật”, hay “bể khổ mênh mông, chỉ cần quay lại là thấy bờ”. Trong quá trình là bộ trưởng công an, Trần Đại Quang được cho là kẻ thù của dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Hơn ai hết, ông là người phải chịu trách nhiệm trong chính sách cho công an CSVN can thiệp vào mọi lãnh vực của cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam, gia tăng sự hiện diện của công an ở khắp nơi, trong đó có cả trong chùa chiền để kiểm soát tôn giáo, từ đó dẫn đến vi phạm nhân quyền trầm trọng. Trong những ngày cuối đời, ông Quang có thực sự “buông đao”, hay “quay đầu lại” với Đạo Pháp? Khó mà chứng minh được điều này! Trên thực tế, trong vai trò chủ tịch nước, ông Quang đã dùng quyền lực tước quốc tịch Việt Nam của giáo sư toán kiêm nhà hoạt động dân chủ Phạm Minh Hoàng, dẫn đến việc giáo sư Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 24/06/2017.

Và nếu thực sự ông Quang chưa quay đầu sám hối, thì việc hàng trăm tăng ni cầu siêu cho ông có tác dụng gì? Đạo Phật dạy rất rõ nghiệp lực của mỗi người phải do chính người đó tự hóa giải. Không có vị Phật nào có thể gánh thay những nghiệp ác mà mình đã làm, nếu chính mình không sám hối thành tâm.

Việc hộ niệm cho ông Quang có thể chỉ mang tính hình thức. Nhưng cũng có thể lời cầu nguyện này có tác dụng, cải hóa được linh hồn ông Quang trong lúc mênh chung. Nhưng điều đó cũng không quan trọng. Hàng chục triệu người Việt chỉ mong rằng những lời cầu nguyện của 500 vị tăng ni đó có thể cải hóa được những lãnh đạo còn sống của CSVN để cho họ cải tà qui chánh, để đất nước này sớm có được cảnh quốc thái, dân an. Đó mới thực sự là lời cầu nguyện cần thiết.

Chân Tâm

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

No comments: