Sep 25, 2017

KINH ĐÔ ÁNH SÁNG





Paris 2017

Cả 6 năm rồi tôi mới quay lại thành phố Paris , lần trước tôi đi là đi dự tang lễ người cha của thằng bạn thân- Phong Thái. Lần đó tôi chỉ ở Paris vài tiếng rồi đi thẳng xuống thành phố Strasbourg, rồi vài tiếng có mặt tại nghĩa trang và chùa Việt Nam là tôi về lại London . Chưa bao giờ tôi ở Paris quá ngắn ngủi như vậy.

Lần này trở lại Paris tính ra cũng trên 60 lần tôi đến kinh đô ánh sáng này, tuy nhiên tôi vẫn thấy là chưa hiểu biết hoàn toàn về Paris vì có những nơi tôi vẫn chưa tới được, chẳng hạn nghĩa trang Père-Lachaise nơi chôn cất nhiều người nổi tiếng như thi sĩ Fontaine, nhà toán học Fourier , nhạc sĩ vĩ đại người Ba Lan là Chopin , còn cận đại là nhà văn Oscar Wilde , tôi vẫn thích câu nói của ông khi đi qua hải quan của Hoa Kỳ trong chuyến đi thăm New York là người nhân viên hỏi ông có gì khai báo không thì ông trả lời là “ I have nothing to declare except my genius, tạm dịch Tôi không có gì khai báo ngoại trừ sự thông thái của tôi”. Thêm nữa tôi muốn xem ngôi mộ của ca sĩ nhạc Rock Jim Morrison của ban nhạc The Doors , ông mất vào năm 1971 tại Paris, cho đến nay cái chết và an táng ông vẫn bị thắc mắc là quá bí mật.

Chuyến này đi Paris làm hướng dẫn viên cho nhóm bạn từ Việt Nam , trong đó có bạn Chính và Thu học chung với tôi từ thưở bé. Còn hai bạn Phương và Thanh là bạn học của Chính và Thu ở cấp 3. Tất cả các bạn chưa bao giờ đến Paris nên việc dắt đoàn rất dễ dàng vì đi tới bất cứ thắng cảnh nào cũng là mới đối với các bạn.

Xem hành trình của Chính đưa là 5 giờ chiều chuyến Vietnam Airline sẽ đáp xuống phi trường Charles de gaulle và tôi sẽ đi đón các bạn. Vậy hay nhất tôi qua Paris sớm , nhận chìa khoá chỗ ở , để hành lý tại đó là tà tà đi xe điện ra đón các bạn.

Phải nói bây giờ xe lửa London – Paris quá tiện lợi , chỉ mất khoảng 2 tiếng 30 phút cho tuyến đường 344 km. Nhờ đường hầm xuyên biển nên mới giảm thời gian nhiều như vậy, chứ 30 năm trước , xe lửa tốc độ chạy chậm hơn chỉ hơn 50 km một giờ , rồi 2 tiếng ngồi phà, mỗi lần đi Paris là mất hết 8 tiếng. Khi nhìn kỳ công xây cất của người Anh và người Pháp hoàn tất công trình xuyên biển , tôi không hiểu nổi sao họ hay đến mức độ mỗi người đào hầm một đầu , khi gặp mặt nhau mà xê xích không đáng kể. Chỉ có đều kinh tế nước Anh vẫn trong tình trạng bết bát nhất là từ năm ngoái sau cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi liên hiệp Châu âu , trong những năm sắp tới thì tình hình thấy càng không sáng sủa. Trước kia đi Pháp, mỗi lần đổi tiền qua đồng Euro , tôi nhận £1 = 1.50 Euro , giờ may mắn lắm là được 1.13 Euro , còn gặp nơi cắt cổ là £1 được 90 cent. Tuy nhiên 4 bạn tại Việt Nam họ rất dễ thương họ nhất định không cho tôi chia phần vé xe, tiền thuê chỗ ở, tiền ăn và tiền mua vé vào thăm một số thắng cảnh. Tôi phải nói các bạn quá tốt và lo lắng cho tôi.

Ở Pháp tôi cũng biết một vài bạn học ngày xưa học tại trường Sư Phạm Thực Hành nhưng giờ hai bạn thân đã rời Paris qua Bắc Mỹ định cư. Còn lại bạn Trí, tôi có báo cho Trí là tôi đến Paris, ngoài ra có một bất ngờ là bạn Thu trước kia cũng ở Paris, nhưng lên xe bông về nhà chồng bên Mỹ thì có về thăm gia đình tại Pháp, rất tiếc thời gian quá gấp nên không thể hẹn Thu một buổi ăn tối hoặc cà phê tại Paris.

Xe đến Paris khoảng 1 giờ trưa , đến 3 giờ tôi mới nhận được chìa khoá vào nhà. Tôi loay hoay ngoài nhà ga tìm cách mua vé xe đi lại trong vòng 4 ngày cho tôi và các bạn. May là bây giờ dân Pháp chịu nói tiếng Anh với khách du lịch , chứ trước kia biết mà chỉ nhất định nói tiếng Pháp, họ chỉ nói tiếng Anh khi mình chịu chào bằng một câu tiếng Pháp là Bonjour vì cho là tại sao vào xứ họ mà không cố học một chữ Pháp. Kể ra giờ dân Pháp chịu nói tiếng Anh vì dân du lịch tới quá đông, nhất là dân Trung quốc, đi trong Garge de Nord còn thấy một vài tấm bảng viết chữ Hoa như chỉ đi Toilet. Ngoài ga có tiếng loa hướng dẫn là Anh và Pháp. Tôi xuống quày mua vé , tính chào Bonjour , vừa phát chữ Bon xong là con bé bán vé nói một tràng tiếng Anh liền, thế là tôi được tường tận giải thích cách mua vé xe metro và RER di chuyển tại Paris. Sau đó tôi phải đi tìm một cái gì ăn , nếu xuống quận 13 ăn tô phở thì cảm thấy làm biếng quá, thôi đi vòng vòng xem có gì ăn được thì thấy một quán ăn cơm Tàu bán theo kiểu thức ăn bày trong hộp, muốn ăn gì cứ chỉ là họ lấy thức ăn nhưng cách bán y như là cân ký, chẳng hạn muốn ăn cơm chiên , mình nói cho hộp trung bình , họ bỏ vào hộp , rồi cân ra bao nhiêu gram thì hiện ra luôn số tiền, rồi chỉ thịt bò chiên họ cũng làm vậy, hộp rau họ cũng làm vậy… Xem ra họ tính tiền luôn từng hạt cơm , chạy không thoát, mà làm kiểu này thì biết giá cả thế nào rồi. Tôi gọi một hộp cơm chiên, một hộp thịt bò chiên và rau , thêm lon coca. Sau khi cân thức ăn giá là 16 euro, tôi cũng chóng mặt với cái giá trên trời nhưng thôi hàng ăn ngoài nhà ga hay phi trường thì chẳng có gì hợp lý cả. Có đều thịt bò chiên dở thiệt ăn được nửa hộp phải bỏ. Một điều mới học hỏi là thức ăn bán cân kí , kể ra người tàu hay thật.

Khi nhận chỗ ở thì bạn Trí tới thăm tôi, Trí nhiệt tình muốn đi đón các bạn Việt Nam tại phi trường , tôi cũng hơi ngại vì Trí chỉ biết thầy Chính, thêm nữa chiếc BMW của Trí chỉ chở được 4 bạn , tôi mới có ý kiến với Trí là ra ngoài đó Trí chở hết hành lý cho các bạn, thầy Chính ngồi về cùng với Trí , còn tôi cùng ba bạn nữ đi về bằng xe RER và xe Metro.

27 năm về trước cũng vào tháng 9 , tôi đã ra phi trường Charles de gaulle để ra đón bạn Minh Duy ( cũng là dân SPTH) từ bên Hoa Kỳ qua Paris chơi. Một trùng hợp nữa là tôi theo Duy đi về nhà một người quen ăn cơm Tàu gần quận 18 (nơi tôi tá túc cùng với các bạn VN). Bây giờ phi trường De Gaulle quá đẹp mà phải nói kiến trúc hơn phi trường Heathrow bên Anh và một số phi trường tại Châu âu. Vì chỗ lấy hành lý họ xây các cánh cửa kính , người đi đón nhìn được thân nhân hay bạn bè đang đợi lấy hành lý, hai bên nhìn thấy nhau, người đến có thể tới sát cửa kính nhìn mặt người đón, hai bên cùng cười nhưng không thể nói chuyện qua cánh cửa kính cách ly. Sau đó người đón có thể đi song song ra cửa bên ngoài.

Đêm đầu tiên của các bạn tại Paris , mưa tầm tả nên tôi không thể đưa Thầy Chính đến khung cảnh đèn màu của Paris được, tới xem Moulin Rouge là (trong tiếng Pháp có nghĩa là "cối xay gió đỏ") là một tiệm hát (cabaret) nổi tiếng của Paris, được xây dựng năm 1889 bởi Joseph Oller. Nó nằm trong khu phố Pigalle, một "khu đèn đỏ" của Paris, trên Đại lộ Clichy, gần với đồi Montmartre.
Từ một trăm năm nay Moulin rouge được cả thế giới biết đến qua hình ảnh chiếc cối xay gió đỏ với các vũ nữ chân dài quyến rũ trong điệu nhảy Cancan nổi tiếng.
Tôi cũng rất muốn tới chụp tấm hình Moulin Rouge về đêm mà vẫn chưa làm được. Còn Pigalle tôi có nhiều kỷ niệm với Thái và Trí.

Nên thế tất cả đi ngủ sớm, riêng tôi thì quá sớm phải lên giường 11 giờ. Còn 4 bạn thì quá muộn vì quen giờ Việt Nam. Tôi tỉnh giấc vào lúc 4 giờ sáng thì các bạn đều thức cả rồi, đối với các bạn thì quá trể còn tôi thì quá sớm. Ở cái xứ tây mọi sinh hoạt cũng phải sau 8 giờ , hàng quán mới hoạt động. Tôi đưa ý kiến là sáng mua bánh mì về ăn sáng, rồi mua thêm jambon bỏ vào bánh mì ổ , trưa ăn , để thời gian đi chơi , tối hãy đi ăn tiệm. Ý kiến này được mọi người đồng ý. Tôi và thầy Chính đi mua bánh mì , kể ra cũng hơi kẹt về ngôn ngữ vì những chỗ mình thuê tá túc thì sinh hoạt theo tính cách địa phương rồi, đừng nghĩ mọi người phải biết tiếng Anh. Đi ra mua bánh mì, muốn mua muốn 5 cái croissant mà khả năng đếm tiếng tây của tôi là Un, Deux, Trois và Quatre còn số 5 thì chịu thua , tôi đếm đến 4 , muốn cái thứ 5 mà thằng bán hàng cứ đợi tôi nói , tôi bí quá muốn nói luôn tiếng Việt là cái thứ năm nhưng rồi tôi dơ 5 ngón tay , thằng bán hàng nói oh vậy là Cinq , thế là tôi hoc được số 5.

Thường dắt đoàn đi chơi tại Paris thì mình luôn đưa tới những chỗ quen thuộc, nhưng phải nói 4 bạn từ Việt Nam đi bộ rất là chì , phải nói một số người Việt tại Châu âu và bên khu California, Hoa kỳ sẽ không đi lại 4 bạn này. Các bạn đi được 20 km ( khoảng 15 miles) là điều đáng khen, nhất là các bạn không quen đi bộ. Tất nhiên sẽ đuối sức nhưng vậy là hay lắm.

Trước khi thầy Chính qua đây , tôi dặn thầy đem những thứ lặt vặt như ổ cắm điện nhiều chấu , áo khoác … nhưng lại quên nói chuyện tiền bạc mà chính tôi cũng không nhớ giá trị tờ Euro là lên tới 500 Euro. Thầy Chính được vợ đổi cho 4 tờ 500 Euro. Lúc sang đây đi ăn phở quận 13 , trả tờ 500 thì nhà hàng không nhận vì cho trị giá quá cao. Kể ra 500 Euro cũng lên tới $600 nếu là tiền giả thì sao? Buổi ăn không đến 100 Euro thì quả thật rắc rối. Nên vậy Thầy Chính gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tờ 500 Euro , kể ra 4 tờ cũng khó. Tôi mới nói với Thầy là tới những chỗ mua vé vào thăm thắng cảnh thì hy vọng đổi được hoặc phải đi ngân hàng chính. Khi tới điện Versailles tiêu thụ được tờ 500 euro. Đến buổi chiều đi ăn nhà hàng Tây , thầy mới nghĩ ra kế là để trong bóp duy nhất tờ 500 Euro, đến lúc trả tiền sẽ cho tụi nhà hàng coi là chỉ có 500 euro thôi. Sau bữa ăn ngoài nhà thờ Đức Bà – Paris , thầy Chính để tờ 500 Euro , thằng bồi trả lại ngay nói tiền lớn quá , không có tiền thối. Hỏi có tiền khác không ? thầy Chính giả vờ ngơ ngác đưa bóp ra không còn gì hết. Thằng bồi cũng nói lại liền là đi ra các tiệm gần đây đổi tiền đi . Hai tên chơi tâm lý với nhau , một tên hết tiền, một tên kêu đi đổi tiền.

Tôi mới nói với Thầy Chính xem ra mình không thắng tụi nó vì tụi nó không đuổi mình đi, cứ để mình ngồi lì. Kêu cảnh sát tới thì chẳng thằng nào sai cả. Mình nói hết tiền, nó sẽ nói không đủ tiền thối. Mình nói nhà hàng to như vậy không tiền thối sao? Nó cũng nói 5 người đi chơi cầm toàn tờ 500 euro sao? Ngoài ra sao không trả bằng thẻ tín dụng. Giờ xem ra tụi nhà hàng cho mình ngồi lì, vậy ai thắng ai? Chỉ còn cách tui mình giả vờ gộp tiền lại , trả đúng giá tiền không cho tiền Bo , nếu nó hỏi tiền Bo thì mình kêu nhận tờ 500 euro đi là có Bo, thôi cách đó mình có lời tiền Bo.
Đi ra ngoài thầy Chính cứ lên án xứ Pháp tại sao không xài tờ 500 euro, thật mà nói Thầy than phiền vậy là đúng, nhưng có những cái luật dở hơi của dân chúng đưa ra. Thấy Thầy không vui, tôi đành trêu Thầy là tại Việt Nam khi đổi đô la tờ $100 khác giá khi đưa 5 tờ $20. Rồi viết chữ lên tiền là bị giảm giá đổi. Tiền cũ và tiền rách không nhận. Vậy mỗi nước có luật chơi theo kiểu Luật bất thành Văn. Có điều Thầy Chính giải quyết thêm tờ 500 Euro nữa là trả tiền thuê cái chung cư 3 đêm cho tôi, vì tôi ứng tiền trước. Giờ Thầy nói hết tiền thật, giá thuê là 420 Euro , tôi thối lại 80 Euro , cầm tờ 500 Euro . Tôi sẽ giữ tại đây , khi nào tôi về Việt Nam sẽ đi đổi, không đổi được là Thầy phải đi đổi cho tôi.

Trước khi tới Paris, Thầy Chính hỏi tôi đi 3 ngày có đủ không? Câu trả lời này tuỳ theo mỗi cá nhân. Một người thích Shopping thôi thì 3 ngày quá nhiều. Một người chỉ xem cảnh theo kiểu lướt qua thì 3 ngày vừa đủ. Còn muốn biết Paris tương đối thì 7 ngày , nhưng còn hiểu Paris thì cả một đời sống vì Paris quá nhiều lịch sử , quá nhiều dấu ấn và nhất là những nước thuộc địa có quá nhiều liên can đến Paris. Thành phố Paris cũng nhiều thay đổi về du khách là quá nhiều du khách Trung quốc . Người Việt mình có câu là không nhìn người qua bề ngoài nhưng khi nhìn những nhóm người Trung quốc đi du lịch , tôi cũng rán nhìn qua lịch sự văn minh của họ , rất tiếc tôi chỉ tìm thấy sự học làm sang và học trưởng giả của họ. Ngoài ra một vài hành động thiếu văn minh, nhưng họ đem lợi nhuận đáng kể vậy có nên từ chối chăng ??

Chuyến họp mặt đi chơi chung đã chấm dứt. Giờ 4 bạn bạn đang trên chuyến bay quay về Sài Gòn. Trong tâm tư của các bạn đều có một kỷ niệm. Tôi đoán với các bạn là kỷ niệm khó quên. Riêng tôi là thêm một kỷ niệm đẹp vì trong đời sống của tôi thì thành phố Paris cho tôi quá nhiều kỷ niệm của bạn bè trong trường Sư Phạm Thực Hành và trong đó có 4 bạn. Khi đi qua bến tàu điện Sully Monland, tôi có nói với bạn Chính cái trạm tàu điện này tôi không bao giờ quên được vì bạn Thái đã sống tại đây, không biết bao nhiêu lần tôi đã ghé đây ( ngoài ra Thanh Hương và Minh Trang đã tới đây) . Nên tôi rất khó quên thành phố nay và luôn muốn quay trở lại khi có cơ hội.

Quân





No comments: