Apr 30, 2018




Khánh Doãn

Tôi thấy chiếc lá một buổi chiều vàng se lạnh ngoài công viên. Lúc ấy tôi đang lang thang với ông bố già của mình. Tay tôi đang cầm một tạp chí, một mắt đọc bâng quơ, một mắt nhìn bao quát cảnh vật chung quanh. Chiếc lá đập vào mắt tôi vì hình như nó muốn thế. Lá như vừa rơi từ cây, nhưng có thể nó đã rơi từ lâu vì nó nào chịu chạm đất, Mắt tôi dán vào chiếc lá nhởn nhơ, vờ rơi thẳng, rồi ngoi lên lượn vòng, vòng lớn vòng nhỏ, vòng dứt khoát vòng tần ngần. Ngay trước mặt tôi. Tôi bỗng lạnh toát cả người vì chiếc lá dường như có hồn. Đúng lúc bố già bước lom khom đến gần, tôi gọi:

“Bố nhìn chiếc lá kìa!”

Bố tôi ngẩng nhìn, rồi bình thản tiến tới, tay với bắt lá, buông lá xuống đất rồi chân lập tức đạp lên lá. Chiếc lá không còn nữa. .  “Để nó chóng tái sinh!” ông giải thích. Ông vốn tin vào thuyết luân hồi của nhà Phật.

Sau đó, ông tiếp tục đi lom khom nhặt những cành khô rồi bẻ vụn nó ở khoảnh đất gần đó. Sự bình thản của bố già làm tôi sững sờ. Trong khi tôi cảm nhận sự sống trong chiếc lá đang rơi thì bố già coi nó như một cành khô, cần được giúp để chóng tái sinh. Tôi băn khoăn suy nghĩ vì động tác của ông sao mà dứt khoát thế!

Từ đó tôi quan tâm nhiều đến những chiếc lá rụng. Mỗi chiếc lá rụng như có một tâm sự riêng. Thấy người nào sống với nhiều niềm u uẩn, tự nhiên tôi lại muốn so sánh họ với những chiếc lá rơi.

Vào một buổi chiều tà khác, tôi đi dạo ở một con đường ven biển với hai người bạn Mỹ. Một người vừa quá tuổi hưu nhưng tâm không chịu hưu (lá vàng rơi không chịu chạm đất) nên đã xin và đang làm một công việc sau hưu trí. Người kia vừa trở về từ chiến trường Afghanistan và đang hồi sinh trong đời sinh viên (lá xanh tả tơi đang tự vá ở sân trường đại học).

Tôi đang vui chân rảo bước thì bỗng hai người bạn chậm lại phía sau. Tôi quay lại thì thấy họ dừng lại ở một ghế đá ven đường. Ngồi trên ghế đá là một phụ nữ người Mỹ đứng tuổi. Nhìn cách họ chào nhau bằng những cái ôm, rồi hỏi thăm nhau ân cần, tôi đoán được tình thân của họ với nhau. Anh bạn lớn tuổi giới thiệu tôi với người phụ nữ rồi anh hỏi tôi có vui lòng đi cùng với người ấy về nhà rồi mới quay lại chỗ chúng tôi để xe hay không. Tôi vui lòng nhận lời. Trước khi đi, anh chỉ cho tôi xem chỗ dựa của ghế đá có khắc hai tên: Andrew và Sean Harvell rồi kể rằng đây là tên hai người con trai của bà, người em được điều động đi Iraq rồi tử trận ở Afghanistan trong khi người anh sống sót trở về từ chiến trường Afghanistan để cuối cùng chết đuối ở biển Long Beach. Người ta kể rằng đêm hôm ấy anh ta đã ngồi thiền trước khi bơi lần cuối ở biển Long Beach (anh vốn là một Phật tử thuần thành).

Thì ra đây là một bà mẹ khóc con ngay trên ghế đá có khắc tên con mình. Nhìn khuôn mặt hằn nét đau khổ của bà, tôi nghĩ đây là một chiếc lá vàng trời bắt sống để than khóc lá xanh. Cảnh này đầy rẫy trong lịch sử VN và vẫn còn đọng lại trong câu ca dao:

Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời.

Trên đường đi, tôi hơi giữ khoảng cách để ba người Mỹ tiếp tục câu chuyện đang dở dang. Đến trước khu nhà của người mẹ, bà mời vào uống trà. Người bạn lại hỏi tôi có bằng lòng vào một chút không. Tôi vẫn vui vẻ nhận lời, không ngờ  “một chút” ấy cuối cùng kéo thành cả tiếng đồng hồ. Trong một tiếng đồng hồ, bà kể lể về hai đứa con trai của mình. Bà là một người mẹ độc thân, đã một mình nuôi hai đứa con trai. Thằng em, Andrew, có óc hài hước luôn được bạn bè tán thưởng vì nó có tài làm ai đang muốn khóc cũng phải cười. Ngoài chiến trận, nó được mệnh danh là người lính có trái tim sư tử. Tử trận vào năm 26 tuổi, nó đã là chồng và cha của hai đứa con. Thằng anh, Sean, khi qua đời vào năm 33 tuổi, đang là “gà trống” nuôi một đứa con gái. Bà kể hồi Sean học trung học, bà thường xuyên bị nhà trường gọi đến “mắng vốn” vì thằng con vô kỷ luật. Trên chiến trường, các chiến hữu kể rằng nó cuồng nhiệt như một trận cháy rừng. Ngày giải ngũ, nó về quê nhà Long Beach và nghênh ngang cưỡi chiếc mô tô nó tự ráp, đi cùng trời cuối đất. Nghênh ngang như nó, chiến trường phải buông tha! Vậy mà sóng nước Long Beach không tha. Khi anh bạn Mỹ báo cho tôi biết tin Sean chết đuối, tôi sững người. Không lẽ anh không biết bơi?

 “Sean bơi rất giỏi,” bạn tôi khẳng định, “nhưng anh hay bị chứng co giật, hậu quả của nhiều năm ngoài chiến trận. Đêm hôm ấy anh bị co giật trong khi bơi không xa bờ lắm.

Từ giã bà mẹ, chúng tôi ra về, lòng buồn vời vợi. Giọng kể chuyện thẫn thờ của bà và những thớ thịt sụp trên khuôn mặt bà đã vẽ nên một cuộc đời đau thương. Bà là hiện thân của sự đau thương.  Cha của hai đứa con bà không nhìn chúng. Cuộc đời của tụi nó bà không định đoạt được.

Ngày nay người mẹ độc thân và không con sống một mình trong một căn phòng thuê ảm đạm. Tuy nhiên,  hình ảnh của bà trong tâm tôi không gắn liền với căn phòng ấy, mà gắn với ghế đá trên bờ biển Long Beach có khắc tên hai đứa con trai chết trẻ của bà. Đó là hình ảnh một chiếc lá vàng còn thở ngồi thương tiếc hai chiếc lá xanh đã bị khói lửa và sông nước cuốn đi.

Trời hay chăng trời?

Tôi tự hỏi nếu bà hiện thân thành một chiếc lá vàng bay vật vờ trước mặt bố tôi, thì liệu ông Thiền Sư Bố của tôi có đủ huệ nhãn để với tay bắt chiếc lá vàng, rồi đạp nó dưới chân? Chiếc lá vàng này cũng rất cần được tái sinh.

Feb 26, 2018.

No comments: