Youtube là một kho lưu trữ nhạc vô giá. Những người yêu mến cố nhạc sĩ Phạm Duy có thể vào trang Youtube tên Vanchus, để nghe lại một chương trình lưu diễn của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy từ 40 năm trước trên đất Mỹ. Chuyến lưu diễn này mang tên Hát Trên Đường Tạm Dung, được thực hiện vào mùa xuân năm 1976, tức là chỉ một năm sau ngày Phạm Duy cùng gia đình di tản sang Mỹ. Nghe lại chương trình, nhiều người càng khâm phục Phạm Duy, ngay từ rất sớm đã bắt đầu công việc như là một đại sứ văn hóa cho Người Việt Tị Nạn trên đất Mỹ.
Thành phần tham gia chương trình lưu diễn của gia đình Phạm Duy chỉ gồm có 3 thành viên: Phạm Duy, vợ là Thái Hằng, và con gái là Thái Hiền. Tương tự như một đoàn du ca, họ hát chỉ với một cây đàn thùng. Vậy mà trong khoảng hai tiếng đồng hồ, chương trình âm nhạc này đã gởi thật nhiều thông điệp có giá trị về văn hóa VIệt Nam, về ký ức khó quên của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Buổi trình diễn có thể chia ra thành bốn phần:
Phần đầu giới thiệu những bài dân ca Việt Nam tiêu biểu: https://www.youtube.com/watch?v=Bf1To7ILE7k
Phần thứ nhì là những bài hát nói về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ Miền Nam Tự Do; nói về những mất mát, đau đớn của người Miền Nam, dù đã hy sinh rất nhiều nhưng đã không thể bảo vệ được tổ quốc, nên đã đành phải bỏ nước ra đi: https://www.youtube.com/watch?v=XZchX4A7kAQ
Phần thứ ba là những bài hát viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, do Phạm Duy viết trong thập niên 70 trước ngày mất nước, những bài hát nói lên rất nhiều về tâm hồn, văn hóa của người Việt: https://www.youtube.com/watch?v=v8YzQVOPpZo&spfreload=5
Và sau cùng là phần kết, với ca khúc Việt Nam Việt Nam bất tử, và những ca khúc để cảm ơn nước Mỹ, quê hương mới của người Việt tị nạn, nơi đã cưu mang hàng triệu con người Việt Nam bỏ nước ra đi vì lý tưởng tự do: https://www.youtube.com/watch?v=SZI8VmWGrp8&spfreload=5
Tất cả các ca khúc đều được hát bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.
Có thể nói rằng, sự sắp xếp nội dung như vậy thật là hoàn chỉnh cho một buổi lưu diễn vào năm 1976, với thành phần khán giả bao gồm những người Việt tị nạn vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau cơn chính biến 1975; và một số người Mỹ cũng muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử của cộng đồng người Việt, vừa mới đến sinh sống cùng họ tại địa phương.
Nghe lại buổi trình diễn, những khán giả mến mộ Phạm Duy vẫn còn khám phá thêm nhiều bất ngờ từ người nhạc sĩ tài năng này. Vẫn biết là nhạc sĩ Phạm Duy có thể chơi guitar, và vẫn được giới du ca gọi là “người du ca già của phong trào Du Ca”. Nhưng chỉ với một cây guitar cho cả buổi trình diễn hai giờ đồng hồ, vừa đàn, vừa hát, vừa dẫn chương trình một cách hấp dẫn, lôi cuốn khán giả như Phạm Duy, thì chỉ có một số rất ít huynh trưởng du ca, hay nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể làm được tương tự. Đặc biệt là khi ông tự giới thiệu về những ca khúc của mình, thật là sống động, duyên dáng! Nghe Phạm Duy giới thiệu, khán giả mới hiểu thêm vì sao những ca khúc của Phạm Duy lại hay đến thế. Bởi vì nó được sáng tác bằng cả trái tim, khối óc của một người nghệ sĩ biết sống trọn vẹn, biết yêu-ghét, khóc-cười, vui-buồn một cách tràn đầy.
Buổi trình diễn cũng cho thấy hình ảnh một gia đình âm nhạc đích thực hiếm có của làng âm nhạc Việt Nam. Nữ ca sĩ Thái Hằng, dù nhiều năm trước 1975 đã không còn lên sân khấu, nhưng khi trở lại vẫn hát đầy phong độ cùng chồng và con. Còn nữ ca sĩ Thái Hiền thì hát hay cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Từ giọng hát trong sáng trẻ thơ thời còn trong ban nhạc Dreamers cho đến khi sang hải ngoại, Thái Hiền vẫn là một giọng hát hết sức đặc biệt, với cách phát âm chuẩn mực, và chất giọng mà hiếm có ca sĩ nào cùng thế hệ có thể sánh bằng. Và cách phối hợp hát bè của ban tam ca gia đình này thì rất nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hiện nay không đủ trình độ để hát tương tự!
Nội dung của buổi trình diễn Hát Trên Đường Tạm Dung xứng đáng là một khuôn mẫu cho đến tận ngày hôm nay, cho những ai có ước mong dùng âm nhạc để gìn giữ nền văn hóa Việt tại hải ngoại, để giới thiệu nền văn hóa Việt Nam đến cho giới trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Còn gì hơn khi dùng dân ca để giới thiệu về truyền thống văn hóa của Việt Nam? Những bài dân ca tiêu biểu của ba miền như Qua Cầu Gió Bay, Trống Cơm, Lý Quạ Kêu… được hát bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, với phần phân tích dí dỏm, ngắn gọn về nội dung, nguồn gốc của bài hát. Có nhiều người Việt Nam đã hát bài Lý Quạ Kêu cả trăm lần từ thuở bé thơ, mà không hề biết được ý nghĩa của lời bài này, cho đến khi nghe Phạm Duy phân tích. Đó là tâm tình của một cô dâu miền Nam chất phác về nhà chồng trong đêm tân hôn. Ban ngày thì vẫn còn mắc cở, nhưng sau đêm động phòng “chẳng nọ thời kia” rồi thì… “tối ở quên dìa…”:
Kêu cái mà quạ kêu, kêu cái mà quạ kêu
Quạ kêu nam đáo tắc đáo nữ phòng
Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia
Nay dìa thì mai ở, ban ngày thì mắc cở, tối ở quên dìa
Rằng a i a ta dìa lòng thương nhớ thương…
Quạ kêu nam đáo tắc đáo nữ phòng
Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia
Nay dìa thì mai ở, ban ngày thì mắc cở, tối ở quên dìa
Rằng a i a ta dìa lòng thương nhớ thương…
Để ôn lại lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam, còn gì thấm thía hơn những ca khúc như Kỷ Vật Cho Em (Phạm Duy)… để thấy những mất mát quá lớn của những người lính Miền Nam. Trong một cuộc chiến, người lính phải hy sinh cả thân thể, sinh mạng; nhưng lại không được quyền chiến thắng! Hay là những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn: Gia Tài Của Mẹ, Người Con Gái Việt Nam Da Vàng… để thấy lịch sử chiến tranh tàn nhẫn đã đeo bám dai dẳng vào vận mệnh của đất nước, bởi những kẻ cuồng say chủ nghĩa, hi sinh hàng triệu sinh mạng đồng bào. Nghe mà càng thương cho số phận của những người còn ở lại trong nước Việt Nam. Đã qua gần nửa thế kỷ rồi, mà cả một chính thể hận thù, dối trá, tàn bạo của bên thắng cuộc vẫn chưa hề thay đổi cái nhìn về quá khứ tội ác của mình. Đặc biệt là cách Thái Hiền, Phạm Duy diễn đạt Ca Khúc Da Vàng vẫn có một phong cách độc đáo riêng, không giống với mẫu mực mà Khánh Ly-Trịnh Công Sơn đã tạo dựng trước đó. Thái Hiền hát Ca Khúc Da Vàng theo cách của một người đã ra khỏi cuộc chiến, nên bình thản hơn.
Trong phần ba của chương trình là những bài hát dành cho thế hệ thiếu niên, nhi đồng gốc Việt lớn lên ở Mỹ. Những ca khúc Nữ Ca, Bé Ca của Phạm Duy thật thật là hồn nhiên, nhân ái. Những thiếu nữ gốc Việt sẽ hiểu tâm hồn của người con gái Việt Nam truyền thống hơn qua ca khúc Tuổi Mộng Mơ. Khi ở độ tuổi còn bé 13, 14,15, các cô gái ước mơ được là tiên nữ, được là thi sĩ, là hoa hậu. Nhưng khi đã trưởng thành, giấc mơ của cô gái Việt thật đơn giản, nhưng cao vời:
…Em ước mơ mơ gì, tuổi mười lăm, tuổi mười sáu?
Em ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!...
Em ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!...
Đã 40 năm trôi qua… Nhưng cách mà nhạc sĩ Phạm Duy đã thực hiện chương trình lưu diễn Hát Trên Đường Tạm Dung vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vì nỗi xót thương cho quê hương Việt Nam vẫn còn nguyên. Bởi vì niềm trăn trở nuôi dưỡng những tâm hồn Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn nguyên. Những gì Phạm Duy đã làm vẫn là một hướng đi đúng đắn cho những người muốn nuôi dưỡng nền văn hóa của Người Việt Tự Do khắp nơi trên thế giới…
Hưng Gàn
No comments:
Post a Comment