Sep 25, 2016

7. TÁM VỊ BỒ TÁT - CHỊ KHÁNH - Ngô Thuỳ




Nếu có một ngày nào đó chị Khánh giơ ngón tay trỏ lên tuyên bố rằng:
-               Thuỳ ơi! Chị tìm ra được điểm tựa để bẩy trái đất đi rồi! Nó đây nè!
thì tôi sẽ ngoan ngoãn sẵn sàng tin chị vô điều kiện.  Tại sao vậy? Bởi vì chị Khánh là kẻ hoàn toàn xa lạ với những lời nói trăng nói cuội, với những vụ “nổ bom” để làm thiên hạ chết ngất đi vì ... hết hồn hết vía.  Mỗi điều chị Khánh nói ra đều là một kiến thức đáng tin, vì trước đó chị đã kiểm chứng kỹ càng.  Chưa bao giờ tôi thấy chị “nói đại” để trả lời một điều mình không nhớ rõ.  Và đức tính thận trọng (cũng là tự trọng này) đã là căn bản cho tất cả cuộc sống chị. 

Chị Khánh của tôi – bác Khánh của Tiny – bất kỳ ai nghe vợ chồng tôi nhắc nhở về chị vẫn đinh ninh chị là một con người dễ nể, phi thường, mà đã dễ nể thì phải đạo mạo, chững chạc, và đã là chị của tôi ắt phải già dặn hơn tôi, cao lớn hơn tôi mới được.  Và bây giờ thay vì miêu tả chị, tôi sẽ kể các bạn nghe mẩu chuyện sau đây:

Một buổi sáng, vợ chồng tôi và một cô bé nữa đang ngồi học Anh văn do chị Khánh dạy.  Có một ông khách bệ vệ tay xách cặp da xuất hiện trước cửa.  Ông ta cần gặp một người trong nhà để bàn công việc nhưng người đó đi vắng.  Với tư cách là người lớn nhất nhà lúc đó, chị Khánh đi vội ra cửa để trả lời ông ta:
-               Chào bác, bác tìm M. ạ? Vâng, đúng là nhà M., nhưng em cháu nó đi vắng rồi bác ạ.
Ông khách nghi ngại nhìn chị từ đầu đến chân:
-               Nhưng tôi cần nói chuyện với người lớn trong nhà kia. 

Vừa nói ông vừa nhấn mạnh chữ người lớn và nhìn vào chỗ chúng tôi đang ngồi học.  Thế là nhà tôi phải đứng dậy đi ra để “làm người lớn” thay cho chị Khánh. Câu chuyện xong xuôi, ông khách chưa kịp đi khuất, cả bốn thầy trò chúng tôi cùng phá lên cười như điên.  Tôi bảo:
-               Đúng là ở đây ai cũng có vẻ là người lớn hết, trừ chị Khánh.
Thế là chúng tôi lại cười ròn rã.  Vui thật. 


Lại còn một chuyện khác.  Nhân bàn về việc bác tôi sắp được cho gặp mặt, điều kiện chỉ có bốn người lớn và hai đứa nhỏ.  Tôi tỏ ra tiếc vì chắc chắn không có chỗ cho tôi trong cuộc gặp gỡ đó.  Lập tức cả Hương lẫn nhà tôi đều kêu lên: Dễ mà, em cứ tính chị Khánh và bé Hương làm hai đứa nhỏ được rồi.  Thế là chúng tôi bàn kế giả trang cho chị Khánh.  Xem nào!  Sẽ cho chị mặc áo đầm, tay cầm cây kem, tay kia cầm quả bóng, tóc cột hai đuôi, vừa đi tung tăng vừa cười.  Còn Hương sẽ có nhiệm vụ cầm tay chị, dắt chị đến ngồi một chỗ và dặn: “Nè em Khánh, ngồi yên đây đừng chạy bậy kẻo lạc nha!  Nghe chưa xong kế hoạch của chúng tôi, chị đã cười rũ và trách: “Mấy đứa làm chị có cảm tưởng không phải chị là em bé mà là một bà điên!”

Ngô Thuỳ
(còn tiếp) 

7. TÁM VỊ BỒ TÁT - CHỊ KHÁNH - Ngô Thuỳ




Mà thôi, những giai thoại lý thú về cái vẻ bé bỏng của chị Khánh còn nhiều lắm, hôm nào rảnh mời bạn đến chơi, tôi sẽ kể tiếp cho nghe.  Còn bây giờ tôi sẽ nói cho bạn rõ ở bên trong cái ngoại hình bé nhỏ ấy có những gì.

Hồi còn ở nhà, Thái vẫn thường le lưỡi nói nhỏ với nhà tôi:
-               Ê mày, tao nói thiệt chớ trong nhà này sau bà Thanh ra là bà Khánh đó mày.  Coi bả cười cười nói nói vậy mà lỡ đứa nào làm gì bậy thì đừng có hòng yên với bả.  Bả đã thương là thương hết mình, còn nếu làm cho bả ghét rồi, thỉ khỏi mong bả nhìn tới mặt mày đi.

Riêng tôi, tôi không thấy sợ chị Khánh chút nào.  Chị yêu tôi quá, tôi chỉ việc ngả đầu vào lòng chị mà cười mà khóc, mà nhõng nhẽo cho thoả thích.  Bởi vì đứng trước chị, lương tâm tôi yên ổn, đầu óc tôi thanh thản, mà dù tôi có muốn giả dối hay làm bậy với ánh mắt đó của chị cũng chẳng xong.  Không ai nỡ phụ một tấm lòng yêu thương trìu mến đến như vậy từ đôi mắt ấy. 

Chị có một tấm lòng bao dung đối với cuộc đời.  Chị hiểu được nguyên uỷ của những sự việc khúc mắcc và chậm rãi giải quyết nó bằng cách gỡ dần ra từng manh mối.  Trong đời chị, có lẽ chị chỉ ghét nhất hai hạng: hạng cầm thú thống trị con người, và hạng con người mà thiếu vắng tình cảm thiêng liêng của con người.  Kỳ dư, chị chia đều lòng bao dung lên mọi người mọi vật.  Chị đối xử nhẹ nhõm với mọi người thân và khéo léo hiến tặng họ những cái đáng lẽ mình được hưởng. 


Chị là một trong những người đàn bà có nghị lực và giàu kiên nhẫn.  Chị học cái gì cũng đến nơi đến chốn, đi từ Alfa đến Oméga một cách rành rẽ, chậm rãi, chắc chắn và cương quyết.  Việc học đối với chị là một trong những điều tối thượng.  Học xong chị tha thiết chia xẻ cái biết của mình cho mọi người thân, dù là cả một kho kiến thức về ngoại ngữ hay một mẩu truyện ngắn có ý nghĩa độc đáo.  Thấy ai “dốt nát” (như vợ chồng tôi chẳng hạn), chị rất băn khoăn, thậm chí còn phải đi năn nỉ chúng tôi cố thu xếp giờ học (mặc dù giờ giấc của chị hầu như đều bị choáng hết rồi, thị chị không tính).  Thì giờ của chị được tận dụng một cách hữu ích.  Năm giờ sáng chị thức dậy, giặt đồ cho cả nhà, giúp mẹ dọn dẹp nhà bếp. Ăn sáng qua loa độ nửa chén cơm rang hay tách sữa nhỏ xíu, xong lên chuẩn bị dạy học.  Sáng nào không có giờ dạy, chị dùng thời gian đó để học tiếng Đức.  Xong phần công việc lao tâm đó (mà chị thấy thích thú như một cách giải trí), chị xuống bếp sửa soạn làm cơm.  Buổi trưa trong giờ nghỉ, chị lấy sách ra đọc, hoặc trông nom Tí Ti giúp má Liên.  Buổi chiềuu chị lại đi dạy, có khi đến tối.  Buổi tối chị dùng để tập đàn, nếu có chúng tôi đến thì chị thù tiếp, hoặc có chương trình hoà nhạc nào hay thì chị cùng Hưng, Hương đi xem, hay cô Quý nhắn lên để kể cho nghe bộ truyện hay cô vừa đọc, chị hăng hái rủ Hương đi ngay. Kết thúc một ngày của chị thường là việc đọc sách hoặc nghe radio.  Ngày nào cũng như vậy, trừ ngày Chúa nhật thì có giảm bớt chút đỉnh. 

Ngô Thuỳ
(còn tiếp) 

7. TÁM VỊ BỒ TÁT - CHỊ KHÁNH - Ngô Thuỳ



Tôi nói cuộc đời chị chỉ là sự hiến tặng kẻ khác những gì đáng lẽ mình được hưởng.  Đó không phải chỉ nói để mà nói bởi vì chị đã sống như vậy thật sự.  Ngày tôi mới đến nhà chơi, chị còn đang đi dạy ở Vũng Tàu cách một hay hai tuần mới được về nhà.  Chị đi dạy xa như vậy vì cho rằng trong nhà phải có một người hy sinh đi a thì mới có thể mong người ta “nhẹ tay” với bố.  Sự hy sinh đó của chị thật cao cả nhưng vô ích.  Bố chị được về do sự can thiệp của một quyền hành cụ thể hơn là do hành động hy sinh của chị.  Ngược lại, quyết định đi xa đã đem lại hai cái buồn: gia đình buồn thương chị, và chị buồn nhớ gia đình.  Phải biết chị Khánh rồi mới hiểu chị yêu gia đình đến mức nào.  Có thể nói chị là một phó bản của bác tôi.  Không khí gia đình bao giờ cũng là biển Đông cho chị vẫy vùng thoả thích.  Ở xa về, vật lộn với chuyến xe đò kinh khủng, mà chị vẫn cố lấy vẻ tươi tỉnh tham gia ngay vào những sinh hoạt của chúng tôi.  Chị để ý săn sóc việc học của bé Hương, khích lệ việc sáng tác của Hưng, tốp bớt những đam mê của Vinh-Thái, giúp đỡ chị Liên và săn sóc bác gái tôi, đỡ đần cho người trong việc bếp núc.  Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng lũ nồi niêu soong chảo chúng cũng nhớ chị lắm, vì chỉ cuối tuần khi chị về chúng tôi mới được cọ rửa trắng boong. Biết ý chị, bao giờ mượn được cuộn băng nào hay, chúng tôi (cả nhà) đều để dành đợi chị về cùng nghe.   Có cuốn sách ngoại ngữ nào hay cũng mượn về cho chị đọc.  Phải nhìn chị nằm lim dim tựa và gối của Vinh, chân gác lên thành tủ, say mê nghe nghạc mới cảm thấy thú vị.  Về sau, chị còn cố gắng mở một lớp sinh ngữ cuối tuần huy động cả nhà vào học.  Đúng là mua việc cho mình, thay vì dùng giờ rảnh đó để nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách, hoặc đi chơi.  Chị đáng yêu như vậy nên bao giờ chị đi, mọi người cũng buồn và ai cũng mong chóng đến cuối tuần để được gặp lại chị.  Sinh nhật của ai trót nhằm giữa tuần cũng cố dời đến cuối tuần vì không muốn thiếu chị.  Phần vợ chồng tôi, dù chị chẳng đem từ Vũng Tàu về cái bánh nào, chúng tôi vẫn chung một nỗi mong ngóng với cả nhà, vì lạ lùng thay, chỉ gặp nhau có vài lần mà mấy chị em đã thấy thân thiết vô cùng. 

Ngô Thuỳ 
(còn tiếp)