Doãn Quốc Sỹ qua nét vẽ Đinh Cường
Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 17 tháng 2 năm 1923. Năm 1946, ông lập gia đình với con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ Thị Thảo. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.
Từng dạy ở nhiều trường trung học công lập và là giáo sư trường Đại học Sư Phạm, Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một khuôn mặt văn chương hàng đầu của hai mươi năm văn học Miền Nam. Ông là một cây bút chủ lực trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo và cũng là giám đốc nhà xuất bản cùng tên đã giới thiệu được nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều cây bút tài hoa có khả năng.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966)…Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng “Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nganhư Chiến tranh và Hòa bình” trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và “có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ chiếm được miền Nam”
Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng Sản giam cầm nhiều lần vì tội “viết văn chống phá cách mạng”, tổng cộng là 14 năm. Ông có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang… Ông được phép di cư sang Hoa Kỳ năm 1995. Hiện nay ông sống tại miền Nam California. Sau đây là một vài cảm nghĩ của nhà thơ Đỗ Quý Toàn về Doãn Quốc Sỹ.
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
***
Với nhiều người bản xứ, hình như dư âm của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn nên văn chương và văn hóa Việt Nam được đặc biệt chú ý. Tôi có một người bạn người Mỹ gốc Ý, cùng lớp Creating & Writing học viết văn, rất thích thú với văn chương Việt Nam. Một bữa anh khoe với tôi tuyển tập “Vietnam: A Traveler’s Literary Companion” do John Balaban và Nguyễn Quý Ðức chủ biên, và rất đặc biệt chú ý tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ với truyện ngắn “The Stranded Fish” (Con Cá Mắc Cạn). Anh còn khoe đã được dự một cuộc seminar với hai giáo sư Doãn Quốc Sỹ và Lê Hữu Mục tháng 6 năm 1999 tại University St Thomas ở Houston với đề tài “Living Two Cultures: A conference for Vietnamese Americans”. Và anh hỏi tôi một câu: Bạn nghĩ thế nào về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhà văn? Nhà giáo? Một người hoạt động chính trị? Hay một người yêu nước bị chế độ đương thời đày ải khi ở trong nước, và một nhà văn luôn hướng về tương lai ở hải ngoại?…
Có một người đã làm thơ để dường như trả lời giùm cho cá nhân tôi. Những câu thơ gợi ý và lấy từ những nhan đề của tác phẩm mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết trong suốt hơn một nửa thế kỷ cầm bút:
“Dòng sông định mệnh”, thiên thu
“Sầu mây” còn đỉnh mịt mù dương gian
Nước non mấy nẻo quan san
Lốc quay thời thế gian nan một đời
Ðến .Ði . Ði .Ðến. Ngược xuôi
Quê hương. Ðất lạ. Chỗ ngồi bụi không.
“Khu rừng lau” lửa mênh mông
“U hoài” đâu tiếng bên sông gọi buồn.
Ðường ranh lịch sử mỏi mòn
“Ba sinh” còn tấc “lửa hương” chập chờn
Ngã tư bước rẽ không hồn
Lưu lạc nào để mất còn hoang mang
“Ðàm thoại, độc thoại” từng trang
“Tình yêu thánh hóa” trường gian mấy nguồn
Biển khơi nào rã rêu rong
Ai trăng lụn tưởng nến chong dặm ngoài
“Giữ ngọc” thôi cũng “gìn vàng”
Xót thiên lương với ngỡ ngàng tâm tư
“Vào thiền” giây phút hoại hư
Kiết già ngục tối mắt tù chăm chăm
Trong tâm linh thoảng hương trầm
Trong lênh đênh có lời thầm đinh ninh
Thì thôi,”Mình lại soi mình”
“Dấu chân cát xóa” bóng hình nổi trôi
Người vái tứ phương”, một đời
Hoa thơm ngát để một trời mộng mơ
Kinh vạn quyển thiếu một tờ
Chữ vô tự nẻo mịt mờ muôn năm
Tâm ai vằng vặc trăng rằm
Lời ca dao vẫn tiếng ngâm triệu đời.
Bài thơ đầy những Dòng Sông Ðịnh Mệnh, Sầu Mây, U Hoài, Vào Thiền, Khu Rừng Lau, Ba Sinh Hương Lửa, Tình Yêu Thánh Hóa, Ðàm Thoại Ðộc Thoại, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Mình Lại Soi Mình, Dấu Chân Cát Xóa, Người Vái Tứ Phương, Ði… Và cũng nêu được tính chất riêng của một kẻ sĩ phương Ðông, luôn luôn chân thành và tin tưởng vào cuộc đời ở những khía cạnh nhân bản tốt.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ra và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Như một câu ví von của ông: “Ba sinh hương lửa” thành nhan đề của một tập trong trường thiên Khu Rừng Lau. Các nhân vật đã sống trong thời đại Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt Minh, rồi đảng phái Quốc gia, rồi ở lại kháng chiến, rồi trở về thành phố mà thời ấy gọi là về Tề, bao nhiêu là biến chuyển, bao nhiêu là cảnh bể dâu. Rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, rồi chiến tranh tiếp diễn… Hình như, sống trong thời đại ấy, định mệnh đã đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau và cho đến bây giờ, hàng triệu người lưu lạc xứ người và cuộc chiến vừa qua tới bây giờ vẫn còn hậu quả. Cuộc đời đầy những chuyến ra đi, rời quê Bắc vào Nam, rồi lại phải ra đi lần nữa. Lịch sử toàn là những chia ly tan tác .
Thế mà, ông viết văn trong cái tâm thái ung dung, dù đang trong cảnh tù giam bức bối. Vẫn thái độ tin vào mình, tin vào người, tin ở những điều tốt đẹp của cuộc sống. Ðộc giả khó tìm thấy những lời hằn học, những tâm trạng phẫn nộ. Viết văn, với ông, là một phương cách của “văn dĩ tải đạo”. Viết, như một cách để làm đời sống đẹp tươi thêm…
Những lúc thấy những cảnh tráo trở tàn nhẫn của người đời với nhau, tôi lại giở những “Gìn Vàng Giữ Ngọc”hay “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Ðiều” ra đọc. Những lúc buồn nhớ về quê hương, tưởng tượng ra những Hà Nội, những Sài Gòn, tôi đọc “Dòng Sông Ðịnh Mệnh” để thấy mình tìm lại cái rung động thuở nào khi đọc những câu thơ tả lại cảnh đạp xe theo một tà áo trắng, những câu dễ thương “Em nghèo ta có giàu đâu, Tịch liêu đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ. Hoe đôi mắt em vơ tà áo. Áo trắng boong ảo não hồn trinh. Lòng ta gợn gió ngây tình.Theo em nào biết chúng mình về đâu…” Và khi nào thấy đời sống có một chút gì sương khói, tôi đọc “Sầu Mây”, “Vào Thiền”…
Có người nói rằng văn chương mà mang thời thế làm đề tài thường tuổi thọ không dài bằng những đề tài xoáy sâu vào chân dung con người muôn thuở. Viết về thời thế khó có tác phẩm lớn. Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác. Không có đề tài nào giới hạn cho những tác phẩm lớn. Nếu có tài năng, nhà văn sẽ viết những tác phẩm bất tử bất kỳ đề tài nào. Huống chi, một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt Nam, nếu mô tả những cơn lốc thời cuộc sẽ có biết bao nhiêu chân dung con người điển hình cho những nhân vật tiểu thuyết tuyệt diệu….
Đỗ Quý Toàn
No comments:
Post a Comment