Apr 22, 2018

TIẾNG ĐÀN CỦA KIỀU



Bài nói chuyện của tác giả nhân dịp lễ kỷ niệm huý nhật thứ 152 của thi hào Nguyễn Du, do Đoàn Văn nghệ Thanh niên Sinh viên Học sinh Tiên Rồng tổ chức trại Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên, số 4 Duy Tân Saigon ngày 17-9-72.

Từ đầu đến cuối truyện Kiều, Kiều gẩy đàn cả thẩy năm lần.

Có người giải thích trong tiếng đàn thứ nhất Kiều gẩy cho Kim Trọng nghe bao hàm cả ý nghĩa cuốn truyện.

Khúc đâu Hán Sở chiến trường, 
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
tượng trưng cho thuyết tài mệnh tương đối: 

Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng.
báo hiệu trước cuộc tình duyên trắc trở để sầu hận trong lòng hai người.

Kẻ Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng Lưu thuỷ hai rằng Hành vân.
báo hiệu cuộc đời phiêu bạt như mây trôi nước chảy.

Quá Quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
nói lên sự nhục nhã Kiều sẽ phải chịu đựng khi bị Hồ Tôn Hiến gả cho thổ quan như Vương Tường bị ép gả cho rợ Hồ. 

Cách giải thích nghe ra cũng hợp lý tuy vẫn đượm vẻ khiên cưỡng và tuy chúng ta cũng thừa biết nghệ thuật vốn đã chủ quan, mỗi lần được giải thích lại qua một lần chủ quan nữa.

Song le Đông Tây cổ kim đều vẫn cùng quan niệm:
- Với tiếng đàn mà người ta có thể giao cảm được với thần linh (truyện Lộng Ngọc, Tiêu Lang; truyện Sư Diên, Sư Khoáng, Sư Quyên; truyện chàng Orphée với nàng Euridyce …) thì nghe tiếng đàn đoán trước được đường đi của số mệnh đâu có gì là quá đáng!
- Với tiếng đàn người ta có thể giao cảm với người (truyện Trụ Vương nghe tiếng đàn của Bá Ấp Khảo mà biết Bá Ấp Khảo là tôi trung, bỏ lời sàm tấu của Đát Kỷ truyện Bá Nha, Tử Kỳ; truyện tiếng đàn của Thạch Sanh; truyện tiếng địch Trương Lương …) thì nghe tiếng đàn có thể biết tâm sự của người gẩy đàn cũng là điều hợp lý”

Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,
Khúc tuy chư trọn tình đà thoảng hay. 
(Tỳ bà hành)

Có lẽ chính vì vậy, chính vì hiểu rằng mời người khác đánh đàn là bảo người ta mở cửa ngõ tâm hồn cho mình vào, nên Kim Trọng đã rất dè dặt khi ngỏ ý đó với Kiều:
Chày sương chư nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sờm sỡ chăng.

Và khi được Kiều đáp:
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.

Lúc đó Kim Trọng mới dám nói thực ý định bằng những lời thật trang trọng:
Rằng nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

cùng với cử chỉ trang trọng không kém:
Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.

Sau đó Kim Trọng đã phải thốt ra lời phê bình:
Rằng: “hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào!
So chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người.”

Và Kiều đã trả lời:
Rằng “quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!
Lời vàng vâng lĩnh ý cao,
Hoạ dần dần bớt chút nào được không.”

Lần thứ hai Kiều gẩy đàn vào buổi đêm kia khi đã lĩnh chức Hoa nô ở nhà ả Hoạn.  Tiếng đàn như nhắc nhở lại tiếng đàn đầu tiên báo hiệu kiếp đoạn trường mà nàng để thực sự bị cuốn vào trong. 

Và Hoạn Thư sau khi nghe đàn cũng đã tỏ lòng liên tài:
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.

Rồi đến khi hầu rượu Thúc lang, Hoạn thư ác nghiệt làm cho ra vẻ con ở chủ nhà khác nhau, lại bắt Kiều dở đến nghề chơi mọi ngày.  Đó lần thứ ba Kiều đàn.

Kịp đến khi Từ Hải bị lừa và chết, Hồ Tôn Hiến mở tiệc mừng thắng trận bắt nàng thị yến dưới màn, đó là tiếng đàn thứ tư của Kiều:
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve kêu vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

“Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” của khúc đàn thứ nhất nay đã thành “gió thảm mưa sầu”.  Vết thương lòng của Kiều đi đôi với vết thương có thật: năm đầu ngón tay nhỏ máu.  Tiếng đàn thê lương ảo não đến như vậy thì “ve kêu vượn hót nào tày” thật. Tất cả đã được Kiều giải thích:
Thưa rằng: Bạc Mệnh khúc này,
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.
Cung đàn lựa những ngày xưa,
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.”

Và sau cùng tới đêm tái hợp với chàng Kim, xin quý vị nghe tiếng đàn thứ năm, tiếng đàn cuối cùng của Kiều:
Khúc đâu đầm ấm dương hoà!
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thúc Đế hay mình Đỗ Quyên?
Trong sao châu đỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.

Để phê bình khúc nhạc này, trong Thượng Chi văn tập quyển III, Phạm Quỳnh có viết:
“Cầm đến đàn là gẩy nên tiếng bạc mệnh, cũng như bước chân ra là gặp phải cảnh đoạn trường, đó là cái ngụ ý của tác giả muốn mượn tiếng đàn mà biểu hiện cái thân thế cô Kiều.  Khúc khúc rặt những giọng tiêu tao, kịp cho đến lúc sau cùng, kết cục vì nể lòng người cũ mà phải dở đến ngón đàn xưa, thời tuy có gẩy nên những giọng đầm ấm xuân tình, nhưng rõ là gẩy gượng mà thôi, giọng vui ấy lại thảm hơn mấy mươi lần những giọng thảm khi xưa, cũng như cuộc vui cuối mùa ấy cũng là vui gượng cho khỏi phụ lòng ai, chứ thân thế ấy còn vui sao được nữa?”

Tán đồng ý kiến của nhà học giả họ Phạm, nhiều người đã thốt lên: “Phải, vui thế nào được khi mà thân nàng như cánh hoa tàn, như vầng trăng khuyết; vui thế nào được khi mà thân nàng đã bao năm luân lạc chốn lầu xanh?  Giờ đây ngồi trước người tình năm xưa tuy không cố chấp, nhưng nghĩ lại cuộc đời hoen ố đã qua thì còn lòng dạ nào vui được?  Cái đầm ấm của khúc nhạc chẳng qua là đượm vẻ trầm buồn man mác như gợi lại bao đau khổ đã qua vì thế mà còn có phần thảm hơn mấy tiếng đàn trước.  Tuy nhiên đối với Kim Trọng bấy lâu chỉ mong ước gặp lại Kiều nay đã được toại ý nên chàng thấy cái gì cũng vui, cũng đầm ấm như sự đầm ấm của gia đình chàng.”

Giải thích như trên thực đã tế nhị nhưng suy nghĩ kỹ thấy vẫn không ổn vì ba nguyên cớ sau:

- 1. Nguyên cớ thứ nhất chúng ta thấy cuộc đời Kiều chia làm hai phần rõ rệt mà ranh giới là sông Tiền Đường.  Biết bao vừng trăng lo âu tủi hổ đã theo dõi nàng, nhưng qua sông Tiền Đường nàng đã tìm thấy vừng trăng bát ngát thanh bình:
Một nhà chung chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Chiều dâng hôm sớm mấy lồng trước sau.

Suốt mười lăm năm trường, nàng đã trải qua biết bao thắc mắc thiết tha mỗi khi tưởng nhớ tới quê nhà, qua sông Tiền Đường lòng nàng thảnh thơi như thể sống đâu cũng là quê hương, mọi dục vọng trong tâm hồn như đã bị diệt trừ hết, chỉ còn ánh thiên lý toả hào quang.

Đến tiếng đàn cũng vậy, ngay từ thuở Kiều còn “êm đềm trướng rủ màn che” mà đã:
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Rồi lần thứ nhất gẩy cho người yêu nghe đã khiến “ngọn đèn khi tỏ khi mờ” và chàng Kim phải “khi vò chín khúc khi chau đôi mày.”.  Tiếp đó những lần gẩy đàn sau, tiếng đàn đau đớn biết chừng nào.  Nhưng qua sông Tiền Đường, trong đêm tái hợp, sau khi đã thuyết phục được người tình “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ” thì tiếng đàn của nàng đã đầm ấm dương hoà đến nỗi xoá nhoà được biên giới giữa thực với mộng (Ấy là hồ điệp, hay là Trang sinh), xoá nhoà biên giới giữa sống và chết (Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên), thiết tưởng tiếng đàn đó có phần đầm ấm xuân tình thật, và cuộc vui đó đã vươn tới niềm vui tinh thần muôn vàn cao khiết, chứ chẳng phải là vui gượng.


- 2.  Nguyên cớ thứ hai: Hết thảy tiếng đàn tả trong truyện Kiều, kể cả tiếng đàn của Kim Trọng (Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ …) bao giờ chúng ta cũng thấy có sự thống nhất giữa tiếng đàn với người gẩy đàn, giữa người gẩy đàn với người nghe đàn.  Nếu lần cuối cùng này, tiếng đàn chỉ có bề ngoài đầm ấm xuân tình mà bề trong lại thảm gấp mười những tiếng đàn trước, thì không còn sự thống nhất giữa tiếng đàn với người gảy nữa; tiếng đàn nếu thự sầu thảm mà Kim Trọng lại thốt ra: “Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?” thì lại mất nốt sự thống nhất giữa người gảy đàn với người nghe.

- 3. Nguyên cớ thứ ba: Hãy đem ngay bản văn ra mà phân tách nhân vật.

Buộc lòng phải rời bỏ am mây của Giác Duyên trở về gia nhập đời sống xã hội (theo chàng Kim đến nơi trị nhậm), Kiều biết mình sẽ đương đầu với một thử thắc tối hậu quyết định của định mệnh.  Làm sao tái lập được thế quân bình giữa xuất thế và nhập thế - (nếu chúng ta có thể dùng những chữ đó được) – giữa thái độ an nhiêu tự tại với thái độ đẫm màu nhân bản của người tình sống bên người tình?

Gạt được lời Thuý Vân, gạt được lời chàng Kim, nhưng không gạt được lời cha mẹ, Kiều đành ưng làm lễ thành đôi với chàng Kim, thái độ vô cùng miễn cưỡng:
Hết lời khôn lẽ chối lời,
Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than.

Nàng chỉ còn trông cậy vào thái độ của Kim Trọng trong đêm hợp cẩn, ở đây chúng ta thấy chưa bao giờ Thuý Kiều sử dụng nhiều ngôn ngữ như thế, lời nàng khi thì ray rứt, khi thì cầu khẩn thiết tha.

Để chỉ về mình, nàng dùng những lời thật nặng nề, nào “cái mình bỏ đi”, “mặt dạn, mày dầy khó coi”, nào “hương dưới đất, hoa cuối mùa”, nào “cũng dơ dở nhuốc bày trò” …

Với chàng Kim thì:
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

Hay:
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại dầy cho tan.

Chàng Kim thực cũng muôn phần cao nhã.  Chàng thông cảm với quan điểm của người yêu:
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.

Chàng tự thanh minh:
Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa. 

Chàng chuẩn nhận lời đề nghị của Kiều:
Ai ngờ lại hợp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm. 

Được lời người yêu, thái độ Kiều hối hả thiết tha như người suýt ngã xuống vực, may vớ được cành cây mà leo lên, như người vừa tuột tay suýt làm vỡ một cái gì quý báu, may mà đón kịp.

Hãy coi dáng điệu hối hả của nàng:
Nghe lời sửa áo cài trâm,
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng.

Hãy nghe lời nói hối hả của nàng:
Thân tàn gạn đục khỏi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương tri.
Chở che đùm bọc thiếu gì,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay.

Và niềm vui của hai người hoà hợp:
Thoắt thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết càng say vì tình.
Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chúc chén huỳnh giao hoan.

Sau đó tới tiếng đàn tái hợp.

Căn cứ vào ba nguyên cớ vừa lần lượt trình bày trên tưởng có thể nói: cuộc vui đó không thể là vui gượng mà là cuộc vui đạt tới niềm cao khiết sáng láng của tinh thần.

Còn tiếng đàn có thật sầu khổ gấp mười những tiếng đàn trước?

Nếu Đạm Tiên là bóng của bạc mệnh, thì tiếng đàn của Kiều quả là tiếng nói của bạc mệnh.  Có thể là tiếng đàn có gợn chút dĩ vãng u buồn trong lòng người nghe đàn:
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.

Có thể trong khi đối diện với Kim Trọng, Kiều không quên những đau buồn của mười lăm năm luân lạc, nhưng những hồi ức đó chỉ là những tiếng gió thảng thốt còn vương vấn lại sau bão tố, chúng chỉ làm tăng thêm vẻ đầm ấm, màu nắng vàng trong như hổ phách của ngày vui mới.

Cái tuyệt diệu của ngòi bút Nguyễn Du chính là ở chỗ đã gây được sự liên tưởng khắng khít giữa nỗi vui hiện tại với những chua cay dĩ vãng khiến chúng ta ai đọc tới đoạn này cũng cảm thấy một nỗi buồn man mác, ngậm ngùi cho con người tài sắc như thế mà phải chịu cuộc đời bạc mệnh trong mười lăm năm trường.

Đó là lần lượt năm lần gẩy đàn của Kiều, và chúng tôi đã đặc biệt chú trọng đến tiếng đàn thứ năm của nàng, chứng minh ngược lại với lời Phạm Quỳnh, rằng quả thực tiếng đàn cuối cùng đó, tiếng đàn mà sau đó nàng Kiều cuốn dây để không còn bao giờ động đến nữa, tiếng đàn đó quả thực là đầm ấm dương hoà, phải ánh một tâm hồn thanh thản, đã thực sự đạt được quân bình bằng những đau khổ kinh qua của chính mình.

Doãn Quốc Sỹ



No comments: